Tuesday, April 28, 2009

ÔCSWR LIỆU QUỐC NỘI và NÊN SỬ HỌC DÂN TỘC CHỦ NGHĨA

Sử Liệu Quốc Nội và Nền Sử Học Dân Tộc Chủ Nghĩa Việt Nam (phần 1)

Tạ Chí Đại Trường

27.04.2009

http://damau.org/archives/5577

Cột trụ sử liệu cổ, trung đại quốc nội và sự cạn kiệt nguồn sử liệu Việt Nam

Một trong những lời phàn nàn có ngay từ trong quá khứ là dân có học biết sử Tàu nhiều hơn sử Ta. Chỉ đích danh “Dân có học,” bởi vì dân thường quê mùa cày cuốc chỉ biết nai lưng kiếm ăn và đóng thuế, chịu đựng hạch xách trên cao mà thôi. Nguyên nhân lệch lạc về kiến thức như trên cũng là dễ hiểu bởi vì người xưa đi học, phải sử dụng chữ Hán với cả một sự tuỳ thuộc vào nền văn minh phương Bắc để đi đến thành đạt. Đi vào quan trường với bao nhiêu trở ngại của câu cú, văn từ, khả năng của hệ thống giáo dục, cuối cùng đến trước giai đoạn tuyển chọn kinh hoàng như đã thấy thì còn đâu sức lực, thì giờ, tâm trí để tìm biết thêm một điều không cần thiết cho lắm? Vì không có nhu cầu nên không có sản phẩm, và rồi tác phẩm lịch sử Việt Nam không nhiều cũng là duyên cớ để người ta không quan tâm, khó biết đến. Đằng khác, sử phẩm không nhiều chỉ vì người có khả năng tạo sản phẩm, nghĩa là những “người có học” kia không chịu bỏ công làm việc… thêm!

(Chân dung Vua Gia Long, người thành lập triều đại nhà Nguyễn)

Chưa vội bàn đến Quốc sử quán triều Nguyễn của thế kỉ XIX, hàng mươi thế kỉ trước chỉ tồn tại có một tập sách tổng hợp của triều đình, in lần đầu ở thế kỉ XVII mà dấu vết độc nhất trong hiện tại cứ được cho là của thời xa xưa ấy để thoả mãn tự ái quốc gia, dân tộc tuy rằng cũng có dấu vết của thế kỉ XIX – hơi giông giống tình trạng bản in 1697 được thú nhận là có mang dạng hình của Ngô Sĩ Liên, Phan Phu Tiên, Lê Văn Hưu cùng những người ta không thể nào biết được. May mắn cho quyển Đại Việt sử kí toàn thư (Toàn thư) khỏi cô độc, thế kỉ XX phát hiện thêm được một bộ sử Việt đời Trần, lạc loài trong tập họp đời Thanh, bộ (Đại) Việt sử lược. Chấm hết.

Lẽ tất nhiên sử học có quyền sử dụng các sách không phải của triều đình, của nhà nước viết, không cần phải xuất hiện trong dạng của chuyên ngành sử. Nhưng ở đây thì lại cũng chỉ có thể kể một vài “chiếc lá mùa thu” không còn hình dạng gốc: Việt điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái, Dư địa chí. Không thể nào biết được mức độ giả, thật lịch sử trong quyển Truyền kì mạn lục vì tính cách phỏng theo sách Trung Hoa của nó, cho nên phía văn học đem bà Ngô Chi Lan làm một tác gia Việt Nam thật cũng phải ngại ngần, bỏ thì thương vương thì tội. Thật ra, nói về sử liệu thì văn chương cũng là sử liệu – ‘Mọi thứ đều là sử liệu,” mượn ý của H.I. Marrou. Tuy nhiên giá như thi sĩ Việt xưa lấy đề tài thi hứng quanh mình thì sử gia còn có thể biết vào thời ông tác giả kia người ta ăn ngủ, cày cuốc, suy nghĩ ra sao, đằng này chỉ thấy trăng hoa tuyết nguyệt, kể cả Tào Tháo, Lưu Bị… diễn giải gián tiếp nhân vật ngoại quốc thêm một lần qua truyện tích diễn nghĩa! Lê Quý Đôn từng chê tính cách phù phiếm của văn chương trường ốc từ thời Lê Thánh Tông mà hẳn không biết rằng tính chất tô chuốc, xưng tụng để cầu danh đó đã thấy ngay từ lúc sớm hơn, với chứng cớ còn lại của loạt bài Phú Con ngựa lá (bọ ngựa) tán dương họ Hồ mở thời mới, cái họ Hồ rủi ro yểu mệnh bị sử quan về sau ghép vào loại “phụ / nhuận triều!” và đến thế kỉ XXI khoa học còn được sắp xếp vào loại “nhân vật có vấn đề (?)”

Bộ Toàn thư trở thành cái xương sống cho các sử gia tư nhân bám vào vẽ vời thêm xương thịt cho các gia phả nhà mình, các địa phương chí của quê hương mình. Cứ mỗi lần thay đổi triều đại, có người vươn lên được trong thời mới hay không thì gia phả lại được tân trang để ghép dòng họ vào một nhân vật lớn, triều đại xưa, sự tân trang nhiều lúc thật lộ liễu, ngớ ngẩn mà có người vẫn tin là thật. Chương trình nghiên cứu gia phả mang tầm mức quốc gia đã công bố những cuốn gia phả của các dòng họ danh tiếng, và gặp các lời nhạo báng : “Chỉ có phần sau là khác, còn khởi đầu thì ai cũng giống ai, ai nấy cũng đều là con cháu vua Hùng, bà con Đinh Lê Lí Trần cả.” Ở các vùng đất, quốc gia khác, người ta dùng những tài liệu không chính thống, riêng lẻ để bù đắp, điều chỉnh quan sử vì tin rằng các bản văn kia chỉ kể những phần riêng biệt của mình, nói lên những khía cạnh khuất lấp của một phần tập đoàn nào đó, ghi lại những chi tiết nằm ngoài vòng quan tâm của trung ương. Thế mà, với trường hợp sử Việt thật đáng thất vọng như khi đọc, ví dụ Hoan Châu kí, thật quá phải dè chừng với sự xuất hiện của những cuốn gia phả cố đeo bám một thời hoàng kim tưởng tượng của dòng họ nhà mình. Và rồi đây sử gia Việt lại còn phải chịu đựng hàng đống núi sách gia phả mới theo với một lớp người sang cả của đà chiến thắng 1975, theo với tiền bạc quốc tế đổ vào.

Không có những “tiếp viện” của tư nhân, và cũng bởi khả năng làm việc, các cuốn sử nhà nước tiếp theo trở nên khô khan, đầy các văn từ hành chính (lệnh chỉ, tuyên xưng mang tính huấn dụ), với những chuyện kể quan cách trồi sụt… như khi Lê Quý Đôn nhận xét về phần sử thời gần ông. Nhưng ông cũng chưa kịp thấy Ngô Thì Sĩ, khi muốn cho phần sách mình sống động, dồi dào hơn thì lại đem chuyện trâu ma rắn thần, đến lúc này, qua thời gian đã trở thành sự kiện lịch sử, vào trong bộ sử của ông ta để rồi nhân đổi đời, ông con Ngô Thì Nhậm, đồng thời với tờ sắc phong Đại Vương cho người cha, đẩy vào kho sách triều đình mới, làm bằng chứng khoả lấp tiếng đời “Sát tứ phụ nhi Thị lang” trong vụ án Canh tí (1782) xưa!

Không tìm được sử liệu bên trong thì tìm viện trợ bên ngoài. Dân nước Việt không phải giữa lưng chừng trời nên ngay từ ngày xưa, các sử quan khi viết về thời ngoại thuộc, trước thời ngoại thuộc, đã sử dụng hầu hết là các bằng chứng từ Trung Hoa. Cũng như ngược lại, tác giả An Nam chí đếm chỉ có ba, bốn ông sứ quân mà vẫn phải theo “Nguỵ kí” ghi đủ 12 ông! Không chút mặc cảm kênh kiệu nào về phương diện thu thập kiến thức. Họ cũng sử dụng sách của một hàng thần đời trước họ, bình thường như sử quan Nguyễn trích dẫn người ấy: Lê Tắc với An Nam chí lược.

Như thế có nghĩa là có đến bốn phần năm lịch sử Việt Nam theo truyền thống triều đại chỉ còn độc một quyển sử để các sử gia ngày nay bám víu mà thôi. Kém thua cả các sử quan thời “phong kiến,” Lê Tắc một thời gian dài gần đây chỉ được nhắc khi cần chửi bới tội bán nước tuy ông ta chỉ là người theo chủ, và tội được nhắc nhở chỉ vì ông ta có một quyển sách nổi tiếng, bởi vì cùng ở địa vị gia thần như ông, có Lê Yến ôm con Trần Ích Tắc chạy nạn mà có ai để ý đến đâu! Không phân biệt được người với sự kiện, tâm tình phe phía với lí trí khoa học, năm 1956, khi ông Trương Bửu Lâm nói đâu đó về việc phải khai thác nguồn sử liệu Việt Nam từ các trang sách Trung Hoa liền bị ông chủ nhiệm tờ nhật báo Tự Do (cũng một ông Cử nhân văn khoa đấy!) dành cho cả trang ba (nên nhớ tờ báo có 4 trang) để mắng mỏ ồ ạt nhiều tháng trời ông Giám đốc Viện Khảo cổ Sài Gòn về tội sử dụng chứng cứ của kẻ thù truyền thống dân tộc! Đây cũng là điều rủi ro cho ông sử gia mới mang bằng cấp Tây về nước, gặp lúc phong trào quần chúng “làm lịch sử” / “bàn lịch sử” dâng cao, chứ ông Hoàng Xuân Hãn viết sách Lí Thường Kiệt có đến hơn 2/3 tổng số trang là của Tống sử và Tống nho, có sao đâu!

Những sự kiện tương tự chứng minh được một điều là dù được tiếp thu, chứng kiến những kĩ thuật tân tiến người ta vẫn không dễ dàng gì dứt bỏ những lề lối suy nghĩ cũ, chưa kể khi chúng xuất hiện có vẻ mới qua những cải đổi có màu sắc khoa học hay được quyền lực vuốt ve bên ngoài, khuất lấp thúc đẩy. Và điều đó đã khiến cho nền sử học Việt Nam trong hơn năm mươi năm qua chưa có thể gọi là mang màu sắc khoa học. Lối thẩm định lịch sử dễ dãi theo thiên kiến quần chúng như trên, nuôi dưỡng một cung cách phát sinh các sử gia từ những công chức về hưu lặp lại thần tích, cổ tích, nói chuyện “huyền sử,” bừa bãi lập thuyết kiểu Việt nho của Lương Kim Định, với những người gọi là “có thiên hướng về sử” như ông già nào đó đã chịu khó viết cả ngàn câu văn vần đem dự Giải thưởng Tổng thống VNCH, hay đứng đắn hơn, là bộ Việt sử tân biên dày cộm của ông Phạm Văn Sơn, bắt nguồn cảm hứng từ biến động của cuộc di cư 1954.

Hai mươi năm VNCH còn giữ được chút yên lành ở các thành phố nên các trường Đại học Sư phạm còn có ban Sử Địa đào tạo các thầy giáo chuyên ngành, cũng gây được hứng khởi về sử Việt dù rằng nội dung giảng dạy vẫn chỉ là khai triển hơn quyển Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim khiến cho kiến thức mới vẫn bị tinh thần dân tộc chủ nghĩa và khuynh hướng thiên tả của thế giới lôi kéo xa hơn khuôn khổ nhà trường của tinh thần công chức phi chính trị ẩn tàng trong quan niệm giáo dục thừa hưởng từ Pháp. Tính chất khoa học được chú trọng hơn ở trường Đại học Văn khoa nhưng sự kết tập của các chứng chỉ Cử nhân chuyên ngành, muộn màng trước biến cố 1975 khiến cho các người tốt nghiệp sau đó hoặc tản mát trên thế giới, không có cơ hội chứng tỏ kiến thức, hoặc phải bị chìm lấp trong nước vì hệ thống quyền bính mới với quan niệm chính trị là thống soái, có tiếng nói của cấp thẩm quyền cao nhất (Tổng bí thư Trường Chinh 1963), đã không thừa nhận sự tồn tại của họ. Cho nên lổ hổng kiến thức lịch sử ở Miền Nam đã phải được bù đắp, dạy dỗ thay thế (với danh nghĩa tốt là “viện trợ”) bằng những tông đồ sử học mới, được đào tạo trong môi trường giáo dục tranh đấu giai cấp, pha trộn với nhiệt tình dân tộc chủ nghĩa để vẫn mang dáng dấp tiếp tục của truyền thống sử quan xưa.

Thế là với cổ sử Việt Nam lại chỉ có quyển Toàn thư. Và khuyết điểm lại được nhân rộng với những “chuyên gia” mới. Nhìn lại, các người viết sử lớp đầu của VN DCCH phần lớn cũng chỉ là những người “ưa thích sử,” hay là những người vì hoạt động chính trị, những người tự phụ đi “làm lịch sử” phải trở thành “người viết sử” chỉ vì bị đẩy ra ngoài quyền bính, không tìm được vị trí nào ở nơi chốn hoạt động mới: Trần Huy Liệu cựu Quốc Dân Đảng, Trần Văn Giàu cựu chúa vùng Nam Bộ. Tất nhiên không nên quên những người của thời Pháp thuộc để lại nhưng họ là số ít, hoặc may mắn lọt vào “mắt xanh” của người cầm quyền mới nên phải xa rời lãnh vực nghiên cứu (Nguyễn Văn Huyên) hoặc bị loại bỏ / bỏ rơi ngay từ đầu (Hoàng Xuân Hãn), hay ráng chút ít về sau, chỉ vì mắc đoạ bởi ảnh hưởng của khuôn khổ thuộc địa cũ, dù là chống đối nó (Đào Duy Anh). Cũng theo những duyên cớ đó mà họ hành động cẩn trọng hơn, co rút hơn (Trần Văn Giáp), không kịp với nhu cầu đòi hỏi của tình thế mới trong một nước độc lập muốn phát triển to lớn những ngành nghiên cứu (trường hợp này là sử học) mang danh nghĩa quốc gia, đồng thời với niềm tự phụ là một bộ phận của quốc tế vô sản. Tình trạng thiếu sót trong cơ sở đào tạo kéo dài đến thế kỉ XXI được ông Phan Huy Lê (PHL) nhắc nhở năm 2003: “… đội ngũ sử học tăng nhanh về số lượng và ngành nghề, nhưng nói chung trình độ còn nhiều hạn chế, nhất là về lí luận và phương pháp luận.” (Tác giả nhấn mạnh).

Ở lớp người mới này, tinh thần khoa học kiểu Descartes đã được chuyển hoá qua thuyết lí chính trị giai cấp nên sự giải thích các biến chuyển được ghép vào khuôn khổ của một tiến trình do các bậc thầy quyền chức vẽ sẵn. Tất nhiên là cũng có những xê dịch tuỳ khả năng thuộc bài hay cố sức thêm chút riêng rẽ của các môn sinh nhưng rõ ràng là nếu chệch đường là có cảnh cáo, đến mức kiến thức bị điều kiện hoá sẽ được tự kiểm duyệt trước, không gây thắc mắc. Thế là ông Marx, ông Lenin, ông Stalin thay thế ông Khổng, ông Mạnh, ông Chu Tử/Hi… thuận tiện cho những giải thích mang tính “dân tộc,” đỡ đần cho các triều đại, các ông vua đầy tai tiếng vì là “phong kiến” nay được trở về trên các sách sử mới. Nghĩa là cũng loay hoay với các trang sách Toàn thư cùng với quá khứ xưa cũ ẩn tàng trong đó. Và chính trong sự nhốn nháo buổi đầu đó, có sự nhiệt tình góp phần cứu nước, loáng thoáng những lập luận mới mang tính Mao hơn là Marx, che giấu những thù hận địa phương, tập đoàn mà phát sinh những bản án kết tội nhân vật lịch sử khó gỡ, không phải vì luận cứ vững chắc mà vì dính dáng đến uy tín, “danh dự” của người cầm quyền vốn chỉ thay đổi thế hệ chứ không khác bản chất.

Tất nhiên người ta cũng thoáng thấy đã vét cạn nguồn tin tức nên phải cổ động nhiều về phương pháp gọi là “liên ngành.” Thế là sử Việt đón nhận thần tích ông Đống ăn ba nong cà mang dạng “anh hùng bộ lạc,” “anh hùng dân tộc,” cùng với thần tích rùa rắn, ma da nữ tướng Hai Bà, nhân vật điện phủ Dương Vân Nga, hay công nhận lời thần phán “tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất…” Họ không biết rằng phương pháp “liên ngành” này đã nằm trong bài học cơ bản về sử học của các nước tư bản, đế quốc. Chúng thuộc vào phần phù trợ cho sử học và tất nhiên vẫn phải được khảo nghiệm nghiêm khắc về mặt chứng liệu trước khi đem ra dùng. Gọi “liên ngành” là cào bằng chính phụ, là sai trái về mặt phương pháp luận, dẫn đến những kết quả không đáng tin cậy.

Đối với các tập đoàn không chữ viết thì các chứng cớ thu thập từ dân tộc học, lời truyền miệng… có thể sử dụng một cách bất đắc dĩ như là sử kiện với tính cách bao quát dè dặt, chứ không thể được ngang nhiên đem vào lịch sử trong trường hợp đã có bằng chứng chữ viết hiện diện – loại này tuy vẫn còn khuyết điểm nhưng lại là bằng cớ khả tín cao nhất trong nhóm. Ví dụ không thể giảng thuyết lung tung, dù viện dẫn chữ nghĩa thông thái, về người anh hùng cứu nước làng Dóng trong khi Việt điện u linh tập năm 1329 nói rõ ở nơi này thờ một ông thổ địa, hiểu rộng ra là một thần linh có khả năng vốn là cây, đá của dân chúng trong vùng, rồi các bản văn có thời điểm nối tiếp sẽ cho thấy ông thần được “sinh sôi nảy nở” như thế nào, không chối cãi được! Không thể vì mê man với cây nỏ thần và câu chuyện tình duyên cay đắng của Mị Châu, không thể vì mối hận bị lường gạt mất nước mà cứ nói Cao Lỗ là tướng tài của An Dương Vương, dù rằng “tên” ông đã được ghi rõ là ĐÁ và vẫn được chuyển hoá trong ý nghĩa đó qua các phong tặng của đời Trần! Ông Hùng Vương không có mặt trong Cáo bình Ngô 1428 thì không thể nào là tổ dân Việt được dù là có hàng chục, hàng trăm con cháu dâu rể nằm trong các đền đài đổ nát hay các building cao nghệu của thời đại đôla. Lối “liên ngành” tưởng đem lại cho các sử gia thời mới một lối thoát, mà chỉ vì không được sử dụng thích đáng lại biến thành một thứ quơ quào chứng liệu, chứng tỏ thêm sự cạn kiệt nguồn tin, ngoài sự khô cạn đầu óc của người làm việc. Cả một tập sách dày cộm Nhà Trần – Con người thời Trần của Viện Sử học và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (Trung tâm UNESCO Thông tin Tư liệu Lịch sử & Văn hoá Việt Nam xb., H. 2004) mà bài vở từ một cuộc hội thảo quốc gia, rốt lại chỉ là sao chép gom góp, xếp đặt lại các thông tin từ Toàn thư là then chốt rồi chép thêm chuyện để mả như là điều kiện tiền định linh nghiệm về một triều đại đã ba lần đánh thắng quân Mông Cổ vang danh!

Cứ xào nấu tư liệu khiến sách xuất bản thật nhiều với những đầu sách khác nhau, mang dáng vẻ công trình nghiêm túc khiến có ông học giả nước ngoài than phiền với sử gia Phan Huy Lê, là ông mua ở Hà Nội khoảng năm mươi quyển “in đẹp, tên rất hấp dẫn” đó rồi về nhà mới té ngửa: phải loại bỏ nhiều, không có gì ghê gớm lắm! Từ Để mả đến Phong thuỷ không xa nên ông Trần Quốc Vượng khai sáng ra thuyết tam tứ giác sông nước, núi đồi… cho các địa điểm lịch sử để các đồ đệ phía Nam, như với Toàn thư, sau khi sao chép Lê Quý Đôn, Trịnh Hoài Đức lại bàn tới các ý niệm địa văn hoá, địa gì gì… của ông thầy. Không tự mình nghĩ ra thì mượn của người khác, như trường hợp vẽ vời thêm thuyết Việt nho của Kim Định, coi như một chiến lợi phẩm thu hoạch sau 1975, không lưu ý rằng một trong những sai lầm của ông huyền sử gia nọ là không biết chữ Hán, người từng giải thích chữ “thuỷ” của Tần Thuỷ Hoàng là “nước” nên vạch hướng cho đồ tử đồ tôn thấy chữ “lạc” / “l-a-c-dấu-nặng” có ở đất nhà Chu liền cho dân Lạc Việt mang DNA lên chiếm làm ông tổ của Tàu!

Tất nhiên là với thời đại mới thì cũng đã xuất hiện những thành quả cụ thể, như trường hợp các công trình khảo cổ học, ở đây không phải chỉ là đóng vai trò phù trợ sử học như trong các giáo trình Tây Phương mà còn muốn là điều kiện làm đảo lộn kiến thức về lịch sử Việt Nam cho tới nay, cho xứng với sự thán phục của cả thế giới đang theo dõi chiến tranh. Không thể coi thường sự cố gắng của một lớp người tin tưởng nhiệt thành với công việc, dưới sự thúc đẩy của một chính quyền bắt đầu ý thức được sức mạnh của mình với những người dưới tay. Thế là có những bằng chứng đào xới từ trong lòng đất, vẽ ra một lịch sử hàng chục vạn năm của những con người-khỉ-vượn có thể kéo dài đến ngày nay qua các tên khoa học mà gợi nên sự tự hào dân tộc, làm nổi bật sự nối kết với Toàn thư về một ông Hùng Vương, có không văn minh lắm thì cũng đủ xa đời như ở các trung tâm cổ đại khác trên thế giới. Có điều, ngoài sự vẽ vời và ước mơ, ông Hùng Vương dù được các học giả cho mang mũ mảng đai hia, cũng không có dạng hình cụ thể mà các lớp đất đào bới hình như cũng cạn kiệt chứng liệu, không lấp đầy các tập Những phát hiện mới về khảo cổ học… hàng năm nếu không có thêm đất “giải phóng” cho các chuyên gia đi đào bới phía Nam. Không phải chỉ không có sự kết hợp giữa thành quả khảo cổ học và thời cổ sử mà ngay với các khai quật có dấu vết thuộc các triều đại cũng không được liên hệ để làm cho quá khứ sáng sủa hơn. Điều này thì ngoài khả năng người làm việc còn có sự xuất hiện của một yếu tố tốt đẹp, quá tốt đẹp nhưng không phải thuộc sử học, đã làm cản trở bước tiến của nó.

Tình yêu nước cao vời và tính khoa học thấp thỏi

Thật ra có một lúc người ta cũng biết sử dụng nguồn thông tin từ sách vở chữ Hán của chính quốc để tiếp sức cho sử liệu Việt Nam, điều đó thấy rõ rệt trong các quyển sử của tập nhóm các sử gia thuộc thế hệ đầu thời độc lập và vẫn còn đang đứng hàng đầu trong ngành hiện nay. Điểm đỉnh là quyển Lịch sử Việt Nam tập I gây được sự chú ý bên ngoài, hiện diện trong một bài phê bình của tờ Foreign Affairs, một phần vì tính cách đại biểu của nó: Xuất hiện dưới danh vị của Uỷ ban Khoa học Xã hội nhà nước. Tuy nhiên, một chừng mực nào đó, cũng giống như tác động sự việc đối với các độc giả tờ Tự Do đã kể, vì mối liên hệ Việt Nam Trung Quốc trong quá khứ không đằm thắm cho lắm cho nên các trích dẫn thư sử phương Bắc vẫn có dáng bất đắc dĩ chỉ vì không thể tìm đâu ra khác (chuyện Hùng, Lạc, Việt) phần nữa, vì các trích dẫn xa xưa không gây tranh luận nhiều ở tính cách xác thực của nó: chuyện cây cỏ thuốc men, lúa má, cung nỏ… mà lại đề cao được quá khứ khu vực, của nơi được coi là cỗi gốc dân tộc, đất nước ngày nay. Cũng vậy, các dẫn giải trong thời các triều đại đã né tránh những xung đột, đổ thừa cho “phong kiến” để có thể nêu các chứng cớ được coi là hào hùng của dân tộc mà không làm mất lòng người Bạn lớn đang yểm trợ hết mình. Nêu chuyện sứ Nguyên nghe tiếng trống đồng thấy rợn tóc gáy hay bạc hết tóc gì đó mà không nghĩ rằng qua các câu thơ kia có tâm tình sợ-mà-khinh của một người tự coi là văn minh đi đến xứ của man di! Không tránh được, cái tâm tình yêu nước đã được các sử gia dân tộc khai thác hết mực, vặn vẹo đủ mọi khía cạnh, gay gắt quy chụp trong một thời gian dài để rồi khi tình hình lắng đọng, phải ngượng ngùng bào chữa thì gặp phản ứng dữ dội của những người giữ gìn “trước sau như một” vì tự ái, vì thói quen tuân phục được đề cao như là sự trung thành đáng hãnh diện.

Tính yêu nước vốn là một xuất hiện tình cảm nên nó mang cả sự dao động, ở một người là sự trồi sụt của tính khí theo với thời gian, hoàn cảnh, ở những người khác nhau thì đó là cách nhìn khác biệt mang tính phe phía được biện minh với tần suất không chừng mực. Vì thế với sử học, nó là hiện tượng, dữ kiện để bàn xét chứ không phải là điểm khởi đầu hay là quy tụ kết thúc cho lập luận.

Thế mà đối với hiện trạng sử học Việt Nam, tình cảm yêu nước được bốc cao đến độ người ta không thấy cái vô lí, cái ngớ ngẩn của lập luận chứng tỏ mọt giai đoạn ấu trĩ của tập đoàn, gần gần giống như tình trạng của đứa bé lấy mình làm trung tâm để xét đoán vũ trụ, thế giới nhân sinh. Lấy vài ví dụ từ một sử gia danh tiếng để thấy lối nói bừa, thiếu thu xếp văn hoa của những người kém cỏi hơn. Thời xa xưa, Hùng Thục đang đánh nhau, gặp lúc Tần đem quân xâm lăng, Hùng liền nhường ngôi cho Thục để cứu nước! Hồ Quý Li thua là vì “không đoàn kết được toàn dân đánh giặc giữ nước” còn Tây Sơn thắng là nhờ có “tinh thần quật cường bất khuất của nhân dân, kết hợp với lòng yêu nước và truyền thống của dân tộc.” Do đó trong tình hình chung thì “nhân dân nhiệt liệt ủng hộ Quang Trung, hăng hái gia nhập quân đội, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc” còn riêng biệt trong trận Ngọc Hồi thì có bằng cớ là “nhân dân đóng góp ván gỗ giúp nghĩa quân” bện rơm ướt che chắn tên đạn lúc xung phong!

(GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN, đề nghị trong một buổi hội thảo tháng 9 năm 2008 rằng các sử gia Việt phải khẳng định công lao của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, đồng thời xét lại những "tội" của triều đại này.)

http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/SLiuQucNivNnSHcDnTcChNghaVitNam_13899/portraitgsphanhuyl_thumb.jpg

Tình cảm yêu nước trong khuôn khổ văn hoá Á Đông được thấm nhuần từ ý thức về một thời hoàng kim Tam Hoàng Ngũ Đế trong lịch sử khiến người ta cố đi tìm một thời đại Hùng Vương với trống đồng “nói mãi không hết” cái hay ho của nó. Tình cảm yêu nước lồng trong sách sử của khu vực văn minh, nơi chốn triều đình khiến người ta ca tụng vai trò cứu nước của ông vua Lê khởi đầu mà không chịu công nhận gốc sắc tộc Mường Thái “kém cỏi”/đáng tủi hổ của ông. Ghép mình với tộc người đa số mà không ý thức rõ, người ta cứ đặt ông Nguyễn Trãi đứng ngay sau ông vua mở nước mà không thấy rằng đương thời, khi tổng kết công lao, ông văn hào này chỉ được xếp vào hạng 8/9 của toán người được bình công. Tình cảm yêu nước lẩn khuất trong sự tự phụ địa phương trên trước, dẫn đến những “hội nghị khoa học” kết tội nhân vật lịch sử mà nay ông Phan Huy Lê vì muốn giải tỏa đã bị đẩy về phía ngụy-bán-nước. Dạng yêu nước đó cũng đã được ông Đỉnh cao Sử học chia xẻ lẫn lộn đến ngày nay trong chừng mực khôi phục Nguyễn mà còn nhớ Quang Trung khi nghe theo lời một ông (chắc là khoa bảng) sinh vật học, nêu chứng cớ về tên Việt Nam đã có trước thời Gia Long, và nhân đó lại sửa bằng chứng xưa, đổi chữ Giáp tí (1804) thành Nhâm tí (1792), gợi ý chuyển sáng kiến đặt tên nước về cho Tây Sơn Nguyễn Huệ! Cái ông Nguyễn Phúc Giác Hải kia rõ ràng đọc chữ theo lối quốc ngữ ngày nay, không chỉ không biết có các chữ Hán gì phía sau chữ “v-i-ê-t-nặng” nọ mà cũng không biết các hệ thống văn pháp Hán, Việt khác nhau ra sao để suy ngẫm về nghĩa các chữ, lại cũng không có dịp được thấy người ta dùng lẫn lộn một cách tự nhiên các chữ viết / hệ thống ấy, cho nên mới thấy các tấm bia có chữ “việt nam” kia liền lật đật kết luận (và để ông PHL phụ hoạ) rằng tên (nước) Việt Nam là “theo cách gọi của nhân dân,” “đã có từ lâu đời!” Tuy nhiên “công đầu” trong vụ này không phải là của ông Giác Hải đâu, hãy lục tìm đâu đó ở các bài viết thời VNCH (nếu không bị đốt mất) sẽ thấy được “phát hiện” nọ.

Bởi vì yếu tố yêu nước được đặt làm tiêu chuẩn đánh giá công trình sử học nên mới có chuyện thiên vị ông Quang Trung ở trên, còn sót lại sau một thời cho ông có công thống nhất đất nước, hết thời ngang ngạnh lại cho ông “mở đầu sự nghiệp thống nhất,” đẩy ông Gia Long vào địa vị thứ yếu, theo đuôi lượm lặt thành quả của người khác. Họ không chịu đọc sách, suy nghĩ để biết rằng nếu không có Nguyễn Hữu Chỉnh thì ông anh hùng kia chỉ đứng trên luỹ Thầy mới đắp lại mà nhìn ra hướng Bắc thôi. Gạt sự kiện sang một bên để cho sự yêu ghét riêng biệt cuốn hút, người ta mới quả quyết rằng việc “Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc chứng tỏ tầm nhìn xa thấy rộng và tấm lòng yêu nước thương dân, ý chí thống nhất đất nước” của ông. Cho nên khó có thể thuyết phục những người mê Nguyễn Huệ kia, là sự nghiệp Tây Sơn tan tành đã có bàn tay Nguyễn Hữu Chỉnh nhúng vào sau những ngày chiếm Phú Xuân đó.

Lại cũng chỉ vì yêu nước phe phía như vậy nên không chịu lối sắp đặt thứ tự Nhạc-Lữ-Huệ của một tên nguỵ, có bằng chứng đàng hoàng, không phải lấy ở CIA mà là của người đương thời, kể cả từ ông Bùi Dương Lịch của bầy choa nữa. Một người đi tiên phong theo lời dạy của ông Trường Chinh, “tác chiến chống bọn sử gia phản động của Miền Nam,” ông Nguyễn Phan Quang làm thầy giáo “viện trợ” sử cho các trường phía Nam, đứng tên đầu đàn cho các tỉnh ủy làm công trình nghiên cứu địa phương, qua thế kỉ XXI dẫn “sử liệu” cho dày sách, kể cả ý kiến từ báo Công An, từ sách học giả Tây cho có uy tín bên ngoài, ông ta lại vẫn cứ chép thứ tự Nhạc-Huệ-Lữ! Lạ nước lạ cái mà muốn chứng tỏ cầu thị, ông mang cả gia phả trời ơi đất hỡi của địa phương, gán ghép văn thơ, viện dẫn chuyên ngành lơ mơ (vẫn là yêu nước với chuyện đồng tiền Quang Trung “An Nam”) để làm dồi dào tư liệu, rộng đường dư luận… Có điều qua những chứng dẫn, quá nhiều, thật quá nhiều, lấy từ các bản tham luận, người bên ngoài không được tham dự các cuộc hội thảo lại thấy nổi gai ốc về sự gan dạ của các học giả kia. Cũng muốn hoà nhập với địa phương mà không có dịp hơn, ông Nguyễn Phan Quang (2006) chỉ nhét được tên “thầy Tư Lữ,” thua ông PHL đem được cả thứ tự “Anh Hai Trầu, chú Ba Thơm, thầy Tư Lữ” cho nghiên cứu mới nhất (2006) của ông. Chuyên gia mở đường chữ nghĩa cho nhà lãnh đạo cho nên ông (cựu) Tuyên huấn Trần Trọng Tân mới viết về thứ tự anh em Tây Sơn y hệt như vậy để rồi loại kiến thức cũ đó trở thành xích xiềng quyền lực trói buộc khiến sử gia khi cần điều chỉnh phải lên tiếng xin phép. Một khi sử gia cố cãi cho cái án “oan sai” Nguyễn Thị Lộ với các lập luận nhà quê ngớ ngẩn để bảo vệ danh nhân văn hoá UNESCO thì giới chức tuyên huấn hẳn có cơ sở “chuyên môn” ngoài lí do đạo đức để ra tay đe nẹt, cấm cản nhà văn tò mò ghé mắt nhìn vào căn nhà ở khu Vườn Vải hôm đó, có ông vua cùng “thức suốt đêm” (Toàn thư) với bà Lễ nghi học sĩ “người rất đẹp,” đến nỗi phải mắc bệnh “Sốt rét” (Cương mục) rồi “băng hà.”

Có thể vì sử liệu ít oi mà quá khứ phải nhờ cậy đến lòng yêu nước bù đắp cho dày nhưng cũng vì thế mà sử Việt trở thành loạn khiến cho chuyên viên không được kính nể, để các tay ngang nhảy vào mắng chửi lung tung, nhất là khi có yểm trợ của phe phía, chắc chắn là sừng sỏ. Việc lấy tình yêu nước làm tiêu chuẩn phán đoán đã là duyên cớ bế tắc chính cho cho cách giải quyết những vấn đề sử học cận đại: vấn đề nhà Nguyễn, Phan Thanh Giản… Người ta chỉ loay hoay trong vấn đề bình công luạn tội chứ không làm việc sắp xếp sự kiện, đặt nhân vật vào trong những khung cảnh lịch sử vốn là đã qua, không có cách nào lôi trở về hiện tại, để khỏi làm quân sư mách nước, buộc người xưa phải hành động ra sao… Không ai nghĩ ra rằng một cuộc hội thảo sử học không phải là một toà án dư luận. Cách giải quyết đúng là căn cứ thoáng thấy trong những phát biểu Xét lại nhưng tiếc thay vấn đề Công Tội cũng vẫn lẩn khuất trong bài của các sử gia hàng đầu hiện nay, dù là làm cớ biện minh cho công cuộc Xét lại. Thành thử Xét lại, Đổi mới sử học giống như một phong trào muộn màng, đi theo lời hô hào Đổi mới chung, cho nên lại có tình trạng “tâm lí bầy đàn” ở các hội nghị sử học gần đây như lời nhận xét của ông Lại Nguyên Ân. Tuyên huấn nắm đường dây đổi mới sử học nên mới có tiết lộ né tránh của Cao Tự Thanh về một “nhà sử học nổi tiếng (Phan Huy Lê?) đã kê khai chi tiết công tội của Phan Thanh Giản theo hệ thống dựng nước và giữ nước như một báo cáo ưu khuyết điểm để trình lên Ban Bí thư!” Những người như ông Phan, tuy “dày dạn phong trần” nhưng thật cũng khó biết cái đà lệch lạc như thế nào là có thể chấp nhận được nên ngày nay lãnh búa rìu của đám vô danh tiểu tốt tông đồ mới, của những kẻ đòi công chưa thoả mãn, của những người đầu óc chết từ những năm 1960, ông sử gia thật cũng nên ráng coi là tai nạn của nghề nghiệp mà thôi.

bài đã đăng của Tạ Chí Đại Trường

sừ liệu quốc nội và nền sử học dân tộc chủ nghĩa Việt (phần 2)

Tạ Chí Đại Trường

28.04.2009

http://damau.org/archives/5620

Vấn đề xét lại trong sử học Việt Nam thời nay: Đổi mới và tai nạn

Đổi mới sử học là cách nói đi theo trào lưu chính trị của chuyên gia Việt Nam thời nay nhưng dù đối với người không biết, không cần biết đến tính Xét lại lịch sử, cũng nên nói rõ rằng đây là chuyện của muôn đời, của mọi nơi chốn, không phải chỉ riêng của Việt Nam anh hùng đến mức phải khúm núm năn nỉ mà còn gặp đe dọa rùng cả mình. Lịch sử thường được viết bởi người chiến thắng, bởi kẻ đương quyền cho nên với thời gian, một thế hệ kế tiếp sẽ có những suy nghĩ khác theo với tình thế mới. Hãy xem việc Lê Thánh Tông xá tội giết vua cho Nguyễn Trãi (vợ làm chết vua thì bị tội, không oan tí nào) chỉ vì thời gian đã khoả lấp một phần, phần khác thiết yếu hơn, là vì ông vua cần đến hệ thống quan văn ở trung châu, nơi đã thành “nhà” của ông, khác với rừng núi Lam Kinh xa xôi chỉ còn là chốn về để nhớ chứ không phải là nơi để sống mà cầm quyền. Trừ những kẻ khăng khăng một mực, u tối vì quyền bính, những quan điểm cũ bên trong một con người vẫn có thể thay đổi, không chờ thời gian trôi xa, một khi có các yếu tố mới xuất hiện. Vừa mới giết con cháu, tướng lãnh Tây Sơn (cuối 1802) chỉ vài tháng sau, Gia Long đã không bắt tội “vợ lẽ” của Nguyễn Nhạc lấy cớ “chỉ là một người đàn bà thôi,” không bắt tội hai người thân thuộc cũng của Nguỵ Nhạc vì lẽ họ là “dân thường.” Lí do đưa ra rõ ràng thật bất ngờ xét theo tình thế chiến thắng lúc bấy giờ và thật khó chấp nhận nếu ta cứ suy xét theo các lời buộc tội Gia Long phá tan sự nghiệp “cách mạng, cứu nước” của Tây Sơn. Tuy nhiên nếu bình tĩnh nhìn xem sự kiện ông Trung Ương Hoàng Đế kia chỉ có hơn 5 mẫu tư điền thì cũng hiểu được lòng quên thù hận của “kẻ bán nước” trước một Thứ phi của kẻ địch chắc là bị bắt lúc đang lam lũ còng lưng đi cấy, hay làm cỏ ruộng như những người đàn bà khác trong vùng. Yếu tố mới xuất hiện theo biến động làm rõ sự thật như khi các chiến sĩ văn nghệ Miền Bắc vào Nam, thấy sao mà bọn nguỵ tay sai của nền thực dân văn hoá kiểu mới lại cư xử ngang tàng với quyền bính, khác hẳn lối nghênh ngang xu phụ của phe mình – phát hiện tâm tình đó không đi vào hành động lịch sử chỉ vì đến nay vẫn được giấu kín theo thói quen “nói vậy mà không phải vậy,” được chiến thắng che khuất.

Quyền lực của thế hệ đầu yếu đi/mất đi thì những lớp người dưới quyền có dịp nói lên suy nghĩ của mình về quá khứ đã bị vùi dập, những suy nghĩ có khi lại gặp được chính sự tán đồng của người nắm quyền cùng thời đại. Đó là chuyện phục hồi danh vị/danh dự của những nhân vật bị giết qua những biến loạn, hay nhìn về phía khác, là những lời mắng chửi của phe đảo chính thành công khi nói về những “loạn thần tặc tử” cũ. Với thế giới ngày nay, lại xuất hiện thêm một lớp người “xét lại” không thấy ở ngày xưa: lớp học giả xuất thân ở các trường Đại học, mầy mò qua sách vở cũ nát, chứng cứ tang thương để viết những luận thuyết, những cách giải thích mới, hòng níu giữ tấm bằng/cái ghế câu cơm, hay để ngóng chờ có các cuộc hội thảo quốc tế nào thì đưa bài tham gia, nêu danh!

Thế mà những điều khá bình thường đó lại xảy ra thiên nan vạn nan ở Việt Nam ngày nay. Theo ông PHL thì sau khi “khôi phục lại tổ chức và hoạt động trên khắp cả nước năm 1989,” Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam mở cuộc Hội thảo với chủ đề “Sử học Việt Nam trước yêu cầu đổi mới của đất nước” năm 1990 ở Hà Nội và năm sau ở TP. Hồ Chí Minh. Thời điểm thật là muộn so với phía Văn học người ta đã cởi ra và trói vào trong thập niên trước, nhưng thôi, có còn hơn không. Nhưng cũng vì thế mà những bài diễn văn, tham luận về phía “đổi mới” đăng trong Nghiên cứu Lịch sử (1992) không cho thấy có gì mở đường dẫn lối cả. Cho nên không lấy làm lạ rằng tuy có lời phản tỉnh ghép vào trong tập sách tổng kết công trình: Tìm về cội nguồn (1999), vướng vít của nhận định quá khứ vẫn xuất hiện thường xuyên trong các bài viết của ông ở thế kỉ XXI. Ảnh hưởng của kêu gào đổi mới lại từ những vụ việc cụ thể, đòi (hay ngầm đòi) xét lại những nhận định được cho là bất công, thiên lệch đối với các nhân vật như Phạm Quỳnh, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký.., và cả một triều đại (Nguyễn). Do đó mà trong “Diễn đàn sử học 2003” ông Hội trưởng mới có thể nhắc lại việc cần phải “khắc phục tình trạng công thức, giáo điều trong vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào nghiên cứu lịch sử, chấm dứt tình trạng lấy sử học minh hoạ một cách thô thiển cho chính trị theo lối ‘chính trị hoá sử học…’”

Kết quả bên ngoài là như thế nhưng tiến trình bên trong, khi được nói ra thật phải ngỡ ngàng đến không thể tưởng tượng nổi. Theo Hoàng Lại Giang, khi được phân công viết bài tổng kết hội thảo về Phan Thanh Giản năm 1994, ông PHL đã gởi bài cho Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương đọc trước, và chờ đến hai năm sau mới được trả lời để tạp chí Xưa & Nay đăng lên! Thế rồi “con người thận trọng ấy mãi đến cuối năm 2008 mới dám làm một cuộc Hội thảo về chúa Nguyễn và triều Nguyễn” sau 3 năm chuẩn bị, trong đó có việc “xin chỉ thị của Ban Tư tưởng, Ban Bí thư… và được Tỉnh ủy Thanh Hoá xin đăng cai tồ chức.” Ông HLG còn chú thêm rằng việc đăng cai có cả Tỉnh uỷ Thừa Thiên nữa. Người sống quen với thế giới mới bên ngoài, ngạc nhiên không thấy sự hiện diện của các cơ quan nhà nước đâu cả – do đó, về phía khác, lại hiểu câu nói của một ông Thủ tướng: “Trên bảo dưới không nghe!” Và tuy cũng biết sự lệ thuộc là đương nhiên nhưng thật không ngờ tình trạng lẹ thuộc lại thảm hại đến mức độ như thế. Những cơ quan văn hoá nước ngoài, quốc tế mỗi lần có hội nghị bàn về Việt Nam, Đông Nam Á, Á Châu… mời ông PHL phát biểu, họ sẽ nghĩ sao? Các ông thạc sĩ, tiến sĩ Việt Nam học của xứ Đại Hàn phát triển, mang cấp bằng của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ nghĩ sao khi gọi ông Phan là “thầy”? Riêng chúng tôi, từ nay muốn có lời chỉ trích ông Phan chắc phải chùn tay, giữ miệng tuy rằng không thấy mình sai trái chỗ nào cả. Xin lỗi sử gia Phan Huy Lê. Và những người khác.

Trở lại vấn đề đổi mới sử học Việt Nam. Đáng lưu ý là trong tình hình cụ thể, việc xét lại sự kết án của các “nhân vật có vấn đề” (chữ của ông Vũ Ngọc Khánh, lưu ý: không phải sử gia) đã đưa đến những thay đổi để ông PHL dám đưa ra kết luận năm 2003: “Thành tựu đáng kể của ngành lịch sử Việt Nam là nhận thức lại một số giai đoạn lịch sử, một số sự kiện và nhân vật lịch sử như nhà Hồ, nhà Mạc, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, nhà Nguyễn, các nhân vật như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Li… Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Kí…” Các ý kiến phản hồi không tán đồng thì cũng là chuyện thường tình. Chỉ duy sự phản ứng xuất hiện vào đầu năm 2009 đã có một sắc thái hung hăng, mang tính đánh đấm hội đồng, dữ tợn đến mức độ tạo sợ hãi, gây ngạc nhiên. Không những chỉ có chuyện gán ghép tố cáo chạy tội, kêu gọi cảnh giác đề phòng phe nguỵ ngóc đầu dậy mà còn có cả lời mắng phản bội, đòi “trảm” công thần, tất cả như một chiến dịch có hậu thuẫn lớn, có tính toán từng bước tăng cường độ, phổ biến mở rộng để tăng áp lực.

Phản ứng không đồng tình thì từ lâu đã thấy trên tờ Hồn Việt, nơi ghi là cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam. Trên các số báo trong năm 2008 thấy có những bài phản bác các luận điệu phục hồi cho Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Thanh Giản… tuy mang những luận chứng “trước sau như một” của các năm 1960 nhưng cuối năm lại có giọng gay gắt hơn với sự trở lại chủ đề chống Công giáo qua nhân vật Alexandre de Rhodes dẫn đến Trương Vĩnh Ký. (Vì giáo dân biểu tình đòi đất?) Thời thế đổi thay thì các nhân vật liên minh đổi vị trí cũng là thường tình, như trường hợp người chủ trương ở đây sử dụng một chiến sĩ Thập tự chinh Phật Giáo (?) hải ngoại cho có màu sắc phối hợp rộng rãi tuy rằng người chiến binh này nếu ở vào tình thế khác cũng có thể là tay chống Cộng cừ khôi. Giống như vị trí của ông Vũ Hạnh nay được ghé tên trên tờ Hồn Việt nhưng lại từng chống đối việc ông Mai Quốc Liên in Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, và tiếp tục chống đối việc in sách của Lê Xuyên, Dương Nghiễm Mậu với chút đổi khác là tán tụng chính sách cởi mở của nhà nước khi cho in Sông Côn mùa lũ! Khăng khăng một mực chống đối người cũ từng cùng ở chung một vùng đất, chỉ là sợ có sự cạnh tranh, tuy cũng đã giàu có, hưởng thụ tận lực, cũng từng được cho ghé một ghế ngồi phụ trong Từ điển văn học rồi. Không biết công lao chống đối Mĩ Nguỵ của ông phải được đền bù đến đâu để đủ làm ông thấy thoả mãn? Quên rằng ngày xưa người ta đã nhân danh tự do cứu anh nằm vùng từng sử dụng chút tự do thời chiến để hãnh diện chống đối chính quyền mà không mất mát gì lắm, ông Vũ Hạnh không thấy việc in sách của các tác giả cũ cũng chỉ là chuyện thị trường, chuyện của thời thế mà với ngay cả người chủ ông cũng đã đổi khác. Công ti Phương Nam sang Cali chắc chắn là lo kiếm đôla, làm ăn hợp pháp chứ không phải để bắt mối liên lạc với Chính phủ Tự do Nguyễn Hữu Chánh.

Tuy nhiên ông Vũ Hạnh cũng được ông Hoàng Lại Giang kể vào loại được bàn tới như với ông Trần Thanh Đạm, “một nhà giáo và nhà phê bình văn học trong chừng mực nào đó” tuy “không phải là một nhà văn hoá có tầm ảnh hưởng rộng.” Không phải là nhà sử học cho nên những lời bàn về thơ văn Phan Thanh Giản, về thơ văn của ai đó nói về Phan Thanh Giản rốt lại cũng chỉ là chuyện giảng văn với mức độ sai lệch tùy người thưởng thức thơ văn mà ai cũng có thể biết được. Trừ phi các ông Mai Quốc Liên, Trần Thanh Đạm buộc học trò chép y lời Thầy, không thì đánh rớt! Với họ, không thể bài bác các bài vè (về vua Hùng, chống nhà Nguyễn) của Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh được, chỉ có thể khen tụng và làm theo mà thôi. Không thể nào giải thích cho người ta hiểu sự phân biệt một chuyên gia chinh trị với âm mưu toan tính chiếm đoạt quyền bính phải phát biểu huênh hoang như thế nào, khác với một chuyên gia sử học nhỏ nhoi chỉ bằng vào sự kiện để lẳng lặng đi tìm chân lí khoa học. Không hiểu nên người ta nhất quyết đòi làm sử gia, đòi phê bình sử gia, đòi có “vài lời đàm (!?) với ông Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam.” Như ông Vũ Hạnh lên án cuộc Hội thảo về nhà Nguyễn, bài bác sử gia PHL. Đành chịu thôi. Bởi vì trên tờ Văn Nghệ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, có bài của những người mà ông Hoàng Lại Giang cho là “không (đáng) quan tâm” lại có những lập luận vượt thời gian, vượt nhân loại để kết án các nhân vật kia, cuộc Hội thảo kia. Không biết họ là ai nhưng nếu trung thành với lề lối làm việc khoa học, chỉ chú trọng vào sự kiện, nhìn vào chính những phát biểu của họ, ta có thể nhận ra họ là những người không hay biết gì đến những biến chuyển ngay chung quanh nơi họ sống, trong xã hội mà họ tưởng là được kiến thiết theo mẫu hình của chính họ đang mơ tưởng. Như trong hai năm trước, cũng trên báo này, họ viện dẫn đến cô/bà giáo chê Lê Xuyên viết sách khiêu dâm – lời chê ngay trong thời kì có chuyện “Anh đưa em lên mạng nhé?”

Họ ghép các ông Dương Trung Quốc, Tương Lai, Phan Huy Lê vào một “trung tâm văn bút” có dáng là của nguỵ di tản nhưng chắc các ông này không cách nào có thể cổi lốt làm dân Hát-Ô được đâu. Các chứng nhận của UNESCO mà “nhà nước ta” cầy cục xin, rước xách linh đình để treo lên trưng bày với thế giới, các tấm “bằng” này đối với họ không có giá trị gì hết, chỉ là chứng tỏ sự đồng tình của những tên thực dân đế quốc vào hùa với nhà Nguyễn dùng xương máu của nhân dân xây nên các công trình kia mà thôi. Các đền đài, thành luỹ đó đáng phải đập phá, làm nhà kho hợp tác xã, làm chuồng nuôi trâu bò như sau năm 1975 mới là đi đúng đường lối cách mạng, mới là trung thành với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Chưa nói đến chuyện sử học mà có người viết bài thú nhận rằng không biết nhiều nhưng cũng từng đi hỏi kẻ khác để đối phó với các chuyên gia, hãy xét chuyện tranh luận bình thường: Họ viết bài năm 2009 mà không quan tâm gì đến những lập luận khác đã in ra trong sách, báo trước đó, để cứ giữ những luận điểm (của người khác gà cho) từ những năm 1960!

Không biết công tích của họ như thế nào đối với đất nước, với chế độ họ đang phục vụ và tự cho là phải sống chết bảo vệ nó mà khi có người (ông Võ Văn Kiệt) chỉ vì bênh vực một người họ cho là trái, đã bị họ trích dẫn tội khác, sổ toẹt thành tích, cho rằng kẻ “mị dân” kia chỉ “có thành tích nhất định nhờ dựa vào sự hi sinh vô bờ bến của toàn dân” mà thôi. Cho rằng “sự hi sinh của người chiến thắng không thể nào tả xiết,” họ tiếp tục viện dẫn “hàng vạn các bà mẹ Việt Nam anh hùng” để chặn trước sự “hoà hợp” có thể dẫn đến “hoà tan,” cũng như năm 2007 họ dùng Chiến sĩ sư đoàn 9 hù doạ người đã chết Lê Xuyên. Thấy đám di tản chửi thề, chổng mông, tuột quần cũng thật là chướng nhưng họ phải làm gì trước những kẻ không buông tha họ, cứ đòi truy bức đến tận cùng?

Nhưng như đã nói, sự chống đối bột phát dữ dội, có hệ thống như thế khiến thấy nổi lên những vấn đề gợi ra những suy nghĩ mang tính cách bao quát hơn cho người nghiên cứu bây giờ và sử gia mai sau.

Xét lại sử học và Việt Nam học

(Tiến sĩ, Thượng thư Phan Thanh Giản (1797-1867))

http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/sliuqucnivnnshcdntcchnghaVitphn2_13950/ptgsepiafoto_thumb.jpg

Như đã nói về việc đổi thay thế hệ, đổi thay vị trí lịch sử, các việc đòi xét lại những phán xét lịch sử từ những năm 1960 đã bắt nguồn từ những sai sót – gọi là khác biệt cũng được, từ việc phán xét những nhân vật lịch sử mà tình thế đã làm cho kết luận trở thành chân lí chính trị, làm dây dưa cho các nhận định trái lại. Thói quen nhìn theo quan điểm chính trị là thống soái đã khiến cho ngày nay muốn bào chữa, người ta thường dùng đến các tập họp từ đi theo biến động chính trị: nào là vạn dụng chủ nghĩa Mác một cách duy ý chí, nào là giáo điều, công thức… Người ta đã né tránh sự kiện cụ thể là người ta đang phán xét người-của-vùng-khác. Kiêu hãnh đứng ở Hà Nội, người ta phán xét các thành phần phía Nam với tất cả những dồn nén của quá khứ. Chuyện đã xảy ra, không xa, tuy tầm mức hạn hẹp mà vẫn có ý nghĩa tiêu biểu, là chuyện loại trừ cải lương. Tất nhiên là phải dựa vào lí tưởng cao cả như lòng yêu nước cũ và tính giai cấp của tình yêu nhân loại mới. Để không ai dám cãi. Tiếng nói lạc lõng bênh vực Phan Thanh Giản của ông Ca Văn Thỉnh (1963) mãi đến sang thế kỉ XXI mới được nhắc tới, mà cũng phải ở Nam Bộ! Tiếng nói chuyên môn bị gầm gừ như ý kiến của Chương Thâu và Đặng Huy Vân. Họ mạo danh “nhân dân Nam Bộ” nên không thèm kể đến dấu vết nhà Nguyễn đã sâu đậm đến thế nào trong vùng, nhắm mắt không thấy sự kính ngưỡng của dân Gia Định đối với Lê Văn Duyệt, đến sự mến mộ đối với Phan Thanh Giản, và không lưu ý rằng tượng P. Ký và tên trường chỉ bị gỡ bỏ sau 1975 chứ không phải 1945.

Sự căm ghét nhà Nguyễn được biện minh bằng lòng yêu nước, yêu cách mạng Tây Sơn không che được nỗi hạn “mất Thăng Long,” ảnh hưởng bởi tâm tình nuối tiếc vì sự hạ giá đất Ngàn năm văn vật: “Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương.” Cho nên trong lúc “các nhân vật có vấn đề” như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Li (có một “tội” lớn: làm mất nước!), Mạc Đăng Dung được giải quyết một cách không cần giải quyết thì đương thời không có một hội nghị nào về Hoàng Cao Khải, rồi qua thế kỉ XXI, trong lúc Phan Thanh Giản còn truân chuyên với lời kết tội “mại quốc” thì Hoàng Cao Khải được hưởng một bài trang trọng trên tờ Nghiên cứu Lịch sử (2008) của Viện Sử học, chẳng thấy Hồn Việt hay Hà Nội Mới lên tiếng hùng hổ chống đối. Hồn Việt khi chỉ trích Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh cũng còn đăng bài thanh minh cho Nguyễn Văn Vĩnh. Các triều đại Đinh Lê Lí Trần Lê đều nổi bật với những nhân vật cứu nước / yêu nước thương dân, không ai kể tội các ông này giết người như ngoé, coi quan triều như tôi tớ, chơi bời đến mức độ mắc bệnh lậu / tim la như sách sử có chép gần gần như thế… Ấy thế mà trong các công trình lịch sử văn hoá được UNESCO công nhận thấy toàn là ở phía Nam, với Mĩ Sơn mất nước, Huế bán nước có hai “bằng”, móc ngược về trước với Hội An, tới Mọi mà cũng có bằng Văn hoá Cồng chiêng. Người ta thu xếp Hoa Lư để cạnh tranh với Huế không được, cố bỏ tiền trăm tỉ xây dựng Phú Thọ, hết tháp Hùng Vương tới tượng Quốc tổ, cứ tưởng to rộng, “hoành tráng” là được để mắt tới. Người ta cố gắng moi Hoàng thành Thăng Long thì chỉ được mấy cái giếng có chức quyền lớn múc về nấu pha trà uống nước-ngàn-năm, thứ nước mà dân nhậu Hà Nội nhạo báng là của họ! Cho nên, với thời gian, các luận điểm lịch sử từ những năm 1960 càng không thể nào xoá bỏ được khi sự chênh lệch danh tiếng Vùng càng tăng lên như một sự thách đố với quyền lực xuất phát từ chiến thắng vừa qua.

(Học giả Trương Vĩnh Ký (1837-1898))

http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/sliuqucnivnnshcdntcchnghaVitphn2_13950/truongvinhky_thumb.jpg

Tính chất thiên lệch Vùng còn thấy rõ hơn khi có những yếu tố khác dồn ép. Trương Vĩnh Ký bị tố khổ với tâm tình chống Gia tô, cả từ của những người có vẻ không cần đến loại “vũ khí” đó nhưng cũng chẳng thấy có một hội nghị sử học nào ở Hà Nội kết tội, chỉ có loại công-khai-lén-lút như khi “nghiên cứu” Tây Dương Gia-tô bí lục thôi. Không ai nói ra lí do nhưng cứ nhìn khối Công giáo sừng sỏ có cánh tay quốc tế thì đủ hiểu. Đến khi “Từ thế kỉ XXI nhìn (các nhân vật có-vấn-đề)…” thì Trương Vĩnh Ký cũng được nhóm Văn Nghệ chiếu tướng ít hơn Phan Thanh Giản “Nam Kì chân đất,” người được ghép tội bán nước với một kè khác (Lâm Duy Hiệp/Thiếp/Nghĩa) mà không thấy ông toà yêu nước xưa nay nào nhắc tới. Bản dịch Đại Nam thực lục ra đời trong thế kỉ trước có phần Sách dẫn cũng “quên” mục Phan Thanh Giản trong một số năm. Sức nặng bản án thời đó rõ ràng đã làm hại lây đến người công thần tận tình bênh vực ông, bây giờ bị một kẻ chắc chắn là không ra gì – nhìn lập luận, bài vở mà xét – xúi giục các “bà mẹ Việt Nam anh hùng” kết tội “vô ơn,” lớn tiếng đòi xét lại công tích – như ngày xưa là phải san bằng mả, xích lại! Trong khi đó nhà xuất bản Quân đội Nhân dân cho in sách (2007) về một nhân vật cuối đời chống đối nổi danh, với cái nhan đề đầy lòng trân trọng: Chuyện tướng Độ, và không chừa, trích luôn cả “Thư tâm huyết,” ý kiến tuy mới chỉ ở giai đoạn bảo vệ, xây dựng Đảng nhưng cũng cho thấy lí do của các hành động quyết liệt về sau.

Cho nên phản ứng đối với việc Xét lại lịch sử này cũng hé cho thấy một tình trạng thực dân nội biên tồn tại khuất lấp dù sự phát triển kinh tế có khiến cho những nhân vật phía Nam được đi vào cơ cấu lãnh đạo cao nhất. Sài Gòn mất địa vị thủ đô, còn là một địa phương lớn phía nam nên các phản ứng tập trung nơi đây còn làm cho địa phương nhỏ hơn, nhỏ mà đầy công tích: Bến Tre, giật mình. Tuy vậy bản chất phản ứng – dữ dội một cách phô trương, lại là minh chứng cho thấy tính chất thuộc hạ ngày nay của trung tâm Gia Định xưa này. Không phải chỉ là sự xuất hiện dồn dập của các người viết mà ông Hoàng Lại Giang cho là “không (đáng) bàn tới” với kiến thức của các bài học tập ở chi bộ phường khóm do các đảng viên về hưu kềm giữ. Một thư góp ý của một hưu viên tuy cũng tán đồng các chuyện kể về tính cách cao quý của Lãnh tụ nhưng lại bắt bẻ về một chi tiết ông “chưa bao giờ nghe,” theo ông là hạ giá hơn là đề cao Người, chi tiết thuộc loại xương gà vịt bình thường này chắc không ai lưu ý đến chút nào.

Tính chất thuộc hạ là biểu hiện nằm trong vị thế bị chiếm đóng của Miền Nam mà tờ Văn Nghệ còn cho thấy ở các vấn đề khác. Họ bài bác tiểu thuyết Sóng chìm của Đình Kính đã được giải thưởng Hội nhà Văn vì đã lượm lặt được trong sách này những câu mang tính cách xuê xoa lịch sử vừa qua, kiểu “người làng Cát giết người làng Cát…” Tính chất hàng thần lơ láo dai dẳng, lời tố cáo lập công “bạn đọc đang nóng lòng chờ các cơ quan chức năng trả lời” cho thấy họ ý thức được thân phận thấp thỏi của họ, là thành phần của một cơ quan địa phương, phải cố sức vươn lên bằng cách bày tỏ sự nhiệt thành trung kiên vượt cấp mới cho là đủ gợi được sự lưu tâm từ trên cao. Người khác tuy không đọc tiểu thuyết Sóng chìm bị kết tội “nói dối trong văn chương” nhưng cũng có thể biết rằng Hội nhà Văn hẳn không trao giải thưởng cho một kẻ “có cái tâm không trong sáng.. có những trang viết độc ác” phản bội dân tộc đâu. Không cần phải lo xa chuyện mất lập trường kiên định cách mạng. Làm văn sĩ được “tuyên huấn” như thế hèn gì tờ Văn Nghệ thật khó tìm ngay ở TP. Hồ Chí Minh vì các sạp báo chê “bán không được.” Lại cũng nên dẫn thêm chuyện một người làm văn nghệ được vài giải thưởng gì đó của Trung ương Hà Nội bị Tỉnh uỷ thắc mắc “Từ 75 (về hàng) tới giờ không thấy anh làm một bài thơ nào ca tụng Bác và Đảng cả mà sao anh lại lãnh giải thưởng?” Nghị quyết 23 với tham vọng dạy dỗ văn nghệ sĩ sáng tác, một khi được dẫn “đi vào cuộc sống” có định hướng như thế thì ước mơ Nobel còn khó hơn là chuyện mò trăng đáy nước!

Không phải nói chuyện lạc đề, vì những người chống Xét lại đã lôi Phan Thanh Giản, nhà Nguyễn về lại cuộc chiến mới hôm qua để gộp chung chém một lần cho tiện, vặn vẹo mượn người đã chết, làm sĩ phu thời mới, hăng hái “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.”

Xét tình hình thực tế “tự do ngôn luận” như đã thấy, người ta có thể nghĩ không sai lắm, là tự thân những người kia chưa đủ can đảm để bênh vực “chính nghĩa” như thế dù là họ cũng lựa gió phất thêm cờ, bẻ thêm vài mụt măng cho bếp nhà… Đổi mới cũng phải có định hướng. Ông Hữu Thọ khi giam bài viết của ông PHL trong hai năm trời đã chứng tỏ rằng mối lo sợ của ông sử gia đã có cơ sở. Bất đắc dĩ mới phải chịu kết luận của hội thảo 2003 dù rằng nơi này chỉ mới bỏ tội “bán nước” của Phan Thanh Giản mà thôi. Nhưng giá như những điều thu hoạch được chỉ nằm trên bàn trà nước của các ông Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà Nghiên cứu thì chẳng sao. Đằng này dân chúng Nam Bộ lại không những khỏi phải cất giấu chứng tích về Phan Thanh Giản (may chưa kịp thủ tiêu!) mà còn nghe lời các ông cựu Thủ tướng, Tỉnh uỷ thấy được phóng xá liền cất đền thờ to lớn cho xứng với thời mở cửa, để cạnh tranh danh nhân với các nơi khác, rồi lại trương tên lần nữa trên đường phố cho mọi người qua lại in trí nhớ lối đi về… Sự sai sót của lãnh đạo thần thánh như thế thành ra có dáng trầm trọng, không thể nào để phô bày công khai thêm được.

Rồi vượt trên khu vực đàn em tí xíu, cuộc Hội thảo triều Nguyễn vốn ít nhiều gì cũng xảy ra do tình trạng bao chiếm danh nhân (ở đây là của Thanh Hoá) nở rộ khắp nơi (xuống đến huyện: [Chương Mĩ...], làng xã Nguyễn Thị Lộ…) khiến cho tầm mức ảnh hưởng trở nên lớn rộng, không phải chỉ thu lại nơi vùng cơ sở của những tên vua từng bán nước, đối đầu mãi đến năm 1975 gần gũi mà vì là nơi phát tích của triều Lê cứu nước, văn minh nên còn lấn chiếm một phần danh vị Thăng Long nữa. Ảnh hưởng này được một người của Văn Nghệ nêu lên sự tai hại, không phải chỉ là “tung hoả mù vào lịch sử”: Các ý kiến của Hội thảo chưa phải là “của Nhà nước để được coi là chính thống,” thế mà các ý kiến đó “đã được giới truyền thông phổ biến trên các phương tiện đọc, nghe, nhìn… thậm chí lại được Hội Sử học phát tán về các tỉnh thành trong toàn quốc…” Như đã nói, ông tác giả kia đã không biết gì về xã hội quanh ông khi buộc tội giới truyền thông, cứ nói giống như khi ông phát biểu ở Đảng bộ cơ quan, xã phường! Không biết ông sẽ hành xử như thế nào khi được giao quyền “trị” giới truyền thông về tội phổ biến các hoả mù nọ nhưng sự lo sợ các ý kiến vượt thoát tầm tay kiểm soát của người cầm quyền đi vào dân chúng đông đảo, nỗi lo sợ ấy đã được chứng tỏ là có thật. Đã đến lúc phải ngăn chặn. Và điều ấy được giao cho phần hành bảo thủ “kiên định” phía Nam, nơi của phát triển khó kiểm soát, nơi có bất an thường trực không phải chỉ vì là đất nguỵ mà còn vì những tiếp cận từ bên ngoài vào.

Chiến thắng 1975 không đi đôi với uy thế phân vùng kinh tế khiến cho tham vọng cai trị của Hà Nội trở nên chông chênh. Dù được vuốt ve bởi bao thứ hoa văn xảo ngữ mới, tính chất xâm lăng của truyền thống phương Đông khiến người ta vẫn tìm cách xoá sạch vết tích cũ trên vùng chiếm đóng với không biết bao nhiêu luận cứ tân thời. Tiếp tục lời dạy của Bác từ thời trong hang Pac Bó, công trình xây cất của nhà Nguyễn thành trụ sở chính quyền, kho hợp tác xã… tên vua chúa Nguyễn, công thần của họ bị xoá sạch, mả Bá Đa Lộc vốn là công trình của người thợ Gia Định thế kỉ XIX, bị san bằng… Triều Nguyễn với một thế kỉ rưỡi có thư sử để lại hàng chục ngàn trang, dày gấp bội chuyện thiên niên kỉ của các triều đại trước mà không ai để tâm / dám khai thác, rõ ràng chỉ vì sự ngăn chận chính trị kia đã khiến người ta ngần ngại khi muốn “nhìn” đến nó. Châu bản, như một chiến lợi phẩm, gom về Hà Nội với danh nghĩa tài sản quốc gia cũng là cách cắt đứt dấu vết của triều này, rồi có khi lại mất dần như Lưu hương kí, có đòi cũng được thách đố: không trả. Dấu tích tượng, tên trường Petrus Ký không mất năm 1945 cũng không thoát khỏi biến nạn 1975.

Với chiến thắng “trời long đất lở” do Đảng lãnh đạo, Miền Nam (nhất là khu vực Nam Bộ) trở thành một vùng đất không quá khứ, không giá trị tồn tại để chúng ta kịp hiểu tại sao ngay từ địa phương lại có những đòi hỏi liên tục phải Xét lại lịch sử như kia. Ta cũng hiểu tại sao người nhiệt thành bênh vực nhất cho Phan Thanh Giản lại là một công thần của địa phương, nấp sau các danh vị xưng tụng khác nhưng là người thúc đẩy đổi mới thực sự, người đó, trong chiến tranh chưa hề ra khỏi đất Nam Bộ. Người ta lấp khoảng trống để lại bằng cách trương ra tên của các công thần mới, công thần của họ, xa lạ với người dân trong vùng, tên những ông bà giao liên, tỉnh, xứ uỷ của phe nhóm, không gợi được chút gì tôn kính dù có tô vẽ thêm bằng những tấm phướn kể lể công tích trên đường phố. Mả mồ bị đào xới (quên lời chửi bới Gia Long) để lập những công viên, trong đó có tên cậu bé Lê Văn Tám của kịch tác gia Phan Vũ như là bằng chứng của sự sai sót, chuyển qua dối trá lịch sử đã trở thành lịch sử không được phép bôi xoá, không thể nào bôi xoá được. Sử gia PHL cũng thấy rõ “đang dấy lên gần như phong trào biên soạn lịch sử làng xã, gia phả các dòng họ… đưa đến hiện tượng gần như ‘toàn dân viết sử’” và được in ấn đàng hoàng, làm chứng cớ cho một tình trạng, theo sử gia, sẽ “để lại một di sản sau này con cháu chúng ta rất khó xác minh.” Ông quên chuyện Hội của ông tham gia vào việc cổ động đúc tượng danh nhân loạn xà ngầu, trong đó mới vừa có tượng Quốc tổ Lạc Long Quân, chẳng biết lấy mẫu từ ông thổ địa nào! Người văn minh có tiền thì đầu tư cho tương lai cụ thể, đằng này có tiền thì đầu tư vào quá khứ ảo để gửi mong ước cho ngày nay ngày sau, thấp thoáng như ngày xưa làm việc tô tượng, đúc chuông, xây chùa… Ông Phan lại cũng né tránh việc biên soạn lịch sử Đảng ở các cấp, tốn hao tiền của đến mức phải la lên, bớt lại! Và những người quen với lối kiểm soát chi tiêu chặt chẽ ở các xứ sở bình thường, phải thắc mắc rằng sao ở Việt Nam chuyện ban phát tiền bạc của công khố lại dễ dàng phe phía đến như thế?

Không phải chỉ một lớp “quần chúng kém giác ngộ” làm bậy đâu. Xoá sạch mồ mả cũ, kể cả của tư gia, thì phải có mồ mả mới dựng lên. Thế là hàng hàng lớp lớp, trùng trùng điệp điệp nghĩa trang liệt sĩ to nhỏ, hoành tráng chiếm các diện tích sinh hoạt vốn đã chật chội khiến học sinh phải vào học trong các nghĩa trang đó. Nói như một ông Văn Nghệ, “sự hi sinh của các chiến sĩ chiến thắng không thể nào kể xiết” nên xác chết nào trong chiến tranh cũng là do Mĩ Nguỵ gây nên. Như mồ chôn tập thể ở Dung Quất, số lượng nhiều hơn Mĩ Lai nhưng không phô trương vì chưa được nhà báo thế giới quảng bá, chưa được luật pháp Mĩ công nhận. Như mồ chôn ở An Lộc bị xoá tấm bia ghi hai hàng chữ của cô giáo mất tên: “An Lộc địa sử ghi chiến tích / Biệt cách Dù vị quốc vong thân” để thay bằng tấm bia kể tội ác Mĩ Nguỵ đem B52 tàn phá 100% trên vùng An Lộc đã được giải phóng (?) năm 1972. (Ban Chỉ đạo Kỉ niệm 1000 Thăng Long – Hà Nội, Tìm trong di sản văn hoá Việt Nam Thăng Long – Hà Nội, Nxb. Văn hoá Thông tin 2002, phần tỉnh Bình Phước, “mộ tập thể 3000 người,” tr. 432-433). Như nấm mồ tập thể của hàng trăm chiến-sĩ-ta ở Bình Định hồi tết Mậu thân kéo quân lóng ngóng ngay giữa đồng trống bị Đại Hàn giã đại bác liên hồi, gọi người đến chứng kiến rồi chôn giùm, nay trở thành chứng tích tội ác của quân Nam Hàn / Nam Triều Tiên. Cuộc tàn sát hồi Mậu thân ở Huế, ở Quảng Trị mùa hè 1972 cũng là do Mĩ Nguỵ gây nên, sự thật lịch sử đó được một Phó Giáo sư Tiến sĩ đem ra giảng dạy ở Đại học Quốc gia Hà Nội, và đăng đàng hoàng trên tờ Nghiên cứu Lịch sử (2008) của Viện Sử học đấy. Cứ tưởng rằng câu chuyện “Sĩ quan nguỵ nấu cháo đầu người trong lễ Ra trường” của Chế Lan Viên đã đi theo cái Bánh vẽ của ông ta rồi chứ! Cho nên không lấy làm lạ là người ta lo ngăn chặn Xét lại, chống Xét lại. Vừa đủ. Đã đến lúc phải tốp lại rồi. Các ông Dương Trung Quốc, Tương Lai, Phan Huy Lê, cả ông Võ Văn Kiệt nữa chỉ là nạn nhân của một tình trạng rướn mạnh dây buộc mà không ý thức được sự cho phép là đến đâu.

Phải làm sao? Tờ Hồn Việt cho ra số đặc biệt với tiêu đề: “Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh nói về nhà Nguyễn,” “xác minh quan điểm chính thống về sử học của Bác Hồ và của Đảng Cộng sản Việt Nam…” để các nhà sử học “nghe và viết theo sự chỉ dẫn của tư tưởng Hồ Chí Minh, theo quan điểm Sử học của Đảng ta…” Có điều Hồ Chí Minh thì đã mất, Đảng ta thì không ra mặt chỉ đạo rành rẽ như ông Tuyên huấn Mai Quốc Liên, mà chắc chắn là tuy có phương tiện truyền thông, cơ sở phổ biến “nghiên cứu,” và có uy thế nhờ lập trường kiên định vững chắc, ông này cũng vẫn không đủ khả năng “vẽ” sử cho các chuyên gia. Có cố vẽ ra cũng không ai công nhận, chỉ vì sợ mà phải công nhận thôi. Ông tác giả kia lấy bài trong lớp trung học, cả của Mĩ Nguỵ (để có sự đồng thuận cao hơn) mà đem ra làm bằng cớ bắt bẻ, chỉ dẫn cho chuyên gia thì có núp bóng ai cũng vậy thôi. Nhà nghiên cứu đi chép lại bài học ở nhà trường cấp dưới thì sao gọi là nghiên cứu, bỏ công “nghiên cứu” để làm gì? “Biết thì thưa thốt…”

Vấn đề Xét lại và Chống xét lại Sử học Việt Nam như đã xảy ra cũng là một dịp cho sử gia tương lai nhìn lại một vấn đề của Việt Nam học bây giờ: sự tồn tại của chính quyền đương nhiệm và những mối liên hệ với quá khứ.

Không ai lại tự dưng buông bỏ quyền lực – hình như là danh ngôn của Lenin đấy. Tuy nhiên rõ ràng là trong tình trạng nước ta tầng lớp cầm quyền đã mất đường hướng cơ sở mà không chịu công khai thú nhận, tất cả chỉ còn là những ứng biến cấp thời, giai đoạn mà thôi. Người ta “giả như” xây dựng một chủ nghĩa cộng sản có “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.” Có điều, vì cái “giả như” ấy mà tiền của lại đổ dồn vào các tay làm thị trường thật sự: các Đại Gia, như danh vị được tuyên xưng râm ran bây giờ, còn những người canh gác cho chế độ thì – trừ vài tay nhanh nhạy – lại chỉ có thể bám víu quơ quào những người kia để sống mà nói chuyện lí thuyết để dương danh với quần chúng và hi vọng còn tên trong lịch sử về sau.

Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã tan rã thì phải quay về truyền thống quyền lực cụ thể cho nên chủ nghĩa huyết thống được đề cao, đầu tiên là sự tôn thờ người Khai sáng triều đại. Lãnh tụ đi vào Miền Nam có biến dạng một chút thành một thứ như là Giáo chủ của một loại Đại đạo Tứ kì Phổ độ cũng chẳng sao, có vô chùa, ngự trong đền thờ là được.

Viện (?) nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh được đặt ra ban phát văn bằng cho cán bộ khung nắm quyền. Việc học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh đưa đến tận trường học vừa mới thấy kết thúc một đợt đầu năm Kỉ sửu. Tính cách thần thánh hoá lãnh tụ đã có căn bản vững chắc trên miền Bắc, có sự hãnh diện của vùng đất chiến thắng bồi đắp bằng sự thu hút tài nguyên toàn quốc, nhất là ở Miền Nam với dầu mỏ, lúa gạo, cà phê rồi bauxit sắp tới, bằng vị trí thủ đô nằm trong vùng với tư thế thần thoại “rồng cuộn hổ nằm / ngoạ hổ tàng long,” được khuếch trương, tôn tạo, in ấn sách vở đề cao tính thống nhất “chầu về,” cũng bằng một thứ chủ nghĩa huyết thống tập thể: Phú Thọ với vua Hùng Bốn ngàn năm, Thăng Long Ngàn năm, Huế 700 năm, Quảng Nam 600 năm, Quy Nhơn 500 năm, Sài Gòn 300 năm… Ai cũng có phần hết, chỉ là đứng ở vị trí nào mà thôi. Sự khai triển sử sách các vương triều, bó gọn trong Toàn thư như thế dẫn đến một loại giáo dục về “truyền thống” đặt cơ sở đạo đức cho lí thuyết chính trị nô lệ mới về “dân chủ tập trung,” đã trở thành hiển nhiên nhưng mang tính cách khuất nhục người khác mà người ta không thấy, không cần biết đến. Một chức việc lớn gốc Bình Định hãnh diện là có gốc Mai Hắc Đế xa đời chứ không phải là Mai Xuân Thưởng của thế kỉ XIX. Không có chỗ cho luận cứ : Không ai tự lựa chọn được nơi chốn và địa điểm sinh thành của mình nên không cần gì phải có mặc cảm để bào chữa, sửa sang cho tình trạng đó cả. Tuy nhiên chuyện của thế giới văn minh này cũng thật khó thuyết phục người trong nước bây giờ.

Sự thần thánh hoá lãnh tụ không xa tính chất thần thánh của quyền bính. Các tấm phướn ca tụng “Mừng Đảng, Mừng Xuân” đã đặt Quyền bính ngang hàng với Đất Trời. Và do thế, người ta thấy có thể đe doạ bất cứ ai khác khi/nếu viện dẫn đến Đảng, Lãnh tụ. Lập luận của nhóm Hồn Việt, Văn Nghệ trên chỉ là một lần của vô số xuất hiện trên cùng tần số lí luận, có hiệu quả không phải chỉ là sự hãnh diện tức thời của người phát biểu nhìn xuống đám người lăng quăng trốn chạy búa rìu của mình mà còn cho thấy tầm mức vươn xa quá vị trí thuộc hạ của họ: Đe doạ được người trên trước, có khi đến cả đến lãnh tụ. Không phải chỉ ông Võ Văn Kiệt (chết rồi) bị mắng mà Tỉnh ủy Bến Tre Đồng Khởi cũng rung rinh, phải nhờ người phân trần giùm! Như hồi nào ông Lê Đức Thọ né tránh các phản ứng về bài thơ của Phạm Thị Xuân Khải. Sự việc xảy ra như thế cũng cho thấy một lí do hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản: Sự thủ đắc quyền uy thật dễ dàng có được nếu cứ nhân danh lí tưởng mà phát biểu tấn công. Và thật không khó khăn gì khi nhân danh một lí tưởng chung đã được đề cao hay một lí tưởng giai đoạn đang được tuyên xưng. Ai đã từng sống trong làng xóm hay có tham dự các buổi họp ở phường khóm, cơ quan thì rõ được sự hấp dẫn của loại biểu diễn quyền uy này.

Truyền thống trở về với điều ngày xưa người ta chê là mê tín, tràn đầy đi vào các cấp bực quyền bính, len lỏi đến vị trí cao nhất. Đã nói, vùng đất ao hồ, đầm lầy lổn ngổn cá sấu được tuyên xưng là nơi hổ cuộn rồng nằm, sắp được vinh danh qua những thước phim tốn hàng trăm tỉ đồng có ý cạnh tranh Oscar với Crouching Tiger, Hiding Dragon. Cơ sở chưa góp đủ tiền, chưa có đất mà đã làm lễ Động thổ, cầu còn trơ máng giữa trời đã làm lễ Hợp long, tất cả chỉ vì đã chọn được ngày tốt. Rồi một ông linh mục ở vùng cuối phía nam đất nước hiển thánh, chỉ đường vượt biên, (bày vẽ Pol Pot) cho số đề, nay càng lúc càng tràn ngập trên các trang quảng cáo báo chí người Việt ở Quận Cam, lại được một ông linh mục sống làm phép chúc lành hẳn hoi. Bà Liễu Hạnh quên mất thời chìm nổi phong trần, được gia đình đưa vào ghé đền thần, chiếm đền trở thành thần thực thụ, rồi cũng theo người di tản lan qua Mĩ với cả hệ thống thờ Mẫu, khiến có nghiên cứu gia nước ngoài đưa đề tài, coi điều đó vẽ ra một hướng hoà hợp hòa giải thực sự giữa người Việt. Các bậc tài danh đó không biết chuyện một nhà ngoại cảm nhân đi tìm xác bộ đội sinh Bắc tử Nam, cũng khoe rằng đã ra ân tìm giúp cho thân nhân Nguỵ vì gặp tên Trung tá nọ tỏ vẻ ăn năn hối tiếc tội lỗi của mình. Còn các tượng thú hình thù quái dị ở Khu vui chơi Suối Tiên, đứng nhìn ra đường cái đông đúc là để trấn yểm các hồn ma trong khu mồ mả nguỵ (Nghĩa trang Biên Hoà cũ) nằm phía sau lưng (Vương Liêm 2004). Chớ có ảo tưởng!

Dù sao thì đạo Mẫu thịnh hành cũng là giúp cho các anh cung văn xây nhà lầu, các ông ở các Viện Tôn Giáo, Văn hoá Dân gian có công trình nghiên cứu. Tất nhiên là nó cũng giúp cho các luận thuyết về Hùng Vương, về tính dân tộc với các ưu điểm: yêu nước, bao dung, đoàn kết chống xâm lăng… được nảy nở để các sử gia cũng bị lôi cuốn theo, và… mắc đoạ vì không yêu thứ người ta yêu, không ghét kẻ người ta ghét. Sự kết tập không phải chỉ có vì quyền lợi (tất nhiên vẫn không quên yếu tố này) nhưng mà nhìn sự tuân phục của các đảng viên cấp dưới, thật có điều ngạc nhiên buộc phải suy nghĩ. Họ sống trong một không khí ngột ngạt, quyền lợi không nhiều gì lắm ngoài gương các người đi trước gợi ước mơ không chắc đã đạt được. Vậy mà họ phải lặp đi lặp lại những lí thuyết trống rỗng, lắng nghe để học tập những câu chuyện đạo đức ngớ ngẩn, sau đó họ quên ngay nhưng vẫn nhìn Tổ chức với dáng vẻ sợ sệt mà lại như một thứ phản xạ, nhanh nhạy tận tình bênh vực khi thần tượng bị động chạm. Cùng một khu vực, tại sao dân chúng Miền Nam lại hãnh diện, hung hăng chống chính quyền lúc trước rồi bây giờ lại tìm vui trong men rượu để khi có chuyện phụ nữ lấy chồng ngoại quốc bị hành hạ thì lời kêu gọi các bậc tu mi An Nam là Hãy ngước đầu ra khỏi hũ hèm để cứu vớt con cháu bà Nguyễn Thị Định?

Có cái gì liên hệ họ với những người nhiều trăm năm trước?

March 2009

-----------------------------------------

bài đã đăng của Tạ Chí Đại Trường

sừ liệu quốc nội và nền sử học dân tộc chủ nghĩa Việt (phần 2) - 28.04.2009

Sử Liệu Quốc Nội và Nền Sử Học Dân Tộc Chủ Nghĩa Việt Nam (phần 1) - 27.04.2009

Sơ thảo: Bài Sử Khác Cho Việt Nam - 19.03.2009

Sơ Thảo: Bài Sử Khác Cho Việt Nam* – Sách báo tham khảo - 07.03.2009

Sơ Thảo: Bài Sử Khác Cho Việt Nam* – Chương 14 - 05.03.2009

Sơ Thảo: Bài Sử Khác Cho Việt Nam* – Chương 13 - 03.03.2009

Sơ Thảo: Bài Sử Khác Cho Việt Nam* – Chương 12 - 26.02.2009

Sơ Thảo: Bài Sử Khác Cho Việt Nam* – Chương 11 - 24.02.2009

Sơ Thảo: Bài Sử Khác Cho Việt Nam* – Chương 10 - 20.02.2009

Sơ Thảo: Bài Sử Khác Cho Việt Nam* – Chương 9 - 17.02.2009

Sơ Thảo: Bài Sử Khác Cho Việt Nam* – Chương 8 - 10.02.2009

Sơ Thảo: Bài Sử Khác Cho Việt Nam* – Chương 7 - 05.02.2009

Sơ Thảo: Bài Sử Khác Cho Việt Nam* – Chương 6 - 31.01.2009

Sơ Thảo: Bài Sử Khác Cho Việt Nam* – Chương 5 - 27.01.2009

Sơ Thảo: Bài Sử Khác Cho Việt Nam* – Chương 4 - 24.01.2009

Sơ Thảo: Bài Sử Khác Cho Việt Nam* – Chương 3 - 19.01.2009

Sơ Thảo: Bài Sử Khác Cho Việt Nam* – Chương 2 - 15.01.2009

Sơ Thảo: Bài Sử Khác Cho Việt Nam* – Chương 1 - 12.01.2009

Sơ Thảo: Bài Sử Khác Cho Việt Nam* – Chương Giới Thiệu - 08.01.2009

Kỉ Niệm (trước) “Ngàn Năm Thăng Long”: Vị trí Việt Nam của Lí - 05.01.2009

Tây Sơn – Phần 2 - 26.11.2008

Tây Sơn – phần 1 - 25.11.2008

No comments: