Thursday, April 30, 2009

LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975

Lý luận - phê bình văn học ở đô thị Miền Nam 1954-1975

Tiến sĩ Trần Hoài Anh

http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=7188

Xã hội đô thị miền Nam từ 1954 - 1975 là một xã hội trộn lẫn nhiều nền văn hóa, trong đó có văn hóa phương Tây và văn hóa Mỹ. Với chủ trương mở cửa du nhập văn hóa nước ngoài một cách tự do, nhiều trường phái triết học, mỹ học, lý luận - phê bình văn học phương Tây đã tràn vào Miền Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống lý luận - phê bình văn học. Lý luận - phê bình văn học ở đô thị Miền Nam đã xuất hiện nhiều trường phái lý luận - phê bình phương Tây như: phân tâm học; chủ nghĩa hiện sinh; mỹ học tiếp nhận; cấu trúc luận; hiện tượng luận... .

Ở một phương diện nào đó, sự tiếp biến các khuynh hướng lý luận - phê bình phương Tây không chỉ tạo nên sự đa dạng của lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam mà còn góp phần làm phong phú và hiện đại hóa lý luận - phê bình văn học dân tộc vốn còn nghèo nàn và lạc hậu so với lý luận - phê bình văn học hiện đại của thế giới. Nói như Nguyên Sa: "Nhìn tổng quát cả một thế kỷ văn chương ta thấy sự giao tiếp với văn học nghệ thuật Tây phương thúc đẩy ta tiếp nhận mau lẹ để tiếp nhận cái khác. Ta như bị thúc đẩy với một tiếng nói không âm thanh: phải đổi thay thật nhanh, phải biến dịch thật mau, cho nên, người này vừa làm xong cổ điển, không đợi những thế kỷ 18 và 19 trôi qua, người kia tiến ngay đến siêu thực, cùng một tác giả có thể nhảy từ tả chân sang siêu thực rồi đến hiện sinh. Và cái sự thay đổi mau lẹ đó, nhìn ở mặt trái nó đáng buồn vì chưa thật là ta, vì còn mang nặng dấu vết này, dấu vết nọ, nhưng nhìn ở mặt phải, nó nói lên sự khao khát đổi thay. Và khi họ đổi thay để bắt kịp những đổi thay của văn học nghệ thuật thế giới, sự khao khát đó sẽ đóng vai động lực của những sáng tạo lớn"

Khi tìm hiểu một nền lý luận - phê bình văn học, không thể không nói đến đội ngũ những người làm lý luận - phê bình. Đây là nhân tố quan trọng nếu không muốn nói là quyết định đến sự hình thành và phát triển của mọi nền lý luận - phê bình văn học.

Có thể nói lý luận - phê bình văn học ở đô thị Miền Nam 1954 - 1975 cũng được tạo nên bởi những nhà lý luận - phê bình không chuyên, họ đến với công việc lý luận - phê bình từ nhiều ngả đường, nhiều thành phần xã hội khác nhau nhưng rẽ ngang vào lãnh địa lý luận - phê bình. Họ nghiên cứu, biên soạn, giới thiệu các trường phái lý luận - phê bình của nhiều nước trên thế giới, đồng thời ứng dụng lý thuyết của các trường phái này vào phê bình văn học. Đó là những nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, nhà báo như: Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng, Lê Tuyên, Đỗ Long Vân, Đặng Phùng Quân, Lữ Phương, Nguyên Sa, Võ Phiến, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Hiến Lê, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Vũ Hạnh, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Lê Huy Oanh, Nguyễn Tấn Long, Trần Tuấn Kiệt, Cao Thế Dung, Đặng Tiến, Tam Ích, Thế Phong, Nguyễn Xuân Hoàng, Tạ Tỵ, Nguyễn Sỹ Tế, Huỳnh Phan Anh, Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Đình Tuyến, Uyên Thao, Minh Huy, Cao Huy Khanh... Trong số này có những người từng du học ở nước ngoài, chủ yếu là ở Pháp. Chính họ là bộ phận nòng cốt của đội ngũ lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam, là những người có công giới thiệu các trường phái lý luận - phê bình văn học phương Tây vào miền Nam như Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng, Trần Thái Đỉnh, Lê Tuyên, Đỗ Long Vân, Trần Thiện Đạo, Trần Bích Lan... Lữ Phương khi nói về thực trạng lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam cũng nhận xét "chúng ta không có những nhà phê bình chuyên nghiệp đáng tin cậy và điều kiện sinh hoạt văn học hiện tại của ta đã không đủ yếu tố để tạo nên những người như vậy".

Không có những nhà lý luận - phê bình chuyên nghiệp, theo nghĩa thuần túy làm công việc lý luận - phê bình nhưng không vì thế những công trình lý luận - phê bình của họ lại thiếu tính chuyên nghiệp. Ngược lại, với những gì họ viết ra trong các công trình nghiên cứu của mình thật sự đó là những tác phẩm lý luận - phê bình đúng nghĩa, có tính khoa học, có giá trị cả về lý luận lẫn thực tiễn. Bởi những tác phẩm này được xây dựng trên một cơ sở lý thuyết rõ ràng, không phải là những suy luận chủ quan, cảm tính theo kiểu phê bình nghiệp dư. Trong đội ngũ những nhà lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam , có thể nói Nguyễn Văn Trung là một trong những nhà lý luận - phê bình văn học "có tầm ảnh hưởng lớn". Bởi theo Nguyễn Trọng Văn ông là người "có công trong việc giới thiệu những trào lưu tư tưởng mới của phương Tây với độc giả Việt Nam. Những triết gia, những tư tưởng gia, những văn nghệ sĩ cùng những chuyển biến văn học, triết học quan trọng ở ngoại quốc thường được ông trình bày, giới thiệu một cách gọn gàng, mạch lạc"

Sau 1963, khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ kéo theo sự tan rã của chủ nghĩa "cần lạo nhân vị" thì chủ nghĩa hiện sinh đã trở thành một trong những hệ tư tưởng chi phối đời sống chính trị xã hội ở đô thị miền Nam. Lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam cũng bước sang một trang sử mới. Nhiều trường phái triết học, mỹ học, lý luận - phê bình văn học khác của phương Tây cũng được giới thiệu khá rầm rộ như: Hiện tượng học, Cấu trúc luận, Mỹ học tiếp nhận, Trường phái hình thức Nga, Phê bình mới... Và từ đây lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam đã phát triển với nhịp độ khá nhanh trên cả bình diện phẩm và lượng. Hàng loạt các bài viết về những trào lưu tư tưởng phương Tây được tập trung giới thiệu như: "Quan niệm cơ cấu trong các khoa học nhân văn" (Bách khoa từ 126 - 271/1968); "Thuyết cơ cấu và phê bình văn học" (Bách khoa số 289 - 294/1969) của Trần Thái Đỉnh; "Tìm hiểu cơ cấu luận như một phương pháp, một tiểu thuyết và đặt vấn đề tiếp thu" (Bách khoa số 293 - 294/1969) của Nguyễn Văn Trung; "Lịch sử của cảm giác buồn nôn trong văn chương Tây phương hiện đại" của Hoàng Văn Đức (Văn số 2/1964); "J.P.Sartre thân thế và sự nghiệp" của Trần Thiện Đạo (Văn số 31/1965); "Phấn đấu cho một nền tiểu thuyết mới" của Alain Robbe - Grillet, do Trần Thiện Đạo dịch và giới thiệu (Văn số 33/1965); "Những vấn đề của văn nghệ phương Tây hiện đại" của Triều Sơn (Văn số 34/1965); "Văn chương là gì?" của J.P.Sartre, do Nguyễn Minh Hoàng dịch và giới thiệu (Văn số 56- 65/1966); “Tìm hiểu thuyết cơ cấu” của Trần Thiện Đạo (Văn học số 2/ 1967); “Phân tâm học và thiền” của Chơn Hạnh (Tư tưởng số 1/1967); “Thời gian qua Kant, Hegel và Husserl” (Tư tưởng 4,5/1968); “Triết học hiện sinh và chính trị” của Trần Thái Đỉnh (Bách khoa số 264/1968); “Sartre trong đời sống” của Nguyễn Văn Trung (Bách khoa số 267-268/1968); “Samuel Beckett và thẩm quyền của ngôn ngữ” của Huỳnh Phan Anh (Khởi hành số 29/1969); “Nietzsche và Mật Tông” của Ngô Trọng Anh (Tư tưởng số 5/1970); “Phê bình mới, phê bình cũ” của Nguyễn Văn Trung (Bách khoa số 381/1972)... Và rất nhiều công trình lý luận - phê bình văn học có giá trị như Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương (1966), Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung (1967) của Đỗ Long Vân; Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết (1965), Ngôn ngữ thân xác (1967), Lược khảo văn học 2 (1966), Lược khảo văn học 3 (1968) của Nguyễn Văn Trung; Một bông hồng cho văn nghệ (1967) của Nguyên Sa; Mấy vấn đề văn nghệ (1967) của Lữ Phương; Ý Văn 1 (1967), Văn nghệ và phê bình (1969) của Tam Ích; Tạp bút -tiểu luận (1969) của Võ Phiến; Đọc lại truyện Kiều (1966); Tìm hiểu văn nghệ (1970) của Vũ Hạnh; Vũ trụ thơ (1972) của Đặng Tiến; Văn chương và kinh nghiệm hư vô (1968), Đi tìm tác phẩm văn chương (1972), Duyên Anh tuổi trẻ mộng và thực (1972) của Huỳnh Phan Anh; Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (1970) của Phạm Công Thiện; Dư vang nghệ thuật (1971) của Trần Nhựt Tân; Thơ Việt Nam hiện đại (1969), các nhà văn nữ Việt Nam 1900-1970 (1973) của Uyên Thao; Mười khuôn mặt văn nghệ (1970), Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay (1972) của Tạ Tỵ; Văn học và tiểu thuyết (1973) của Doãn Quốc Sỹ; Thẩm mỹ học thông khảo (1974) của Nguyễn Văn Xung; Văn học và ngữ học (1974) của Bùi Đức Tịnh; Triết học và văn chương (1974) của Đặng Phùng Quân...

Không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các học thuyết, các trào lưu tư tưởng nước ngoài, các nhà lý luận - phê bình còn ứng dụng các lý thuyết đó vào việc tìm hiểu giá trị của các hiện tượng văn học và đã có một số tác phẩm khá thành công như: Lược khảo văn học (3 tập) của Nguyễn Văn Trung; Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày của Lê Tuyên; Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương, Vô kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung của Đỗ Long Vân; Vũ trụ thơ của Đặng Tiến; Văn chương và kinh nghiệm hư vô, Đi tìm tác phẩm văn chương của Huỳnh Phan Anh...

Với việc ứng dụng lý thuyết của các trường phái lý luận - phê bình văn học phương Tây hiện đại như: Phân tâm học; Chủ nghĩa hiện sinh; Cấu trúc luận; Hiện tượng luận; Mỹ học tiếp nhận... vào việc tìm hiểu nhiều hiện tượng văn học, các nhà lý luận - phê bình văn học đô thị miền Nam đã thổi vào đời sống văn học một luồng sinh khí góp phần tạo ra những giá trị mới cho nhiều tác phẩm văn học của dân tộc vốn chỉ được nhìn nhận qua hệ qui chiếu của triết học và mỹ học phương Đông. Có thể nói việc dịch và giới thiệu văn học nước ngoài trong đó có các công trình lý luận - phê bình đã trở thành một trào lưu khá thịnh hành và phát triển ở đô thị miền Nam từ giữa thập niên sáu mươi nên có những nhà xuất bản từ khi mới ra đời đã chủ trương chỉ in sách dịch như nhà xuất bản Giao Điểm. Hoặc như tờ báo Văn "trong hơn 11 năm đã dành ra hơn 90 số đặc biệt cho văn học ngoại quốc.Tức là xấp xỉ 1/3 tổng số báo xuất bản". Và đây cũng là một trong những nhân tố góp phần tạo nên sự phát triển nhanh chóng của văn học đô thị miền Nam trong đó có lý luận - phê bình. Tuy nhiên trong việc ứng dụng các hệ lý thuyết vào phê bình văn học, các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam không vận dụng cứng nhắc một lý thuyết nào mà luôn kết hợp nhiều lý thuyết khi đánh giá các hiện tượng văn học. Bởi theo Tam Ích nếu "nhắm mắt lại mà áp dụng các giáo điều thì đều mắc phải bệnh ấu trĩ cho nhà sáng tác. Rồi đến ấu trĩ cho nhà phê bình cũng theo những nguyên tắc có sẵn mà nói, và ấu trĩ luôn cho độc giả".

Với việc đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt lý luận - phê bình, việc mở rộng giới thiệu nhiều trường phái triết học, mỹ học, lý luận - phê bình văn học phương Tây, sự phát triển của đội ngũ các nhà lý luận - phê bình, đời sống lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 đã có những bước phát triển nhanh chóng. Đó là bức tranh lập thể nhiều sắc màu, là dàn đồng ca nhiều giọng điệu, là bầu trời nhiều vì sao tuy linh động nhưng phức tạp và có những giới hạn nhất định. Không những thế, do chịu sự tác động sâu sắc bởi các biến động của đời sống chính trị xã hội và văn hóa, đặc biệt là ảnh hưởng của lý luận - phê bình văn học phương Tây và cuộc đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc, lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 đã phân hóa thành nhiều khuynh hướng khác nhau. Đó là các khuynh hướng chủ yếu như: khuynh hướng lý luận - phê bình chịu ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng phương Tây; khuynh hướng lý luận - phê bình chịu ảnh hưởng quan điểm Mác-xít và khuynh hướng lý luận - phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng các tôn giáo. Sự phân hóa này phản ánh khá trung thực đời sống lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam. Mặt khác cũng thể hiện sự đa dạng trong việc nhìn nhận, đánh giá các hiện tượng văn học tránh được căn bệnh giản đơn, công thức và tính "đồng phục" trong lý luận - phê bình.

*

* *

Bức tranh văn học Miền Nam vùng tạm chiếm khơng thể thiếu vắng lí luận - phê bình văn học ở đơ thị miền Nam. Nền lý luận - phê bình ấy cũng đan xen những quan điểm, khuynh hướng khác nhau, phản ánh trung thực tình hình văn học đơ thị Miền Nam. Với sự tiếp biến nhiều giá trị lý luận - phê bình văn học của dân tộc và thế giới, trong đĩ nổi bật là lý luận - phê bình văn học phương Tây hiện đại, nền lý luận – phê bình ấy bên cạnh mặt hạn chế đã đạt đến một số thành tựu nhất định. Thiết nghĩ, nó phải có vị trí tương xứng trong nền lý luận - phê bình văn học dân tộc. Đã có một độ lùi thời gian hơn ba mươi năm, từ yêu cầu đổi mới lý luận - phê bình văn học và thực tiễn của việc nghiên cứu văn học, có lẽ đã đến lúc cần phải nghiên cứu một cách thấu đáo, khách quan, khoa học tình hình lý luận - phê bình văn học ở đơ thị miền Nam trong tiến trình vận động, phát triển lý luận - phê bình văn học dân tộc, để khẳng định vai trị của nó trong nền lý luận - phê bình văn học nước nhà. Như thế nền lý luận - phê bình văn học dân tộc sẽ trở nên đa thanh, đa diện, cách tiếp cận đối tượng nghiên cứu được mở rộng hơn đáp ứng nhu cầu đổi mới tư duy lý luận - phê bình văn học dân tộc trong thời kì hội nhập và phát triển.

Bài đã đăng báo Văn nghệ

No comments: