Vụ
bắt giữ Ngọc Trinh có tiềm năng trở thành một vụ án tiền lệ
Khác với vụ Phương Hằng, vụ bắt giữ Ngọc Trinh có tiềm năng trở thành một
vụ án tiền lệ khi mà hành vi gây rối trật tự công cộng của cô bị cho là xảy ra
trên không gian mạng.
Việc Ngọc Trinh biểu diễn mô tô rõ ràng là vi phạm pháp luật, nhưng điều
gây tranh cãi ở đây là việc bắt giữ và truy tố hình sự liệu có tương xứng với
hành vi?
Tất nhiên, có thể đây là một vụ án điểm để phục vụ mục đích răn đe hay
hồi chuông cảnh tỉnh nào đó, nhưng ở đây chỉ xem xét dưới khía cạnh pháp lý, và
chúng ta cũng không tranh luận về chuyện cô ấy có khinh suất, vô trách nhiệm
hay có đáng lên án hay không.
Theo tường thuật của truyền thông, có thể thấy lý do chính dẫn đến việc
cô bị bắt không phải ở bản thân các hành vi lái xe và sử dụng giấy tờ giả, mà
là từ việc “đăng tải, phát tán nội dung các video clip của các tài khoản nêu
trên có ảnh hưởng xấu đến vấn đề an ninh trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng
tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ, đặc biệt đây
là tài khoản mạng xã hội được hàng triệu người theo dõi”.
Tuy nhiên, điều khiến người ta lo ngại là sự mơ hồ trong những cáo buộc
này.
Thứ nhất là thiếu định nghĩa và tiêu chuẩn rõ ràng. Định nghĩa “có ảnh
hưởng xấu” là như thế nào và nó được định lượng hoặc đo lường như thế nào? Luật
pháp không đưa ra các thông số hoặc tiêu chuẩn rõ ràng để đánh giá mức độ ảnh
hưởng xấu có thể dẫn tới cáo buộc hình sự. Nếu không có các tiêu chí cụ thể, được
xác định rõ ràng, chúng ta sẽ phải đối mặt với viễn cảnh đáng lo ngại về việc
áp dụng và giải thích luật một cách tùy tiện.
Không thể phủ nhận Ngọc Trinh với tư cách là người nổi tiếng trên mạng
xã hội có thể có sức ảnh hưởng nhất định nào đó trong mắt công chúng. Tuy
nhiên, danh tiếng và có thể cả tai tiếng của cô không nên bị hiểu sai là bằng
chứng của hành vi sai trái hình sự.
Nổi tiếng trong mắt công chúng thường đồng nghĩa với việc phải đối mặt
với sự giám sát và chỉ trích nhiều hơn, các kỳ vọng về hành vi và ứng xử sẽ cao
hơn. Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và những người nổi tiếng hẳn
nhiên có trách nhiệm xem xét tác động tiềm tàng từ nội dung của họ.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý là các cá nhân chọn lựa theo dõi các tài khoản
mạng xã hội một cách tự nguyện. Trách nhiệm diễn giải hoặc bị ảnh hưởng bởi nội
dung trước hết thuộc về những người theo dõi, đồng thời là trách nhiệm của phụ
huynh, gia đình và hệ thống giáo dục trong việc hướng dẫn con em của họ phân biệt
đúng và sai.
Không nên áp đặt trách nhiệm quá mức, ở đây là trách nhiệm hình sự, đối
với người có ảnh hưởng về hành động, lựa chọn hoặc quyết định của những người
theo dõi họ. Nếu nói về tác động xấu thì có lẽ một clip ca nhạc của một ca sỹ
trẻ cực kỳ nổi tiếng cách đây không lâu sẽ có ảnh hưởng xấu hơn đối với giới trẻ,
chỉ qua một khung cảnh tự hủy. Tuy nhiên, ngay cả điều này cũng không thể áp đặt
trách nhiệm hình sự lên chàng ca sỹ này.
Thứ hai, ở đây ta thấy có một thống kê về lượt tương tác – thích, bình
luận, chia sẻ…, nói chung là con số rất lớn. Sự nhấn mạnh về các thông số này
khiến người ta có xu hướng hiểu là nếu một ai khác cũng có hành vi như vậy,
nhưng không được mấy like, thì sẽ không bị truy tố?
Những người nổi tiếng, cũng giống như bất kỳ ai khác, chỉ phải chịu
trách nhiệm hình sự nếu có bằng chứng rõ ràng và thuyết phục về hành vi phạm tội.
Luật pháp không phân biệt đối xử giữa người dân bình thường và người nổi tiếng.
Các quyền của Ngọc Trinh cần được bảo vệ mạnh mẽ như bất kỳ công dân nào khác,
dù công chúng yêu ghét cô ấy thế nào.
Ở đây, chúng ta không thể không thắc mắc liệu có một tiêu chí nào về số
lượng hay không. Đạt bao nhiêu tương tác thì bị truy tố?
Trong bất kỳ hệ thống pháp luật nào, điều bắt buộc là các cá nhân phải
nhận thức được những hành vi nào bị coi là bất hợp pháp và bị truy tố (về đăng
tải, phát tán). Luật pháp cần quy định rõ ràng và minh bạch cho công dân, cho
phép họ hiểu được ranh giới của các hành vi có thể chấp nhận được và hành vi bị
truy tố hình sự.
Nếu không có sự rõ ràng như vậy, bất kỳ ai cũng có thể vô tình nhận ra
mình đã phạm luật, bởi họ không chắc chắn về điều gì cấu thành hành vi vi phạm
luật.
Pháp luật phải là ánh sáng dẫn đường chứ không phải là mối đe dọa mơ hồ
treo lơ lửng trên đầu mỗi cá nhân. Nó phải cung cấp các thông số cần thiết để
phân biệt giữa hành vi hợp pháp và trái luật, không có sự mơ hồ hoặc có chỗ cho
những diễn giải tùy tiện.
.
No comments:
Post a Comment