FDI - Con số thực hiện và con số đăng ký
Bùi Văn
08/12/2008 09:24 (GMT + 7)
http://tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/5523/index.aspx
Đến tháng 11/2008 con số đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đã lên đến 61 tỉ USD. Theo dự báo của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) thì con số này có thể lên đến 65 tỉ USD cho cả năm 2008. Tuy nhiên, dự báo FDI năm 2009 lại chỉ 30 tỉ USD, chưa bằng một nửa năm 2008.
Điều gì đang xảy ra? Phải chăng dự báo kinh tế thế giới sẽ khó khăn? Hay sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam sẽ giảm sút? Hay chúng ta sẽ từ chối các dự án đầu tư?
Trước tiên, cần thấy việc sử dụng các khái niệm của chúng ta khác với thế giới. Trong khi các con số FDI được nói đến nhiều nhất ở Việt Nam là con số đăng ký, kế đến là con số thực hiện. Còn trên thế giới lại dùng con số giải ngân.
Con số thứ nhất là tổng vốn FDI đăng ký theo giấy phép, bao gồm vốn tự có và vốn vay ngân hàng. Vốn tự có gồm vốn nước ngoài và vốn góp của đối tác liên doanh trong nước. Vốn vay ngân hàng cũng gồm vay ngân hàng nước ngoài và vay ngân hàng trong nước.
Con số thứ hai là số vốn đã thực hiện theo báo cáo, trong đó bao gồm cả vốn nước ngoài và vốn trong nước. Hai con số đăng ký và thực hiện được tổng hợp bởi Bộ KH-ĐT.
Con số thứ ba là FDI giải ngân. Đây mới là dòng vốn thực sự đầu tư từ nước ngoài vào và thể hiện trên cán cân thanh toán quốc tế, không bao gồm số vốn của đối tác trong nước hay ngân hàng trong nước. Con số này do Ngân hàng Nhà nước tổng hợp và báo cáo.
Để thấy rõ sự khác biệt trong việc sử dụng các con số này, có thể lấy một so sánh: Năm 2005 chúng ta công bố FDI vào Việt Nam là 6,8 tỷ USD, thực hiện được 3,3 tỷ USD. Nhưng thống kê trong khối ASEAN chỉ ghi nhận FDI vào Việt Nam là 2,36 tỷ USD. Ba con số khác nhau, cũng là ba cách nhìn nhận khác nhau về FDI.
Thống kê năm 2005 của khối ASEAN cho thấy, Việt Nam chiếm 15% tổng dân số của 10 nước ASEAN nhưng chỉ chiếm 4,5% tổng dòng vốn FDI (tất nhiên, đó là con số giải ngân, không phải con số đăng ký như chúng ta thường tính).
Tất cả đều thích con số cao
Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài, khoảng cách giữa con số đăng ký và thực hiện ngày càng giãn xa.
Tương tự, đó là khoảng cách giữa con số thực hiện và con số giải ngân. Tỷ trọng vốn nội địa ngày càng nhiều, với nhiều dự án FDI dựa vào vốn góp của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, và vốn vay ngân hàng trong nước.
Rõ ràng số vốn góp trong nước và vay trong nước không phải là vốn nước ngoài, nhưng vẫn được tính gộp vào.
Việc tính gộp này có thể dễ hiểu. Từ phía các cơ quan quản lý, các cơ quan xúc tiến đầu tư, và chính quyền các địa phương, con số cao cũng nghĩa là thành tích cao, niềm tự hào cao về sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Càng dễ hiểu hơn về phía nhà đầu tư. Các dự án đầu tư bất động sản càng có số vốn cao càng dễ được cấp diện tích đất lớn hơn. Khi mà giá bất động sản ở Việt Nam vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới, thì diện tích đất giao cho nhà đầu tư trở thành một loại “quyền chọn” hấp dẫn. Nếu giá bất động sản lên cao, nhà đầu tư thực hiện. Nếu giá thấp hoặc không huy động được vốn, nhà đầu tư chấp nhận bị thu hồi đất, nhưng cũng không mất chi phí gì.
Khi việc huy động vốn trong nước và thế giới gặp khó khăn, chủ đầu tư các dự án lớn cũng dễ dàng xin gia hạn triển khai dự án. Kết quả là đất đai vẫn bị găm giữ.
Vì vậy, dễ thấy sự tăng đột biến của các dự án bất động sản. Nếu tính liên quan đến bất động sản là các dự án khách sạn, khu đô thị, văn phòng và căn hộ, thì chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm 2008, các dự án loại này đã đạt vốn đăng ký hơn 22 tỷ USD. Để so sánh, trong suốt giai đoạn từ 1998 đến 2007 cũng chỉ có gần 19 tỷ USD đăng ký vào nhóm đầu tư này. Riêng cho nhóm này, vốn đầu tư (đăng ký) trong 10 tháng đã cao hơn cả giai đoạn 10 năm trước!
Đầu tư vào công nghiệp chế biến giảm
Vốn FDI đăng ký vào các dự án liên quan đến bất động sản, các dự án công nghiệp nặng (thép, dầu khí) liên tục tăng cao. Đây đều là các dự án thâm dụng vốn, nghĩa là khả năng tạo việc làm không nhiều.
Trong khi đó, vốn FDI đăng ký vào các dự án chế biến sử dụng nhiều lao động (công nghiệp nhẹ, chế biến thực phẩm, nông lâm ngư nghiệp) lại giảm.
Phải chăng sức hấp dẫn của lao động Việt Nam đã giảm? Hay phải nhìn theo hướng khác: sức hấp dẫn của bất động sản và công nghiệp nặng đã tăng lên?
Dù sao thì con số FDI đăng ký vẫn chỉ là để đăng ký, không có nhiều ý nghĩa trong việc hoạch định chính sách. Đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, các dự án càng “khổng lồ” càng khó tiếp cận nguồn vốn và càng dễ bị trì hoãn.
Bùi Văn
No comments:
Post a Comment