Monday, July 22, 2024

NGUYỄN PHÚ TRỌNG ĐỂ LẠI TIẾNG ÁC CHO ĐẢNG (J.B Nguyễn Hữu Vinh / Blog RFA)

 



 

Nguyễn Phú Trọng để lại tiếng ác cho đảng

J.B Nguyễn Hữu Vinh  

Chủ Nhật, 07/21/2024 - 06:38 — nguyenhuuvinh

https://www.rfavietnam.com/node/8116

 

Đúng như những dự đoán lâu nay trong dư luận xã hội: Nguyễn Phú Trọng sẽ không giữ nổi nhiệm kỳ thứ 3 của chức Tổng Bí thư Đảng CSVN.

 

Có thể, khi Nguyễn Phú Trọng quyết định xé bỏ Điều lệ Đảng, quyết tự đặt mình vào “trường hợp đặc biệt” một lần nữa, để ở lại thêm một nhiệm kỳ thứ 3 mà không thèm sửa điều lệ, thì người ta không nghĩ rằng ông ta có thể trụ hết cả nhiệm kỳ này. Dù khi đó, vấn đề sức khỏe của ông ta chỉ là một yếu tố không đến mức quá quan trọng. Khi đó dư luận cho rằng vấn đề ông ta bất chấp tất cả để ngồi lại, chỉ bởi đảng đang trong cơn khủng hoảng cực độ về nhân sự, chưa tìm được ai ưng ý để ông ta về vườn mà cái đảng vẫn cứ vững vàng ngự trị được trên đầu, trên cổ nhân dân. Vậy nên nếu có người, chắc ông ta sẽ về “làm người tử tế”.

 

 

Bất chấp

 

Thế nhưng, những diễn biến liên tục của nội bộ đảng CSVN trong việc tranh giành phe nhóm ẩn giấu đằng sau cái gọi là “Chống tham nhũng” đã lộ ra những vấn đề nghiêm trọng mà nhiều khi dù có cố tình, đảng cũng không thể giấu nổi. Và người ta đã dự tính rằng Nguyễn Phú Trọng rất có thể sẽ bỏ dở nửa nhiệm kỳ còn lại của Khóa 13.

 

Thế rồi qua các Hội nghị trung ương lần này đến lần khác, người ta vẫn thấy Nguyễn Phú Trọng ôm luôn cả hai chân quan trọng nhất là Tiểu ban Nhân Sự và Tiểu ban Văn Kiện.

Song song với những vụ bắt bớ hết sức giật gân và đột ngột, các nhân sự do Nguyễn Phú Trọng chọn lọc hết lần này sang lần khác với tiêu chí là “Quan trọng nhất, cẩn thận và công phu nhất” đã lần lượt hoặc xộ khám, hoặc “tự nguyện xin nghỉ hưu” và được Đảng đồng ý theo cách của Nguyễn Phú Trọng quy định: “Đồng chí nào đã trót nhúng chàm thì xin nghỉ đi, hoặc trả lại tiền đi tôi tha cho, hoặc xử nhẹ cho” – Một câu nói điển hình của cái gọi là “Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa” của Nguyễn Phú Trọng.

 

Không những thế, những nguyên tắc nhà nước, các thủ tục ngoại giao cũng dần dần bị ông ta tùy thích xé bỏ mà không cần tiền lệ.

 

Những cuộc đón tiếp nguyên thủ nước ngoài, mặc dù Chủ tịch nước là người đưa ra lời mời và vẫn còn sờ sờ ra đó chứ chưa bị “virus lạ” thì Nguyễn Phú Trọng với vai trò Tổng bí thư Đảng chẳng có vai trò gì trong đón tiếp quốc khách, vẫn nhảy ra giành lấy chân đứng đón hết Tập Cận Bình rồi đến TT Mỹ Joe Biden.

 

Điều hài hước là ở chỗ, Nguyễn Phú Trọng vẫn không nhận thức được cái điều mà thiên hạ đã thấy chán nản, đó là thói nói ngược với làm. Bởi chính Nguyễn Phú Trọng mỗi lần họp hành, bàn bạc nhân sự hay về tham nhũng, lại tiếp tục leo lẻo: “Kiên quyết không đưa vào trung ương những người có mưu đồ chính trị, tham quyền cố vị”.

 

Và thiên hạ ngao ngán: Chắc ông ta bất chấp tuổi tác và sức khỏe, phải ngồi lại để chống lại bọn “tham quyền cố vị” mới được.

 

Xem ra, cái câu đầu lưỡi của Nguyễn Phú Trọng rằng phải “Nhốt quyền lực vào cơ chế”, chỉ là câu nói hài hước, ngẫu hứng có tính chất thời vụ và lừa đảo.

 

Và xem ra vậy, thì còn lâu ông ta mới nhả cái ghế Tổng Bí Thư ra cho người khác. Thiên hạ kháo nhau: “Không khéo thì ông ta còn ngồi lại khóa nữa cũng nên ấy chứ,. Gương soi đã có những anh cả, bạn vàng Tập Cận Bình, Putin treo đó, ngại gì không “học tập, làm theo”. Bởi cái chuyện từ bỏ quyền lực là chuyện không dễ dàng với bất cứ ai chứ không chỉ riêng người Cộng sản.

 

Và trong hệ thống quan chức cộng sản hôm nay, có ai bằng Nguyễn Phú Trọng với bề dày sống lâu lên lão làng: Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII. Uỷ viên Bộ Chính trị các khoá VIII, IX, X, XI, XII, XIII. Đại biểu Quốc hội các khoá XI, XII, XIII, XIV, XV. Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng lê la hết cả 3 chân trên 4 chân của Tứ trụ triều đình Cộng sản.

 

Vậy thì khi ông ta không chịu lui, thì ai làm gì được?

 

Thế nhưng, như cha ông đã nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” bởi nhiều khi không cứ muốn là được.

 

Kể từ khi tiếp tục trụ lại ngôi vương đế, thậm chí có những lúc kiêm cả hai ghế lớn nhất của hệ thống chính trị là chủ tịch nước và Tổng Bí thư, bước qua chính lời mình nói ra là: “Một mình ông hai ghế to quá thì ai kiểm soát nổi ông” – Nghĩa là Nguyễn Phú Trọng chỉ lo không kiểm soát được người khác chứ không chịu ai kiểm soát mình – thì từ đó trở đi, ông ta lâm vào những trận ốm đau xiêu riêu, quặt quẹo. Thậm chí, đã có những giai đoạn cả mấy tháng “lặn không sủi tăm” đến mức cả nước nhốn nháo hỏi nhau rằng: Vậy thì cái chân Tổng Bí Thư và Chủ tịch nước đâu có cần thiết gì đâu? Bởi mấy tháng nay, không chủ tịch nước, không Tổng Bí thư thì đất nước vẫn cứ “vắng cô thì chợ cũng đồng mọi khi”.

 

Thậm chí, người dân còn đỡ giật mình bởi những câu tuyên bố kiểu ngáo đá như: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có thể tự hào. Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. hoặc “Thời đại Hồ Chí Minh là thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc” hay “Chưa bao giờ giáo dục được như hôm nay”

 

 

Phi nhân đả, tắc thiên đả

 

Và cho đến nay, thì ông ta không cưỡng lại được quy luật của tự nhiên, của Tạo hóa, đó là quy luật đào thải.

 

Vài hôm nay, người ta thấy Đảng đang hối hả làm những công việc với các dấu hiệu rõ ràng của việc “chạy tang”.

 

Mấy hôm trước, Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội vội vàng tập hợp đám Tuyên giáo và Văn Hóa cho ra mắt bộ sách Nguyễn Phú Trọng với Quốc Hội, một dạng những việc dùng để “Cúng cụ” chứ chẳng có tác dụng gì trong xã hội. Những bộ sách được bỏ hàng đống tiền dân, in bìa cứng, giấy đẹp ấy chỉ có tác dụng trang trí đôi chút cho vài “học giả” rồi sau đó hoặc ra đồng nát, hoặc vào lò xay lấy bột chứ chẳng tác dụng gì cho xã hội.

 

Ngày 19/7, bỗng dưng Tô Lâm ký tặng Huân Chương Sao vàng cho Nguyễn Phú Trọng, và người dân thấy rõ điềm báo xấu đằng sau đó. Xưa nay vẫn thế, khi Đảng đã trao những “danh hiệu cao quý” - theo định nghĩa của đảng – cho ai, thì có nghĩa là nhân vật đó không còn khả năng sống hoặc ít nhất là không thể trở cờ, gây hại cho đảng được nữa. Vì thế nên người ta đã tổng kết là 88 cái Huân chương Sao vàng ấy, đều được trao cho những người đã, hoặc sắp chết mà thôi. Thiên hạ đã chẳng có câu “Cứ Sao Vàng xong là Hạ thổ” là vì vậy.

 

Thậm chí, ngay cả việc trao Huân Chương Sao Vàng “tới tay Nguyễn Phú Trọng” hẳn hoi mà chẳng hề có một tấm hình, một đoạn video thì hẳn là vấn đề đã hết sức nghiêm trọng.

Thế rồi, bản Thông báo của đảng ngày cho biết: Nguyễn Phú Trọng đã chết hồi hồi 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

 

Và thiên hạ bảo nhau: Quy luật là vậy rồi, chống lại sao được. Cha ông cũng chẳng đã nói: “Phi nhân đả, tắc Thiên đả”- nghĩa là người không đánh thì Trời cũng đánh đó sao?

 

 

Đảng mang tiếng ác

 

Nguyễn Phú Trọng là trường hợp thứ 2 trong lịch sử Đảng CSVN khi mà đảng trưởng chết trên ghế lãnh đạo Đảng. Bắt đầu từ Hồ Chí Minh chết khi còn đương chức Chủ tịch Đảng kiêm Chủ tịch nước năm 1969 khi 79 tuổi. Và sau 45, Nguyễn Phú Trọng chết khi ôm cái ghế này ở tuổi 80.

 

Việc ông Nguyễn Phú Trọng chết khi đang ngồi trên ghế quyền lực, đã để cho đảng mang tiếng ác. Rằng vậy là đảng đã bắt ông ta làm việc cho đến tận chết, dù ông ta đã xin nghỉ mà vẫn cứ không tha.

 

Xã hội vẫn thường nói rằng: “Ốm tha, già thải” vậy mà Nguyễn Phú Trọng đã từng đột quỵ từ năm 2019. Thế rồi qua những ngày tháng lặc lìa, bỏ bê việc triều chính, lặm mất tăm cả mấy tháng trời đến khi xuất hiện trước công chúng là hình ảnh dìu đỡ, bám ghế, lật khật từng bước đi…

 

Vậy mà đảng vẫn cứ bầu và chỉ vì là đảng viên nên ông ta phải chấp hành.

 

Có lẽ trên đời này, trong lịch sử đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng là người duy nhất bị bầu và bắt phải chấp hành việc giữ chiếc ghế quyền lực nhất trong đảng, làm vua thiên hạ.

 

Quả là một ông vua hiếm hoi.

 

Trong khi các cán bộ trẻ như Võ Văn Thưởng hay Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ thì chỉ cần tự nguyện đưa đơn là đảng chấp nhận ngay.

 

Nguyễn Phú Trọng trước bàn dân thiên hạ, khi giải thích cho việc tiếp tục bám trụ chiếc ghế Tổng Bi thư  rằng: “Tôi đã xin nghỉ vì sức khỏe yếu, trình độ có hạn nhưng đảng vẫn bầu và tôi là đảng viên phải chấp hành”. Câu nói này, khi thiên hạ nghe được, người ta chỉ phục cái tài của ông ta, là cứ tưởng thiên hạ ai cũng ngu nên muốn nói gì thì nói.

 

Bởi ai chẳng biết những cuộc đấu đá nội bộ “lên bờ xuống ruộng” đến “trầy vi, tróc vảy” thì ông ta mới trụ lại được chiếc ghế ấy. Dù ai cũng biết điều gì đằng sau mỗi chiếc ghế quyền lực của đảng. Tuy nhiên, khi một người đứng đầu đảng kia nói ra những điều đó, mà cả tập thể đảng vẫn “ngậm tăm”, thì điều đó là sự thừa nhận nỗi khiếp sợ đồng chí, thủ lãnh của mình ra sao.

Dàn báo chí minh họa của nhà nước hôm nay bằng mọi cách cố tình ca ngợi, tâng bốc rằng Nguyễn Phú Trọng cống hiến suốt đời cho đảng rồi hy sinh nọ kia… nhưng đã cố tình lờ đi một điều: Sự tàn bạo của đảng với chính đồng chí, lãnh đạo của mình.

Hiếm có đất nước nào có chế độ tàn bạo, bóc lột sức lao động của lãnh đạo cho đến khi gục ngã trên ghế mới tha.

Cái tiếng ác đảng mang ấy, cũng là một phần phản ánh một điều: Sự dối trá là một phần làm nên hệ thống chính trị quái gở này.

 

20.07.2024

J.B Nguyễn Hữu Vinh

 

nguyenhuuvinh's blog

 

 





No comments: