Nhìn lại di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Lê Hồng Hiệp & Nguyễn Khắc Giang | Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2024/07/19/nhin-lai-di-san-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong/
Ngày
18 tháng 7 năm 2024, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) thông báo Tổng
Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng sẽ tạm nghỉ tham gia công việc điều hành để tập
trung điều trị tích cực. Chủ tịch nước Tô Lâm tạm thời đảm nhận trách nhiệm của
tổng bí thư. Cùng ngày, TBT Trọng được trao tặng Huân chương Sao vàng – vinh dự
cao quý nhất của nhà nước Việt Nam – nhằm ghi nhận những đóng góp của ông cho Đảng
và dân tộc. Thông báo này làm tăng thêm lo ngại về sức khỏe suy yếu và khả năng
ông sắp qua đời. Đồn đoán dấy lên sau hình ảnh cho thấy ông trông có phần yếu
đi trong cuộc gặp gần đây với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như việc ông
vắng mặt trong các cuộc họp quan trọng. Mặc dù thông báo mới nhất của Bộ Chính
trị không hoàn toàn bất ngờ, nhưng nó có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai
chính trị Việt Nam.
https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2024/07/Nguyen-Phu-Trong-768x461.jpg
Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Nhiệm
kỳ của TBT Trọng là một trong những thời kỳ biến động nhất trong chính trị Việt
Nam. Với kinh nghiệm làm Bí thư Thành ủy Hà Nội và Chủ tịch Quốc hội, ông được
chọn làm ứng viên mang tính “thỏa hiệp” cho vị trí tổng bí thư vào năm 2011.
Lúc đó, vị trí này bị suy yếu trong hai nhiệm kỳ của người tiền nhiệm, ông Nông
Đức Mạnh, khi quyền lực chính trị được thâu tóm vào tay thủ tướng lúc bấy giờ
là ông Nguyễn Tấn Dũng. Dù mang hình ảnh của một vị trưởng lão hiền từ, nhưng
TBT Trọng đã chứng tỏ mình là một chính trị gia đầy bản lĩnh và mưu lược. Trong
cuộc cạnh tranh quyền lực căng thẳng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 vào
năm 2016, ông giành phần thắng trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và tiếp tục giữ
vị trí Tổng bí thư thêm nhiệm kỳ thứ hai. Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại
Quang đột ngột qua đời năm 2018, TBT Trọng đồng thời kiêm nhiệm chức chủ tịch
nước cho đến tháng 4 năm 2021. Sau đó, dù thôi kiêm nhiệm chức chủ tịch nước,
nhưng ông Trọng vẫn tiếp tục giữ chức Tổng bí thư thêm nhiệm kỳ thứ ba, điều chưa
từng có trong lịch sử, khi Đảng không thể thống nhất về người kế nhiệm ông.
VIDEO
:
Nhìn lại di
sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Jul
19, 2024
https://www.youtube.com/watch?v=XqEWO8PVZ5Q
Thành
tựu quan trọng nhất của TBT Trọng là việc phát động một chiến dịch chống tham
nhũng vô tiền khoáng hậu nhắm vào các quan chức thuộc mọi cấp bậc. Từ năm 2016
đến nay, trên 139.000 đảng viên bị kỷ luật, trong đó có 40 ủy viên Trung ương Đảng
và 50 tướng lĩnh trong lực lượng quân đội, công an. Đáng chú ý, bảy Ủy viên Bộ
Chính trị, trong đó có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng,
nguyên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, và nguyên Thường trực Ban Bí thư
Trương Thị Mai, đều đã bị buộc phải thôi nhiệm vụ. Để so sánh, từ năm 1986 đến
năm 2016, không có ủy viên Bộ Chính trị nào bị cách chức vì tham nhũng, và chỉ
có 9 ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật vì các vi phạm liên quan đến tham
nhũng.
Với
tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSVN, nhiệm vụ chính của TBT Trọng là duy
trì sự tồn tại và vai trò cầm quyền của Đảng. Vì vậy, ông thường có cách tiếp cận
cứng rắn đối với các nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Dưới quyền
ông Trọng, các lực lượng nội chính như Bộ Công an và Ủy ban Kiểm tra Trung ương
được tăng thêm sức mạnh để chống tham nhũng. Ông cũng biến việc chỉnh đốn tư tưởng
thành một công cụ nhằm ngăn chặn quá trình suy thoái đạo đức, lối sống của đảng
viên. Kết quả là một cuộc trấn áp tham nhũng trên diện rộng diễn ra, đi cùng đó
là việc siết chặt không gian công cộng ở Việt Nam.
Tuy
vậy, TBT Trọng chủ yếu tập trung vào công tác nội chính của đảng, qua đó tách
biệt tương đối chính sách kinh tế và đối ngoại khỏi những ràng buộc ý thức hệ.
Trong suốt nhiệm kỳ của ông, Việt Nam tiếp tục cải cách kinh tế và duy trì thái
độ cởi mở với thương mại và đầu tư. Đã có những lo ngại ban đầu rằng với tư
cách là một nhà tư tưởng được đào tạo tại Liên Xô, ông Trọng sẽ đưa Việt Nam
xích lại gần hơn với Trung Quốc và Nga, qua đó gây tổn hại cho quan hệ của Việt
Nam với các nước phương Tây. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dưới thời TBT Trọng, mối
quan hệ của Hà Nội với các đối tác phương Tây đã được cải thiện sâu sắc. Điều
này thể hiện rõ nhất ở việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên tầm đối tác
chiến lược toàn diện vào năm 2023, cũng như chuyến thăm lịch sử của ông tới Nhà
Trắng hồi năm 2015, chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ của một tổng bí thư ĐCSVN.
Sự
cống hiến không ngừng nghỉ của ông Trọng trong công tác xây dựng đảng tạo ra những
chuyển đổi thể chế đáng kể trong hệ thống chính trị. Ví dụ, ông đứng sau Quyết
định 244 về thể chế hóa nguyên tắc bầu cử trong đảng, và đưa ra các quy định
quan trọng về tiêu chí cũng như quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với quan chức
cấp cao. Dưới thời ông, Đảng đã tiến hành thử nghiệm bầu cử trực tiếp ở cấp cơ
sở. TBT Trọng mong muốn củng cố nền tảng thể chế vững chắc để duy trì tính bền
vững của chế độ.
Tuy
nhiên, việc ông Trọng gia cố quyền lực để phục vụ chiến dịch chống tham nhũng
cũng gây ra những tác động ngoài ý muốn, làm suy yếu chính các thể chế mà ông
tìm cách bảo vệ. Ảnh hưởng bao trùm của ông tạo ra việc tập trung mọi quyết định
quan trọng vào tay Bộ Chính trị và bản thân ông, từ đó làm suy yếu Ban Chấp
hành Trung ương và làm xói mòn nguyên tắc lãnh đạo tập thể. Vấn đề này có thể
được giải quyết khi ông vẫn nắm quyền với tư cách là “lãnh đạo hạt nhân” và là
trung tâm đoàn kết trong đảng. Nhưng khi ông không còn tại vị, duy trì một hệ
thống như vậy sẽ là thách thức lớn đối với bất kỳ người kế nhiệm nào.
Giờ đây,
Việt Nam có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kế vị tiềm tàng. Quyền uy tuyệt đối
của ông Trọng, xuất phát từ danh tiếng thanh liêm, thâm niên công tác và thời
gian hoạt động chính trị lâu dài, tạo ra một khoảng trống khó lấp đầy. Nếu ông
qua đời trước khi kết thúc nhiệm kỳ, mọi kế hoạch kế nhiệm mà ông đề ra cho Đại
hội Đảng năm 2026 có thể sẽ không thành hiện thực. Bộ Chính trị sẽ phải lựa chọn
một người kế nhiệm. Theo thông báo của Đảng, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tạm thời
phụ trách vai trò Tổng bí thư, khi ông đứng thứ hai trong danh sách Bộ chính trị.
Tuy nhiên, điều này đặt ra một số câu hỏi đầy thách thức cho tương lai của đảng.
Đầu
tiên, Bộ Chính trị phải quyết định sẽ bầu tổng bí thư mới hay tiếp tục với vị
trí tạm quyền cho đến đại hội Đảng tiếp theo vào năm 2026. Nếu bầu tổng bí thư
mới, ba lãnh đạo quyền lực nhất đứng dưới ông Trọng – Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ
tướng Phạm Minh Chính, và Thường trực Ban Bí thư Lương Cường – có thể là những ứng
viên hàng đầu. Thứ hai, nếu ông Tô Lâm được bầu làm tổng bí thư mới, liệu ông
có tiếp tục giữ chức chủ tịch nước và “nhất thể hóa” hai chức danh như ở Trung
Quốc, hay cơ chế lãnh đạo “tứ trụ” được giữ nguyên? Thứ ba, liệu giới tinh hoa
chính trị sẽ thống nhất dưới nhà lãnh đạo mới, hay cạnh tranh nội bộ sẽ tiếp tục
diễn ra gay gắt cho đến năm 2026?
Sự
bất định về người kế nhiệm có lẽ là điểm yếu lớn nhất trong di sản nổi bật của
ông Trọng. Các di sản của ông, nhất là chiến dịch chống tham nhũng, sẽ phụ thuộc
rất nhiều vào cách tiếp cận của người đi sau. Tuy nhiên, dù bất kể ai kế nhiệm
TBT Trọng, dự kiến sẽ không có bất kỳ thay đổi lớn nào trong chính sách kinh tế
và đối ngoại của Việt Nam. Suy cho cùng, việc duy trì sự lãnh đạo của Đảng vẫn
sẽ là ưu tiên chính của nhà lãnh đạo mới, giống như đối với TBT Trọng. Người kế
nhiệm sẽ có nhiều điều để học hỏi từ chiến lược thành công của ông Trọng, vốn
đã góp phần đáng kể vào sự trỗi dậy của Việt Nam cũng như tính chính danh của Đảng
trong giai đoạn vừa qua.
----------------------
Một
phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên chuyên trang bình luận Fulcrum.sg.
---------------
Con đường chính trị của Nguyễn Phú Trọng
Tác
giả: Trần Lê Quỳnh |
Biên
dịch: Anh Khoa, Khánh An
Tổng
Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt qua các suy nghĩ thông thường và trở
thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất như thế nào. Khi năm 2021 bắt đầu, các nhà
quan sát chính trị Việt Nam vẫn còn tự hỏi …
Continue reading Con đường
chính trị của Nguyễn Phú Trọng
No comments:
Post a Comment