Tuesday, July 23, 2024

LIỆU VIỆT NAM CÓ THỂ PHÁT TRIỂN DƯỚI THỜI TRUMP 2.0 ? (Nguyễn Khắc Giang - Fulcrum / Báo Tiếng Dân)

 



Liệu Việt Nam có thể phát triển dưới thời Trump 2.0?

Nguyễn Khắc Giang  -  Fulcrum

Dương Lệ Chi, chuyển ngữ

22/07/2024

 https://baotiengdan.com/2024/07/22/lieu-viet-nam-co-the-phat-trien-duoi-thoi-trump-2-0/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/07/1-49-934x420.png

Một người bán hàng rong đi ngang qua tấm biển quảng cáo của một studio có hình ảnh Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Nguồn: Nhac Nguyen / AFP

 

Với khả năng Trump trở lại nắm chính quyền trong nhiệm kỳ thứ hai, Việt Nam cần chuẩn bị cho các kịch bản khác nhau.

 

 

Khi khả năng Donald Trump tái đắc cử Nhà Trắng ngày càng lớn, các nhà hoạch định chính sách khắp Đông Nam Á đang chuẩn bị cho sự lặp lại của năm 2016. Khi đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới trải qua nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump tương đối tốt. Trong giai đoạn đó, mối quan hệ Việt – Mỹ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Trump đã đến Việt Nam hai lần vào năm 2017 và 2019, nhiều hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác. Trong khi lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Việt Nam đã được dỡ bỏ hoàn toàn dưới thời chính quyền Obama (2009-2017), thì trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump (2016-2020), Việt Nam đã có ​​những tiến bộ đáng kể về hợp tác quân sự với Hoa Kỳ, gồm các hợp đồng thiết bị quân sự trị giá khoảng 100 triệu Mỹ kim và việc bàn giao tàu tuần tra lớp Hamilton đầu tiên của Tuần duyên Hoa Kỳ. Đồng thời, Hà Nội đã cố gắng giảm thiểu thiệt hại từ các chính sách bất ổn và khó lường của Trump.

 

Lý do chính cho những thành công của Việt Nam khi đó nằm ở sự khéo léo trong ngoại giao. Thủ tướng Việt Nam khi đó là Nguyễn Xuân Phúc, là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Nhà Trắng vào năm 2017, một hành động đã làm hài lòng Trump và xoa dịu mối lo ngại của ông ta về thâm hụt thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ. Hà Nội cũng tích cực tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Trump và Kim Jong Un, lãnh đạo Bắc Triều Tiên hồi năm 2019. Hà Nội cũng đã tránh được viên đạn thương mại vào cuối năm đó, mặc dù bị gọi là “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất”.

 

Tuy nhiên, những thành công trong quá khứ không thể giúp Việt Nam “ngăn Trump” lần thứ hai. Thứ nhất, môi trường quốc tế phân cực hiện nay thách thức hơn nhiều so với năm 2016. Căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cùng với lập trường cứng rắn của Trump đối với Trung Quốc, làm giảm đáng kể khả năng điều động ngoại giao của Việt Nam. Hà Nội đã được ca ngợi nhờ tận dụng tối đa sự cạnh tranh Trung-Mỹ, bằng cách đu dây giữa hai cường quốc, nhưng hành động này sẽ khó thực hiện hơn nhiều trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump. Tương tự như các quốc gia khác trong khu vực, cách tiếp cận “hoặc đứng về phía chúng tôi, hoặc chống lại chúng tôi” của Trump và yêu cầu rất trung thành có thể khiến Việt Nam rơi vào thế khó nếu mối quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục xấu đi. Sự coi thường của Trump đối với các khuôn khổ đa phương trái ngược với sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các thể chế khu vực như ASEAN. Điều này sẽ làm phức tạp thêm những sự tính toán của Hà Nội.

 

Ngoài ra, các chính sách thương mại bảo hộ của Trump cũng gây ra rủi ro đáng kể. Việc ông ta rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong ngày đầu nhậm chức hồi năm 2017 là một đòn giáng mạnh vào Hà Nội, và rất khó để thấy ông ta chấp nhận Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương của ông Biden hoặc đề xuất bất kỳ sáng kiến ​​thương mại mới nào lần này. Hơn nữa, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam đứng thứ ba sau Trung Quốc và Mexico trong danh sách các nước có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ, với 104 tỷ Mỹ kim. Hà Nội sẽ phải suy nghĩ kỹ về cách tự bảo vệ mình trước các biện pháp trừng phạt thương mại tiềm tàng của Trump. Mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Việt Nam và Trung Quốc, một phần là sản phẩm phụ của cuộc chiến thương mại, dẫn đến việc gia tăng sự trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc qua Việt Nam rồi tới Mỹ để trốn thuế. Trong khi chính quyền Biden tỏ ra khoan dung, coi trọng vai trò của Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của mình, thì Trump tập trung nhiều hơn vào chương trình nghị sự trong nước, có thể sẽ không dễ dãi như vậy.

 

 

Như đã cho thấy trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Trump có thể sẽ duy trì xu hướng gia tăng này, coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, đặc biệt liên quan đến chính sách Trung Quốc của ông.

 

 

Trong nước [Việt Nam], các cơ quan quan liêu chủ chốt chịu trách nhiệm quản lý nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump, Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ, bị suy yếu trong chiến dịch chống tham nhũng toàn diện kể từ năm 2021. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã bị bắt, trong khi gần một trăm viên chức trung cấp và cao cấp tại cơ quan chính phủ tinh nhuệ này đã nghỉ việc, chỉ riêng trong năm 2022. Cựu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, người có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam thời kỳ Trump, đã bị phế truất, với hàng chục nhà ngoại giao cao cấp đã phải nhận án tù.

 

Việc thay thế những cán bộ này, đặc biệt là những người có cả chuyên môn lẫn kinh nghiệm thực tế, sẽ mất nhiều thời gian. Ngoài ra, các viên chức mới được bổ nhiệm có thể sẽ muốn được an toàn trong bối cảnh của chiến dịch chống tham nhũng, điều này sẽ ảnh hưởng thêm đến khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng hoặc tương tác hiệu quả với các đối tác của Việt Nam. Trong các cuộc trò chuyện với tác giả, các nhà ngoại giao ở Hà Nội phàn nàn rằng, ngày nay việc tiếp xúc với các quan chức Việt Nam khó khăn hơn nhiều. Tháng 5 năm ngoái, các nhà tài trợ phương Tây gửi một bức thư, tuyên bố rằng Việt Nam mất ít nhất 2,5 tỷ đô la viện trợ từ nước ngoài trong ba năm qua do tình trạng tê liệt về mặt hành chính.

Cho đến nay, những thất bại này không ảnh hưởng đáng kể đến chính sách đối ngoại của đất nước, bằng chứng là Việt Nam đã tiếp đón thành công Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin trong vòng một năm. Nhưng liệu đất nước có thể chịu được cú sốc đáng kể từ bên ngoài, chẳng hạn như nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump hay không, vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

 

Tuy nhiên, vẫn còn những tia hy vọng. Mối quan hệ của Trump với Việt Nam trong nhiệm kỳ đầu tiên sẽ giúp Hà Nội có khởi đầu thuận lợi trong việc bảo đảm mối quan hệ ổn định và đáng tin cậy với ông.

 

Thứ hai, quan hệ song phương Mỹ – Việt đã đạt đến một tầm cao mới, đặc biệt là sau khi nâng cấp quan hệ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 9 năm ngoái. Như đã cho thấy trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Trump có thể sẽ duy trì xu hướng gia tăng này, coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tương tự như các quốc gia khác, gồm Philippines và Ấn Độ, Việt Nam nằm ở tuyến đầu trong chiến lược của Hoa Kỳ nhằm chế ngự sự trỗi dậy của Trung Quốc, điều này có khả năng Washington sẽ trao cho Hà Nội “quyền miễn trừ” trong một số trường hợp. Khía cạnh kinh tế mạnh mẽ của mối quan hệ song phương, gồm cả dòng vốn FDI của Việt Nam vào Mỹ, chẳng hạn như Vinfast và FPT, phù hợp với chương trình nghị sự “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Trump.

 

Thứ ba, sự trỗi dậy của Chủ tịch nước Tô Lâm có thể tạo điều kiện cho mối quan hệ giữa hai người đàn ông quyền lực, xét đến thành tích của Trump trong việc gắn kết tốt với những nhân vật độc tài, chẳng hạn như cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Một vụ rò rỉ điện tín năm 2011 từ đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã ca ngợi Tô Lâm, khi đó là Thứ trưởng Bộ Công an.

 

Mặc dù cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn đang trong giai đoạn đầu và chiến thắng của Trump vẫn chưa chắc chắn, nhưng Hà Nội sẽ khôn ngoan khi chuẩn bị cho các loại kịch bản khác nhau sớm hơn là muộn. Theo các đồng minh và đối tác quan tâm khác, rủi ro quá cao để có thể tự mãn. Đối mặt với Trump 2.0 sẽ là sự thử thách khó khăn, nhưng nếu có thể giải quyết tốt như trong nhiệm kỳ đầu tiên, vị thế địa chính trị của Việt Nam sẽ được củng cố đáng kể trong một kỷ nguyên mới đầy biến động.

 

 




No comments: