Wednesday, January 8, 2025

VIỆT NAM TRUY TỐ LUẬT SƯ ĐÃ PHÊ PHÁN HOẠT ĐỘNG CỦA TÒA ÁN (Patricia Gossman | Human Rights Watch)

 


Việt Nam truy tố luật sư đã phê phán hoạt động của tòa án

Patricia Gossman

Associate Asia Director

HUMAN RIGHTS WATCH

January 7, 2025 2:58PM EST

https://www.hrw.org/vi/news/2025/01/07/vietnam-prosecutes-lawyer-criticizing-court-actions    

 

Ngày mồng 9 tháng Giêng năm 2025, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội dự kiến sẽ mở phiên xử vụ án luật sư Trần Đình Triển, người đã gây được nhiều sự chú ý, bị bắt giữ từ mồng 1 tháng Sáu năm 2024 và bị cáo buộc tội danh “xâm phạm lợi ích nhà nước” theo Điều 331 của bộ luật hình sự Việt Nam. Nếu bị kết luận có tội, ông Trần Đình Triển sẽ đối mặt với mức án lên tới bảy năm tù.

 

https://www.hrw.org/sites/default/files/styles/480w/public/media_2025/01/202501asia_vietnam_Tra%CC%82%CC%80n%20%C4%90i%CC%80nh%20Trie%CC%82%CC%89n.jpg?itok=qV-k0OXZ

Luật sư Trần Đình Triển. Nguồn: Dân Trí

 

Theo cáo trạng, từ ngày 23 tháng Tư đến mồng 9 tháng Năm năm 2024, ông Trần Đình Triển đăng ba bài viết trên Facebook phê phán các việc làm của ông Nguyễn Hòa Bình, khi đó đang giữ chức vụ Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam. Tòa án xác định rằng các bài viết nói trên có “nội dung bịa đặt, không đúng sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự, uy tín của cá nhân Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hệ thống Tòa án nhân dân.”

 

Ông Trần Đình Triển nhận xét trong một bài viết nêu trên rằng dưới sự lãnh đạo của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, các tòa án đã ngăn cản không cho thân nhân các bị cáo tới dự một số phiên tòa, và ông cũng phê phán quyết định cấm nhà báo và luật sư ghi hình trong các phiên xử công khai. Bài viết của ông Trần Đình Triển cũng phê phán quyết định của ông chánh án với tử tù Hồ Duy Hải bất chấp các bằng chứng hiển nhiên về diễn biến bất thường trong quá trình điều tra vụ án.

 

Ông Trần Đình Triển điều hành Công ty Luật Vì Dân do ông sáng lập từ năm 2006. Ông cũng giữ ghế Phó chủ tịch Luật sư Đoàn Hà Nội từ năm 2013 đến 2018. Năm 2011, ông tham gia vào nhóm luật sư bào chữa cho nhà hoạt động Cù Huy Hà Vũ, và cùng với các luật sư trong nhóm rời khỏi tòa để phản đối sự đối xử bất công của tòa án đối với nhóm luật sư bào chữa. Năm 2013, ông nhận bào chữa cho một trong những bị cáo của vụ án nổi tiếng về vũ trang chống lại cưỡng chế đất đai.

 

Ông Trần Đình Triển là ví dụ mới nhất trong một chuỗi các luật sư nổi tiếng bị chính quyền đặt vào vòng ngắm vì đăng bài công khai trên mạng internet. Trong hai năm 2023 và 2024, có ít nhất bốn luật sư Việt Nam đã xin tị nạn ở Hoa Kỳ vì lo sợ bị bắt.

 

Theo Các Nguyên tắc Cơ bản về Vai trò của Luật sư của Liên Hiệp Quốc, “[c]ũng như những công dân khác, luật sư được hưởng quyền tự do biểu đạt, tín ngưỡng, kết giao và hội họp. Đặc biệt, họ phải có quyền tham gia các cuộc thảo luận công khai có liên quan đến pháp luật, trật tự tư pháp, việc tăng cường và bảo vệ quyền con người… mà không phải chịu một sự bất lợi nào về nghề nghiệp vì hoạt động hợp pháp của họ.”

 

Nhà cầm quyền Việt Nam đang ngày càng gia tăng vận dụng Điều 331 để dập tắt các tiếng nói phê phán. Chỉ riêng trong năm 2024, các tòa án Việt Nam đã xử có tội và kết án ít nhất là 24 người theo điều luật này. Chính quyền Việt Nam nên ngay lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc với luật sư Trần Đình Triển và phóng thích ông cùng với những người khác đang bị truy tố vì đã ôn hoàn bày tỏ quan điểm chính trị của mình.

 

----------------------------------

 XEM THÊM

 

December 10, 2024  News Release

Việt Nam: Hãy hủy bỏ các điều luật tai hại về mạng internet

 

October 30, 2024  News Release

Việt Nam: Hãy hủy bỏ bản án đối với nhà vận động dân chủ

 

February 17, 2022  Report

“Nhốt chúng tôi ở trong nhà”

Hạn chế tự do đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam

 

August 10, 2021  Report

Ngập nước

Các Hậu quả về Nhân quyền từ một Dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Campuchia

 





No comments: