Việt Nam và Nhật Bản đối diện “trật tự Trung Hoa mới”
RFA
2023.10.23
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-japan-face-new-chinese-order-10232023132619.html
Vào tháng 11, 2023, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và Thủ tướng
Nhật Bản Fumio Kishida sẽ tuyên bố nâng cấp mối quan hệ hai nước lên “Đối tác
chiến lược toàn diện”, nhân chuyến thăm của ông Thưởng tới Nhật Bản. Tại sao Nhật
Bản và Việt Nam nâng cấp quan hệ vào thời điểm này? RFA xin giới thiệu nhân định
của hai chuyên gia là Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng ở Đại học George Mason (Hoa Kỳ)
và Tiến sỹ Satoru Nagao ở Hudson Institute, một think tank ở Washington DC, về
triển vọng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Chủ tịch Võ Văn Thưởng tiếp Hoàng Thái
tử Akishino hôm 22/9/2023 (ảnh minh họa) - Văn phòng Chủ tịch nước
Kháng lại “trật tự Trung Hoa mới”
Trao đổi với RFA về triển vọng quan hệ Việt Nhật trong bối cảnh Việt
Nam - Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện” hồi 10 tháng
9, 2023, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng cái bóng Trung Quốc luôn ẩn hiện
phía sau bước đi của mỗi nước. Chiến lược trường kỳ của Trung Quốc là khôi phục
trật tự Trung Hoa trong quá khứ. Chính điều này khiến cho cả Việt Nam và Đài
Loan trở nên quan trọng với Nhật Bản.
Theo GS. Nguyễn Mạnh Hùng, Nhật Bản ngày nay đã là cường quốc. Thế hệ
sau thế chiến thứ hai, bị bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki, nhưng chỉ sau
vài thế hệ thì vị thế quốc gia của họ đã rất khác. Họ là cường quốc toàn cầu.
Trung Quốc muốn khôi phục “trật tự Trung Quốc” trong quá khứ. Nhật Bản đương
nhiên không muốn. Nhật gắn bó với Đài Loan vì không muốn sống dưới “trật tự
Trung Quốc.”
Theo GS Nguyễn Mạnh Hùng, trong việc kháng cự “trật tự Trung Hoa mới”
này, Nhật Bản không chỉ coi trọng Đài Loan mà còn cả Việt Nam. Ngoài ra, Việt
Nam có mối quan hệ quan trọng với Nhật vì Nhật là đồng minh của Mỹ. Mỹ có vai
trò quan trọng trong khu vực trong việc duy trì một trật tự dân chủ quốc tế giữa
các quốc gia, thay vì để cho khu vực rơi trở lại vào “trật tự Trung Hoa mới”.
Nhật là đồng minh của Mỹ nên Mỹ thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”
với Việt Nam thì Nhật cũng sẽ làm như vậy. Giáo sư Hùng nhấn mạnh với xu thế đó
thì Việt - Nhật có lẽ trong năm nay cũng sẽ tăng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến
lược toàn diện.”
Vai trò của lao động nhập cư người Việt tại Nhật Bản
Tương tự GS. Nguyễn Mạnh Hùng, TS. Nagao Satoru cũng lý giải lý do Nhật
Bản và Việt Nam nâng cấp quan hệ vào điểm tháng 11 năm 2023, sau khi Việt Mỹ
nâng cấp quan hệ như vậy.
Theo TS. Nagao Satoru, Việt Nam quan trọng với Nhật Bản ở ba mặt là an
ninh, kinh tế và ngoại giao. Trong đó, về mặt kinh tế, lao động Việt Nam tại Nhật
Bản có một vai trò quan trọng cả về kinh tế lẫn an ninh. Lao động người Việt
chiếm số lượng lớn thứ hai tại Nhật Bản, với 476.346 người (chiếm 16,1% tổng số
người nước ngoài.) Tại sao điều này lại quan trọng? Vì yếu tố nhạy cảm hàng đầu
với Nhật Bản là vấn đề lao động nhập cư từ Trung Quốc. Nhật Bản là một xã hội
già hóa. Tàu thuyền, nhà hàng không thể mở cửa suốt 24 giờ vì không tìm được
lao động. Vì vậy, Nhật Bản đang chấp nhận một số lượng hạn chế lao động nhập
cư. Mối lo ngại của Nhật Bản là số lượng người Trung Quốc ngày càng tăng. Tính
đến tháng 10 năm 2022, số lượng người Trung Quốc tại Nhật Bản là 744.551. Đây
là số lượng người nước ngoài lớn nhất tại Nhật Bản (chiếm 25,1% tổng số người
nước ngoài tại Nhật Bản) và tăng 3,9% so với năm ngoái. Tiếng Trung có lợi thế
vì có thể đọc được chữ Hán của tiếng Nhật. Vấn đề là những người nước ngoài có
trình độ cao khác, có thể nói tiếng Anh tốt thì lại không đến Nhật Bản mà đến
các nước nói tiếng Anh. Những căng thẳng leo thang với Trung Quốc đòi hỏi Nhật
Bản phải giảm bớt rủi ro. Nhật Bản không thể dựa quá nhiều vào lao động Trung
Quốc. Trong bối cảnh đó, lực lượng lao động người Việt Nam tăng lên nhanh
chóng. TS. Nagao cho biết so với năm trước, con số này tăng 10,0%. Nền kinh tế
Nhật Bản đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào người Việt thay vì người Trung
Quốc.
Nhật Bản chuyển sản xuất đến Việt Nam
Theo TS. Nagao Satoru, khi Nhật Bản đối mặt với mối đe dọa từ Trung Quốc,
Nhật Bản cần một đối tác kinh tế như Việt Nam. Khi có đủ tiền, Trung Quốc có thể
nhanh chóng hiện đại hóa quân đội. Sự giàu có của Trung Quốc cũng cho phép nước
này đầu tư rất nhiều tiền vào các nước nhỏ. Nợ nần của các nước nhỏ cho phép
Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở các nước đó. Các nước có vốn đầu tư (và nợ) lớn
của Trung Quốc ngần ngại chỉ trích Trung Quốc, ngay cả khi Trung Quốc không
tuân theo các quy tắc quốc tế.
TS. Nagao chỉ ra là khi còn tại nhiệm, cựu Tổng thống Trump đã cố gắng
đưa hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc. Và chính quyền Biden đẩy mạnh hơn
chính sách đó với tên gọi là "de-risking" (“giảm rủi ro”). Tuy nhiên,
nếu Nhật Bản cố gắng đưa hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc để giảm rủi
ro, Nhật Bản cần tìm địa điểm thay thế cho các nhà máy đã chuyển khỏi Trung Quốc.
Việt Nam là điểm đến chủ yếu. Các công ty Nhật Bản đang chuyển nhà máy từ Trung
Quốc sang Việt Nam.
Viện trợ phát triển và Viện trợ An ninh
Nhật Bản là nước viện trợ ODA (Viện trợ Phát triển Chính thức) hàng đầu
của Việt Nam. Theo TS. Nagao, xu hướng mới trong những năm sắp tới là Viện trợ
An ninh Chính thức (OSA.)
OSA của Nhật Bản chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu. Năm 2023, quy mô của OSA
chỉ là 2 tỷ yên so với 571 tỷ yên của ODA. Ngoài ra, ODA có một cơ quan phụ
trách là JICA nhưng OSA không có tổ chức chuyên trách như vậy. Đó chính là lý
do còn rất nhiều dư địa để mở rộng OSA trong tương lai. Các xu hướng gần đây
trên thế giới như cạnh tranh Mỹ-Trung, cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine và cuộc
chiến chống khủng bố của Israel, cho thấy nhu cầu rất lớn về an ninh và công
nghiệp quân sự. Vì vậy, tình hình đó đòi hỏi Nhật Bản phải mở rộng OSA trong
tương lai. TS. Nagao nhấn mạnh rằng tình hình đó sẽ làm thay đổi ODA. Vào tháng
12 năm 2022, Nhật Bản đã công bố Chiến lược an ninh quốc gia và đề cập đến “Sử
dụng chiến lược ODA và hợp tác quốc tế khác”. So với chương trình ODA trước
đây, chương trình ODA mới này sẽ đi thẳng vào các lĩnh vực mang tính chiến lược.
Chính vì lý do này mà Nhật Bản sẽ cung cấp cho Việt Nam nhiều OSA, còn ODA sẽ
đi vào các lĩnh vực ở tầm chiến lược.
Chính sách của Nhật với Việt Nam có sự phối hợp với
Mỹ
Theo TS. Nagao, lý do đầu tiên và quan trọng nhất của việc Nhật Bản tập
trung vào Việt Nam là vì Nhật coi Việt Nam là đối tác an ninh. Cả hai nước đều
chia sẻ chung lợi ích quốc gia khi phải đối mặt với mối đe dọa từ Trung Quốc.
Ông Nagao chỉ ra là trong năm 2023, Tổng thống Mỹ Biden không tham dự Hội nghị
thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á. Nhưng Tổng thống Biden đã đến
thăm Việt Nam. Quả thực, dưới thời chính quyền Trump, nhìn chung Tổng thống
Trump không tham gia hầu hết các hội nghị thượng đỉnh liên quan đến ASEAN. Tuy
nhiên, Tổng thống Trump đã đến thăm Việt Nam. Cả chính quyền Biden và chính quyền
Trump đều đến thăm Việt Nam dù không tham gia các sự kiện liên quan đến ASEAN.
Mỹ coi Việt Nam là nước quan trọng nhất. Tương tự như GS. Nguyễn Mạnh Hùng, TS.
Nagao Satoru cũng nhấn mạnh rằng chính sách của Nhật Bản đối với Việt Nam cũng
tương tự như Mỹ vì Mỹ Nhật là đồng minh của nhau.
TS Nagao chỉ ra là Chính quyền Trump trước đây đã chấp nhận Chiến lược Ấn
Độ Dương-Thái Bình Dương của Thủ tướng Shinzo Abe. Chính quyền Biden ngày nay
tiếp tục phát triển nó. Nhật Bản và Mỹ đang phối hợp với nhau. Hợp tác an ninh
Việt - Mỹ có nhiều tiến triển và hợp tác an ninh Việt - Nhật cũng sẽ như vậy.
No comments:
Post a Comment