Tuesday, July 2, 2024

CHUYỆN QUANH HỘI NHÀ VĂN HỒI TRƯỚC NGÀY 30-4-1975 (Vương Trí Nhàn / Báo Tiếng Dân)

 



Chuyện quanh Hội Nhà văn hồi trước ngày 30-4-1975

Vương Trí Nhàn

03/07/2024

 https://baotiengdan.com/2024/07/03/chuyen-quanh-hoi-nha-van-hoi-truoc-ngay-30-4-1975/

 

1974

 

 

Ngày 30/6

 

Cùng một lúc, trong văn học có từng này chuyện. Thứ nhất Cây táo ông Lành in Văn nghệ 1-6. Coi như phạm húy. Và bắt đầu thì cũng bằng đồn thổi. Người ta suy ra: Tại sao lại có sự trùng hợp đến kỳ lạ giữa các tên tuổi. Rồi những chi tiết tổ kiến, cái nhà đổ…

 

Hoàng Cát đi đâu cũng bị người ta… từ chối không tiếp. Gặp Ng Khải: Tôi là Hoàng Cát đây, tác giả Cây táo ông Lành đây. Ng Khải: Ông làm gì mà cứ phải kêu toáng lên thế. Bây giờ cũng đừng nên đi đâu, đừng thanh minh, đừng gây gỗ gì. Rồi sẽ qua đi thôi.

 

Chuyện thứ hai, thơ Phạm Tiến Duật, một bài thơ về cái vòng tròn, trong đó có những câu cái vòng tang như con số KHÔNG. Người ta cho là một bài thơ phản chiến, đánh giá rất nặng. Hiện nay, thơ Phạm Tiến Duật không được ngâm trên đài, bài Trường Sơn đông Trường Sơn tây không được hát. Quân đội (Vũ Cao, Chính Hữu) kết luận chỉ là một bài thơ yếu về tư tưởng, đăng lúc này không có gì. Nghe Ng Khải (do tôi đoán đầu tiên) bênh: Chẳng qua Duật say mê về kỹ thuật, làm thơ tìm được một ý hay, nên cứ theo đuổi mãi. Hoàng Trung Thông: Các ông hơi đơn giản quá đấy.

 

Cách đây ít lâu, kỷ niệm Ngô Tất Tố, một cụ già bạn cụ Tố viết bài kỷ niệm, có nhắc đến chuyện đói: “Đói tất sinh biến”, Tuyên giáo Trung ương cho thế là không nhạy bén, tình hình này lại nói thế. Hoàng Tùng nhận định “Thời buổi này mà có người kêu gọi nông dân nổi loạn đấy”.

 

Nhưng cũng có thể ý Hoàng Tùng là để chỉ kịch rối Sự tích Thăng Long của Tô Hoài. Vì trong vở kịch đó, có những ý rất ghê: Một ông vua đối diện với những người dân thường, ăn nói toàn những câu ghê gớm.

 

Vua: Bác có nghe không, trời đất phập phồng thế nào ấy… Trời đất này bác với trâu cũng đến đi ngủ với giun…

 

Rồi vua Lý Công Uẩn lại đi học làm vua v.v… Toàn truyện, giọng cứ tưng tửng, tưng tửng rất giỏi.

 

Có thể nghĩ Tô Hoài đã cố ý viết thế, vì cách đây ít lâu, dưới bút danh Hồng Hoa, ông đã chửi vỗ mặt Tố Hữu. Một quyển Kiều mới in, lại đặt mấy câu thơ của Tố Hữu lên đầu. Hồng Hoa bảo làm thế ít ra cũng là vô duyên, nếu không nói là chướng. Thơ Nguyễn Du không cần gì phải trang điểm thêm. Chỉ tiếc là ông không còn sống để mà lên tiếng phản đối (Bài Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân này cũng đã từng bị người ta kêu láo với tiền nhân!). Tô Hoài đã nói Hà Huy Giáp là nịnh, và Tố Hữu là kiêu căng thái quá.

 

Còn vụ ông X. tôi không nói ở đây.

 

Như vậy, cùng một lúc, rất nhiều vụ, và mỗi vụ đều thú vị.

 

Như Tô Hoài, bây giờ người ta có thể nói đúng là một gã phiêu lưu, sự phiêu lưu lặng lẽ. Ng Khải thuật lại lời Tô Hoài: Thì mình cũng tưởng làm ăn thật thà và tủm tỉm cười.

 

Còn như chuyện Cây táo ông Lành, mọi người rất hốt hoảng. Xuân Diệu đang trực Tác phẩm mới toan đề nghị Ng Khải viết một ít chân dung, lập tức phải thôi. Hoàng Trung Thông bảo với Nguyễn Văn Bổng, Hoài Thanh những người đang nghỉ, hãy ở lại để lo chuyện bài báo Văn nghệ cho tốt.

 

Nhưng thật ra, ý kiến nghe được cũng lõm bõm và rất nhiều mâu thuẫn. Như Xuân Diệu, có lúc nói với Hoàng Cát (vốn được Xuân Diệu nhận làm em nuôi): Em ơi, trong lúc này, đồng chí Tố Hữu còn đang bận bịu, em lại làm cho đồng chí phải vất vả thêm. Nhưng một lúc khác, ông lại bảo với những người chung quanh: Thế này tức là địch nó thắng ta. Nó làm cho chúng ta nhìn đâu cũng ra nó hết cả rồi.

 

Có một người khổ nhiều vì chuyện này là Vũ Tú Nam. Ông này nổi tiếng là nghiêm chỉnh, vậy mà toàn mắc cạm (Sau này, anh em giải thích: Vì ông ta trong sáng quá, ông chỉ có thực tế bàn giấy và chỉ thị nghị quyết cấp trên, mà không có chỉ thị ở ngoài quán bia). Người duyệt bài Cây táo ông Lành là ông. Trong số đó, ông lại có bài Từ Thức, lấy chuyện cổ tích ra kể lại, nhưng cũng hỏng. (Từ Thức đi gõ cửa bên đông, cửa bên tây không được, bây giờ về làng cũ, dân làng đã già). Trong một cuộc họp, ông than thở, ngành nào sai không nói gì, nhưng văn nghệ không được sai. Văn nghệ mà sai là làm rầm rĩ cả lên, thế là thế nào? Trong khi đó, lúc nào cũng bảo văn nghệ là dễ sai.

 

… Tình hình rối quá, đến nỗi ông Xuân Trường, trưởng ban lý luận phê bình của hội phải kêu lên: Chẳng nhẽ không có giải LLPB, như thế rất là phiền. Chứ tôi thấy, qua những chuyện này, chứng tỏ phê bình rất là có lỗi. Phê bình chẳng giúp trên phát hiện được tình hình gì cả…

 

… Nhưng tình hình là như thế nào? Bao nhiêu chuyện xấu xa trong xã hội, văn nghệ chỉ là một chuyện rất nhỏ. Phạm Tiến Duật: Thôi, chẳng qua tình hình vốn vậy, chỉ yêu cầu người ta nên im lặng cho qua. Ví như cái xe đang đi qua đoạn cua khó khăn, bây giờ chúng mình ngồi sau xe. Trông thấy vực sợ hãi không được. Mà nhìn lên cao, reo hò phong lan đẹp quá, thì cũng vô duyên.

 

… Vậy mà vẫn cứ thấy nói là văn nghệ nhiều luồng lạch, những luồng không ai biết được. Nguyễn Đình Thi triệu tập bọn trẻ ông nắm (Bùi Bình Thi, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật) nói rằng, một lần đến nhà một tay Nhân văn Giai phẩm (có lẽ Trần Dần), thấy Minh Đức ở đấy, hỏi Minh Đức làm ở đâu, lão ta trả lời bây giờ làm ở bộ ngoại thương. Thuỵ An, Nguyễn Hữu Đang bây giờ cũng đang sống bình thường.

 

Nhưng tôi nói với Khải, cánh Nhân văn Giai phẩm cũ chẳng làm được gì đâu. Căn bản lớp mới cơ. Bởi nếu có “chiến tranh” thì bây giờ, là một cuộc chiến tranh không phân tuyến, không có vị trí cố định.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/07/1-4.jpg

Các văn nghệ sĩ trước trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam tại huyện Đại Từ, Thái Nguyên năm 1949. Từ trái sang phải: Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân. Nguồn: Trần Văn Lưu

 

 

Ngày 4/7

 

Như là trong văn học đang có một thứ dịch, dịch phát hiện những cái xấu, xỏ xiên, hai mặt. Ngoài những chuyện vừa kể trên, ngày càng lần ra những chuyện khác, có chuyện đúng, có chuyện sai, có chuyện do hớ hênh, vớ vẩn mà buồn cười, có chuyện thật không đâu vào đâu, người yếu cứ vận vào mình, hết sức lẩm cẩm.

 

– Báo Văn hoá Nghệ thuật tiến hành một cuộc phỏng vấn về những đức tính tốt đẹp của dân Việt Nam. Kết quả, những đức tính như cần cù, giản dị, được 79-80% coi là quan trọng. Những đức tính như trung thành với Đảng, với Cách mạng, số phiếu rất thấp. Đúng là lạy ông tôi ở bụi này, làm báo rất dại dột, rất hớ hênh, không ra làm sao cả.

 

– Bài ông Lê Đình Kỵ viết về Hải Triều, trong đó có những đoạn tổng kết chung chung – giai cấp thống trị độc quyền, tự chuốc lấy sự thoái hoá – bị coi là rất ác. Ông còn viết người nghệ sĩ trong những điều kiện đó như một thứ thày tuồng, một thứ nhắc vở bị coi là lảng tránh đấu tranh.

 

– Những Người về đồng cóiBão biển, lâu nay không sao, bây giờ cũng có ý kiến. Người về đồng cói chẳng hạn. Làm gì mà có cái kiểu có một người đi xa về làm ầm lên mọi chuyện như vậy.

 

– Ông Thông đi nói chuyện ở các nơi: Chủ tịch huyện của Khải có vấn đề. Tác giả không hiểu gì về chủ nghĩa xã hội.

 

– Chuyện lan đến Nguyễn Đình Thi: Kịch Hoa và Ngần kém. Tập thơ Dòng sông trong xanh mặc dù phần chủ yếu – những bài hay nhất – là đã có từ Bài thơ Hắc Hải, nhưng vẫn được coi như là yếu, uỷ mị.

 

– Đúng lúc ấy, thì Gió lào cát trắng ra đời. Tập này trước nghe đã khó khăn, may có ông Tô Hoài mới in được. Câu đề từ “Ngọn gió lào cát trắng của đời tôi, tôi của cát, của gió Lào khắc nghiệt” bị bóc đi. Nhưng Gió lào cát trắng và Dòng sông trong xanh vẫn bị coi là hai trong mấy quyển sách xấu gần đây. Những phạm quy khác: Mở đất của Khái Hùng. Lời mở đầu của tập truyện ngắn chọn lọc Nguyễn Công Hoan, do ông Như Phong viết, ký NXB Văn học.

 

 

Ngày 5/11

 

Đã sang những tháng cuối của năm 74 chết tiệt.

 

Năm tháng sau tất cả mọi chuyện.

 

Có lúc quyển vở này bị bỏ trống. Người viết cũng cảm thấy không đủ sức mà viết tiếp tục: Như là những chuyện của Kafka mà người ta nói – mọi chuyện không có đầu có cuối, không hiểu bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu, không thể đánh giá một cách chính xác.

 

Có lẽ căng thẳng nhất là tháng 5 tháng 7.

 

Tô Hoài: Bây giờ văn nghệ là khu vực bắn phá tự do rồi. Ai muốn làm gì thì làm.

 

Nổi lên những người như Hoàng Trung Thông. Ông này đi khắp các nơi nói chuyện về tình hình văn nghệ hiện nay, và phát biểu rất lung tung về mọi chuyện.

 

Nguyễn Thành Long kể chuyện hồi Cái gốc. Vốn Hoàng Trung Thông là người duyệt bài Cái gốc phụ nữ kiện. Hoàng Trung Thông vẫn bảo vệ. Chính ông Tố Hữu nói: Tôi là người phụ trách công tác tư tưởng, tôi bảo không có gì. Sau các bà phụ nữ kêu thế nào, các ông trên đì, Tố Hữu lại rút dù, và Hoàng Trung Thông lại đội danh một bạn đọc viết bài phê phán Cái gốc.

 

Người ta kể nhiều chuyện về ông Tố Hữu: Ví như ông nói về ông Khải sau chùm bài Nếp sống nếp nghĩ của Khải:

 

– Trèo me trèo sấu, lưu manh. Trên không tin, dưới không tin, chính mình cũng không tin, thì còn nói gì.

 

– Ngay từ lúc đầu – Tố Hữu nói – tôi đã không tán thành cách viết.

 

Khải cắt nghĩa ai cũng biết là tôi nói cạnh ông ấy ngay từ đầu mà (bài Nói về một người bạn trẻ).

 

Trước kia, những bài đăng Nếp sống nếp nghĩ ở báo Nhân Dân do sếp Hoàng Tùng duyệt. Bây giờ ông Hoàng Tùng chạy làng, không đứng ra bảo vệ gì hết.

 

… Bộ máy tuyên truyền biến thành bộ máy chống văn nghệ. Các báo lên tiếng phê phán tình hình. Tạp chí Văn học ra những số đặc biệt phê phán văn nghệ sĩ.

 

Nhớ lại cái ý mà có người nói từ đầu năm: Lại một thứ Nhân văn Giai phẩm nẩy nòi (Tình hình khác rồi, làm gì mà lại có sự trở lại y hệt như vậy được).

 

Ở trường trung cấp chính trị, tự nhiên người ta phát hiện ra một chuyện của ông Bùi Hiển: (Sau mới biết là Bùi Hiển dịch của Đức). Một chiếc máy, đòi có dầu mới làm ra sản phẩm. Người ta nghĩ: đây là văn nghệ sĩ đòi hỏi phải có cà phê, thịt, thì mới làm được việc.

 

 

Ngày 15/11

 

Tháng 10, tạp chí Học Tập (*) có xã luận, và tháng 11 có một bài về tình hình văn nghệ hiện nay: Những ngày vừa qua, văn nghệ sĩ có nhiều sai lầm: Lớp trẻ hoang mang, lớp già lười đi vào thực tế… Sự sai lầm có tính chất Nhân văn Giai phẩm. Truyện ngắn Cây táo ông Lành chống lại quan điểm của Đảng về việc đi tắt lên CNXH.

 

Trịnh Xuân An của Học Tập còn nói thêm: Văn nghệ sĩ là anh làm ăn cá nhân, là mảnh đất tốt cho chủ nghĩa cá nhân phát triển.

 

Ông Trường Chinh: Quan điểm trong bài trên báo Học tập là quan điểm của Đảng, ai chống lại thì đến gặp tôi.

 

 

1975

 

 

Ngày 24/2

 

Hãy để cho sự hỗn loạn lên tới cực điểm xem sao. Và sự hỗn loạn lên tới cực điểm thực. Tháng 2/75, tạp chí Văn học có bài của Vũ Đức Phúc, chửi sáng tác thậm tệ: Ôi sáng tác, người ta kêu lên, như một lời than tiếc cho sự hư hỏng của văn nghệ.

 

Trước khi ông Phúc phê phán Nguyễn Văn Hạnh, tôi đã sợ hãi mà nghĩ: Thế này, thì người ta đánh ai cũng được. Bây giờ người ta mang cả giới văn nghệ mà sỉ vả nói chung, người ta nói không còn thương tiếc gì nữa. Và cái giới bị coi là bung xung ấy cứ nằm ườn ra, không thấy ai nói lại gì cả. Ông Nguyễn Đình Thi, ông Tế Hanh bỏ đi Tây Ninh. Ông Tế Hanh, Chế Lan Viên từ chức, không chịu nhận việc ở Tạp chí Tác phẩm mới nữa.

 

Nhưng rồi đùng một cái, có tin ông Bảo Định Giang lên tiếng. Trước đó, ông ta đã nói với ông Khải: Các anh cứ yên tâm, chúng tôi không đánh giá các anh thế đâu, tôi nói thế này là anh hiểu tôi chứ gì. Rồi ông ta cho đánh máy bài bênh và in trên báo Văn Nghệ, không thông qua ai cả.

 

Nhưng đó là một bài đánh thẳng vào Vũ Đình Phúc: “Lập luận của Vũ Đình Phúc rất kỳ quặc”, “Anh thoá mạ giới văn nghệ…”

 

Mọi người có vẻ rất hỉ hả. Chế Lan Viên nói, nếu nó đánh lại ông Bảo Định Giang thì tôi sẽ bênh anh Giang. Thà ăn miến lươn còn hơn là chịu làm lươn.

 

Khải nói cách rút kinh nghiệm riêng:

 

– Có làm sao, cứ lên chỗ các ông ấy mà khóc tu tu lên, hoặc là van lạy cả các bà ấy nữa van lạy một hồi, thế là xong. Chả làm gì có nguyên tắc cả, chỉ có tình cảm, tình cảm.

 

 

Ngày 3/3

 

Chi tiết cuối cùng: Gần đây, ông Tố Hữu đi bệnh viện, mới đọc bài ông Bảo Định Giang, và có nói: Viết thế cũng được, nhưng viết làm gì?

 

Khải: Thế là biết rồi. Cũng chẳng phải đồn đại xem có ai duyệt hay không nữa. Chỉ biết rằng đối với các ông ấy, toàn chuyện vớ vẩn cả, chẳng có gì đáng quan tâm. Lúc buồn thì nói văn nghệ ở dưới chẳng ra sao cả. Lúc vui thì lại khen ngợi. Có gì đâu, nói trước quên sau, không hề biết rằng mỗi lời khen chê của mình làm cho cấp dưới xao động cả lên, bao nhiêu người khổ, bao nhiêu người chết, bao nhiêu người “lên” và cũng bao nhiêu người mất cơm mất gạo! Những người chưa bao giờ sống những cay đắng cực nhọc của con người bình thường dưới chế độ gọi là XHCN, con người lâu nay sống cuộc sống vương giả, với những người ấy, làm sao có thể hiểu được nhưng cái gì gọi là rất thực, ở trong cuộc đời.

 

Người tiên cai trị người trần.

 

… Một lần, chúng tôi ngồi bàn về một chuyện khác – về ông Xuân Vũ vào Sài Gòn.

 

Khải: Thằng Bùi Đức Ái nó bảo rằng thằng Vũ còn để lại nhiều bản thảo lắm. Mà lâu nay, vào B nó đi có phải là ít đâu. Căn bản chỉ là ở chỗ nó cho rằng, cuộc chiến tranh này sẽ chẳng đi đến đâu!

 

Ngọc: Đúng, thằng ấy hăng đi đấy, không phải là sợ gian khổ đâu.

 

Khải: Thằng ấy viết bút ký rất bợm.

 

Tôi nói một câu vô duyên: Nhưng ông ấy sẽ không trở thành một nhà văn lớn được.

 

Khải: Lớn lớn thế nào? Xã hội ta bây giờ cần gì đến nhà văn mà có nhà văn lớn. Xã hội bây giờ chỉ cần đến người tuyên truyền. Và anh hãy làm tốt cái việc đó, thì có cơm ăn chứ còn gì nữa.

 

Rút cục, có thể tổng kết mọi chuyện đại khái như sau: Nói cho cùng, văn nghệ nó vẫn có cái gì đó của nó. Người [ta] có thể giết chết một nền văn nghệ, nhưng không thể bắt nó đầu hàng.

_______

 

(*) Ghi chú của Tiếng Dân: Tạp chí Học Tập là tên gọi trước đây của Tạp chí Cộng Sản, giai đoạn 1955-1977, là tiếng nói của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

 





No comments: