Sunday, April 26, 2009

TẤN THẢM KỊCH 1975

Tấn thảm kịch 1975
Trọng Đạt
Đăng ngày 26-4-2009
http://danchimviet.com/articles/1066/1/Tn-thm-kch-1975/Page1.html

Melvin R.Laird, cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Nixon, sau mấy chục năm im lặng mới lên tiếng gần đây. Ông nói rằng chiến tranh Việt Nam không thể kết luận là một sự sai lầm, theo ông Hoa Kỳ đã chuốc lấy thất bại và bỏ lỡ nhiều cơ hội chiến thắng. Mục tiêu cuộc chiến tranh Việt Nam hồi ấy là để ngăn chặn sự bành trướng của Cộng Sản tại Á Châu. Cựu bộ trưởng Laird chỉ trích Hoa Kỳ năm 1975 đã bỏ rơi đồng minh Việt Nam, ông nói rằng điều xấu hổ không phải là Hoa kỳ có mặt từ lúc đầu mà là sự phản bội vào giờ phút chót, Quốc hội Hoa kỳ đã ngoảnh mặt làm ngơ trước những lời cam kết với Việt Nam của chính phủ Nixon trước đó. Melvin R. Laird nói rằng Tổng thống Ford, Bộï trưởng ngoại giao Kissingger, Bộ trưởng quốc phòng Schlesinger phải chia xẻ nỗi nhục này, cũng theo ông Quốc Hội là nguyên nhân chính trong việc bỏ rơi Đồng minh qua một số quyết định như :
1- Chấm dứt can thiệp quân sự (8-1973).
2- Cấm can thiệp trở lại Việt Nam.
3- Cấm trả đũa nếu Hiệp định Paris bị vi phạm.
4- Giảm quân viện từ 1 tỉ 4 xuống còn 700 triệu vào năm 1974.
5- Từ chối yêu cầu của Tổng thống Ford xin viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam đầu tháng 4-75.
Cũng theo Laird, Tổng thống Ford đã bác bỏ thuyết Domino đã có từ 7-4-1954 dưới thời Tổng thống Eisenhower cho rằng hễ mất một nước sẽ mất luôn nhiều quốc gia khác.

Vào ngày 10-3-2006 hằng trăm chuyên viên, chính trị gia nghiên cứu về sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam đã tề tựu tham gia cuộc hội thảo tại thư viện Kennedy thành phố Boston. Họ thảo luận đề tài "Chiến tranh Việt nam và các Tổng thống Hoa kỳ". Các chuyên viên cho rằng đó là một cuộc chiến đầy những tai họa. Bà Giám đốc thư viện nói các vị Tổng thống Hoa kỳ đã dìm nước Mỹ ngày càng lún sâu vào cuộc chiến tranh Việt Nam, họ tin rằng điều mình đang làm là phải nhưng đó chỉ là một sự liều lĩnh, theo bà một sử gia nói nó chỉ là một sự tính toán sai lầm về chính sách trong lịch sử đối ngoại của Hoa Kỳ. Một sử gia là diễn giả trong buổi hội thảo nói có một vài cuộc chiến tranh là chính đáng, theo ông cuộc chiến tranh Việt Nam không chính đáng.

Trên đây là hai ý kiến trái ngược nhau, một bên đại diện là cựu bộ trưởng Laird cho rằng cuộc chiến tranh Việt Nam không thể coi là một sự sai lầm và ngược lại những người tham dự buổi hội thảo tại Boston cho rằng cuộc chiến tranh Việt Nam là sai lầm. Cuộc chiến tranh ấy đã khiến Hoa kỳ phải tốn kém 300 tỷ đô la đã khiến 58 ngàn lính Mỹ thiệt mạng, đất nước bị xáo trộn về chính trị cũng như kinh tế, chưa kể phải mang tiếng nhục bại trận. Luận điệu kể trên của những chuyên viên chính trị gia trong cuộc Hội thảo cho thấy cái nhìn thiển cận và ích kỷ của một số người, họ chỉ nghĩ tới những cái "mất" và không để ý tới những cái "được". Tất cả những sự mất mát đó chỉ là cái giá mà họ phải trả để được bắt tay với Mao Trạch Đông ngày 21-2-1972. Điều mà chính phủ Hoa Kỳ mong ước bao lâu nay đã thành sự thật, họ đã chiêu hồi được Trung Quốc, anh khổng lồ không còn là mối đe dọa tài sản tính mạng của Hoa Kỳ nữa, hơn thế nữa họ lại được cả một thị trường to lớn rộng mênh mông.

Theo chúng tôi nghĩ các chuyên viên, chính trị gia ấy chắc cũng phải thừa biết như vậy và sự giả vờ ngây thơ của họ cho thấy họ không thẳng thắn nhìn nhận sự thật. Các vị Tổng thống Hoa Kỳ chắc hẳn không sai lầm chút nào khi dính líu vào cuộc chiến tranh Việt Nam vì họ là những nhà chính trị gia lỗi lạc. Người Mỹ chỉ kêu ca những sự thiệt hại cuộc chiến tranh ấy đã gây ra cho đất nước họ, thế còn đất nước nạn nhân đã là bãi chiến trường của bom đạn, binh đao khói lửa thì sao? Họ nói rằng số bom ném tại Việt Nam gấp 3 lần số bom ném tại Âu châu trong suốt thời Đệ nhị thế chiến, họ chỉ chú ý tới số tiền chi phí khổng lồ về số lượng bom đã ném xuống nhưng lại không để ý tới những nhân mạng, tài sản do những trái bom ấy gây nên. Một trong những nguyên nhân chính của sự thất bại tại Đông Dương do ở cái nhìn thiển cận, ích kỷ của một số người chỉ biết quyền lợi trước mắt của họ, sống chết mặc bay.

Từ Thế chiến thứ hai đến nay ai cũng biết chỉ có thân phận các nước nhược tiểu thật là hẩm hiu, không được tự quyết định số phận của mình. Họ chỉ làm món hàng cho các cường quốc mua qua bán lại. Sự thật không phải Mỹ can thiệp vào Đông Dương từ những năm 1964, 65 mà thật ra từ tháng 10-1950 khi Trung Cộng chuyển vũ khí ồ ạt giúp Việt Minh, người Mỹ đã vội viện trợ quân sự cho Pháp 300 triệu đô la, hàng không mẫu hạm Mỹ đã chở tới Sài Gòn 40 máy bay Hellcat cho Pháp. Chính phủ và Quân đội Quốc Gia Việt Nam được thành lập từ đó và đã được người Mỹ trả lương. Năm 1950 Viện trợ quân sự của Mỹ cho Pháp mới chỉ là 17% nhưng bốn năm sau tăng lên tới 74%. Năm 1949 Mỹ đã tàn nhẫn bỏ rơi Quốc Dân Đảng Trung Hoa, Mao thừa cơ nuốt trọn nước Tầu và thành lập Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hoà Quốc khiến cho cán cân lực lượng trên thế giới lệch hẳn đi.

Ngay khi vừa chiếm xong toàn cõi lục địa, Mao vội giúp đỡ và xúi dục Bắc Triều Tiên xâm lăng miền Nam năm 1950 khiến cho Mỹ phải hốt hoảng lấy danh nghĩa Liên Hiệp Quốc để nhẩy vào ngăn chặn và đã phải dùng biển lửa để chống lại chiến thuật biển người của Lâm Bưu. Mỹ bắt đầu ghê sợ Trung Cộng từ đấy, một khối 500 triệu người hung hãn, đói khát, hiếu chiến... lại căm thù Hoa Kỳ và Tây phương ra mặt. Chiếm được toàn cõi Trung Hoa, Mao thừa nhận Hồ, rồi Hồ thừa nhận Mao và được viện trợ vũ khí đạn dược ồ ạt từ đất Tầu chuyển sang, ấy cũng là lúc Hoa Kỳ thấy nguy cơ Cộng Sản đang lan tràn xuống Đông Nam Á theo kiểu tầm ăn dâu và cương quyết ngăn chận đến cùng. Thuyết Domino thành hình từ đó.

Năm 1954 Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ phải ký hiệp Định Genève chia đôi đất nước Việt Nam. Năm 1955 Mỹ hất cẳng Pháp ra khỏi miền Nam để biến nơi đây thành tiến đồn chống Cộng của Thế Giới Tự do. Mỹ viện trợ quân sự cho miền Nam, huấn luyện cho binh lính của họ kỹ thuật tác chiến để ngăn ngừa hiểm hoạ Cộng Sản từ phương Bắc có thể tràn xuống bất cứ lúc nào. Đầu thập niên 60 Trung Cộng cho nổ trái bom nguyên tử đầu tiên, lật đổ được Kruschev khiến cho vai trò của Trung Cộng ngày càng quan trọng, nó đã làm thành cái thế chân vạc trên thế giới. Một thời gian ngắn sau, với đà tiến bộ khá nhanh, Trung Cộng chế tạo được bom kinh khí, rồi chế được hoả tiễn khi ấy Hoa Kỳ càng hoảng sợ, họ nghĩ rằng Trung Công còn nguy hiểm và đáng sợ hơn Nga sô vì nó là một khối người đông như kiến, đói rách, tàn ác, hiếu chiến... chỉ tính chuyện xua quân đi ăn cướp mà tâm lý anh nhà giầu lại hay sợ kẻ cướp.

Mặc dù Trung Cộng ngày càng chống đối Nga Sô nhưng vẫn coi Mỹ là kẻ thù số một và thề quyết tâm đánh Mỹ. Năm 1965 Trung Cộng giật dây đảo chánh bất thành tại Nam Dương khiến cho Hoa Kỳ lại càng lo sợ hơn. Anh khổng lồ nay đã trở thành cơn ác mộng. Mỹ tăng viện trợ quân sự cho miền Nam từ 1964 trở đi, năm 1965 chính thức đổ quân vào Miền Nam khoảng 180 ngàn người cho tới năm 1968 lên tới 536 ngàn người đó là đỉnh cao nhất. Các cuộc biểu tình chống chiến tranh lúc ấy đã lan rộng trên đất Mỹ khi số lính Mỹ tử thương tại Việt Nam lên tới 31 ngàn người. Tháng 3-1968 Tổng thống Johnson hăm dọa Bắc Việt để họ phải vào bàn Hội nghị, ông cho ngưng oanh tạc một phần lớn lãnh thổ miền Bắc và kêu gọi CS đàm phán nếu không sẽ cho nếm mùi sức mạnh, Bắc Việt phải chấp nhận ngồi họp.

Từ 1965 đến 1968 cuộc chiến tranh cù cưa không dứt khoát, người ta đồn tư bản Mỹ buộc chính phủ của họ kéo dài chiến tranh để bán vũ khí, nhưng cũng có thể họ trì hoãn để mặc cả đi đêm với khối Cộng nhất là Trung Quốc. Cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân đã khiến cho Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng bị thiệt hại nặng về quân sự, tổng cộng có gần 60 ngàn cán binh bị giết, hơn 9 ngàn bị bắt làm tù binh, vào khoảng 80% quân số tham chiến bị thiệt hại. Nhưng cuộc Tổng công kích đã đẩy mạnh phong trào phản chiến tại Mỹ lên cao hơn trước gấp bội phần.Trước tết, cuối năm 1967 Tướng Wesmoreland tuyên bố tình hình VN đã yên, Mỹ có thể rút quân vào năm tới nhưng Cuộc Tổng công kích cho thấy CS còn đủ sức tấn công vào các thành phố lớn khiến người dân Mỹ càng bi quan, họ cho rằng không thể thắng được cuộc chiến tranh dai dẳng này. Bộ máy tuyên truyền Nga sô đã đổ dầu vào lửa cho phong trào chống chiến tranh tại Mỹ cũng như trên thế giới lên cao hơn.

Đầu năm 1968 Tướng Wesmoreland đề nghị tăng thêm 200 ngàn quân để đánh qua Mên Lào và đánh qua vĩ tuyến 17, mục đích các cuộc tấn công này là để phá hủy hậu cần CS, kế hoạch rất hợp lý về quân sự nhưng đã không được Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara chấp thuận. Tháng 4-1969 tướng Wesmoreland công bố bản phúc trình về Việt Nam cho biết nếu Mỹ không đổ quân vào Việt Nam 1965 thì đã mất trong 6 tháng, ông chỉ trích chính sách hạn chế chiến tranh của Johnson không cho đánh qua Mên, Lào nên đã bỏ lỡ cơ hội chiến thắng. Nhiều người cho rằng chính sách của người Mỹ không muốn thắng, chỉ muốn cù cưa kéo dài chiến tranh. Johnson không tái tranh cử nhiệm kỳ hai để tìm cách rút chân ra khỏi VN.

Nixon nhậm chức Tổng thống đầu 1969 tuyên bố sẽ rút quân trong vòng mấy năm, thực hiện Việt Nam hoá chiến tranh, hòa bình trong danh dự. Cuộc Tổng công kích Mậu Thân là khởi điểm của một khúc quành bi thảm trong cuộc chiến tranh VN. Các chính khách Hoa Kỳ nay cho rằng thuyết Domino không còn giá trị, Nga Tầu chia rẽ, hiểm hoạ xăm lăng của CS không còn, họ đang tính chuyện đi đêm với Trung Cộng. Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1970 Quân đội Việt Nam Cộng Hoà được Mỹ giúp đỡ và khuyến khích hành quân sang Mên đánh Cộng Sản đã thành công vẻ vang, nhưng đầu năm sau hành quân Lam Sơn 719 sang Hạ Lào không thành công, ta bị thiệt hại về nhân mạng và vũ khí. Phong trào phản chiến tại Mỹ càng lên cao dữ dội vì chính phủ mới vẫn tiếp tục leo thang chiến tranh.

Tháng 5 -1970 trong một cuộc biểu tình tại trường đại học Kent, Ohio Quân đội đã bắn chết 4 sinh viên, làm bị thương 10 người khác khiến cho phong trào chống chiến tranh lên cao gấp bội lần những năm trước. Trong những năm 1965, 66, 67.. mặc dù số cán binh VC bị tử thương lên tới hằng nửa triệu người nhưng người Mỹ không thấy dấu hiệu gì BV bi quan, trái lại họ vẫn tiếp tục đưa quân vào Nam qua đường mòn Hồ chí Minh. Nhiều người Mỹ bi quan cho rằng BV sẵn sàng hy sinh thêm một triệu người nữa và con số lính Mỹ chết tại VN sẽ tăng lên hằng trăm nghìn người hoặc cao hơn nữa.

Nixon bắt đầu cho rút quân từ giữa 1969 cho tới cuối năm họ rút 61 ngàn người, năm 1970 rút 141 ngàn, năm 1971 rút 178 ngàn, năm 1972 rút 132 ngàn, đến 1972 chỉ con 24 ngàn người. Chính phủ Mỹ đồng thời thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, nâng tổng số quân đội miền Nam từ 640 ngàn năm 1967 và 820 ngàn 1968 lên tới 970 ngàn năm 1969. Hoa kỳ rút quân thực hiện Việt Nam hoá chiến tranh là đã nghĩ tới chuyện bỏ Việt Nam, họ chỉ chờ cơ hội bắt tay được với Trung Quốc là thực hiện kế hoạch "vắt chanh bỏ vỏ"nhưng người dân miền Nam ngây thơ thật thà không ai ngờ tới. Trong khi giúp miền Nam đánh Cộng Sản họ đã ngấm ngầm tìm cách thương lượng với Trung Hoa đỏ. Năm 1970 họ bí mật đi đêm với Trung Cộng, ngày 9-7-1971 Kissinger đã bí mật gặp Chu Ân Lai tại Bắc kinh.

Năm 1969 chúng tôi có được nghe một người hồi chánh viên nói "Mỹ muốn chiêu hồi Trung Quốc chứ Bắc Việt thì nghĩa lý gì". Tướng Tôn Thất Đính trong hồi ký có ghi lại lời ông Ngô đình Nhu cho rằng Mỹ muốn vào VN chỉ để đi tới thoả thuận với Bắc Kinh, Tướng Đính cho rằng nhận định của ông Nhu đã thành sự thật, khi Nixon bắt tay Mao Trạch Đông thì tiền đồn chống Cộng của VNCH hết ý nghĩa, Hoa Kỳ phải thu xếp chấm dứt cuộc chiến tranh không cần thiết. Ngày 21-2-1972 tại Bắc kinh Tổng thống Đế quốc bắt tay Mao Trạch Đông. Họ mua bán với nhau trên xương máu của quân dân hai miền Nam Bắc, Nixon tươi cười mãn nguyện, cơn ác mộng Trung quốc không còn ám ảnh Hoa kỳ. Hồi ấy người dân miền Nam ai nấy vui mừng hớn hở tưởng như "hoà bình sắp tới nơi rồi" nhưng thực ra "sắp chết tới nơi" mà không ai hay biết ngay cả Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu, tháng 4 năm 1974 ông đã cho phe thân chính phủ sửa Hiến Pháp để ra ứng cử thêm một lần nửa!

Cuối tháng 3-1972 Bắc Việt đưa 5 sư đoàn với 200 xe tăng, 3 trung đoàn pháo ồ ạt tấn công vùng giới tuyến chia làm hai mũi: 3 Sư đoàn vượt sông Bến Hải đánh vào Quảng Trị, 2 sư đoàn từ phía Tây tiến về Huế. Mấy ngày sau ba Sư đoàn VC 5, 7, 9 cùng 200 chiến xa tiến đánh Bình Long, ngoài ra Sư đoàn 320 tiến đánh Kontum và Sư đoàn 3 đánh Bình Định. Tổng cộng 10 sư đoàn Bắc Việt đánh lớn trong mùa hè đỏ lửa 1972 để thêm sức mạnh tại bàn hội nghị, toàn bộ lực lượng vào khoảng 130 ngàn người, trong khi trận đánh diễn tiến họ có bổ sung thêm khoảng 50 ngàn người. Tại Quân khu 3 các cuộc tấn công vào thị xã An lộc của Bắc Việt từ 11-5 cho tới cuối tháng 5 bị đẩy lui, hằng trăm xe tăng bị bắn cháy, đến ngày 18-6 An Lộc coi như hoàn toàn được giải toả.

Tại Kontum 2 Sư đoàn CS (320 và 2 ) tham gia chiến dịch từ đầu tháng 4, ngày 23-4 VC tấn công dữ dội, Tân cảnh và Dakto bị tràn ngập. Ngày 10-5 Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn lên thay Trung Tướng Ngô Dzu giữ chức Tư lệnh Quân Đoàn 2, Chiến dịch của CSBV được chia làm 2 giai đoạn giai đoạn 1 từ 14 tới 17-5 Cộng quân tấn công dữ dội, pháo binh của ta không đủ sức ngăn chận, phòng tuyến có nguy cơ sụp đổ, nhờ sự yểm trợ của B-52 đã cứu vãn được tình thế. Các đợt tấn công kế tiếp từ 18-5 tới cuối tháng của CS thất bại, ngày 30-5 VNCH đã chiếm lại được toàn thành phố, Kontum coi như thoát hiểm

Tại vùng giới tuyến ngày 3-5 tướng Ngô quang Trưởng thay thế Hoàng Xuân Lãm và bắt phản công tái chiếm Quảng Trị từ 28-6. BV đưa vào mặt trận 6 sư đoàn nhưng đã làm mồi cho B-52, pháo binh và máy bay chiến thuật VNCH. Tới tháng 9 chưa có kết quả cụ thể nào. Ngày 9-9 TQLC khởi sự tấn công vào cổ thành, cho tới 16-9 TQLC đã cắm cờ trên cổ thành cuộc chiến đẫm máu coi như chấm dứt. Trận chiến mùa hè Cộng quân thiệt hại khoảng trên 70 ngàn người, ước lượng từ 500 cho tới 700 xe tăng bị bắn cháy, phía VNCH có khoảng 30 ngàn người thiệt mạng. Cho đến cuối 1972 có hơn một triệu cán binh Cộng Sản bị tử thương trong khi Bắc Việt vẫn ngoan cố theo đuổi chính sách "cố đấm ăn xôi" đẩy thanh niên vào chỗ chết, họ hy vọng nhiều vào phong trào phản chiến.

Người Mỹ cho rằng chiến thắng trong trận mùa hè đỏ lửa một phần do sự yểm trợ hùng hậu của không lực Mỹ, chính ông Cao văn Viên, Tổng tham mưu trưởng cũng đã xác nhận "Cuộc công kích của địch quân năm 1972 đã cho thấy nhược điểm của tiến trình Việt Nam hoá chiến tranh. Nếu không được yểm trợ của Mỹ về Không lực và di động tính, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà khó có thể giữ được An Lộc, bảo vệ được Kontum và chiếm lại đượïc Quảng Trị. Các phần đất này sẽ bị mất vĩnh viễn bởi vì chúng tôi không có đủ khả năng chiếm lại. Tuy nhiên, lúc nào còn Không lực Mỹ thì cán cân lực lượng vẫn có thể duy trì và Việt Nam Cộng Hoà vẫn còn một cơ hội tốt để sống còn...

Như thế năm 1972 lực lượng Việt Nam Cộng Hoà không được cân bằng so với Bắc Việt, nó chỉ cân bằng khi có sự yểm trợ của Không quân Mỹ, tại miền Nam riêng tháng 5- 1972 có hơn 18 ngàn phi vụ do 700 phi cơ chiến đấu và do 160 pháo đài bay B-52 thực hiện cùng với yểm trợ hải pháo của khoảng 41 chiến hạm ngoài khơi Thái Bình Dương . Họ yểm trợ hết mình cho VNCH, ngoài không yểm của B-52 còn có yểm trợ về vận tải của máy bay khổng lồ C-130. Họ muốn miền Nam phải thắng để lấy thế mạnh trên bàn Hội Nghị và ký Hiệp Định Paris rút quân về nước, lấy về 587 tù binh, nhà chuyên viên du kích chiến Sir R. Thompson cho biết miền Bắc phải ngồi vào bàn Hội nghị không phải để cứu họ mà là để cứu nước Mỹ khỏi cấu xé nhau tan nát.

Năm 1968 và 1972 chính phủ Việt Nam đã đề nghị chính phủ Mỹ cho thành lập thêm 2 sư đoàn tổng trừ bị để đối phó với lực lượng địch đã có ưu thế về xe tăng pháo binh, nhưng người Mỹ từ chối lấy lý do tốn kém. Kỳ thực họ không muốn cho quân đội miền Nam mạnh quá vì sợ có thể liều lĩnh đánh ra Bắc hoặc ương bướng khó bảo, họ luôn luôn nắm đằng chuôi. Như thế ta có thể kết luận về chủ lực quân, miền Nam không bằng miền Bắc cũng như năm 1953 chủ lực quân Việt Minh vẫn mạnh hơn Pháp.

Sau ngày ký hiệp định Paris, năm 1973 tình hình tiếp vận của miền Nam bắt đầu thiếu hụt một số lớn xăng dầu đạn dược đã được dốc vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, quân viện bị cắt giảm dần dần từ 2 tỉ 1 năm 1973 còn 1 tỉ 4 năm 1974 và 700 triệu năm 1975. Theo tiết lộ sau này của Ông Cao văn Viên, Bộ TTM VNCH, hậu quả của giảm quân viện là không quân đã phải cho hơn 200 phi cơ ngưng bay, giảm số giờ bay yểm trợ huấn luyện 50%, phi vụ trực thăng giảm 70%. Các hoạt động hải quân cũng cắt giảm 50%, 600 giang thuyền các loại nằm ụ. Theo sử gia Bill Laurie từ giữa năm 1974, Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ bắt đầu từ từ xiết cổ VNCH, so với năm 1972, năm 1975 hoả lực súng lớn (đại bác 105 ly, 155 ly..) giảm tới hơn 90%. Theo Bộ TTM hỏa lực giảm 60%, năm 1972 mỗi tháng quân đội VNCH xử dụng khoảng trên 65 ngàn tấn đạn nhưng tới 1974 chỉ xử dụng hạn chế 19 ngàn tấn một tháng, theo ông Cao Văn Viên trong Những Ngày Cuối Của VNCH, tháng 2-1975 đạn chỉ đủ dùng khoảng 30 ngày.

Năm 1972 người Mỹ yểm trợ cho VNCH hết mình để lấy thế mạnh trên bàn Hội Nghị rút quân về nước, tiếp theo đó là giai đoạn "vắt chanh bỏ vỏ", cắt giảm quân viện khi VN không còn là tiền đồn chống Cộng của Đông Nam Á vì họ đã bắt tay và thoả thuận được với Trung Hoa đỏ. Họ có để lại cho miền Nam những lời hứa xuông. Năm 1973 có thể chia làm hai giai đoạn: Thứ nhất từ 28-1-73 cho tới tháng 10-1973. Thứ hai từ sau tháng 10-1973. Chỉ thị tháng 2-1973 của Trung Ương Cục miền Nam chủ trương thúc đẩy hoạt động chính trị nhưng đến tháng 6-1973 khi Quốc Hội Mỹ biểu quyết cắt các ngân khoản cho các hoạt động quân sự của chính phủ tại Đông Dương, tháng 10 Quốc hội ra Đạo Luật Quyền hạn chiến tranh (War Powers act) giới hạn quyền Tổng thống Mỹ thì tình hình lại thay đổi. Tại Hà Nội, Đại hội 21 của Bộ chính trị Trung ương đảng họp vào tháng 10 năm 1973 quyết đấu tranh bằng vũ lực sau khi được biết Quốc Hội Mỹ cắt giảm quân viện, trói tay hành pháp. Trung Cộng và Nga Sô thừa cơ viện trợ nhiều súng đạn cho Bắc Việt tiến đánh miền Nam, nhưng thực ra họ đã thoả thuận với nhau cả rồi.

So sánh với tình hình năm 1972 chúng ta sẽ thấy: Trong trận mùa hè đỏ lửa, Bắc Việt đã đưa vào trận đánh tổng cộng 10 sư đoàn, ta có đầy đủ tiếp liệu, đạn dược, xăng dầu để chiến đấu lại được không quân Mỹ giúp đỡ về vận chuyển và oanh tạc. Sang năm 1975 VNCH không được B52 yểm trợ. Toàn bộ lực lượng chủ lực BV gồm 15 sư đoàn BB (thuộc 4 quân đoàn 1, 2, 3, 4 và đoàn 232) cộng thêm một Sư đoàn đặc công và trên 10 trung đoàn độc lập, tương đương 20 sư đoàn BB. Đầu năm 1975 vào khoảng trên 70% Chủ lực quân BV đã có mặt tại miền Nam vào khoảng 17 Sư đoàn, 3 Sư đoàn tổng trừ bị thuộc Quân đoàn 1 còn đóng ở phía trên Bến Hải, khi ta mất vùng 1 và 2, Bắc việt đưa nốt 3 Sư đoàn vào Nam nâng tổng số lên 20 sư đoàn. Vũ khí đạn dược của BV năm 1975 gấp 2 lần 1972 theo tiết lộ của báo Nhân Dân năm 1976 nhân ngày kỷ niệm chiến thắng 30-4.

Chúng ta hãy lập bảng so sánh như sau:

Năm 1972
Bắc Việt đưa vào trận địa 10 sư đoàn
Miền Nam có đầy đủ tiếp liệu đạn dược.
Có yểm trợ của không lực Mỹ.

Năm 1975
Lực lượng Bắc Việt lên tới 20 sư đoàn, gấp đôi năm 1972.
Vũ khí đạn dược của Bắc Việt gấp 2 lần năm 1972.
Miền Nam thiếu thốn đạn dược, nhiên liệu.
Không được phi cơ Mỹ yểm trợ oanh tạc và vận chuyển.

Nhìn sơ ta cũng đủ thấy tình hình miền Nam lúc ấy bi đát như thế nào rồi, vào thời điểm này quân đội miền Nam chỉ còn trông cậy vào yểm trợ của B-52 trải thảm để cứu vãn tình thế. Năm 1973, đạn dược tiếp liệu của miền Nam tương đối dồi dào hơn năm 1974, CSBV chưa phục hồi sau trận mùa hè đỏ lửa. Tại mặt trận Quảng Đức khoảng cuối 1973, các trung đoàn CSBV giao tranh với quân đội VNCH tại Bù Prăng, Kiến Đức để bảo vệ xa lộ Đông Trường Sơn đã bị thiệt hại nặng nề, quân đội miền Nam đã bắn khoảng 100 ngàn quả đại bác 155 ly đẩy lui địch. Từ tháng 8 tới cuối năm 1974 tại mặt trận Thượng Đức, Quảng Nam hai Lữ đoàn Nhẩy Dù và các Trung đoàn CSBV giao tranh dữ dội, dằng co nhau ngọn đồi 1062. Trận đánh cho thấy hoả lực CS được gia tăng hơn trước trong khi đó quân đội miền Nam phải giới hạn xử dụng đạn được. Trong năm 1974 hầu hết các cứ điểm VNCH không chịu nổi pháo kích ồ ạt của địch như Tống Lê Chân, 24-3-1974, Dakrek, Kontum ngày 16-5-1974 (7 ngàn quả), Nông sơn Quảng Nam 18-7 (5 ngàn quả), Tiêu Atar, Bắc Ban mê Thuột 30-5 (trên 1 ngàn quả)...

Lực lượng CSBV như đã nói ở trên tổng cộng là 20 sư đoàn, với số xe tăng thiết giáp ước lượng không chính xác khoảng 600 chiếc và 600 khẩu pháo. Một nhà báo Tây phương nói hai bên xem như ngang nhau vào lúc đầu của tấn thảm kịch. Năm 1975 Việt Nam Cộng Hoà có trên một triệu quân, 40% là chủ lực chính qui, 40% là địa phương quân, còn lại hải quân, không quân, cảnh sát. Thực ra lính nhà nghề chỉ có 13 Sư đoàn và 17 Liên đoàn Biệt động quân tương đương với hai Sư đoàn (mỗi liên đoàn khoảng trên 1,000 người), toàn bộ lực lượng vào khoảng 15 Sư đoàn. Quân đội VNCH tổ chức theo lối Mỹ, một người tác chiến có 5 người yểm trợ, chủ lực quân có khoảng 450 ngàn trong đó thành phần tác chiến chỉ vào khoảng 180 ngàn, còn lại là các đơn vị yểm trợ.

Về mặt số lượng xe tăng và đại bác của VNCH khoảng gấp 3 lần CSBV tại miền Nam nhưng về mặt phẩm thiết giáp miền Nam gồm M-48, M-41, M-113, trong đó chỉ có M-48 là tương đương với T-54 của Bắc Việt. Đại bác 130 ly của BV có tầm viễn xạ tối đa là 30 cây số trong khi pháo 105 ly, 155 ly của miền Nam chỉ được 11 và 15 cây số, sau này được viện trợ thêm 175 ly có tầm bắn xa 25 cây số. Quân đội VNCH tuy đông nhưng phải trải quân giữ đất nên thiếu lực lượng di động và quân tổng trừ bị. Cộng quân có ưu thế lựa chọn chiến trường nên họ có thể tập trung quân đông đảo như tại chiến trường QK-1, QK-2 năm 1975 về bộ binh CSBV nhiều gấp 5 lần VNCH, về đại bác gấp đôi, về xe tăng ngang nhau. Thực ra lực lượng hai bên không cân bằng vì miền Nam lâm vào tình trạng hết đạn.

Quân khu 2 gồm 12 tỉnh mà chỉ có 2 Sư đoàn BB và 7 Liên đoàn BĐQ trấn giữ, lực lượng bị phân tán mỏng lại là nơi địch chủ trương tấn công toàn diện, Bắc Việt tung vào trận địa này 5 Sư đoàn (gồm 5 Sư đoàn và 4 trung đoàn độc lập) tổng cộng gần 80 ngàn người. Bắc Việt bất ngờ đưa ba Sư đoàn tấn công Ban mê thuột ngày 10-3, thành phố chỉ được phòng thủ sơ sài, hôm sau hầu như toàn thị xã lọt vào tay VC. Thiếu Tướng Phạm Văn Phú Tư lệnh QK-2 mắc lừa kế nghi binh của Văn Tiến Dũng tưởng là BV tấn công Pleiku ông đã phòng thủ rất kỹ đại bản doanh này nên đã để mất Ban Mê Thuột.

Hai hôm sau 12-3-1975 Quốc hội Mỹ cắt 300 triệu đô la quân viện bổ túc cho VNCH mà TT Ford đã đệ trình trước đây và quân viện cho năm tới sẽ không được chuẩn chi như thế ta chỉ còn đạn đủ đánh trong vòng vài tháng. Từ ngày 11-3 tại dinh Độc Lập TT Nguyễn văn Thiệu triệu tập phiên họp An ninh QG với Đại Tướng Cao Văn Viên, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Trung Tướng Đặng Văn Quang cho biết phải rút Quân bỏ QK-1 và 2 để về bảo vệ QK-3 và 4 vì lãnh thổ quá rộng không đủ lực lượng bảo vệ. Kontum, Pleiku bị áp lực nặng, Tướng Phú bay về Cam ranh họp với các Tướng Thiệu, Khiêm, Viên, Quang để bàn kế hoạch rút lui Pleiku theo đường số 7 B về Tuy Hoà.

Cuộc triệt thoái bắt đầu từ 16-3 đến 19-3, ngày đầu nhờ yếu tố bất ngờ nên đoàn lữ hành ra đi êm xuôi, hôm sau dân chúng ùa theo, ngày 18-3 đoàn di tản tới Phú Bổn, chiến xa và đại bác dồn đống tại đây bị Cộng quân pháo kích hư hại gần hết. Cuộc triệt thoái không có kế hoạch đầy đủ, cấp trên nhiều người bỏ đơn vị chạy trước, kỷ luật hỗn tạp, kẻ xấu lợi dụng phá hoại, giết chóc. Cuộc triệt thoái trên đường số 7 đã đi vào vết xe đổ của cuộc lui binh tại Cao Bắc Lạng của Pháp năm 1950 được coi như một thảm bại lớn nhất trong cuộc chiến tranh tại miền Nam nước Việt từ trước đến nay.

Tướng Cao Văn Viên cho rằng ít nhất 75% các lực lượng chiến đấu của Quân đoàn 2 đã bị tiêu diệt, 60 ngàn chủ lực quân khi về đến Tuy hoà chỉ còn lại khoảng 20 ngàn, năm Liên đoàn BĐQ 7,000 người chỉ còn 900 người, 100 xe tăng các loại chỉ còn 13 cái M-113, trong số 200 ngàn dân Cao nguyên chạy loạn chỉ có khoảng 45 ngàn người tới được Tuy Hoà. Tổng số vũ khí đạn dược trị giá 253 triệu đô la lọt vào tay Cộng quân. Ít ra cũng có tới hằng chục ngàn người thiệt mạng, cuộc triệt thoái mang lại hậu quả hết sức tai hại, nó đã kéo theo sự sụp đổ của toàn bộ VNCH.

Miền Nam đang ở trong tình trạng ngặt nghèo vì thiếu đạn, xăng dầu... Ông Thiệu lại đưa ra những quyết định sai lầm vô cùng tai hại khiến cho đất nước trong chớp mắt đã kề bên bờ vực thẳm. Ngày 13-3 Trung Tướng Ngô Quang Trưởng Tư lệnh QK-1 về dinh Độc Lập họp HĐ an ninh QG, TT Thịêu lệnh cho tướng Trưởng đưa Sư đoàn Dù về QK-3 thực hiện tái phối trí lực lượng. Ngày 14-3 Tướng Trưởng trở ra Đà Nẵng họp tham mưu thảo luận kế hoạch tái phối trí, Liên đoàn 14 BĐQ thay thế TQLC tại Quảng Trị để TQLC thay Lữ đoàn Dù. Ngày 17-3 TQLC rời Quảng Trị về Đà Nẵng khiến dân chúng sợ hãi di tản ồ ạt trên Quốc lộ 1. Ngày 19-4 Tướng Trưởng về Sài Gòn trình bầy kế hoạch lui binh từ Huế, Chu Lai về Đà nẵng theo đường bộ, trong trường hợp đường bộ bị cắt thì các lực lượng của Quân đoàn sẽ tập trung tại Huế, Đà Nẵng, Chu lai, tầu Hải quân sẽ chở lính từ Huế, Chu lai về Đà Nẵng, thành phố này vẫn là điểm tựa cuối cùng.

Ngày 19-3 Quảng Trị bỏ ngỏ, Cộng quân bắt đầu tấn công mạnh tại Bắc và Nam Quân khu. Nhìn trên bản đồ quân sự ta thấy VNCH chỉ còn kiểm soát được khoảng 1/3 diện tích QK-1 kể từ ngày 19-3. Quảng Trị coi như bỏ ngỏ đã lọt vào tay Bắc Việt. Ngày hôm sau tướng Trưởng nhận được lệnh bỏ Huế rút về Đà nẵng, ngày 25-3 Quảng Tín và Quảng Ngãi lọt vào tay Cộng quân. Ngày 25-3 các đơn vị của Quân đoàn đã tụ tập tại 3 phòng tuyến chính Nam Chu Lai, Đà Nẵng, Bắc Huế, các lực lượng Quân đoàn thiệt hại nặng trên đường di tản về các phòng tuyến này. Tướng Trưởng cho Sư đoàn 1 và các lực lượng quanh Huế rút về Đà Nẵng, ông cũng lệnh cho Sư đoàn 2, chi khu Quảng Ngãi và thân nhân của họ rút ra Cù lao Ré ngoài khơi Chu Lai, khoảng một nửa quân số của Sư đoàn 2 đã lên tầu. Ngày 26-3 tại cửa Tư Hiền và Thuận An các đơn vị TQLC, BĐQ, ĐPQ cùng với hàng trăm khẩu pháo.. hỗn loạn diễn ra, CSBV pháo kích vào địa điểm tập trung quân gây thiệt hại nặng.

Ngày 27-3 cuộc phòng thủ Đà Nẵng trở nên vô hiệu trước sự hỗn loạn, thành phố nay đông nghẹt những người tỵ nạn đã trở nên hỗn loạn không thể nào kiểm soát nổi. Cuộc di tản tại QK-1 được coi như tồi tệ hơn tại QK-2, các nhân chứng sau này kể lại nhiều người cấp lớn bỏ lính để chạy tháo thân. Ngày 28-3 Đà nẵng bắt đầu nghiêm trọng, Cộng quân pháo vào thành phố dữ dội gây nhiều thiệt hại về nhân mạng, Tướng Trưởng gọi về Bộ TTM xin di tản, ông Thiệu không ra lệnh rõ ràng. Ngày 29-3 Tướng Trưởng ra lệnh bỏ Đà Nẵng. Tại QK-2 ngày 27-3 Lâm Đồng di tản, ngày 1-4 Qui Nhơn thất thủ sau một tuần giao tranh dữ dội, Sư đoàn 22 BB chiến đấu rất anh dũng nhưng không thể chống lại lực lượng quá đông đảo của Cộng quân. Ngày 16-4 mất Phan Rang, hai hôm sau Phan Thiết chịu chung số phận, toàn bộ hai QK-1 và 2 lọt vào tay CSBV.

Kế hoạch tái phối trí của ông Thiệu cho rút bỏ hai Quân khu 1 và 2 chẳng khác nào dọn cỗ sẵn cho CSBV xơi, họ chiếm được 16 tỉnh, một nửa VNCH trong vòng có hơn một tháng. Tất cả vũ khí đạn dược, quân trang, xe tăng đại bác... tại hai vùng hầu như mất hết, một phần lớn đã lọt vào tay Cộng quân, đúng là giáo vào tay giặc. Năm 1976, Cộng Sản tiết lộ trên báo chí họ đã lấy được rất nhiều chiến lợi phẩm tại Vùng 1 và 2 để trang bị thêm. Cuộc rút lui hỗn loạn tại hai Quân khu dưới những trận mưa pháo của BV khiến hằng vạn người bị chết oan.

Tại Xuân Lộc Long Khánh QĐVNCH chống trả dữ dội cuộc tấn công của BV gây thiệt hại nặng nề cho họ. Ngày 18-4-1975 Quốc Hội Mỹ bác bỏ đề nghị viện trợ khẩn cấp cho VNCH của TT Ford, đối với người Mỹ chiến tranh VN cũng như Đông Dương coi như chấm dứt. Tại Sài Gòn các ông to bà lớn đã chuẩn bị kế hoạch "tẩu vi thượng sách" y như năm 1949 tại Nam Kinh bên Trung Hoa các ông Bộ trưởng, Tỉnh trưởng đã lên máy bay ra đảo Đài Loan.

Ngày 21-4 ông Thiệu từ chức, tuyên bố Hoa kỳ bỏ rơi đồng minh, phó Tổng Thống Trần Văn Hương lên thay, ba ngày sau hai ông Thiệu và Khiêm rời Sài Gòn sang Đài Loan. Ngày 28-4 ông Trần văn Hương bàn giao cho ông Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống. Sau khi chiếm được hai Quân khu 1 và 2, CSBV hối hả đưa đại binh vào chiếm Sài Gòn trước mùa mưa, tổng cộng họ đã dưa vào gần 20 Sư đoàn, khoảng 400 xe tăng và 400 đại bác. Phía VNCH chỉ có 3 sư đoàn 25, 5, 18 và các lực lượng di tản từ miền Trung tổng cộng độ gần 5 sư đoàn. Bộ TTM đã lấy hết súng đạn kho tái trang bị cho các đơn vị di tản, hoả lực yếu kém, năm phòng tuyến bảo vệ Thủ đô của VNCH là tuyến Củ chi, Bình Dương, Biên Hoà, Vũng Tầu, Long an... bị sụp đổ trước sự tấn công của Cộng quân từ ngày 26 cho tới sáng 30-4. Mặc dù các đơn vị cảm tử của VNCH như Biệt cách Dù vẫn còn chiến đấu anh dũng tại Ngã Tư Bẩy Hiền nhưng ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trưa ngày 30-4 để tránh đổ máu vô ích.

Từ đó đến nay nhiều người Việt đổ lỗi cho Mỹ đã bỏ rơi đồng minh năm 1975. Người Mỹ, điển hình là đương kim Tổng thống và bộ trưởng quốc phòng lại chỉ trích quân đội Việt Nam Cộng Hoà trước đây đã không chịu đánh. Nhiều chính khách Hoa kỳ lại đổ lỗi cho miền Nam Việt Nam. Theo ông Nguyễn đức Phương, nhà nghiên cứu quân sự thì nguyên nhân thất bại đã đến từ cả hai phía Việt Nam và Mỹ.

Như đã trình bầy ở trên, Quốc hội Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự khiến cho VNCH lâm vào tình trạng ngặt nghèo kiệt quệ, một ông tướng Pháp nói đó là bức tử Việt nam. Những yếu tố đưa tới sự sụp đổ của miền Nam có thể bao gồm trong các nguyên nhân chính:

- Sự sai lầm của ông Thiệu trong việc rút bỏ hai Quân khu, tuy nhiên giả thử ông không cho rút lui và tăng cường tiếp viện cả hai Vùng và cầm cự được cho tới mùa mưa, CSBV phải tạm ngưng chiến chờ mùa khô nhưng khi ấy QĐVNCH lâm vào tình trạng hết đạn hoàn toàn và phải xin Quốc hội Mỹ viện trợ khẩn cấp, thật khó mà ước đoán kết quả ra sao. Ông Thiệu không phải là nguyên do duy nhất đưa tới sụp đổ.

- Quốc Hội Mỹ là nguyên nhân chính trong việc cắt giảm quân viện cho VNCH đã bức tử miền Nam.

- Thuyết Domion có từ thời Tổng Thống Eishenhower nay đã lỗi thời không còn giá trị, người Mỹ đã bắt tay được Trung Cộng, Đông Nam Á không còn bị CS đe doạ cho dù bỏ Dông Dương.

-Phong trào phản chiến tại Mỹ đã gây chia rẽ sâu xé nội bộ nước Mỹ khiến họ phải rút bỏ Đông Dương.

- Chế độ Nguyễn văn Thiệu ngày càng suy bại vì tham nhũng khiến Hoa Kỳ chán nản mệt mỏi vì phải trợ giúp một chính quyền nhiều khuyết điểm và thối nát.

- Cuộc chiến tranh VN đã được quốc tế hoá từ 1950 cho tới 1975, miền Nam và Đồng Minh phải đương đầu với một kẻ thù cố đấm ăn xôi, dai dẳng. Người Pháp đã quá ghê sợ cuộc chiến tranh Đông Dương và phải rút bỏ từ 1954, Mỹ lại đi vào vết xe đổ của Pháp khi tham dự một cuộc chiến tranh không cân xứng giữa một anh nhà giầu sợ chết và một thằng nghèo đói đánh thí mạng cùi.

Ngoài ra những người chạy lọan từ miền Trung vào Nam, một số sĩ quan viết lại hồi ký, họ nói rằng cấp lớn nhiều người bỏ đơn vị chạy tháo thân.
Vài ông tỉnh trưởng vét tiền trong ngân khố chạy trước, trong khi tinh thần binh sĩ còn cao, một số cấp lớn ích kỷ đã giúp cho sự sụp đổ của miền Nam nhanh hơn dự kiến. Trong khi ba quân tướng sĩ còn đang chiến đấu anh dũng bảo vệ Vùng 3, nhiều ông to bà lớn đã thu xếp quí kim chuồn ra ngoại quốc.
Ông Nguyễn Đức Phương cho rằng người dân thờ ơ không chịu giúp đỡ chính phủ, họ chỉ lo chạy tháo thân mặc cho nó sụp đổ tan tành.

Sau 30-4-1975 người Mỹ ước lượng Cộng quân đã chiếm được 1,100 phi cơ các loại, hằng trăm tầu các loại của Hải quân, 300 xe tăng M-41, 250 xe M-48; 1,000 đại bác 105 mm, 300 đại bác 155mm và 175mm; 800 ngàn súng cá nhân M-16, 15 ngàn đại liên; 500 trực thăng; 130 ngàn tấn đạn dược... tất cả trị giá hằng tỉ Mỹ kim.

Hậu quả của tấn thảm kịch như ta thấy đã khiến cho hằng mấy vạn người chết oan, hằng trăm nghìn người bị tù đầy giam giữ lâu dài, vài năm sau có tới mấy trăm nghìn người bỏ xác giữa biển khơi trên đường tị nạn. Cuộc chiến tranh 1975 đã chấm dứt từ hơn mấy chục năm qua nhưng nó vẫn in sâu trong tâm khảm người Việt, nhất là những người tị nạn lưu vong. Bây giờ không phải lúc chúng ta ngồi oán trách đồng minh bỏ rơi miền Nam, ta phải tự trách mình đã không bảo được nhau, đã tự biến mình thành những quân tốt cho người ta xử dụng, đã để cho họ mua bán với nhau trên xương máu của hằng triệu binh lính cả hai miền Nam Bắc, đã biến đất nước thành bãi chiến trường và nơi thử vũ khí của khoa học quốc phòng.

Cộng sản Việt Nam đã gây lên cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn sẽ phải đời đời đắc tội trước non sông và lịch sử. Các siêu cường Nga, Mỹ, Trung Hoa cũng phải chịu trách nhiệm trước lịch sử loài người vì họ đã giúp vũ khí và xúi giục cho các dân tộc Đông Dương giết hại lẫn nhau.

------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

1] Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hòa , Vietnambibliography 2003.
2] Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
3] Nguyễn Đức Phương: Những Trận Đánh Lịch Sử Trong Chiến Tranh Việt Nam, 1963-1975, Đại Nam, 2000.
4] Phạm Huấn: Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975, Cali 1988.
5] Phạm Huấn: Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, Cali 1987.
6] Nguyễn Tiến Hưng: Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Hứa Chấn Minh xuất bản, 2005.
7] Văn Tiến Dũng: Đại Thắng Mùa Xuân, nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội 2005.
8] Đinh Văn Thiên: Một Số Trận Đánh Trước Cửa Ngõ Sài Gòn, nhà xuất bản Quân Đôïi Nhân Dân, Hà Nội 2005.
9] Dương Đình Lập, Trần Minh Cao: Cuộc Tổng Tiến Công và Nổi Dậy Mùa Xuân 1975, nhà xuất bản tổng hợp TPHCM 2005.
10] Hoàng Lạc, Hà Mai Việt: Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới Texas 1991.
11] Lam Quang Thi: Autopsy The Death Of South Vietnam, Sphinx publishing 1986.
12] The World Almanac Of The VietNam War: John S.Bowman, General editor, A Bison book.
13] Stanley Karnov: Vietnam - A History, Penguin books 1991.
14] Marilyn B Young, John J. Fitzgerald, A.Tom Grunfeld: The Vietnam War, A History In Documents, Oxford University press 2002.
15] Nguyễn Quang Khải: Sau Ba Mươi Năm Giữ Yên Lặng, Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Melvin R Laird Nói Gì Về Cuộc Chiền Tranh Ở Việt Nam, điện báo Talawas tháng 3-2006.
16] Việt Nguyên: 32 Năm Lật Trang Sử Cũ, Người Việt Dallas 25-4-2007.
17] Minh Võ: Tại Sao Thua, Người Việt Dallas 26-4-2006.
18] Lê Quang Lưỡng: Thiên Thần Mũ Đỏ Ai Còn Ai Mất, Người Việt Dallas 7-10-2005.
19] NgườiMỹ Và Chiến Tranh Việt Nam, Người Việt Dallas 21-6-2006.
20] âm Lễ Trinh: Mạn Đàm Với Đại Tướng Cao Văn Viên, Về Nguồn, Thuỷ Hoa Trang 2006.
21] Hồ Đinh: Cơn Phẫn Nộ Cuối Cùng Của Một Quân Đội Bị Phản Bội, Người Việt Dallas 23-12-2005.
22] Lewis Sorley: Lịch Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Trần Đỗ Cung dịch, Người Việt Dallas 22-11-2006.
-------------------------------------------------

Bài do tác giả gởi đến Đàn Chim Việt Online


No comments: