Wednesday, July 3, 2024

NHIỆM KỲ THẨM PHÁN SUỐT ĐỜI VỚI THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ VIỆT NAM (RFA)

 



Nhiệm kỳ thẩm phán suốt đời với thể chế chính trị Việt Nam

RFA

2024.07.02

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/lifetime-judgeship-with-vietnam-s-political-regime-07022024123544.html

 

Theo quy định mới tại luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2024, kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2025, thẩm phán Tòa án Nhân dân sẽ có nhiệm kỳ suốt đời. Với quy định hiện hành, nhiệm kỳ đầu của các thẩm phán là 5 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/lifetime-judgeship-with-vietnam-s-political-regime-07022024123544.html/@@images/e3b22735-7f4a-4ed2-ab62-d64c1d25dd28.jpeg

Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình  (Photo: Bao Thanh tra)

 

Một thẩm phán khi được bổ nhiệm phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao một cách trung thực, tận tâm; thực hành công lý, khách quan và công bằng, chỉ tuân theo pháp luật; tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử.

 

Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông với RFA:

 

“Tôi rất tán thành với đề xuất bổ nhiệm thẩm phán suốt đời như là một trong các biện pháp cải cách tư pháp tại Việt Nam, theo hướng bảo đảm tính độc lập xét xử của các thẩm phán. Tuy nhiên, vẫn phải hiểu rằng chỉ trong phạm vi ấy thì vẫn chưa đủ, mà phải có các biện pháp cải cách đồng bộ. Thứ nhất là phải bãi bỏ các cơ chế phi pháp luật đang can thiệp sâu vào quyết định của các thẩm phán, chẳng hạn như sự chỉ đạo của Ban nội chính, cơ quan đảng và họp duyệt án.

Thứ hai, phải bảo đảm mức lương cho thẩm phán đủ sống để thẩm phán không bị còn bị đồng tiền chi phối vào các quyết định xét xử của họ. Thứ ba là phải cấm các thẩm phán tham gia đảng phái chính trị để các thẩm phán có thể đưa ra các quyết định khách quan, chỉ tuân thủ pháp luật, không bị tác động, chi phối bởi lợi ích đảng phái chính trị.”

 

Khoản 1 Điều 65 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 nêu rõ, thẩm phán là người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Tổ chức tòa án nhân dân, được Chủ tịch nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử. Hiện Việt Nam có thẩm phán sơ cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán cao cấp và thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

 

Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên, từng có 7 năm làm Phó khoa trưởng Lincoln Law School of San Jose, nói với RFA về việc bổ nhiệm thẩm phán ở Hoa Kỳ:

 

“Trong hệ thống tòa án liên bang cũng như tiểu bang, khi một vị thẩm phán được bổ nhiệm thì nhiệm kỳ của họ là suốt đời. Một vị thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời sẽ không phải lo lắng cho công việc trong tương lai, không cần phải lấy lòng ai để mưu cầu cá nhân khi hết nhiệm kỳ. Việc của họ là bảo vệ danh dự cho chính bản thân họ bằng cách làm việc theo đúng hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ”.

 

Luật sư Duyên nói thêm, việc bổ nhiệm thẩm phán làm việc suốt đời cũng có mặt hạn chế, là đôi khi quan điểm của họ không còn phù hợp với xã hội thay đổi rất nhanh về mọi mặt nên có thể ra những phán quyết lạc hậu.

 

Luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada nói với RFA:

 

“Điều đó phù hợp với chuẩn mực của quốc tế. Đó là điều Việt Nam nên làm để có thể hội nhập với thế giới trong lĩnh vực tư pháp. Tuy nhiên, ở Việt Nam chỉ có một đảng lãnh đạo với thể chế là độc đảng toàn trị. Cho nên để bổ nhiệm thẩm phán có thời hạn 5, 10 năm hay bổ nhiệm thẩm phán suốt đời thì cũng không thay đổi tính độc lập cần có của một thẩm phán khi quyết định một bản án. Lý do là tất cả các thẩm phán đều là đảng viên và theo sự chỉ đạo của đảng, nên không thể mong chờ ở họ một sự độc lập nào trong xét xử cả”.  ,

 

Nói về thẩm quyền thực sự của thẩm phán ở Việt Nam, báo Thanh Tra, cơ quan ngôn luận của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra có bài “Thẩm phán không độc lập, công lý chỉ mang lại cho quan chức”. Nội dung bài viết phỏng vấn GS. TS Lê Hồng Hạnh khi ông còn giữ chức Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý thuộc Bộ Tư pháp. Ông Hạnh khẳng định tòa án không xét xử độc lập, thẩm phán không độc lập, không làm được gì, không mang lại công lý cho người dân, mà chỉ mang lại cho cơ quan hành pháp, cho quan chức.

 

Cũng theo ông Hạnh, muốn xây dựng nhà nước pháp quyền thì phải bảo đảm độc lập tư pháp, phân rõ cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp. Cơ quan tư pháp phải bảo đảm cho hệ thống pháp luật được thực thi, dù bất kỳ ai đều phải tuân thủ pháp luật, nếu không sẽ bị xử lý. Nhiệm vụ đó chỉ tòa án mới làm được.

 

Việc bổ nhiệm, tuyển dụng thẩm phán sao cho không bị “lầm”, là điều được nhiều người quan tâm. Một luật gia ở Sài Gòn, yêu cẩu ẩn danh vì lý do an ninh, nói với RFA quan điểm của ông về nhiệm kỳ thẩm phán suốt đời:

 

“Thứ nhất nó thể hiện tính hội nhập của Việt Nam với thế giới văn minh và các nhà nước pháp quyền. Người thẩm phán khi đó độc lập hơn. Thứ hai, vì nó không có nhiệm kỳ nên không bị áp lực bị thay thế. Thẩm phán Việt Nam thường là đảng viên, trước khi xử thì chi bộ đảng đã định hướng xét xử. Hơn nữa, Việt Nam chưa có tam quyền phân lập mà Đảng lãnh đạo cả tư pháp, hành pháp và lập pháp, nên người thẩm phán chỉ là người cụ thể hóa định hướng của đảng bằng pháp luật mà thôi, chẳng hạn ca nào xử bao nhiêu năm. Nó khác chỗ đó.

 

Điều quan trọng là quy trình bổ nhiệm ngay từ đầu chuẩn; phải đáp ứng yêu cầu chủ quan và khách quan. Nếu bổ nhiệm nhầm thì rắc rối vô cùng. Mà ở Việt Nam, chủ tịch nước chỉ có một mà còn chọn nhầm, còn bị thay thế, huống gì thẩm phán. Do đó, theo tôi, quy trình bổ nhiệm phải đi với quy trình chế tài. Nếu sai vẫn phải sửa sai”.

 

-----------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Tòa án ‘né’ thu thập chứng cứ dẫn đến bất công trong hoạt động tư pháp

Doanh nhân gửi “tâm thư” cho Tổng bí thư: Gây rối vì lẽ gì?

Việt Nam cần làm gì để phòng, chống tham nhũng hiệu quả?

Cần nghiêm minh trong vụ bé gái bị xâm hại tình dục ở Chương Mỹ

Tiếng gọi lương tri của ngành y tế tại Việt Nam






No comments: