Về
trình độ giáo sư, tiến sĩ Hà thành
Chu Mộng
Long
08/10/2023
https://baotiengdan.com/2023/10/08/ve-trinh-do-giao-su-tien-si-ha-thanh/
Tôi không quan tâm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia,
bởi vì Olympia, người có kiến thức phổ thông cũng biết đó là một đồng bằng, nơi
từng tổ chức Thế vận hội cổ xưa, làm gì có đỉnh mà leo lên? Olympus mới là núi,
nơi ngự trị của thần linh, muốn leo lên đỉnh để được phong thần thì phải là
Đường lên đỉnh Olympus. Ngay cách đặt tên đã thấy những người tổ chức không có
kiến thức tối thiểu.
Cuộc thi mà những người tổ chức, cố vấn và giám khảo
thiếu hiểu biết tối thiểu thì khó xác định thí sinh nào đến đỉnh.
Tôi quan tâm nhiều hơn ở trình độ cố vấn và giám
khảo.
Thấy dân mạng đang ồn ào về câu hỏi và trả lời thuộc
môn văn, tôi mới đọc báo thử xem giám khảo thế nào mà bị dư luận chê giám khảo
dốt hơn thí sinh? Thì ra thế này.
Câu hỏi: “Trong bài thơ, Kính gửi cụ Nguyễn Du, nhà
thơ Tố Hữu viết: “Biết ai hậu thế, khóc cùng Tố Như?/ Mai sau, dù có bao giờ…/
Câu thơ thuở trước, đâu ngờ hôm nay!“. “Câu thơ thuở trước” mà tác giả nói đến
là 2 câu thơ nào và trong bài thơ nào của Nguyễn Du?”.
Xuân Mạnh, học sinh Trường THPT Hàm Rồng (Thanh
Hóa), bấm chuông và đọc câu: “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc
Tố Như chăng?” và cho biết câu đó trích trong bài thơ “Độc Tiểu Thanh ký”.
Trọng Thành cãi rằng, đề thi hỏi câu thơ nào của
Nguyễn Du thì phải đọc câu thơ nguyên tác (câu thơ chữ Hán), không thể đọc câu
thơ dịch vì có rất nhiều bản dịch khác nhau. Câu thơ chữ Hán nguyên tác của
Nguyễn Du là “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như“.
PGS.TS Hà Văn Minh, Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học
Sư phạm Hà Nội, cố vấn chương trình cho rằng: “Đáp án mà ban cố vấn đã đưa ra
và đã duyệt là có thể trả lời một trong 2 cách là đọc nguyên văn phiên bản
tiếng Hán hoặc bản dịch nghĩa“.
Cho nên Xuân Mạnh đúng, Trọng Thành sai!
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/10/1-31.jpg
Ảnh chụp màn hình bài báo Tuổi Trẻ
Tôi lạy cả mớ
bái cho cả hai ý trong câu trả lời của ông Hà Văn Minh. 1) “Nguyên văn phiên
bản tiếng Hán” là gì vậy? “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp
Tố Như” là phiên bản, vậy bản gốc thế nào? 2) “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/
Người đời ai khóc Tố Như chăng?” là bản dịch nghĩa ư? Ông Vũ Văn Tập dịch chuẩn
âm luật của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật mà sao lại cho là dịch nghĩa?
1) Cách đọc chữ Hán theo âm Việt, thường gọi là
“phiên âm” chứ chẳng ai gọi là “nguyên văn phiên bản tiếng Hán” cả. Đọc chữ Hán
theo âm Việt mà gọi là “phiên bản tiếng Hán” thì khác nào nói người Việt là
phiên bản của người Hán? Hà Văn Minh đã đẻ ra thuật ngữ mới chăng?
2) Trả lời cho thí sinh như vậy thì không lạ khi Hà
Văn Minh không phân biệt được bản dịch nghĩa với bản dịch thơ. Dịch nghĩa là
dịch sát từng từ. Thế này là dịch nghĩa: “Không biết ba trăm năm lẻ sau/ Thiên
hạ có ai khóc Tố Như không?” Trẻ em chỉ cần có tai thẩm âm thôi đã phân biệt
được dịch thơ và dịch nghĩa!
Chấm văn như PGS.TS. Hà Văn Minh thì đúng thành sai
và sai thành đúng là điều hiển nhiên. May mà văn chương, nhiều lắm thì chỉ
“khuyên xằng chết bỏ bu”, chứ làm quan tòa thì giết oan người ta!
Tôi biết Hà Văn Minh có tham gia làm sách giáo khoa
cải cách. Không ngạc nhiên khi có giáo viên khoe với tôi, sách chú giải câu
trong Bình Ngô đại cáo thế này. Nguyên văn:
“Thông tổ kiến phá toang đê vỡ (nguyên văn quyết hội
nghĩ ư băng đê): tổ kiến hổng bị cuốn trôi lúc con đê đã vỡ. Câu này đối với
câu trên, ý nói tình thế giặc như lá khô trước cơn gió mạnh, như tổ kiến bị
quét đi khi đê vỡ”.
Hóa ra, cụ Nguyễn Trãi xem giặc Minh chỉ là cái tổ
kiến trước thế mạnh như con đê vỡ của quân ta? Vậy cái chiến lược lấy yếu đánh
mạnh, lấy ít địch nhiều trong Bình Ngô đại cáo là chiến lược của quân Minh chứ
không phải của Nguyễn Trãi?
Đê vỡ làm tổ kiến bị trôi là chú giải trực quan ngây
ngô của đứa trẻ con. Tôi phải làm thầy chú giải cho ông Phó giáo sư, Tiến sĩ
đầu ngành văn học của Trường Đại học sư phạm Hà Nội nghe thế này: Nguyên văn
“quyết hội nghĩ ư băng đê” là mượn ý từ sách Hàn Phi Tử: “Con đê nghìn trượng
vỡ bởi tổ kiến. Nhà cao trăm tầm cháy do ngọn lửa nhỏ”.
Trong sách Hàn Phi Tử có câu chuyện cha con người
nông dân sống cạnh sông Hoàng Hà. Sông Hoàng Hà thường xuyên lũ lụt, người dân
phải đắp con đê kiên cố. Một hôm, một lão nông phát hiện ra một tổ kiến nhỏ
bỗng lan rộng ra. Trong tâm ông thầm nghĩ: “Tổ kiến này không biết có ảnh hưởng
đến sự an toàn của con đê hay không?“.
Thế là ông trở về làng báo cho mọi người. Giữa đường
ông gặp con trai. Sau khi nghe ông kể, anh con trai nói: “Đê dài kiên cố thế
này còn sợ mấy con kiến cỏn con đó sao?“. Nói rồi anh con trai kéo ông cùng đi
ra đồng. Đêm hôm đó mưa to gió lớn, nước sông Hoàng Hà dâng cao đột ngột. Dòng
nước lũ gầm thét thâm nhập qua tổ kiến phun trào, cuối cùng đã phá vỡ con đê,
nhấn chìm thôn làng và cánh đồng ven đê.
(Theo Tân Đường Nhân biên dịch)
Nguyễn Trãi mượn ý này trong sách Hàn Phi Tử để nói
về chiến lược mưu phạt tâm công, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh của quân
ta. Giặc chủ quan nên vỡ trận!
Tôi tra cứu thì cái gốc sai này mọc ra từ cái lò đào
tạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Các giáo sư lão thành trước đó đều bịa ra
“Quyết hội nghĩ ư băng đê” là dựa vào thành ngữ “đê vỡ kiến tan”. Thực tế chẳng
có thành ngữ nào là “đê vỡ kiến tan” cả mà là dịch ngược. Đê vỡ chết người
không quan tâm, lại đi quan tâm tổ kiến bị trôi, có dở hơi không? Một giáo sư
dốt không biết điển tích, dịch và chú giải sai, các học trò copy, chép lại và
thành sai cả làng.
Tôi biết nhóm “học giả” Hà Nội vẫn trịch thượng xem
tôi là trí thức tỉnh lẻ, biết gì? Tôi thách các ông vào đây tranh luận cho ra
nhẽ!
_______
Ghi chú: Xin lỗi, tôi từng học tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội, tức trò của các
giáo sư, nhưng thấy sai mà không cãi là trò ngu, thậm chí góp phần làm hại trẻ
em!
No comments:
Post a Comment