Wednesday, July 10, 2024

ẤN ĐỘ TIẾP TỤC COI NGA NHƯ MỘT CHỖ DỰA CHÍNH TRONG THẾ ĐỐI ĐẦU VỚI TRUNG QUỐC (Trọng Thành / RFI)

 



Ấn Độ tiếp tục coi Nga như một chỗ dựa chính trong thế đối đầu với Trung Quốc

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 09/07/2024 - 16:24  -  Sửa đổi ngày: 09/07/2024 - 20:18

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240709-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-coi-nga-nh%C6%B0-m%E1%BB%99t-ch%E1%BB%97-d%E1%BB%B1a-ch%C3%ADnh-trong-th%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BB%91i-%C4%91%E1%BA%A7u-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c

 

Điều đáng chú ý, trong khuôn khổ quan hệ song phương, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chọn Nga là nước đầu tiên ông tới thăm đầu tháng 07/2024. Theo giới quan sát, với chuyến đi này, lãnh đạo Ấn Độ chủ trương tiếp tục khẳng định Nga như là một chỗ dựa quan trọng trong thế đối đầu với Trung Quốc, đặc biệt trong các tranh chấp biên giới, trong bối cảnh Matxcơva ngày càng có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào quan hệ với Bắc Kinh về kinh tế.

 

HÌNH :

Biểu tình phản đối Trung Quốc lấn chiếm biên giới tấn công quân đội Ấn Độ, ngày 17/06/2020 tại New Delhi. REUTERS - ANUSHREE FADNAVIS

 

Kể từ khi Nga khởi sự cuộc xâm lược Ukraina, tháng 2/2022, thủ tướng Ấn Độ ngừng tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh hàng năm với Nga, vốn trở thành truyền thống từ hai thập niên. Năm nay New Delhi nối lại với truyền thống này. Điểm đặc biệt đáng chú khác là, thủ tướng Ấn Độ, sau khi tái nhậm chức, thay vì công du khu vực Nam Á, đã phá vỡ thông lệ khi chọn Nga là điểm đến.

 

 

New Delhi phá thông lệ

 

Nhiều nhà quan sát ghi nhận, mục tiêu hàng đầu của chuyến đi này là để tìm kiếm thêm sự ủng hộ từ Nga, một đối tác có quan hệ lâu đời, đặc biệt trên phương diện chiến lược, trước áp lực gia tăng của Bắc Kinh. Báo Hồng Kông South China Morning Post có bài “Chuyến thăm Nga của Modi là một dấu hiệu cho thấy các căng thẳng với Trung Quốc chưa được giải quyết, theo một số nhà phân tích’’. South China Morning Post ghi nhận, ông Modi đã vắng mặt trong cuộc họp thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, diễn ra trong tuần trước tại Kazakhstan.

 

Theo chuyên gia về quan hệ quốc tế Harsh Pant, Đại học King’s College, Luân Đôn, việc thủ tướng Ấn Độ tránh gặp lãnh đạo Trung Quốc tại cuộc thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cho thấy Ấn Độ không muốn có một cuộc hội kiến như vậy trừ phi ‘‘có sự thay đổi trong chính sách’’ của Trung Quốc với Ấn Độ trong tranh chấp biên giới, bùng lên từ năm 2020, sau khi Trung Quốc tìm cách thay đổi nguyên trạng.

 

Trong cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc hôm thứ Tư tuần trước tại Astana, bên lề thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, tổng thống Nga đã ca ngợi Tổ chức này là ‘‘một trong những trụ cột chính của trật tự thế giới công bằng và đa cực” và cho biết Matxcơva và Bắc Kinh đang “trải qua thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử”. Cũng trong thời gian này, ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề hội nghị, và nhắc lại yêu cầu của New Delhi về một giải pháp cho vấn đề biên giới Ấn – Trung.

 

 

Khéo léo ngả về phương Tây, dựa vào Nga để kháng lại Trung Quốc

 

Báo Nhật Japan Times, ngày hôm nay, 09/07/2024, trong bài phân tích ‘‘Nhân tố Trung Quốc trong chuyến công du Matxơva của Modi’’, chú ý đến việc chuyến công du đầu tiên của ông Modi đến Matxcơva từ năm 2015, rõ ràng không phải nhằm để khẳng định New Delhi đứng về phía Nga, hỗ trợ Nga đang bị phương Tây cô lập do cuộc xâm lược Ukraina. Theo báo Nhật, trên thực tế, bất chấp các nỗ lực của phương Tây, Nga đã không đến mức bị cô lập trong quan hệ quốc tế, và cũng ‘‘không bị trói tay’’ về mặt kinh tế. Mục tiêu của chuyến đi này được ‘‘giới lãnh đạo Ấn Độ xem là cần thiết cho một chính sách đối ngoại cân bằng’’, để tạo ra một đòn bẩy chiến lược, dựa Nga chống lại Trung Quốc, ‘‘đặc biệt vào thời điểm mà dường như New Delhi đang khéo léo ngả nhiều hơn về phía phương Tây”.

 

Báo Hồng Kông South China Morning Post nhấn mạnh là New Delhi cảnh giác cao độ trước việc Matxcơva đang có xu hướng phụ thuộc ngày càng nhiều hơn với Bắc Kinh. Lãnh đạo Nga Vladimir Putin, ngay sau khi tái đắc cử, đã dành chuyến công du ra nước ngoài đầu tiên để đến Trung Quốc. Theo chuyên gia Harsh Pant, ở Luân Đôn, “Ấn Độ không muốn thấy Nga hoàn toàn rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc’’.

 

 

Không để Nga ''bỏ hết trứng vào một giỏ''

 

Kể từ cuộc xâm lăng Ukraina, Bắc Kinh đã trở thành một huyết mạch kinh tế của Nga, thương mại song phương tăng lên mức kỷ lục. Trung Quốc là nhà cung cấp chủ yếu cho Nga các linh kiện lưỡng dụng, có thể sử dụng trên chiến trường trong cuộc chiến chống Ukraina. Theo chuyên gia Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Á-Âu Nga Carnegie ở Berlin, Ấn Độ không có đủ lực để kéo Nga ra khỏi vòng tay Trung Quốc, nhưng muốn tạo điều kiện để Nga ‘‘không bỏ hết trứng vào một giỏ trong quan hệ với Trung Quốc’’.

 

Báo Mỹ The Wall Street Journal cũng ghi nhận theo cùng một hướng, khi dẫn lại nhận định của chuyên gia Aleksei Zakharov ở Matxcơva, theo đó, Ấn Độ không muốn để Nga bị dồn vào chân tường, để buộc phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Nandan Unnikrishnan, người đứng đầu chương trình Á-Âu tại Quỹ Nghiên cứu Observer, ở New Delhi, thì cho biết: “sẽ không thể kiềm chế Trung Quốc ở châu Á, nếu Nga trở thành đối tác chiếu dưới của Trung Quốc”. Cựu ngoại trưởng Ấn Độ và cựu đại sứ tại Nga, Kanwal Sibal, nhấn mạnh đến ý nghĩa của chuyến đi, nhằm dập tắt mọi suy đoán về việc mối quan hệ Ấn Độ-Nga có xu hướng suy giảm do áp lực của phương Tây”. 

 

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, ấn bản Anh ngữ, của đảng Cộng Sản Trung Quốc, cũng chú ý đến chuyến đi Nga của thủ tướng Ấn Độ, nhưng dưới một góc nhìn khác. Theo Hoàn Cầu Thời Báo, phương Tây đang theo dõi sát và không hài lòng về ‘‘mối quan hệ ngày càng sâu sắc hơn giữa Ấn Độ với Nga’’. Tờ báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh ‘‘không coi mối quan hệ giữa New Delhi và Matxcơva là mối đe dọa’’. Hoàn Cầu Thời Báo dĩ nhiên không nhắc gì đến một động cơ chủ yếu của Ấn Độ khi siết chặt quan hệ với Nga là để đối phó với Trung Quốc.

 

 

Mỹ từng tạo cho Ấn Độ một kẻ thù đáng sợ

 

Theo nhiều nhà quan sát, quan hệ mật thiết với Nga dường như vẫn được Ấn Độ coi như một đảm bảo vững chắc trong bối cảnh căng thẳng biên giới lâu đời với Trung Quốc. Hiện tại, Ấn Độ tuy có mối quan hệ sâu rộng với Mỹ hơn hẳn với Nga, nhưng chính sách của Hoa Kỳ là một ám ảnh với New Delhi. Báo Nhật Japan Times nhấn mạnh, với chính sách hàng thập niên hỗ trợ Trung Quốc trỗi dậy về kinh tế, Mỹ không chỉ tạo ra một đối thủ chiến lược lớn chưa từng có cho Ấn Độ, mà chính Washington đã từng góp phần tạo ra một địch thủ quân sự đáng sợ đe dọa trực tiếp biên giới Ấn Độ. Căng thẳng biên giới song phương bùng lên trở lại và đã bước sang năm thứ 5 mà chưa có giải pháp. 

 

Japan Times cũng nhấn mạnh việc năm 1971, chính nước Mỹ thời Nixon đã thúc đẩy Trung Quốc mở mặt trận chống lại Ấn Độ tại vùng biên giới đông bắc nước này để ngăn cản nỗ lực của Bangladesh giành độc lập với Pakistan. Trong cuộc chiến này, khoảng 3 triệu người Bangladesh đã thiệt mạng, 200.000 phụ nữ bị cưỡng hiếp, 10 triệu người chạy sang Ấn Độ. Ấn Độ, bên ủng hộ Bangladesh, đã được Liên Xô hậu thuẫn. New Delhi tiến hành vụ thử hạt nhân dưới lòng đất đầu tiên vào năm 1974, Mỹ đáp trả bằng cách áp đặt trừng phạt công nghệ đối với Ấn Độ trong gần ba thập kỷ. Mỹ và Trung Quốc sau đó giúp Pakistan trang bị vũ khí nguyên tử.

 

Trên Japan Times, chuyên gia về chính trị quốc tế Brahma Chellaney, Center for Policy Research ở New Delhi, và khách mời của Robert Bosch Academy ở Berlin, cho biết Ấn Độ lo ngại Trung Quốc lợi dụng thế mạnh của mình trong quan hệ với Matxcơva, tiếp cận được với các công nghệ quân sự tiên tiến của Nga, mà trước đó vốn chỉ được bán cho Ấn Độ.

 

Chuyến công du đặc biệt của thủ tướng Modi với Nga không có nghĩa là New Delhi chống lại phương Tây, cụ thể trong hồ sơ Ukraina. Kể từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina của Nga, chính quyền Ấn Độ duy trì thái độ về cơ bản gọi là ‘‘trung lập’’, kêu gọi hòa bình, nhưng không lên án đích danh Nga xâm lược. Tuy nhiên, khác hẳn với Trung Quốc, Ấn Độ có xu hướng nghiêng nhiều hơn về phía Ukraina và cố gắng giữ thế cân bằng trong quan hệ giữa phương Tây và Nga. Chuyến công du ra nước ngoài đầu tiên của thủ tướng Ấn kể từ khi tái nhậm chức là để đến Ý, tham dự thượng đỉnh của khối G7 tháng 6 vừa qua, trong dịp này, ông Modi đã có cuộc gặp tổng thống Ukraina. Như ghi nhận của nhiều nhà quan sát, mục tiêu hàng đầu của việc Ấn Độ siết chặt quan hệ là để có được chỗ dựa trong thế đối đầu cam go với siêu cường châu Á.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

ẤN ĐỘ - NGA - NGOẠI GIAO

Lần đầu tiên thủ tướng Ấn Độ đến thăm Nga kể từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra

 

ẤN ĐỘ - TRUNG QUỐC

Ấn Độ - Trung Quốc : Từ hữu nghị giả tạo đến đối thủ cạnh tranh

 

PHÂN TÍCH

Đụng độ tại biên giới Ấn - Trung: Bề nổi hiềm khích sâu xa giữa hai nước

 





No comments: