Saturday, July 13, 2024

BÀN TAY BÀNH LỆ VIÊN TRONG CHIẾN DỊCH THANH TRỪNG QUÂN ĐỘI TRUNG QUỐC (Trúc Phương / Người Việt)

 



 

Bàn tay Bành Lệ Viện trong chiến dịch thanh trừng quân đội Trung Quốc

Trúc Phương/Người Việt

July 11, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/ban-tay-banh-le-vien-trong-chien-dich-thanh-trung-quan-doi-trung-quoc/

 

Nhắc đến những biến động nội bộ chóp bu quân đội Trung Quốc, không thể không nhớ đến cách nói của ông Rahm Emanuel, đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật. Viết trên X (Twitter) ngày 8 Tháng Chín, 2023, Đại Sứ Rahm Emanuel nói rằng hỗn loạn trong chính quyền Tập Cận Bình ngày càng ly kỳ hệt như tiểu thuyết trinh thám Agatha Christie (“đầu tiên, Ngoại Trưởng Tần Cương mất tích, sau đó là chỉ huy trưởng lực lượng hỏa tiễn, và bây giờ đến lượt Bộ Trưởng Quốc Phòng Lý Thượng Phúc không xuất hiện trước công chúng suốt hai tuần”…).

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/07/A1-Banh-Le-Vien-Trung-Quoc-1536x1024.jpg

Bà Bành Lệ Viện (phải) bên cạnh chồng là ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, chụp hình cùng vợ chồng tổng tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron (thứ hai từ trái) và bà Brigitte Macron (trái) tại Paris, Pháp, hôm 6 Tháng Năm. (Hình: Miguel Medina/AFP via Getty Images)

 

Mới đây, trên Nikkei Asia ngày 11 Tháng Bảy, tác giả Katsuji Nakazawa tiết lộ thêm: Trong cuộc thanh trừng phe phái nội bộ Quân Ủy Trung Ương (“Trung Ương Quân Sự Ủy Viên Hội”), có bàn tay của Đệ Nhất Phu Nhân Bành Lệ Viện (Peng Liyuan), 62 tuổi, thiếu tướng Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc.

 

Cần nhắc lại, Tháng Chín, 2023, ông Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), bộ trưởng Quốc Phòng, bị bắt. Ông Lý đã không xuất hiện trước công chúng kể từ cuối Tháng Tám. Cuộc thanh trừng ông Lý Thượng Phúc đã biến ông trở thành thành viên đương nhiệm đầu tiên của Quân Ủy Trung Ương bị “xử trảm” những năm gần đây.

 

Năm 2017, Tướng Phùng Phong Huy (Fang Fenghui) bị xử tương tự. Ông Phùng từng là ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng khóa XVII và khóa XVIII, ủy viên Quân Ủy Trung Ương khóa XVIII, đại biểu Quốc Hội khóa XI (2003-2008) và tư lệnh Quân Khu Bắc Kinh. Ngày 9 Tháng Giêng, 2018, ông Phùng Phong Huy bị khởi tố vì tình nghi nhận hối lộ. Trước đó ít lâu, ông Phùng cũng đột ngột biến mất. Mười tháng sau, ông Phùng bị chính thức khai trừ khỏi đảng và bị tước quân hàm thượng tướng. Ngày 20 Tháng Hai, 2019, ông Phùng bị kết án tù chung thân nhưng tội trạng cụ thể thì không được công bố.

 

Ông Lý Thượng Phúc ngồi ghế bộ trưởng Quốc Phòng vào Tháng Ba, 2023. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc Hội Trung Quốc khóa XIV ngày 12 Tháng Ba, 2023, Thượng Tướng Lý Thượng Phúc được bầu làm bộ trưởng Quốc Phòng thay thế ông Ngụy Phượng Hòa. Trước khi trở thành bộ trưởng, ông Lý từng giữ các chức vụ tại Trung Tâm Phóng Vệ Tinh Tây Xương, trong đó có việc giám sát hoạt động phóng tàu thăm dò Mặt Trăng và hỏa tiễn chống vệ tinh. Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt ông Lý Thượng Phúc kể từ năm 2018, do vai trò của đương sự trong việc giám sát mua máy bay chiến đấu và thiết bị hỏa tiễn từ Nga. Ông Lý Thượng Phúc được bổ nhiệm làm thành viên Quân Ủy Trung Ương gồm bảy người vào Tháng Mười, 2022.

 

Trở lại bài viết của Nikkei Asia (11 Tháng Bảy). Theo bài báo, loạt diễn biến trong Quân Ủy Trung Ương có bàn tay can thiệp của bà Bành Lệ Viện. Thời gian gần đây, bà Bành được truyền thông Trung Quốc tô đậm một cách bất thường. Tháng Năm, ông Vương Nghị, ngoại trưởng, đã ca ngợi thành tích đối ngoại của bà Bành và gọi bà là “ngoại giao đệ nhất phu nhân” khi cùng tháp tùng ông Tập trong chuyến công du Pháp, Serbia và Hungary.

 

Và khi viết về đệ nhất phu nhân Trung Quốc, Tân Hoa Xã luôn dùng danh hiệu “giáo sư” dành cho bà Bành. Tân Hoa Xã cũng nhắc rằng bà Bành từng được mời đến trụ sở UNESCO ở Paris để được trao bằng danh dự ghi nhận công lao của bà với tư cách đặc phái viên Liên Hiệp Quốc. Họ nói thêm rằng “kỹ năng ngoại giao duyên dáng” của bà Bành đã “đóng vai trò tích cực” trong việc nâng cao thiện cảm của công chúng nước ngoài dành cho Trung Quốc và thúc đẩy quyền lực mềm Trung Quốc.

 

Không dữ dội như bà Giang Thanh thời Mao Trạch Đông nhưng bà Bành Lệ Viện đang được ông Tập Cận Bình tin cậy tuyệt đối với vai trò của bà trong hậu trường, không chỉ mới đây mà còn trong quá trình giúp chồng trở thành nhân vật quyền lực số một Trung Quốc.

 

Từ những năm 2000, khi ông Tập còn là quan chức cấp cao của tỉnh Chiết Giang, bà Bành Lệ Viện đã xoay xở để chồng được chú ý, đặc biệt đối với ông Giang Trạch Dân. Lúc đó, dù ông Hồ Cẩm Đào được trao ghế tổng bí thư năm 2002 rồi ghế chủ tịch nước năm 2003 nhưng ông Giang Trạch Dân vẫn giữ chức chủ tịch Quân Ủy Trung Ương (cho đến năm 2004) – có nghĩa ông Giang vẫn là nhân vật quyền lực vô song.

 

Ông Giang Trạch Dân thường tổ chức yến tiệc ở Tây Hồ (một danh lam thắng cảnh đẹp như tranh ở Hàng Châu, thủ phủ Chiết Giang), với sự góp mặt của những ca sĩ thượng thặng thuộc Đoàn Ca Múa Nhạc Quân Đội (“Trung Ương Quân Ủy Chánh Trị Công Tác Bộ Ca Vũ Đoàn”). Người mà ông Giang Trạch Dân yêu thích không phải là bà Bành Lệ Viện mà là một nữ ca sĩ nổi tiếng không kém. Lần đó, nữ ca sĩ này mời bà Bành cùng đến dự tiệc. Ca sĩ Bành không đi một mình. Bà đến cùng chồng – Tập Cận Bình. Cho đến lúc đó, ông Tập Cận Bình vẫn còn là một tên quan địa phương xoàng xĩnh dưới mắt ông Giang Trạch Dân. Tuy nhiên, kể từ buổi tiệc đó, quan hệ Giang-Tập trở nên gắn bó. Và một thập niên sau, với hỗ trợ của ông Giang Trạch Dân, ông Tập Cận Bình leo lên ghế tổng bí thư kiêm chủ tịch Quân Ủy Trung Ương rồi cuối cùng là chủ tịch nước.

 

Nikkei Asia không là tờ báo duy nhất đề cập bà Bành Lệ Viện và vai trò của bà. China Brief (Volume 24; Issue 11 – ngày 24 Tháng Năm), trong bài “Peng Liyuan Rises Up the Ranks: Implications for Xi’s Despotic Rule,” tác giả Willy Wo-Lap Lam, chuyên gia chính trị học Trung Quốc, cũng nói về bà Bành. Theo ông Willy Wo-Lap Lam, cùng lúc với chiến dịch “chặt chém” và thanh trừng nội bộ, ông Tập Cận Bình đã đưa vợ lên vị trí cấp cao trong Ủy Ban Đánh Giá Cán Bộ thuộc Quân Ủy Trung Ương (“Trung Ương Quân Ủy Cán Bộ Khảo Bình Ủy Viên Hội”) – một “định chế” ít được thế giới bên ngoài biết nhưng tổ chức này – chỉ mới thành lập năm 2022 – là cơ quan quyền lực nhất Quân Ủy Trung Ương.

 

Cần biết, từ khi nắm Quân Ủy Trung Ương (2012), ông Tập Cận Bình đã biến quân đội thành mô hình chẳng khác gì gia đình riêng (báo chí gọi là习家军, “Tập gia quân” – gồm những tướng tá tuyệt đối trung thành với ông Tập). Tất cả cho thấy mức độ cá nhân hóa và tập trung quyền lực của ông Tập Cận Bình là chưa từng thấy kể từ thời Mao Trạch Đông.

 

Việc thành lập Ủy Ban Đánh Giá Cán Bộ (trong Quân Ủy Trung Ương) cho thấy sự mất lòng tin của ông Tập đối với giới lãnh đạo cấp cao trong quân đội Trung Quốc (PLA). Cho đến khi có những cải cách lớn trong PLA vào năm 2015–2016, việc kiểm tra lòng trung thành của cán bộ chóp bu đều do Tổng Cục Chính Trị thực hiện. Sau khi tổ chức lại các đơn vị hàng đầu trong Quân Ủy Trung Ương, những vấn đề liên quan kỷ luật và lòng trung thành được Ban Công Tác Chính Trị (“Trung Ương Quân Ủy Chánh Trị Công Tác Bộ” – một cơ quan cũng mới được thành lập gần đây) xử lý.

 

Đứng sau lưng ông Tập Cận Bình, bà Bành Lệ Viện đã xây dựng và củng cố các mối quan hệ chặt chẽ với những thủ lĩnh cấp cao của nhóm Thượng Hải (“Thượng Hải bang”), trong đó có ông Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong), cựu phó chủ tịch nước, và em trai của ông ta là Tăng Khánh Hoài (Zeng Qinghuai). Cần biết, ông Giang Trạch Dân từng là ông trùm của “Thượng Hải bang.” Giờ đây, với vị trí quan trọng trong Quân Ủy Trung Ương, bà Bành Lệ Viện – nguyên quán Sơn Đông – đã dòm ngó và sử dụng những kẻ trung thành ở quê nhà Sơn Đông để củng cố sự an toàn chính trị cho ngai vàng Tập Cận Bình. Từ thời Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và thậm chí Hồ Cẩm Đào, “Sơn Đông bang” luôn nổi tiếng một lòng trung thành với các chủ soái.

 

Mức độ can thiệp và vai trò bà Bành Lệ Viện nhiều như thế nào trong các cuộc chấn chỉnh Quân Ủy Trung Ương là câu hỏi khó có thể trả lời chính xác. Cần nhắc thêm, không chỉ ông Lý Thượng Phúc, Trung Tướng Chung Thiệu Quân (Zhong Shaojun) – từng là thư ký riêng và chuyên viết diễn văn cho ông Tập – cũng đã bị đánh văng.

 

Ông Chung Thiệu Quân theo phò từ khi ông Tập còn là bí thư đảng ủy Chiết Giang. Dù không có kinh nghiệm quân sự nhưng ông Chung nhanh chóng trở thành một trong những phụ tá quốc phòng được tin cậy nhất khi ông Tập nắm Quân Ủy Trung Ương vào năm 2012. Việc loại bỏ ông Chung Thiệu Quân diễn ra một cách âm thầm và không hề được đề cập trên các phương tiện truyền thông chính thức. Hiện vẫn chưa rõ chuyện gì đã xảy ra với ông Chung và đương sự ở đâu.

 

Tất cả cho thấy ông Tập ngày càng lo lắng về an ninh bản thân cũng như chế độ. Xét cho cùng, quân đội mới là thành trì của đảng và nhà nước Trung Quốc, với thế lực còn mạnh hơn cả công an và an ninh. Trong tất cả biến động chính trị ở Trung Quốc, vai trò quân đội luôn là trụ cột (thử nhìn lại vụ Thiên An Môn). Với ông Tập, quân đội giờ đây còn gánh thêm một trách nhiệm trọng đại: “Giải phóng” Đài Loan. [qd]

 

 

 



No comments: