Xung
đột Gaza : Trung Quốc và tham vọng kiến tạo hòa bình cho Trung Đông
Anh Vũ - RFI
Đăng ngày: 20/10/2023 - 15:08
Sau thành công ngoạn mục đưa Iran và Ả Rập Xê Út
xích lại gần nhau hồi đầu năm, liệu xung đột Israel - Hamas lần này có sẽ là cơ
hội để một lần nữa để Trung Quốc mở rộng trường ảnh hưởng ở Trung Đông ? Bắc
Kinh có thể đóng góp gì để vãn hồi hòa bình trong khu vực ?
Chủ tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình ( phải ) và tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Bắc Kinh,Trung Quốc,
ngày 14/06/2023. AP - Jade Gao
Ngay từ đầu cuộc xung đột Israel - Hamas bùng nổ hôm 07/10, Trung Quốc
cố gắng giữ lập trường có vẻ cân bằng, kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn, nhấn
mạnh khía cạnh nhân đạo, nhưng không hề lên án cuộc tấn công đẫm máu của Hamas.
Nhưng từ những ngày qua, Trung Quốc dường như bắt đầu thúc đẩy hoạt động
ngoại giao trong vai trò như là trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Israel -
Palestine.
Đặc phái viên của chính phủ Trung Quốc về Trung Đông, ông Trạch Tuyển,
đang ngược xuôi qua các thủ đô các quốc gia Ả Rập. Hôm qua (19/10) ông đã có mặt
tại Doha, Qatar. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mao Ninh, cho biết, mục
tiêu của ông Trạch Tuyển là "tập hợp sự đồng thuận quốc tế, kêu gọi các
bên liên quan chấm dứt giao tranh, hạ nhiệt tình hình và tạo điều kiện cần thiết
cho giải pháp chính trị".
Ngày 19/10, tiếp thủ tướng Ai Cập Moustafa al-Madbouly bên lề Diễn đàn
Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quả quyết
rằng Bắc Kinh mong muốn « mang lại » hơn nữa «
ổn định » cho Trung Đông.
Rõ ràng Ai Cập có một vị trí quan trọng trong cuộc xung đột này. Nước
này từ lâu đã duy trì quan hệ hòa bình với Israel và có chung đường biên giới
dài hơn 250 km với nhà nước Do Thái, cũng như đường biên giới dài 11km với dải
Gaza do Hamas kiểm soát. Cửa khẩu Rafah của Ai Cập là nơi duy nhất hiện nay có
thể được dùng để chuyển hàng cứu trợ nhân đạo từ Ai Cập vào Gaza.
Theo giới quan sát, Bắc Kinh nhận thấy cuộc xung đột ở Trung Đông có thể
là một cơ hội để thể hiện vai trò ngoại giao của một nước lớn, chứng tỏ Trung
Quốc có thể là một tác nhân đáng tin cậy trong việc giải quyết các vấn đề quốc
tế quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Hoa Kỳ đang bị mất đi vị thế
và uy tín trong thế giới Ả Rập từ sau các sự kiện ở Irak, và gần đây là ở
Afghanistan.
Nhà nghiên cứu chính trị Thierry Braspenning-Balzacq, thuộc trường Khoa
học chính trị Pháp (Science Po), nhận định, Trung Quốc đã nhận ra khoảng trống ảnh
hưởng ở đó để có thể lấp vào và « tình hình có vẻ như lý tưởng cho
Trung Quốc khi Mỹ được coi là đồng minh lớn của Israel nhưng sẽ rất khó thuyết
phục người Ả Rập ».
Nhìn bề ngoài, Bắc Kinh hoàn toàn có thể đóng vai trò trung gian hòa giải
trong cuộc khủng hoảng này, vì từ lâu nay họ vẫn biết cách luồn lách, thỏa hiệp
qua các mối liên hệ chồng chéo của khu vực đầy phức tạp về địa chính trị cũng
như về tôn giáo. Nhưng xung đột Israel - Hamas ở trong hoàn cảnh khác.
Các nước Ả Rập trong vùng chỉ đóng vai trò tạo cầu nối. Muốn thực hiện
được sứ mệnh hòa giải, Trung Quốc phải nói chuyện được với 3 tác nhân chính của
cuộc khủng hoảng : Chính quyền Palestine, Israel và Phong trào Hồi giáo
Hamas.
Trung Quốc ủng hộ nhiệt thành từ ban đầu sự nghiệp chính nghĩa của
người Palestine đòi được công nhận là một Nhà nước có chủ quyền đầy đủ, đồng thời
Trung Quốc lại có quan hệ kinh tế khá sâu rộng với nhà nước Do Thái. Là đối tác
thương mại lớn hàng thứ 3 của Israel, Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh trong nhiều
lĩnh vực hạ tầng cơ sở của Israel. Nhưng Nhà nước Do thái là một đồng minh của
Hoa Kỳ, không dễ gì để họ nghe theo Trung Quốc vào lúc nước sôi lửa bỏng này,
nhất là trong khi Washington đã và đang hậu thuẫn hết mình cho Israel trong cuộc
chiến trả đũa Hamas.
Trở ngại lớn cho nỗ lực hoà giải của Bắc Kinh là việc họ thiếu liên lạc
trực tiếp với Hamas, nghĩa là Trung Quốc sẽ phải thông qua Iran để gây áp lực
lên phong trào Hồi giáo này. Có điều Teheran, dù ca ngợi hành động của phong
trào Hồi giáo Palestine, vẫn cố gắng tránh bị cáo buộc can dự vào vụ tấn công của
Hamas.
Cuộc khủng hoảng Israel - Hamas một lần nữa lại là phép thử cho tham vọng
quốc tế của Bắc Kinh. Nếu hòa giải thành công, Trung Quốc sẽ có cơ hội thể hiện
mình như một thủ lĩnh của mặt trận mới đang được họ nỗ lực tập hợp nhằm
chống lại phương Tây, tạo dựng một trật tự thế giói mới.
Bắc Kinh từng đã khẳng định những tham vọng làm trung gian hòa giải cho
cuộc chiến tranh tại Ukraina, nhưng không có được kết quả nào ngoài việc duy
trì được quan hệ bền chặt với đối tác Nga của tổng thống Putin, người đã phát động
cuộc xâm lược Ukraina.
No comments:
Post a Comment