Wednesday, April 1, 2009

TRUNG QUỐC TÌM CÁCH KHAI THÁC BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN

Kế Hoạch Khai Thác Mỏ Thử Thách Chính Phủ Việt Nam

Le Tran Anh, Asia Sentinel
Cymbidium chuyển ngữ

3/23/2009
http://www.x-cafevn.org/node/1530

Trung Quốc tìm cách phát triển khai thác mỏ bô xít ở vùng nhạy cảm về môi trường và xã hội.

Những nhà bảo vệ môi trường và nghiên cứu xã hội ở Việt Nam đang càng trở nên quan tâm về hậu quả đối với môi trường, xã hội, kinh tế, và chính trị từ một kế hoạch của chính phủ trong đó cho phép những công ty Trung Quốc đang đói khát quặng mỏ tiến hành những dự án khai thác bô xít khổng lồ ở Cao Nguyên Trung Phần.

Theo ước đoán, Việt Nam có đến 8 tỷ tấn quặng bô xít được dùng để sản xuất alumina, một chất bột trắng để luyện nhôm. Hai dự án quan trọng về khai thác bô xít và sản xuất alumina đã được khởi đầu ở hai tỉnh Lâm Đồng và Đak Nông. Việt Nam dự đoán sẽ cần đến 20 tỷ Mỹ kim tiền đầu tư cho đến năm 2025 để khai thác tài nguyên này. Đây là lúc Trung Quốc xuất hiện.

Ý tưởng khai thác nguồn tài nguyên dự trữ giàu chất bô xít không phải là điều mới mẻ. Ngay từ đầu thập niên 1980 khi Việt Nam còn là hội viên của Hội Đồng Tương Trợ Kinh Tế (Council of Mutual Economic Assistance, CMEA), một khối hợp tác kinh tế được thành lập bởi Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu, Việt Nam đã đưa ra trước Hội Đồng một chương trình khai thác bô xít. Nhưng sau khi các nhà phân tích của Liên Xô nghiên cứu về tính khả thi của chương trình, CMEA đã khuyến cáo ngược lại ý tưởng đó, chính vì những quan ngại nghiêm trọng về môi trường.

Những mối quan ngại ấy đã không mất hẳn. Điều thay đổi duy nhất là cường độ chống đối và những mối quan tâm khác nảy sinh cùng với việc những nhà bảo vệ môi trường và nghiên cứu xã hội rung chuông báo động về tiềm năng huỷ hoại của chương trình ấy.

Khai thác quặng bô xít liên quan đến việc thải ra chất độc cần phải được bảo vệ một cách an toàn và vĩnh viễn. Tuy nhiên, địa thế ở Cao Nguyên Trung Phần tạo nên khó khăn trong việc bảo quản bùn thải một cách an toàn để tránh ô nhiễm cho những vùng chung quanh và hạ lưu. Ngoài ra, những người chỉ trích nhìn nhận về tính mạo hiểm lớn lao khi các công ty Trung Quốc trúng thầu xây hai nhà máy sản xuất alumina lớn (mỗi nhà máy gần nửa triệu đô la) và khả năng sẽ đầu tư vào những dự án khác.

Mối quan ngại là kỹ thuật được dùng sẽ không phải là kỹ thuật tốt nhất hiện có. Ông Nguyễn Thanh Sơn, một nhà chuyên môn về lĩnh vực này và cũng là một trong những người chống đối chương trình mạnh mẽ nhất, tuyên bố rằng những công ty Trung Quốc thắng thầu bởi vì bên Việt Nam đã hạ tiêu chuẩn kỹ thuật để những công ty này có thể trả giá đấu thầu đầy hấp dẫn.

Chính Trung Quốc cũng đã từng đối diện với những vấn đề môi trường nghiêm trọng liên quan đến khai thác mỏ bô xít, dẫn đến việc họ phải đóng cửa một số mỏ ở Quảng Tây ngay cả khi nhu cầu bô xít đang tăng cao. Vì thế mà các nhà chỉ trích cho rằng sự liên quan sâu đậm và đáng kể của Trung Quốc vào những dự án bô xít ở Việt Nam là một hình thức xuất khẩu nạn tàn phá môi trường trong khi cố gắng nắm giữ một nguồn cung cấp tài nguyên mới.

Trên phương diện hiệu quả kinh tế, những dự án này đã không hợp lý ngay cả với một phân tích chi - thu đơn giản. Cao Nguyên Trung Phần là quê hương của những nông sản quan trọng như cà phê, trà và cao su với giá trị xuất khẩu ngày càng tăng. Tuy nhiên, sự sống còn của những nông sản này sẽ bị đe dọa nghiêm trọng vì hai yếu tố.

Yếu tố thứ nhất, càng có thêm nhiều dự án thì càng nhiều đất bị khai quang để đào mỏ và để chứa bùn độc. Sau khi những quặng bô xít bị đào đi, đất không còn thích hợp cho việc trồng trọt nếu không được xử lý kỹ càng. Yếu tố thứ nhì, khai thác quặng bô xít và sản xuất alumina cần rất nhiều nước, vốn đã trở nên khan hiếm trong vùng. Kết quả là nước dùng cho trồng trọt sẽ bị giảm thiểu nặng nề đưa đến những vụ mùa xấu. Cả hai yếu tố này đi với nhau sẽ tạo nên một mối đe doạ về khả năng thất thu lợi thế tương đối của khu vực trong việc sản xuất nông sản và bóp nghẹt khả năng phát triển một lợi thế tương đối mới về du lịch sinh thái trong vùng, một ngành du lịch càng ngày càng phổ biến trên thế giới.

Thiệt hại về kinh tế sẽ còn quan trọng nhiều hơn thế nữa khi những yếu tố tiêu cực khác bên ngoài như việc hủy hoại môi trường được tính vào. Ngược lại, những lợi nhuận lại không chắc chắn. Người ta đã chỉ ra rằng với cùng một mức độ đầu tư, hiệu suất lợi nhuận của mỗi dự án bô xít thua xa hiệu suất của việc trồng cá phê. Hơn nữa, để cạnh tranh, sự sản xuất alumina cần một nguồn điện lực rẻ và có sẵn mà Việt Nam hiện nay chưa có và sẽ không có trong một tương lai gần đây.

Với việc thiếu điện kinh niên, sự điều phối năng lượng để sản xuất alumina sẽ làm vấn đề thêm trầm trọng và đe doạ những nghành sản xuất khác.

Về ảnh hưởng xã hội và chính trị, việc triển khai tổng khắp những dự án bô xít sẽ làm cách biệt các nhóm dân thiểu số trong vùng vì phong tục sống gần gũi với thiên nhiên của họ bị thu nhỏ rất nhiều, với tiềm năng gây ra căng thẳng xã hội trong một khu vực vốn đã nhạy cảm. Thêm vào đó, sự hiện diện của những công nhân khai thác bô xít người Trung Quốc trong một khu vực có chiến lược quân sự đã tạo ra mối bất an trong một số người Việt.

Thái độ và hành động của chính phủ thật vô cùng chậm trễ. Vào tháng Mười Một năm 2007, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký một sắc lệnh cho phép kế hoạch khai thác, luyện, và dùng bô xít. Tuy nhiên, cho đến lúc này, vẫn không có một sự đánh giá về chiến lược môi trường nào được phê chuẩn để thẩm định các ảnh hưởng của kế hoạch khai thác bô xít theo đúng luật môi trường của Việt Nam.

Vinacomin, cơ quan chính phủ có trách nhiệm thi hành chương trình đã tổ chức hai buổi hội thảo trong năm 2007 và 2008 để ước lượng những ảnh hưởng của dự án bô xít. Trong cả hai cuộc hội thảo này, nhiều chuyên gia Việt Nam đã bày tỏ mối quan tâm xâu xa nhất của họ đến những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng của chương trình. Tuy nhiên, không có một hành động đáng kể nào được hình thành hướng đến những mối quan tâm này vì những dự án vẫn được thi hành.

Vì vẫn đối diện với sự chống đối không ngừng, vào đầu tháng Giêng năm nay, Thủ Tướng Dũng đã tổ chức một buổi họp để bàn luận đến những vấn đề liên quan đến khai thác mỏ bô xít. Ông kết thúc bằng cách ra lệnh cho Bộ Công Thương xin phép Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam để tiếp tục dự án và yêu cầu Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải tổ chức một hội nghị khoa học để bàn về những vấn đề này.

Mặc dù hội nghị sẽ được tổ chức vào khoảng nửa đầu tháng Tư này, nhưng Phó Thủ Tướng Hải đã tuyên bố vào tuần trước rằng những dự án ở Lâm Đồng và Đak Nông sẽ tiếp tục theo hoạch định. Điều này khiến cho các nhà quan sát đặt ra câu hỏi là hội nghị đó sẽ đưa ra những thay đổi có ý nghĩa nào để được chính phủ chấp thuận.

Căn cứ trên những quyết định của chính phủ, một điều rất rõ ràng là họ có một ý chí chính trị rất kiên quyết trong việc xúc tiến kế hoạch khai thác bô xít dù phải đối phó với chống đối. Câu hỏi ở đây là tại sao lại có một ý chí chính trị mạnh mẽ như thế đối với một chương trình có vẻ không khôn ngoan đó. Những nhà phê bình đang bàn về một số câu trả lời khả dĩ. Câu trả lời được đề cập đến nhiều nhất là ảnh hưởng của Trung Quốc trong guồng máy chính trị cao cấp của chính quyền Việt Nam.

Điều thật sự sống còn hiện nay là liệu chính quyền Việt Nam có đủ can đảm chính trị để thật sự liên kết tất cả những giới quan tâm và để sửa đổi những sai lầm trước khi quá trễ.

Giáo sư Le Tran Anh dạy môn kinh tế và quản trị tại đại học Lasell ở Massachusetts

Nguồn: Asia Sentinel

No comments: