Xung
đột Israel-Hamas : Ván cờ mạo hiểm của Iran
Minh Anh - RFI
Đăng ngày: 26/10/2023 - 15:55
Cuộc tấn
công đẫm máu của phe Hamas nhắm vào lãnh thổ Israel hôm 07/10/2023 đã phô bày một
sự yếu kém nhất thời chưa từng thấy của người Do Thái. Các nhà lãnh đạo Cộng
hòa Hồi Giáo Iran muốn nắm bắt cơ hội hiếm có này để làm suy yếu thêm đối thủ
Israel, nhưng vẫn tìm cách tránh một cuộc đối đầu trực diện.
Giáo chủ Ali
Khamenei (G) tại học viện quân sự Iran ngày 10/10/2023. via REUTERS - WANA
NEWS AGENCY
Hiện tại, sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas,
quân đội Israel dường như đang sẵn sàng đổ bộ lên dải Gaza. Ở phía bắc, nhiều
cuộc va chạm giữa lực lượng Israel và nhóm dân quân vệ Hezbollah được Iran hậu
thuẫn cũng đã nổ ra. Tại nhiều thành phố trên thế giới đã diễn ra các cuộc biểu
tình ủng hộ người Palestine.
Iran : Lời lẽ cứng rắn và nỗi lo « mất khả
năng kiểm soát »
Hoa Kỳ lập tức điều hai cụm tàu sân bay đến
vùng Đông Địa Trung Hải. Thứ Năm 19/10, một tầu chiến Mỹ đã bắn hạ nhiều tên lửa
và drone được bắn đi từ Yemen, mà theo quân đội Mỹ, dường như nhắm hướng
Israel. Ngày 23/10/2023, Hoa Kỳ cáo buộc Iran « tích cực hậu thuẫn »
các cuộc tấn công bằng drone và rốc-kết nhằm vào nhiều căn cứ quân sự của Mỹ tại
Irak và Syria trong vòng một tuần, tính từ hôm 17/10, làm khoảng 24 lính Mỹ bị
thương.
Dấu hiệu cho thấy Lầu Năm Góc dự báo khả năng
sẽ có nhiều cuộc tấn công tương tự trong thời gian sắp tới: quân đội Mỹ thông
báo nâng cao năng lực phòng không khi cho triển khai thêm nhiều hệ thống tên lửa
bắn chặn THAAD và Patriot trong vùng để bảo vệ các lực lượng Mỹ. Chủ Nhật
22/10, Washington cảnh cáo Iran và các tổ chức vũ trang đồng minh của nước này
về mọi ý định mở rộng cuộc xung đột ở vùng Cận Đông, và cho biết « sẽ có
hành động » trong trường hợp tấn công các lợi ích của Mỹ và Israel.
Về phía Iran, ba ngày sau vụ tấn công đẫm máu,
ngày 10/10, lãnh đạo tối cao, giáo chủ Ali Khamenei, đã hoan nghênh chiến dịch
quân sự của Hamas, một thành phần trong mạng lưới các nhóm vũ trang phi chính
phủ được Iran sử dụng để củng cố tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Tuy nhiên, một mặt, Iran phủ nhận mọi sự can dự
trong cuộc tấn công, giới chức Mỹ và Israel thừa nhận hiện không có « bằng
chứng trực tiếp » để chứng minh điều ngược lại. Nhưng mặt khác, trước
khả năng Israel mở chiến dịch tấn công quy mô lớn vào dải Gaza, chế độ Teheran
không ngừng đưa ra những lời cảnh cáo « không ai có thể ngăn cản được
các lực lượng kháng chiến » và những lời dọa dẫm « đáp trả » hay « mở
rộng nhiều mặt trận ».
Theo báo Pháp Le Monde, trong chiến lược răn
đe của kẻ yếu trước kẻ mạnh, từ ba thập niên qua, Iran đã âm thầm xây dựng một
mạng lưới các nhóm vũ trang, tập hợp các kẻ thù của Israel và Mỹ từ Hezbollah
Liban, phe nổi dậy người Huthi ở Yemen, cho đến các đơn vị Huy động quần chúng ở
Irak, hay đội quân lê dương, quy tụ nhiều sư đoàn người Afghanistan và
Pakistan, những đội quân thường xuyên được Iran triển khai ở Syria để bảo vệ chế
độ Damas.
Theo giới quan sát, giọng điệu đầy tính dọa dẫm
này của Iran đang che giấu một nỗi lo « mất kiểm soát » trong
trường hợp xung đột lan rộng. Trả lời báo Le Monde, nhà nghiên cứu Hamidreza
Azizi, Viện Nghiên cứu về Quan hệ Quốc tế của Đức phân tích :
« Ngoại trưởng Iran Hossein Amir
Abdollahian tìm cách khẳng định vị thế như là phát ngôn viên của trục kháng chiến
khi cùng lúc nhắc rằng những nhóm vũ trang này sẽ đưa ra các quyết định một
cách độc lập. Điều làm Iran lo lắng là khả năng Hoa Kỳ can thiệp quân sự và gia
tăng hậu thuẫn Israel, và như vậy có thể khuyến khích Israel đánh cả các nhóm
thân Iran bên ngoài dải Gaza. Đương nhiên, Iran không muốn can dự vào một cuộc
chiến diện rộng, nhưng nguy cơ này mỗi ngày một lớn ».
Những mục tiêu của Iran
Trong trước mắt, cuộc xung đột bùng lên tại dải
Gaza, đang đáp ứng nhiều mục tiêu của Iran trước « kẻ thù truyền kiếp »
Israel. Thứ nhất, tuy không thể ngăn chặn một cách « không thể vãn
hồi » sự xích lại gần giữa nhà nước Do Thái với các nước Ả Rập
trong khuôn khổ thỏa thuận Abraham (được ký kết giữa Israel với Các Tiểu Vương
Quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrein, Maroc và Sudan), nhưng cuộc xung đột ở dải Gaza
không những đẩy lùi triển vọng bình thường hóa quan hệ giữa Aviv và Riyad, mà
còn củng cố tạm thời tiến trình hòa giải giữa Ả Rập Xê Út và Iran, được thông
báo tại Bắc Kinh hồi tháng 3/2023.
Georges Malbrunot, phóng viên báo Pháp Le
Figaro, chuyên gia về Trung Đông, trên kênh truyền hình France 24 nhận định :
« Mối quan hệ giữa Riyad và Teheran có
khả năng được củng cố đến mức cả Iran và Ả Rập Xê Út cùng lên án các cuộc oanh
kích của Israel nhằm vào thường dân trên dải Gaza. Nhưng tôi nghĩ rằng, đằng
sau việc tỏ lập trường cứng rắn, thông báo tạm hoãn các cuộc đàm phán mà nước
này đang tiến hành với Mỹ nhằm hướng đến việc bình thường hóa quan hệ với
Israel, còn có những tính toán của hoàng thái tử Mohamed Ben Salman. Ông ấy sợ
bị Iran qua mặt trong vai trò quốc gia bảo vệ chính người dân Ả Rập. Bởi
vì đối với nhiều nước Ả Rập, trong Vùng Vịnh, Ả Rập Xê Út dẫu sao cũng là quốc
gia hùng mạnh nhất. »
Thứ hai, Iran xem cuộc tấn công của Hamas hôm
07/10 là một « thất bại không thể khắc phục » cho
Israel. Vì vậy, giáo chủ Khamenei đặt cược nhiều vào sự xấu đi hình ảnh và danh
tiếng của Israel trên trường quốc tế, với chuỗi hình ảnh thường dân bị quân đội
Israel giết chết ở Gaza, những lời kêu gọi tấn công trên bộ ngày càng nhiều. Một
lằn ranh chia rẽ mới giữa khối phương Tây, vốn dĩ không tiếc lời ủng hộ Israel
và phương Nam toàn cầu, lên án mạnh mẽ các cuộc oanh kích trên dải Gaza. Tất cả
những điều đó đều phục vụ cho các lợi ích của Iran.
« Trục kháng chiến » : Công cụ đối
ngoại và an ninh của Iran
Colin P. Clarke, giám đốc nghiên cứu tại
Soufan Group, một cơ quan tư vấn về tình báo và an ninh, trụ sở tại New York,
trên trang mạng New York Times (23/10/2023) còn nhắc đến một mục tiêu khác của
Iran trong sự kiện này. Vị chuyên gia này trước hết nhắc lại, việc đào tạo và
trang bị các nhóm khủng bố, các phe nổi dậy và dân quân là một yếu tố trung tâm
trong chính sách đối ngoại và an ninh của Iran tại Trung Đông. Mỗi năm, nước Cộng
hòa Hồi Giáo này chi ra hàng trăm triệu đô la để nâng cao năng lực chiến đấu
cho Hezbollah, Hamas và nhiều nhóm khác.
Iran sử dụng những lực lượng này theo cách
« ủy nhiệm » để thúc đẩy các mục tiêu an ninh quốc gia : Đẩy lui
các đối thủ như Mỹ, có đến hơn 30 ngàn quân trú đóng tại nhiều căn cứ khác nhau
ở Trung Đông, ngoài khu vực, đồng thời mở rộng vùng ảnh hưởng của riêng mình.
Các lực lượng « ủy nhiệm » này giúp Iran từ trong hậu trường can dự
vào các cuộc xung đột đang diễn ra nhưng vẫn có được một sự phủ nhận nào đó,
cũng như là tránh bị lôi vào một cuộc đối đầu quân sự trực diện.
Giờ đây, xung đột ngày càng gia tăng, người ta
lo sợ Israel hướng đến một cuộc đối đầu trực diện với Iran. Tuy nhiên, giới
quan sát cho rằng, lằn ranh đỏ thực sự của Iran hiện nay là mặt trận phía nam
Liban. Nếu Hezbollah quyết định lợi dụng thời cơ các lực lượng phòng thủ Israel
bị quá tải và chính thức mở thêm mặt trận thứ hai ở phía bắc Israel, tình hình
có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn và xuống cấp nhanh chóng. Mọi tính toán sai lầm từ
phía Iran từ hay một trong số các lực lượng « ủy nhiệm » đều có thể dẫn
đến một hành động trả đũa dữ dội từ Israel và sự can dự của Hoa Kỳ, mở đường
cho một cuộc xung đột toàn khu vực.
Ali Vaez, điều hành nhóm nghiên cứu về Iran,
thuộc International Crisis Group, trên kênh truyền hình Euronews, cho rằng Iran
hiện đang trong thế lưỡng nan : « Tôi nghĩ rằng nguy cơ chính ở
đây là, để bảo vệ uy tín và năng lực răn đe của mình, Iran rất có thể khuyến
khích các đồng minh tại Liban, nhất là phe Hezbollah, vốn dĩ hùng mạnh hơn
Hamas, mở thêm một mặt trận mới chống Israel ở phía bắc. Nếu Iran can dự vào cuộc
xung đột này, các nước Irak, Syria và Liban cũng có thể bị lôi kéo vào cuộc chiến
chống Israel và Mỹ, với nhiều hệ quả có thể dẫn đến một thảm họa, không những
cho khu vực, mà cho toàn thế giới. »
Trung Quốc : Trung gian hòa giải « lý tưởng » ?
Trước một viễn cảnh u ám, nhiều nhà quan sát
cho rằng, trong cuộc xung đột này, không có một giải pháp nào khác ngoài con đường
ngoại giao, mà trước hết là một lệnh ngừng bắn càng sớm càng tốt cả về mặt chiến
lược và nhân đạo.
Trong lĩnh vực này, cường quốc nào có vị trí tốt
nhất để làm trung gian hòa giải? Hoa Kỳ và châu Âu không thể làm được, vì đã chọn
phe. Nước Nga của ông Vladimir Putin tuy có nền ngoại giao vững mạnh, nhưng do
trọng lượng kinh tế yếu cũng như do lập trường của Nga trong hồ sơ Syria nên
Matxcơva chưa đủ sức để gây ảnh hưởng.
Chỉ còn lại Trung Quốc, với tầm ảnh hưởng mạnh
mẽ về kinh tế và gần đây là ngoại giao trong tiến trình hòa giải giữa Iran và Ả
Rập Xê Út. Về điểm này, trả lời RFI Tiếng Việt, ông Didier Chaudet, chuyên gia
về Nam – Trung Á nhận định : « Trong cuộc xung đột Israel –
Palestine, lúc này, Israel chưa hẳn muốn có cuộc thảo luận. Trừ khi đến một lúc
nào đó, tình hình chuyển hướng, chiến tranh có nguy cơ xảy ra, thì lúc ấy, Hoa
Kỳ và Trung Quốc có thể phối hợp với nhau để ngăn chặn một cuộc chiến tranh cục
bộ ».
No comments:
Post a Comment