Việt
Nam sẵn sàng từ bỏ mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?
Nguyễn Quốc Khải
01/10/2023
.
https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-d768-08dbc128832b_cx0_cy3_cw0_w650_r1_s.jpg
Việt Nam đến nay chỉ mới có 71 quốc gia công nhận có
nền kinh tế thị trường.
Đối
với Hoa Kỳ, Việt Nam là một trong 13 nước có nền kinh tế phi thị trường, bao gồm
cả Trung Quốc.
Trước khi Tổng Thống Joe Biden đến Hà Nội hai ngày, chính quyền Việt Nam
đã yêu cầu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Bản thông
cáo chung kết thúc cuộc viếng thăm đầu tiên của Tổng Thống Biden xác định rằng
Hoa Kỳ sẽ xem xét yêu cầu của Việt Nam một cách nhanh chóng nhất có thể, phù hợp
với luật pháp Hoa Kỳ. Nhân dịp tham dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tuần vừa
qua, Thủ Tướng Phạm Minh Chính cũng đã gặp và nhắc nhở Bà Janet Yellen, Bộ Trưởng
Tài Chánh Hoa Kỳ về thỉnh nguyện của Việt Nam. Bộ Trưởng Công Nghệ và Thương Mại
của Việt Nam là Ông Nguyễn Hồng Diên cũng gặp Bộ Trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Gina
Raimondo ở New York để nhắc nhở Hoa Kỳ sớm có quyết định nhanh chóng.
Việt Nam đến nay chỉ mới có 71 quốc gia công nhận có nền kinh tế thị trường.
Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam là một trong 13 nước có nền kinh tế phi thị trường,
bao gồm cả Trung Quốc. Nga đã trở thành kinh tế thị trường vào năm 2002, nhưng
vào cuối năm 2022 nước này đã bị lôi trở lại danh sách phi thị trường vì chính
quyền Nga xiết chặt kinh tế sau khi chiến tranh Ukraine bùng nổ vào tháng 2,
2022.
TẠI SAO VIỆT NAM VẪN LÀ MỘT NỀN KINH TẾ
PHI THỊ TRƯỜNG?
Qua chương trình “Đổi Mới” phát động vào năm 1986, Việt Nam bắt đầu cải tổ
quy mô từ nền kinh tế chỉ huy (centrally-planned economy) qua kinh tế thị trường
với định hướng xã hội chủ nghĩa (socialist-oriented market economy), một mô
hình tương tự như mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc,
trong đó khu vực nhà nước đóng vai trò quyết định trong chỉ đạo phát triển kinh
tế, với mục tiêu lâu dài cuối cùng là phát triển chủ nghĩa xã hội.
Trước khi cải tổ thị trường bắt đầu, Việt Nam không thể sản xuất đủ gạo để
nuôi sống người dân của mình vào thập niên 80. Quốc gia này bị nạn đói đe dọa,
ngoại tệ cạn kiệt, phải dựa vào sự hỗ trợ từ Chương Trình Lương Thực Thế Giới của
Liên Hiệp Quốc và hỗ trợ tài chính từ Liên Xô và các nước Đông Âu khác.
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-49da-08dbc128d6f8_cx0_cy3_cw100_w650_r0_s.jpg
Trong gần bốn thập niên, Việt Nam tiếp tục cải thiện
tự do kinh tế thành công theo xếp hạng mới nhất dựa trên Chỉ Số Tự Do Kinh Tế
(Index of Economic Freedom) của Heritage Foundation vào năm 2023.
Trong gần bốn thập niên, Việt Nam tiếp tục cải thiện tự do kinh tế thành
công theo xếp hạng mới nhất dựa trên Chỉ Số Tự Do Kinh Tế (Index of Economic
Freedom) của Heritage Foundation vào năm 2023. Nền kinh tế của Việt Nam đứng thứ
72 trong số 176 quốc gia vào năm nay với điểm tự do kinh tế là 61.8. Việt Nam đứng
thứ 14 trong số 39 quốc gia ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và có điểm tổng
thể cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực.
Điều quan trọng nhất là sự thay đổi thứ hạng theo thời gian. Vào năm
1995, khi chỉ số này được tổng hợp lần đầu tiên, Việt Nam chỉ đạt được 41.7 điểm
ít ỏi. Trong những năm qua, Việt Nam đã tiến thêm được 20 điểm. Trong khi đó chỉ
số Tự Do Kinh Tế của Trung Quốc thụt lùi từ 52 vào năm 1995 xuống còn 48.3 điểm
vào năm 2023. Trung Quốc hiện đứng thứ 154/176, kém Việt Nam tới 82 bậc.
Heritage Foundation xếp hạng tổng cộng 176 quốc gia dựa trên mức độ tự do
hoặc không tự do về mặt kinh tế. Đánh giá toàn diện dựa trên 12 loại quyền tự
do trong bốn lãnh vực bao gồm: (1) Pháp quyền (rule of law), (2) Tài chánh công
(public finance), (3) Luật lệ kinh tế (economic regulation), và (4) Độ mở thị
trường (market openness) . Chỉ số này chia các quốc gia thành năm nhóm, trong
đó nhóm tốt nhất là “tự do” (free), bao gồm Singapore, Thụy Sĩ, Ireland và Đài
Loan; nhóm tệ nhất là “bị đàn áp” (repressed) bao gồm những quốc gia như
Venezuela, Cuba, Bắc Hàn.
Việt Nam ở trong nhóm giữa, “tự do vừa phải” (moderately free).
NHỮNG GIỚI HẠN VỀ TỰ
DO KINH TẾ
Nền kinh tế Việt Nam ngày càng theo định hướng thị trường để hội nhập dần
dần vào hệ thống thương mại toàn cầu. Các cải tổ bao gồm tư nhân hóa một phần của
doanh nghiệp nhà nước, tự do hóa cơ chế thương mại, và tăng cường công nhận quyền
sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, những hạn chế về mặt thể chế vẫn tiếp tục cản trở sự
phát triển kinh tế bền vững lâu dài.
Theo Heritage Foundation, nhìn chung nền pháp quyền ở Việt Nam còn yếu.
Các điểm về hiệu quả tư pháp, quyền tư hữu và liêm chính của chính phủ thấp hơn
trung bình thế giới.
Tài chánh công nói chung của Việt Nam khả quan. Thuế suất cá nhân và
doanh nghiệp hàng đầu lần lượt là 35% và 20%. Thu nhập thuế tương đương 22.7% của
tổng sản phẩm nội địa (GDP). Chi tiêu và ngân sách chính phủ thiếu hụt trung
bình trong ba năm là 21.2 % và -2.3 % của tổng sản phẩm nội địa. Nợ công bằng
39.7% GDP.
Đồng tiền Việt Nam không có khả năng chuyển đổi hoàn toàn và bị hạn chế
đáng kể trong việc sử dụng, chuyển nhượng và hối suất. Đầu tư trực tiếp nước
ngoài được khuyến khích nhưng chính phủ vẫn tìm cách chỉ đạo và kiểm soát qua
các quy định. Mặc dù phần lớn giá cả đã được tự do hóa, ủy ban định giá của
chính phủ vẫn tiếp tục duy trì quyền kiểm soát tùy ý đối với giá cả trong một số
lĩnh vực nhất định.
Bất chấp những nỗ lực cải tổ liên tục, khung pháp lý tỏ ra không hiệu quả.
Khởi đầu một kinh doanh rất tốn kém dù không đòi hỏi vốn tối thiểu. Thị trường
lao động vẫn cứng nhắc và bị kiểm soát, và lao động chui là đáng kể. Sự ổn định
tiền tệ được duy trì tương đối tốt, nhưng áp lực lạm phát vẫn tiếp tục. Việc tư
hữu hóa những công ty quốc doanh hay còn gọi là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chậm
chạp và thiếu quy mô.
Là một trong những nền kinh tế chỉ huy trước đây, Việt
Nam vẫn là nơi có nhiều DNNN. Việc tái cơ cấu doanh nghiệp này từ năm 1990 được
coi là một trong ba trụ cột quan trọng trong quá trình đổi mới kinh tế theo hướng
kinh tế thị trường. Cải tổ DNNN đã đạt được tiến bộ, dẫn đến giảm đáng kể số lượng
DNNN, mở rộng năng lực sản xuất, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản
lý, nâng cao khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, kinh nghiệm cải tổ DNNN trong những
năm qua cho thấy một số vấn đề đòi hỏi cải tổ khuôn khổ pháp lý và thực thi
pháp luật nhằm đẩy nhanh tốc độ của quá trình tư nhân hóa và cải thiện việc quy
trách nhiệm và minh bạch.
https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-13ee-08dbc128f9be_w650_r1_s.jpg
Việt Nam là một quốc gia độc đảng chỉ có một công
đoàn do nhà nước lãnh đạo, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (Vietnam General
Confederation of Labor - VGCL) trực thuộc Mặt Trận Tổ Quốc.
Trái ngược với
nhiều báo cáo, Việt Nam chưa cho phép công nhân thành lâp công đoàn độc lập. Việt Nam là một quốc gia độc đảng chỉ có một công đoàn do nhà nước lãnh
đạo, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (Vietnam General Confederation of Labor -
VGCL) trực thuộc Mặt Trận Tổ Quốc. Công nhân không được tự do đình công. Quyền
lợi của công nhân không được bảo đảm.
Năm 2019, ngay sau Quốc Hội thông qua Bộ luật Lao Động mới, Vietnam News,
tờ báo tiếng Anh chính của Thông Tấn Xã Việt Nam của nhà nước, đã đăng tải một
bài báo đưa tin sai rằng nhà nước đã “cho phép các công đoàn độc lập”
(independent Workers' Union) hoạt động.
Vào tháng 5, 2021, IndustriALL, bao gồm các liên đoàn trực thuộc TLĐLĐVN,
khẳng định rằng “Các công đoàn độc lập được phép thành lập được thành lập ở cấp
công ty.” Thực tế đây chỉ là những tổ chức công nhân (worker organization - WO)
với sinh hoạt giới hạn, không được phép vượt ra ngoài phạm vi công ty, so với
công đoàn lao động (workers' union). Ngay cả công đoàn lao động cũng phải nằm
trong TLĐLĐVN. Có luật riêng quy định từng loại tổ chức. Luật Công Đoàn quy định
các công đoàn, trong khi tổ chức công nhân thuộc một chương của Bộ luật Lao động
2019.
Hoa Kỳ vào đầu năm 2023 đã kêu gọi Việt Nam tăng cường quyền của công
nhân bằng cách cho lập nghiệp đoàn bên ngoài sự kiểm soát của Đảng Cộng Sản, đồng
thời cảnh báo Việt Nam về việc xử dụng nguyên liệu của Trung Quốc sản xuất bởi
lao động ép buộc. Việt Nam là nước xuất cảng quần áo qua Mỹ và dùng nguyên liệu
của Trung Quốc.
LUẬT CHỐNG BÁN PHÁ
GIÁ VÀ CHỐNG TRỢ CẤP
Gần 40 năm sau khi chương trình Đổi Mới bắt đầu, Việt Nam đã đạt được nhiều
tiến bộ và được Heritage Foundation xếp vào nhóm kinh tế có tự do vừa phải,
nhưng vẫn bị coi là nền kinh tế phi thị trường vì những giới hạn về tự do kinh
tế như vừa nói ở phần trên. Điều này cho phép Bộ Thương Mại Hoa Kỳ tùy nghi
dùng luật chống phá giá (Anti-dumping Law) và luật chống bảo trợ
(Countervailing Law) áp đặt thuế trên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Vì không
thể dùng và tin cậy vào tài liệu và thống kê của Việt Nam, Hoa Kỳ phải sử dụng
nước thứ ba như Thái Lan để xác định giá trị thị trường của hàng hóa Việt Nam.
Để bảo vệ thương trường do chi phí lao động cao, các công ty Hoa Kỳ thường
kiện các công ty Việt Nam bán phá giá hay được trợ cấp của nhà nước. Ngày
25-4-2023, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ thông báo đã nhận được đơn yêu cầu điều tra chống
bán phá giá đối với sản phẩm kệ thép chứa đồ (steel shelf) xuất khẩu từ Việt
Nam vào năm vừa qua trị giá khoảng 32.7 triệu USD. Edsal Manufacturing Co. là
công ty khởi kiện.
Áp dụng thuế chống bán phá giá thường rất cao, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị
thiệt hại nặng nề, có nguy cơ mất hoàn toàn thị phần tại thị trường này, ảnh hưởng
nghiêm trọng đến sự phát triển của doanh nghiệp và lợi ích kinh tế quốc gia. Lệ
phí luật sư tại Hoa Kỳ lại rất tốn kém để các công ty Việt Nam có thể mướn để
biện hộ.
Theo một thông báo của Bộ Công Thương Việt Nam vào 2022, Bộ Thương Mại
Hoa Kỳ đã giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu mật
ong gần bảy lần so với kết luận sơ bộ. Đây là một phần quyết định sau cùng của
Bộ Thương Mại Hoa Kỳ về thuế suất trong vụ điều tra chống bán phá giá đối với mật
ong được nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước khác. Cụ thể là thuế chống bán
phá giá đối với doanh nghiệp Việt Nam được cắt giảm từ 410.93 % - 413.99 % xuống
còn 58.74 % - 61.27 %. Thật là khủng khiếp. Bộ Công Thương cho biết điều này sẽ
giúp ngành mật ong Việt Nam duy trì xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Có hai cơ quan tham gia điều tra chống bán phá giá và trợ cấp ở Hoa Kỳ là
Bộ Thương Mại, xác định thuế chống bán phá giá và Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế
(International Trade Commission) đánh giá thiệt hại mà các ngành nghề trong nước
phải gánh chịu. Luật chống phá giá (Anti-dumping Law) và luật chống trợ cấp
(Countervailing Law) là biện pháp bảo vệ công nghệ nội địa của Hoa Kỳ.
Vào 2020, Hoa Kỳ đã áp đặt thuế trên lốp xe hơi nhập cảng từ Việt Nam vì
lý do Việt Nam kìm giá đồng tiền Việt Nam và hối suất để giá hàng xuất cảng thấp
hầu dễ cạnh tranh. Trong phúc trình vào cuối năm 2020, Bộ Tài Chính Hoa Kỳ
chính thức liệt kê Việt Nam là nước thao túng tiền tệ bằng sự can thiệp quy mô
lớn và kéo dài nhằm ngăn ngừa sự tăng giá của tiền đồng.
Vào giữa năm 2021, Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được thỏa hiệp về tiền tệ.
Trong bản thông cáo chung, Việt Nam cam kết tuân thủ luật lệ của Quỹ Tiền Tệ Quốc
Tế “để tránh thao túng tỷ giá hối đoái nhằm ngăn chặn hiệu quả điều chỉnh cán
cân thanh toán hoặc để đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng và hứa kiềm
chế bất kỳ sự phá giá mang tính cạnh tranh nào của đồng Việt Nam.” Ngân Hàng
Nhà Nước Việt Nam cho biết “trọng tâm của khuôn khổ chính sách tiền tệ của nó
là “thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.”
Trường hợp kiện cáo bán phá giá cá tra nổi tiếng ở Hoa Kỳ xảy ra vào năm
2002, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ vừa ký kết thỏa hiệp thương mại song phương
vào cuối năm 2001.
Bộ Thương Mại Hoa Kỳ vào ngày 24-1-2003 ra phán quyết Việt Nam “bán phá
giá” cá da trơn (catfish) vào thị trường Mỹ. Phán quyết này dựa trên quyết định
của Bộ Thương Mại đưa ra vào tháng 11, 2002 rằng Việt Nam “không phải là quốc
gia có nền kinh tế thị trường."
Quyết định của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ khiến các nhà xuất cảng Việt Nam phải
trả thuế trừng phạt 64% đối với cá đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
Sinh kế của 400,000 nông dân Việt Nam và hàng nghìn công nhân tham gia vào các
nhà máy chế biến cá có thể bị đe dọa bởi mức thuế trừng phạt như vậy.
Phán quyết của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ là để đáp lại vụ kiện "chống bán
phá giá" của Catfish Farmers of America (CFA) đưa ra, cáo buộc rằng cá da
trơn nhập khẩu của Việt Nam đang được trợ cấp và bán ở Mỹ dưới giá thành sản xuất.
CFA lần đầu tiên khởi kiện với lý do “vệ sinh” bất thành đối với cá da
trơn của Việt Nam. Ngay cả Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cũng đã chứng minh rằng
điều kiện nuôi cá da trơn ở Việt Nam rất hợp vệ sinh và người nuôi cá da trơn sử
dụng phương pháp truyền thống.
CFA sau đó đã cấm nông dân Việt Nam sử dụng từ “cá da trơn” (catfish) để
xuất khẩu sang Mỹ, buộc họ phải dán nhãn sản phẩm cá tra (catfish) và basa
(pangasius). Cuối cùng, CFA khởi kiện chống bán phá giá.
Hiện tượng tương tự hiện xảy ra với tôm. Vào tháng 10, 2002, Đạo luật
Công Bằng Tài Trợ Nhập khẩu Tôm được đưa ra Quốc Hội Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam
và một số nước khác bán phá giá tôm, đồng thời yêu cầu các nước này giảm xuất
khẩu tôm sang Mỹ xuống 4.8 triệu kg mỗi tháng.
Đơn giản là Việt Nam không đủ khả năng trợ cấp xuất khẩu, và nông dân Việt
Nam (kiếm trung bình 35-50 USD mỗi tháng) đơn giản là quá nghèo để có thể bán
dưới giá thành nhằm thâm nhập thị trường nước ngoài. Nhưng với chi phí lao động
thấp như vậy thì giá bán nông sản của nông dân Việt Nam cũng thấp tương ứng.
Giá hải sản của Hoa Kỳ cao đơn giản là vì giá nhân công đắt đỏ. Theo
Statistica, giá nhân công công nghiệp vào 2018 ở Việt Nam dưới 3 USD / giờ so với
27 USD / giờ ở Hoa Kỳ.
Bộ Thương Mại Hoa Kỳ biết rằng chính phủ Việt Nam không trợ cấp xuất khẩu
cá da trơn. Tuy nhiên, vì mục đích của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ là bảo vệ lợi nhuận
của doanh nghiệp Hoa Kỳ nên Bộ Thương Mại Hoa Kỳ dùng lý do "quốc gia có nền
kinh tế phi thị trường", nên giá bán của một mặt hàng xuất khẩu từ quốc
gia đó có thể được coi là thấp hơn, không cần có bằng chứng về trợ cấp của
chính phủ. Đây là một sự lạm dụng luật lệ của nước giàu để chống lại những nước
nghèo trong khi họ đòi hỏi những nước nghèo tự do hóa thương mại để mua hàng
hóa công nghiệp của nước giàu qua sức ép của Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (World
Trade Organization - WTO) hay Ngân Hàng Thế Giới (World Bank).
https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-5ca7-08dbc129791c_w650_r0_s.jpg
Vào
giữa năm 2021, Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được thỏa hiệp về tiền tệ.
Người
ta chưa biết chính quyền Biden có tiếp tục chiến dịch gây áp lực của chính
quyền Trump đối với Việt Nam hay không. Tuy nhiên nhiều liên đoàn lao động và
một số thành viên Đảng Dân Chủ ủng hộ việc áp dụng các biện pháp thương mại
cứng rắn hơn đối với các quốc gia đang làm suy yếu một cách giả tạo tiền tệ của
họ, làm suy yếu khả năng sản xuất và xuất khẩu của Hoa Kỳ bằng cách làm cho
hàng hóa Mỹ tương đối đắt hơn.
LÀM
SAO ĐỂ VIỆT NAM ĐẠT ĐƯỢC QUY CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG?
Việt
Nam sẽ tránh được những bất lợi khi phải đối phó với các vụ kiện chống bán phá
giá, chống trợ cấp nếu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Trong nhiều trường hợp, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải chịu mức thuế chống
bán phá giá rất cao.
Trước
đây, một số quốc gia bị xếp loại là kinh tế phi thị trường sau đó được chuyển
đổi sang các nền kinh tế thị trường như Ba Lan (1993), Nga (2002) và Ukraine
(2006).
Khi
cứu xét một đơn kiện của một công ty nội địa, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ thường phải
dựa vào năm tiêu chuẩn sau đây đối với nước xuất khẩu hàng hóa theo Lê Anh Lan
thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam (Vietnam Academy of Social Science
– Institute of American Studies) tại Hà Nội:
(i)
Mức độ dễ dàng mà đồng tiền của nước xuất cảng có thể chuyển đổi thành đồng
tiền của các nước khác;
(ii)
Mức lương ở nước sở tại được xác định theo cơ chế tự do thương lượng giữa công
nhân và chủ nhân;
(iii)
Mức độ liên doanh hoặc đầu tư của các công ty nước ngoài được phép ở nước sở
tại;
(iv)
Mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ đối với tư liệu sản xuất;
(v)
Mức độ kiểm soát của chính phủ đối với việc phân phối nguồn lực và quyết định
về giá, sản lượng của doanh nghiệp.
Trên
đây là những điểm chính yếu mà Việt Nam cần phải chú tâm để cải thiện thị
trường. Đặc biệt Việt Nam cần phải cho công nhân thành lập công đoàn độc lập
thực sự như đã từng cam kết trước khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và
tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Kinh tế Việt Nam dựa vào xuất khẩu và
đầu tư nước ngoài. Do đó đây là hai lãnh vực cần phải giữ lành mạnh và minh
bạch.
Nhân
dịp Tổng Thống viếng thăm Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn của VOA, Ông Adam
Sitkoff, Giám Đốc Điều Hành Phòng Thương Mại Hoa Kỳ (American Chamber of
Commerce) ở Hà Nội đã có những nhận xét dưới đây về chính sách đầu tư nước
ngoài và luật lệ của Việt Nam.
“Yếu
tố quan trọng nhất tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý
công bằng, có thể lường trước được và tinh giản, coi trọng sự đổi mới - không
chỉ để thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và phát triển những khoản đầu tư
hiện có ở đây”.
Ông
Sitkoff nhấn mạnh đặc biệt về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, xin giấy
phép lao động cho người nước ngoài vẫn thiếu rõ ràng và còn thay đổi, cải thiện
chính sách thuế và pháp lý ổn định và rõ ràng, cũng như nâng cao tính minh bạch
ở Việt Nam.
Việt
Nam nên nghiêm chỉnh cứu xét những đề nghị của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ vì họ
sống và làm việc ngay ở trong nước và giao dịch hàng ngày với hệ thống kinh tế
và hành chánh của Việt Nam.
KẾT LUẬN
Hoa
Kỳ và Việt Nam vừa nâng cấp bang giao lên mức chiến lược toàn diện. Đây là lúc
thuận tiện để mở rộng hợp tác kinh tế giữa hai nước qua trao đổi thương mại. Cả
hai bên cần phải điều chỉnh để giúp Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị
trường đầy đủ, tránh được những hàng rào ngăn cản tự do thương mại.
Chỉ
số tự do kinh tế tối thiểu Việt Nam cần phải có là 65. Việt Nam có khoảng 6-18
tháng để tiến thêm 3 điểm nữa để hầu đạt được mục tiêu này. Ngay từ bây giờ,
Việt Nam cần phải dứt khoát đoạn tuyệt với mô hình kinh tế thị trường với định
hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu thực hiện được, đây sẽ là một tiến bộ đáng kể giúp
Việt Nam trở thành một nước công nghệ có lợi tức cao nhanh chóng hơn và tăng
cường khả năng quốc phòng với ngân sách $2 tỉ mỗi năm và sẽ còn gia tăng để mua
võ khí.
----------------
THAM
KHẢO
(1)
Joe Buckley, “The limits of Vietnam’s labor reforms,” The Diplomat, January 01,
2022.
(2)
CRS, “Vietnam’s labor rights regime: An assessment,” March 14, 2002.
(3)
Michael Karadjis, “Vietnam: Not a market economy country,” Green Left Weekly,
February 12, 2003.
(4)
Heritage Foundation, “Vietnam’s economic freedom,” June 2023.
(5)
Lien Hoang, “US pushes Vietnam on union rights, Xinjiang forced labor,” Nikkei,
January 30, 2023.
(6)
David Lawder, “Vietnamese PM raises tariff irritants with Yellen as economic
ties deepen, Reuters, September 20, 2023.
(7)
Lan Anh Le, “Vietnam and ‘Non-market economy’ in the US Anti-dumping Law”,
VASS, 2019.
(8)
Sebastian Strangio, “Vietnam, US reach accord on alleged currency manipulation,”
The Diplomat, July 20, 2021.
(9)
An Tôn, “AmCham: Chuyến thăm của TT Biden củng cố cam kết của Mỹ về Việt Nam
hùng mạnh, độc lập,” VOA, 8-9-2023.
(10)
VNA, “Vietnamese trade minister urges US to recognise Vietnam’s market economy
status,” September 22, 2023.
(11)
VNA, “US cuts down anti-dumping duties on Vietnam’s honey by almost sevenfold,”
April 12, 2022.
(12)
Rainer Zitelmann, “What free market principles did for Vietnam,” Washington
Examiner, March 07, 2023.
No comments:
Post a Comment