Tổng
bí thư Nguyễn Phú Trọng, ‘người đốt lò vĩ đại’, qua đời
VOA Tiếng Việt
19/07/2024
https://www.voatiengviet.com/a/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-nguoi-dot-lo-vi-dai-qua-doi/7704659.html
Tổng
bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã qua đời vào lúc 13:38h ngày
19/7 năm 2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 80 tuổi, báo chí
trong nước đồng loạt loan tin vào lúc 18h chiều cùng ngày.
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-910e-08dc946acde4_cx0_cy7_cw0_w1023_r1_s.jpg
Ông
Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 20/6. Đây là lần sau
cùng ông Trọng xuất hiện trước công chúng
“Sau
thời thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác
sĩ, chuyên gia y tế đầu ngành… tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc,
nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã từ trần,” báo Nhân
dân dẫn thông tin từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sắp ra thông cáo đặc biệt về
tang lễ của ông Trọng, tờ báo này đưa tin và cho biết đó sẽ là ‘lễ quốc tang’ –
nghi thức tang lễ dành cho những lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Ông Trọng được xác nhận là đã qua đời chỉ một ngày sau khi Bộ Chính trị ra
thông báo phân công Chủ tịch nước Tô Lâm đảm đương công việc của Tổng bí thư
thay ông Trọng trong lúc ông Trọng được điều trị tích cực.
Trước đó, vào chiều ngày 18/7, Thông tấn xã Việt Nam còn đưa tin ông Tô Lâm
cùng tập thể Bộ Chính trị đã đến Bệnh viện 108 để trao Huân chương Sao Vàng,
huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước, cho ông Trọng.
Buổi lễ này được cho là có sự hiện diện của gia đình và những người thân cận của
ông Trọng, nhưng hãng tin nhà nước không cho thấy bất cứ hình ảnh nào về lễ
trao Huân chương Sao Vàng này.
Ông Trọng là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam trong vòng hơn một thập niên
qua. Ông ra đi khi nhiệm kỳ tổng bí thư của ông còn hai năm nữa mới chấm dứt.
Đây là lần thứ hai ở Việt Nam thời hậu chiến, một tổng bí thư từ trần khi đang
tại nhiệm, sau trường hợp của ông Lê Duẩn vào năm 1986.
Những
điều đặc biệt
Sự ra đi của ông khép lại một kỉ nguyên mà quyền lực của tổng bí thư được củng
cố chưa từng thấy kể từ những năm 1980. Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo
của ông đã tiến hành công cuộc chống tham nhũng mang tính sống còn vốn đã loại
bỏ những quan chức tham nhũng và truy cứu trách nhiệm những nhà lãnh đạo lên tới
các cấp cao nhất.
Ông cũng được nhớ đến do đã khởi xướng chủ thuyết ngoại giao “cây tre” và trở
thành tổng bí thư đầu tiên của Việt Nam đến thăm Nhà Trắng của Mỹ.
Với tầm ảnh hưởng lớn được ghi nhận cả ở trong và ngoài nước, ông Trọng để lại
các di sản mang tính lịch sử, nhưng ông vẫn là một người cộng sản “kiên định”,
chưa thoát khỏi bản chất “bảo thủ và độc tài”, một số nhà quan sát nhận xét với
VOA.
Ông được cho là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam kể từ cố Tổng bí thư Lê Duẩn.
Lần đầu tiên đắc cử chức Tổng Bí thư vào năm 2011, ông được bầu vào nhiệm kì thứ
hai 5 năm sau đó. Đến năm 2021, mặc dù đã quá tuổi và điều lệ Đảng không cho
phép, ông vẫn được Đại hội 13 tín nhiệm giao cho nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba.
Trước ông Trọng, chỉ có nhà lãnh đạo thời chiến là ông Lê Duẩn làm tổng bí thư
ba nhiệm kỳ liên tiếp.
Ông được Quốc hội Việt Nam bầu làm chủ tịch nước vào tháng 10/2018 để thay thế
ông Trần Đại Quang qua đời khi đang tại nhiệm. Khi đó, ông kiêm nhiệm cả Tổng
bí thư lẫn Chủ tịch nước. Nhưng đến tháng 4/2021, ông được miễn nhiệm chủ tịch
nước và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội bầu lên thay.
Ông Nguyễn Phú Trọng là người thứ hai trong lịch sử Việt Nam đảm nhiệm ba vai
trò lãnh đạo hàng đầu là Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội, sau cố
lãnh đạo Trường Chinh.
Ông cũng là tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng ra mời và đón
tiếp nguyên thủ các nước Mỹ, Trung Quốc và Nga đến thăm Việt Nam, lần lượt là Tổng
thống Joe Biden vào tháng 9/2023, Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 12/2023 và Tổng
thống Vladimir Putin vào tháng 6/2024.
Ông đã được Chủ tịch nước Tô Lâm ký tặng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao
quý nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam dành cho những cá nhân có công lao to lớn,
đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp của Đảng, hôm 18/5 năm 2024.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba của ông đã chứng kiến những xáo trộn
chưa từng thấy trong lịch sử Đảng khi chứng kiến sự ra đi của 7 trong số 18 ủy
viên Bộ Chính trị đương nhiệm, trong đó có các Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
và Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban bí thư
Trương Thị Mai, cùng hàng chục ủy viên Trung ương đương chức cũng như đã về
hưu.
Những lần ông Trọng xuất hiện lần cuối cùng trước công chúng là khi ông chủ trì
Hội nghị trung ương 9 vào giữa tháng 5/2024 khi ông được nhìn thấy ngồi một chỗ
đọc diễn văn thay vì đứng trên bục như những lần trước, họp với các lãnh đạo cấp
cao vào ngày 13/6 vào hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 20/6.
Trong khi đó, ông vắng mặt tại những sự kiện quan trọng mà Tổng bí thư thường
đích thân đến dự như Hội nghị Quân ủy Trung ương hay Hội nghị Đảng ủy Công an
Trung ương vào tháng 7/2024.
Đây là lần thứ hai thời hậu chiến ở Việt Nam, một tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt
Nam ra đi khi đang tại nhiệm, sau khi ông Lê Duẩn từ trần hồi năm 1986.
Ông Trọng ra đi khi Đảng Cộng sản đang trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội thứ
14 dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2026 mà vẫn chưa xác định được người kế nhiệm ông
Trọng rõ ràng. Bản thân ông Trọng vừa là trưởng Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban
Nhân sự cho Đại hội 14.
‘Đốt
lò’ – dấu ấn lớn nhất
Không lâu sau khi lên làm tổng bí thư vào năm 2011, ông Trọng đã xác định chống
tham nhũng, tiêu cực là một trong những mục tiêu chủ chốt của ông trong quá
trình xây dựng Đảng và điều hành đất nước trong bối cảnh nạn tham nhũng hoành
hành dưới chính quyền của Thủ tướng khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Trên cương vị trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực, được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
thành lập vào đầu tháng 2/2013, ông bắt đầu nỗ lực của mình với những bước cẩn
trọng đầu tiên, đề cao việc giữ vững sự ổn định chính trị.
"Phải bình tĩnh tĩnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy
rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột
mà bảo vệ được bình hoa”, ông nói trong một cuộc gặp gỡ cử tri ở Hà Nội vào năm
2014.
Đến năm 2016 khi ông Trọng bước vào nhiệm kỳ thứ hai, nỗ lực đó mở rộng thành
chiến dịch rộng khắp với cường độ quyết liệt. Ông Trọng bắt đầu nhắc tới chiến
dịch này với những hình tượng “củi” và “lò” để minh họa cho quyết tâm theo đuổi
công cuộc trong sạch hóa giới lãnh đạo.
“Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa
cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài
đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được,
thế mới là thành công”, ông phát biểu trong một phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung
ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào năm 2017.
Chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng trong một thập niên qua đã phơi bày
những hành vi sai trái của hơn 10.000 đảng viên, trong đó là hơn 250 người thuộc
diện Trung ương quản lý, theo các báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực vào hai năm 2022 và 2023.
Hàng loạt các quan chức lãnh đạo cao cấp trong chính phủ, quân đội, và doanh
nghiệp nhà nước bị đem ra truy tố và tuyên án tù liên quan tới những vụ án “lạm
dụng chức vụ, quyền hạn”, “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước”,
“nhận hối lộ”…
Những đại án tham nhũng nổi bật nhất được đưa ra xét xử dưới thời ông Trọng có
thể kể ra như vụ Vinashin, Vinalines, Việt Á, chuyến bay giải cứu, AIC, Vạn Thịnh
Phát, Thuận An, Phúc Sơn…
"Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước
ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt và có hiệu
quả rõ rệt như thời gian gần đây”, ông Trọng khẳng định tại Hội nghị Ban Chấp
hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kì khóa XIII vào tháng 5/2023. "[K]hông có
vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; không chịu sức ép của bất kỳ
tổ chức, cá nhân nào".
Trong số 7 ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 bị mất chức, ngoài các lãnh đạo hàng đầu
được nhắc ở trên, còn có Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng Ban
Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Trước
đó, khóa 12 đã chứng kiến một đương kim Ủy viên Bộ Chính trị khác là ông Hoàng
Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cũng bị cách chức hồi năm 2020. Riêng cựu Ủy
viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải, bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đã bị tước
hết chức vụ trong Đảng hồi tháng 5/2024.
Cũng dưới thời ông Trọng, vào năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị đưa ra
Trung ương Đảng để đề nghị kỷ luật (nhưng bất thành) tại Hội nghị Trung ương 6.
Một ủy viên Bộ Chính trị khác là ông Đinh La Thăng, bí thư Thành ủy Thành phố Hồ
Chí Minh, đã phải vào tù về tội ‘Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý
kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’. Đây là những điều chưa có tiền lệ trong lịch
sử Đảng.
Một câu nói của ông Trọng nhắn gửi các cán bộ Đảng thường được báo chí trong nước
nhắc đi nhắc lại là: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự
mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”
Chiến dịch “đốt lò” của ông Trọng “đạt nhiều thành tựu trong chống tham nhũng
như hai đại án Việt Á và tập đoàn Vạn Thịnh Phát”, ông Quang Hữu Minh, một người
quan sát tình hình chính trị Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh, ghi nhận với VOA
cách đây không lâu.
“Ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã thường xuyên và chắc chắn sẽ còn được nhắc đến
như một người đã tận tụy cho việc làm trong sạch hóa hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt
Nam thông qua chiến dịch chống tham nhũng mà người dân hay gọi một cách nôm na
là ‘đốt lò’”, luật sư Vũ Đức Khanh, nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Canada đồng
thời là một người tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam, nhận định với
VOA.
“Ông chắc chắn sẽ được nhớ đến như là ‘người đốt lò vĩ đại nhất’ của Đảng.
Nhưng có lẽ sự nghiệp ‘đốt lò’ của ông sẽ phải vĩnh viễn theo ông đi vào lịch sử
bởi tham nhũng là căn bệnh ung thư của chế độ và nếu không thay đổi chế độ thì
Đảng này sẽ không bao giờ trong sạch. Tham nhũng có thể tạm được xem là ‘ổn định’
nhưng sẽ không bao giờ bị loại bỏ”, vẫn lời ông Khanh.
Cũng bình luận về công cuộc bài trừ tham nhũng do ông Trọng khởi xướng, một nhà
tranh đấu cho nhân quyền khác là luật sư Lê Quốc Quân nói:
“Theo tôi, đó chỉ là ý định của một cá nhân trong một giai đoạn mà thôi. Còn để
thực hiện công cuộc ‘đốt lò’ thật sự thì phải khác: phải tiến hành đổi mới thể
chế, phải tam quyền phân lập, và phải có nhà nước pháp quyền, và phải làm ra cơ
chế để người ta không còn dám tham nhũng hoặc không thể tham nhũng”.
“Còn đây chỉ là một giai đoạn nhất định, không phải là di sản lâu dài và có thể
đảm bảo cho đất nước Việt Nam phát triển lên được”.
Bất chấp nỗ lực và chỉ đạo của ông Trọng, hồi cuối tháng 1/2024, Tổ chức Minh bạch
Quốc tế công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng năm 2023 cho thấy Việt Nam đạt
41/100 điểm và xếp hạng 83/180 toàn cầu, đồng nghĩa là bị giảm điểm, tụt hạng
so với một năm trước và vẫn thuộc diện các nước có nhiều tham nhũng.
‘Ngoại
giao cây tre’
Lịch sử về mối quan hệ Việt Nam - Mỹ ghi lại sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng
bí thư Đảng Cộng sản đầu tiên của Việt Nam đến thăm Nhà Trắng hồi tháng 7/2015.
Dưới thời ông lãnh đạo đất nước, dấu ấn nổi bật về đối ngoại là việc Việt Nam
nâng quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng
9/2023, và vào tháng 12 cùng năm, Việt Nam và Trung Quốc nhất trí xây dựng “Cộng
đồng Chia sẻ Tương lai”.
Ngoài ra, Việt Nam được nhiều nước và giới kinh doanh công nhận là ngày càng trở
thành một quốc gia có tính chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nói trong Hội nghị toàn quốc về công tác đối ngoại vào năm 2021, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã sử dụng hình ảnh “gốc vững chắc, thân mềm mại, cành lá uyển
chuyển” của cây tre để mô tả cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Việt Nam là
có “nhiều bạn bè hơn, ít kẻ thù hơn”.
Luật sư Vũ Đức Khanh nêu nhận định về “di sản” ngoại giao “cây tre” Việt Nam:
“Nói một cách bình dân, học thuyết này cũng không khác gì là một chính sách ngoại
giao ‘đu dây’ trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các siêu cường. Chính
sách ‘ngoại giao cây tre’ của Đảng Cộng sản Việt Nam không có nội hàm, cũng chẳng
có học thuyết gì sâu xa mà chỉ là chiêu trò để sinh tồn trước khi một trật tự
thế giới mới ra đời”.
Cho rằng ông Trọng có dấu ấn trong đối ngoại khi tiếp lãnh đạo cả hai cường quốc
Mỹ, Trung Quốc trong năm 2023, nhưng dường như cuối cùng ông cũng thiên về phía
Bắc Kinh, luật sư Quân nói: “Trong di sản đối ngoại, ông Trọng đã làm được nhiều
thứ nhưng đã bỏ lỡ mất cơ hội để Việt Nam có thể trở nên tự cường và hùng mạnh
hơn trong tương lai, thay vì lệ thuộc vào Trung Quốc”.
Ông Quang Hữu Minh, một nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam tại Tp.HCM,
nhận xét:
“Ông Trọng là người quá thân Trung Quốc, dù gần đây ông có vẻ thân Mỹ hơn trước.
Tôi xem việc ông ký Đối tác Chiến lược Toàn diện với Tổng thống Mỹ Joe Biden là
một thành tựu đối ngoại”.
Ông Trọng được xem là người có quan hệ thân tình với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập
Cận Bình. Nhiệm kỳ của hai ông cũng bắt đầu gần như cùng thời điểm (ông Tập lên
nắm quyền sau ông Trọng 1 năm), cùng phá lệ để nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba, và
cùng phát động chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt ở mỗi nước. Chiến dịch đốt
lò của ông Trọng được cho là học hỏi kinh nghiệm từ chiến dịch ‘đả hổ, diệt ruồi’
của ông Tập. Hai mục tiêu trăm năm được ông Trọng đề ra cho Đảng Cộng sản Việt
Nam sau khi ông Tập Cận Bình đề ra hai mục tiêu trăm năm cho Đảng Cộng sản
Trung Quốc.
Sau khi lên nắm quyền Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 2011, tháng 10 năm đó,
ông Trọng đã dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu gồm nhiều ủy viên Bộ Chính trị sang
thăm Trung Quốc. Khi đó, ông đã tiếp xúc với ông Tập khi ông còn là phó chủ tịch
Trung Quốc. Đến tháng 12 cùng năm, phó Chủ tịch Tập Cận Bình đã sang thăm ông
Trọng ở Hà Nội.
Sau khi lên làm Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã lần lượt
thăm Việt Nam vào các năm 2015, 2017 và 2023. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia
châu Á duy nhất mà ông Tập đến thăm và là nước thứ hai trên thế giới ông đến
thăm chính thức trong năm 2023, sau Nga.
Về phần mình, ngoài chuyến thăm năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng còn được ông Tập
Cận Bình mời sang thăm Trung Quốc vào các năm 2015, 2017 và 2022. Đặc biệt,
chuyến thăm vào cuối tháng 10 năm 2022 diễn ra ngay sau Đại hội lần thứ 19 của
Đảng Cộng sản Trung Quốc và ông Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà
ông Tập tiếp đón sau khi lên nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba.
Tổng cộng, hai ông Trọng và Tập đã gặp nhau 8 lần ở các cương vị chính thức.
Trong các cuộc gặp dù là ở Hà Nội hay Bắc Kinh, hai nhà lãnh đạo đã hình thành
thông lệ ‘uống trà đàm đạo’.
Dân
chủ, nhân quyền ‘u ám’
Trong tất cả các nhiệm kỳ của ông Trọng, Việt Nam vẫn không cải thiện về hồ sơ
nhân quyền, theo các tổ chức quốc tế theo dõi vấn đề này. Mới đây nhất, tổ chức
HRW có trụ sở ở Mỹ đúc kết về tình hình nhân quyền của Việt Nam năm 2023 bằng từ
“u ám”.
Vẫn theo HRW vào thời điểm đó, Việt Nam vẫn đang giam giữ 160 người chỉ vì họ
thực hiện các quyền dân sự và chính trị của mình một cách ôn hòa. Các quyền tự
do báo chí, biểu đạt, tôn giáo… đều bị hạn chế, vẫn theo các tổ chức quốc tế.
Từ Tp.HCM, dưới cái nhìn của một người tranh đấu cho tự do tôn giáo Việt Nam,
Hòa thượng Thích Không Tánh, thuộc Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống
nhất, lên án rằng ông Trọng phải chịu trách nhiệm cho việc đàn áp và sách nhiễu
các nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo độc lập, nhà hoạt động tôn giáo, môi trường…
“Ông trải qua nhiều chức vụ quan trọng từ Chủ tịch nước lên đến Tổng Bí thư
trong 3 nhiệm kỳ và đối với tôn giáo ông phải chịu trách nhiệm về việc ông quá
ưu ái đối với các tôn giáo quốc doanh, nhất là Phật giáo quốc doanh, từ đó kéo
theo nhiều tệ hại khác nữa, trong khi đó vẫn đàn áp các tổ chức tôn giáo độc lập
hay chính thống”, vị hòa thượng nói.
Từ thủ đô Washington của Mỹ, ông Liming Wang, một họa sĩ biếm họa chính trị người
Mỹ vẽ hình Nguyễn Phú Trọng nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 2019, nhận định với
VOA qua email rằng ông Trọng cũng giống như các nhà lãnh đạo Cộng sản khác ở
châu Á, là “những kẻ độc tài và họ sợ tự do ngôn luận, sợ tự do của báo chí và
sợ tiếng nói của nhân dân”.
‘Hậu
Nguyễn Phú Trọng’
Sau khi ông Trọng qua đời, một câu hỏi lớn đặt ra là đường hướng của Việt Nam sẽ
ra sao.
Từ Canada, luật sư Vũ Đức Khanh đánh giá với VOA: “Trong lịch sử ĐCSVN, ông
Nguyễn Phú Trọng có thể được xếp ngang hàng với các ông Hồ Chí Minh, Lê Duẩn.
Ông Trọng đã loại hầu hết các đối thủ của ông, đặc biệt như ông Nguyễn Tấn
Dũng. Cho nên chính trường Việt Nam hiện nay bị khủng hoảng lãnh tụ, không có
ai có đủ tầm, uy tín lãnh đạo”.
Sau ông Nguyễn Phú Trọng, chính trường Việt Nam có thể bị rơi vào “bất ổn một
thời gian vì đấu đá nội bộ tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm”, ông Vũ Đức
Khanh dự báo. “Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các siêu cường
và vị thế địa-chính trị, địa-kinh tế của Việt Nam hiện nay, có nhiều khả năng
Việt Nam vẫn tiếp tục đường lối chính sách hiện nay đến hết năm 2025”.
Sự ra đi của ông Nguyễn Phú Trọng để lại khoảng trống quyền lực khó lấp đầy vì
Đảng Cộng sản Việt Nam chưa nhất trí được nhân sự kế nhiệm ông. Một loạt các
lãnh đạo trước đây được cho là có thể kế nhiệm ông như là Võ Văn Thưởng hay
Vương Đình Huệ đều bị mất chức giữa chừng. Chủ tịch nước Tô Lâm, vốn trước đây
là Bộ trưởng Công an, cánh tay mặt của ông Trọng trong công cuộc đốt lò, hôm
18/7 đã được Bộ Chính trị giao cho trách nhiệm điều hành Đảng thay ông Trọng để
ông Trọng “tập trung điều trị tích cực.”
Từ
nhà lý luận đến nhà lãnh đạo đầy quyền lực
Ông Trọng sinh ngày 14/4/1944 tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, nay thuộc thành
phố Hà Nội trong một gia đình được nói là “bần nông”.
Ông tốt nghiệp ngành Ngữ văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trong những năm
1960 và trở thành đảng viên Đảng Lao động Việt Nam vào năm 1967. Ông theo đuổi
con đường nghiên cứu lý luận chính trị trong những năm sau và bảo vệ luận án
phó tiến sĩ Khoa Xây dựng Đảng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô đầu
những năm 1980.
Sự nghiệp của ông gắn liền với Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận và chính trị của
Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nơi ông khởi nghiệp từ vị trí cán bộ phòng
tư liệu từ cuối những năm 1960 và rồi vươn lên vị trí tổng biên tập vào năm
1991.
Năm 1994, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng Cộng sản Việt
Nam, ông được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
khoá VII nhiệm kì 1991-1996, đánh dấu bước đi đầu của ông vào chính trường Việt
Nam.
Những năm sau đó chứng kiến con đường thăng tiến nhanh chóng của ông trong hàng
ngũ lãnh đạo Đảng, điển hình cho sự vươn lên của một cán bộ nòng cốt được quy
hoạch. Từ ủy viên Trung ương Đảng, ông nhanh chóng trở thành ủy viên Bộ Chính
trị, chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội, rồi Chủ tịch
Quốc hội.
Đỉnh cao sự nghiệp của ông là khi ông được bầu làm tổng Bí thư Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XI vào năm 2011, thay cho ông Nông Đức Mạnh. Lần đắc cử
năm 2021 được mô tả là “trường hợp đặc biệt” vì theo điều lệ Đảng tổng bí thư
chỉ có thể phục vụ hai nhiệm kì liên tiếp.
“Bây giờ tôi không được khỏe lắm, các đồng chí biết, tuổi cũng đã cao, cũng xin
nghỉ rồi, thế nhưng Đại hội bầu phải làm, Đảng viên thì phải chấp hành”, ông
nói trong cuộc họp báo sau khi Đại hội Đảng XIII bế mạc với quyết định trao cho
ông nhiệm kì thứ ba.
“Tôi sẽ cố gắng, hết sức cố gắng”, ông nói tiếp.
Ông Trọng từng gặp những vấn đề về sức khỏe khiến ông phải nhập viện vào năm
2019. Lúc đó sự vắng mặt của ông trong hai tháng đã khơi lên những đồn đoán rằng
ông ‘bị đột quỵ’ khi đang đi công cán ở tỉnh Kiên Giang. Trong nhiều ngày từ cuối
tháng 12/2023 đến giữa tháng 1/2024, ông cũng không xuất hiện trước công chúng,
gây xôn xao dư luận.
Dưới sự lãnh đạo của ông Trọng, ông thường tự hào nói rằng ‘Đất nước chưa bao
giờ có được cơ đồ như hôm nay’. Tuy nhiên, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Quang
A ở Hà Nội từng nói với VOA rằng tự hào hay không thì Việt Nam phải so sánh với
thế giới chứ không phải so sánh với bản thân mình trước đây.
(VOA sẽ sớm cập nhật về chi tiết lễ quốc tang ông Trọng và các thông tin
liên quan)
No comments:
Post a Comment