Thursday, October 5, 2023

UKRAINE CÓ LÀ VIỆT NAM CỘNG HÒA THỨ HAI? (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Ukraine có là Việt Nam Cộng Hòa thứ hai?

Hiếu Chân/Người Việt

October 3, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/ukraine-co-la-viet-nam-cong-hoa-thu-hai/

 

Những người theo dõi tình hình Ukraine mấy hôm nay hết sức lo ngại khi thấy cuộc kháng chiến đang trở nên khó khăn gấp bội khi nguồn viện trợ từ bên ngoài có thể sẽ không tiếp tục đổ vào. Tuy chưa ai nghĩ tới viễn cảnh Ukraine thất bại hay Tổng Thống Vladimir Putin của Nga sẽ đạt được tham vọng tàn bạo của ông, nhưng việc Ukraine mất nguồn viện trợ vào thời điểm gay cấn này là điều ngay những người lạc quan nhất cũng hết sức bất ngờ. Trên báo chí và mạng xã hội đã có nhiều người cảnh báo “thảm kịch Việt Nam Cộng Hòa tái diễn,” hay “lẽ nào Ukraine là một Afghanistan khác?”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/10/BL-Ukraine-VNCH-1068x712.jpg

Tổng Thống Volodymyr Zelensky của Ukraine (trái) và Tổng Thống Joe Biden tại Tòa Bạch Ốc hôm 21 Tháng Chín. Ông Biden ủng hộ tiếp tục viện trợ cho Ukraine, nhưng Hạ Viện Mỹ thì không. (Hình minh họa: Drew Angerer/Getty Images)

 

Như tin tức truyền thông cho biết, vào ngày cuối cùng của Tháng Chín, Hạ Viện Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua một ngân sách tạm thời để chính phủ có tiền hoạt động thêm 45 ngày nữa trong thời gian chờ Quốc Hội bàn bạc và phê chuẩn ngân sách cho năm tài khóa 2023-2024. Điểm gây chú ý nhất của dự luật là khoản tiền mà Tòa Bạch Ốc, và cả Thượng Viện do đảng Dân Chủ chiếm đa số, đề nghị viện trợ cho Ukraine bị cắt bỏ. Các dân biểu Cộng Hòa trong nhóm gọi là Freedom Caucus cương quyết không chấp nhận tiếp tục viện trợ cho Ukraine, với lý do nước Mỹ còn nhiều việc khác phải lo, chẳng hạn như  tình trạng khủng hoảng di dân ở biên giới với Mexico.

 

Sang Chủ Nhật, 1 Tháng Mười, Ukraine lại nhận được một tin dữ khác khi kết quả cuộc tổng tuyển cử ở Slovakia cho thấy đảng Smer có lập trường thân Nga chống Mỹ giành được 23% số phiếu và đứng ra thành lập chính phủ mới ở Bratislava. Lãnh tụ của đảng Smer, ông Robert Fico, từng hai lần làm thủ tướng Slovakia, nhiều lần cam kết chấm dứt tất cả mọi khoản viện trợ quân sự cho Ukraine. “Không thêm viên đạn nào nữa,” ông tuyên bố. Ông còn tố cáo Hoa Kỳ và NATO phải chịu trách nhiệm đẩy ông Putin tới chỗ gây chiến và thúc giục Kiev bắt đầu đàm phán với Nga để kết thúc cuộc chiến.

 

Quả là họa vô đơn chí. Từ khi ông Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ ngày 24 Tháng Hai, 2022, quân dân Ukraine đã chiến đấu hy sinh để bảo vệ đất nước. Sở dĩ Ukraine chưa thất thủ một phần là nhờ lòng ái quốc của người Ukraine, nhưng phần khác là nhờ viện trợ mạnh mẽ và hào phóng của Hoa Kỳ và Châu Âu. Theo một phân tích gần đây của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại (CFR), từ Tháng Giêng, 2022 đến Tháng Bảy năm nay, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine $46.6 tỷ viện trợ quân sự, $3.9 tỷ viện trợ nhân đạo, và $26.4 tỷ viện trợ tài chính, tổng cộng khoảng $77 tỷ. Hoa Kỳ viện trợ cho Ukraine nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào, dù tính chung Liên Âu (EU) đã cung cấp hơn $80 tỷ. Viện trợ, nhất là viện trợ vũ khí, quân dụng của Hoa Kỳ và NATO đã ngăn chặn bước tiến và gây ra tổn thất khủng khiếp cho quân đội Nga, hỗ trợ thiết thực cho cuộc chiến đấu của người dân Ukraine. Bây giờ, nếu nguồn viện trợ đó chấm dứt thì Ukraine chắc chắn sẽ lâm nguy.

 

                                                          ***

 

Giới quan sát không bất ngờ với cuộc bầu cử ở Slovakia, nhưng thất vọng với vụ thay đổi quan điểm của Hạ Viện Hoa Kỳ.

 

Chiến tranh, cấm vận thương mại, làn sóng người di cư trong gần hai năm qua làm cho người dân nhiều nước Liên Âu mệt mỏi và sự ủng hộ Ukraine ban đầu đã dần dần phai lạt. Hồi Tháng Tám, tổ chức thăm dò dư luận Eurobarometer thực hiện một cuộc khảo sát ý kiến 26,514 công dân ở 27 quốc gia thành viên Liên Âu và ghi nhận chỉ có 24% “hoàn toàn đồng ý tài trợ mua sắm cung cấp thiết bị quân sự và huấn luyện cho Ukraine.” Trong cuộc khảo sát tương tự hồi Tháng Tư, 2022 khi cuộc chiến mới nổ ra, con số này là 33%. Trong hơn một năm qua, số người ủng hộ việc Liên Âu viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine đã giảm từ 67% xuống 48% và số người phản đối viện trợ tăng từ 26% lên 34%.

 

Trên cái nền dư luận như vậy, đường lối thân Nga của một số chính trị gia dân túy như Thủ Tướng Viktor Orban của Hungary và thủ lãnh Robert Fico của đảng Smer ở Slovakia là chuyện không khó hiểu. Có điều, quyết định ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine của hai quốc gia này sẽ không có nhiều hậu quả thực tế vì phần đóng góp của họ không lớn và Slovakia gần như đã cạn kiệt vũ khí đạn dược sau khi “vét kho” cung cấp cho Ukraine hai năm qua.

 

Nên để ý, Slovakia từng đi đầu trong viện trợ vũ khí cho Ukraine. Slovakia có chung biên giới phía Đông với Ukraine và đã cung cấp cho Kiev các máy bay chiến đấu MiG-29 từ thời Liên Xô, mà các phi công Ukraine đã quen điều khiển. Điều đáng lo bây giờ là sự “quay xe” của Slovakia dưới quyền ông Robert Fico có thể tạo ra một hiệu ứng dây chuyền, kích thích các nước Đông Âu khác thay đổi, mà Ba Lan có thể là nước đầu tiên. Hôm Chủ Nhật, 1 Tháng Mười, hàng trăm ngàn người dân Ba Lan xuống đường phản đối chính phủ đương nhiệm ngay trước thềm cuộc bầu cử Quốc Hội sẽ diễn ra vào ngày 15 Tháng Mười tới. Để trấn an khối đối lập, tuần trước, Thủ Tướng Mateusz Morawiecki của Ba Lan thông báo quốc gia này “sẽ không còn chuyển bất kỳ vũ khí nào cho Ukraine bởi vì bây giờ chúng tôi phải trang bị cho mình những vũ khí tân tiến nhất.” Dù ông Morawiecki cam kết việc chuyển vũ khí phương Tây qua thành phố Rzeszow của Ba Lan để đến Ukraine vẫn được duy trì nhưng tuyên bố của Ba Lan – nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất ở Châu Âu – cũng gây không ít chấn động.

 

                                                       ***

 

Trở lại quyết định của Hạ Viện Hoa Kỳ, không khó để nhận ra một vụ “quay xe” bất ngờ của đảng Cộng Hòa. Viện trợ Ukraine từng là một trong số ít các vấn đề mà hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa có được tiếng nói chung. Mới chín tháng trước, trong chuyến công du đầu tiên đến thủ đô Washington, Tổng Thống Volodymyr Zelensky của Ukraine được đón tiếp nồng nhiệt như một siêu sao nghệ thuật, được mời đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội Mỹ – một vinh dự mà nhiều người ví với chuyến thăm của cố Thủ Tướng Winston Churchill của Anh trong thời gian Thế Chiến II. Nhưng nhiệt tình đó sớm tàn lụi. Ông Zelensky trở lại Washington hai tuần trước nhưng không còn được đón tiếp tại Hạ Viện, cũng không được truyền thông săn đón – dấu hiệu của một sự thay đổi lớn.

 

Trong cuộc bỏ phiếu ở Hạ Viện phê chuẩn biện pháp ngân sách tạm thời hôm Thứ Bảy, 30 Tháng Chín, số dân biểu Cộng Hòa phản đối viện trợ cho Ukraine là 117 người, nhiều hơn số 101 người ủng hộ. Một cuộc thăm dò dư luận của CBS News – YouGov gần đây ghi nhận chỉ có 39% người Cộng Hòa cho rằng Hoa Kỳ nên tiếp tục gửi vũ khí cho Ukraine trong khi có đến 61% phản đối việc đó.

 

Hậu quả ngay lập tức của sự thay đổi chính sách của đảng Cộng Hòa là Bộ Quốc Phòng Mỹ “cạn kiệt nguồn tài trợ dài hạn cho Kiev thông qua Sáng Kiến Hỗ Trợ An Ninh Ukraine, vốn cung cấp tiền để ký hợp đồng mua vũ khí trong tương lai,” theo tin của VOA dẫn một lá thư ông Michael McCord, kiểm soát viên Ngũ Giác Đài, gửi Quốc Hội.

 

Ở đây nên để ý là theo nhiều nhà phân tích, viện trợ cho Ukraine là sáng kiến đối ngoại thành công nhất của Mỹ từ sau Chiến Tranh Lạnh. Nước Mỹ đã đổ vào Ukraine $77 tỷ, một số tiền rất lớn nhưng chỉ tương đương 0.65% chi tiêu của chính phủ Hoa Kỳ hai năm qua ($11.8 ngàn tỷ). Chính phủ Mỹ cũng không trao cho Ukraine “tấm séc trắng” để Kiev tùy tiện tiêu xài như một số chính trị gia cao cấp của đảng Cộng Hòa tố cáo mà phần lớn viện trợ quân sự Mỹ ($46.6 tỷ) được trả cho các công ty công nghiệp quốc phòng để mua vũ khí. Kiev nhận được hỏa tiễn Stinger, hỏa tiễn Javelin, đạn pháo… nhưng hàng triệu người Mỹ có được việc làm và thu nhập. Không người lính Mỹ nào tử trận hay đổ máu trên chiến trường Ukraine mà quân Nga đã phải chịu thương vong, tổn thất vô cùng lớn. Vì thế, so sánh vụ cắt viện trợ quân sự cho Ukraine với sự kiện chính quyền Nixon-Kissinger rút quân và cắt viện trợ miền Nam Việt Nam năm 1973 có phần chưa chính xác nếu không nói rằng quyết định hiện nay là phi lý và thiển cận.

 

Dù Ukraine có thể trở thành một Việt Nam Cộng Hòa thứ hai hay không thì sự quay xe của đảng Cộng Hòa đã giáng một đòn nặng nề vào uy tín của nước Mỹ vốn đã sứt mẻ sau Tháng Tư, 1975. Đành rằng trong chính trị, quốc gia nào cũng phải đặt quyền lợi của mình lên hàng đầu, nhưng chuyện nước Mỹ giương cao lá cờ tự do dân chủ để quy tụ đồng minh rồi đột ngột quay lưng khi tình hình gay cấn là một bài học lịch sử đắt giá. Nhiều chính trị gia có tên tuổi đã phải than thở, làm đồng minh với Mỹ cũng khó như làm kẻ thù.

 

                                                        ***

 

Trước xu hướng quay lưng với Ukraine ở Mỹ và Châu Âu, kẻ rung đùi hưởng lợi chính là ông Putin cùng đồng minh của ông ở Bắc Kinh, và Moscow không giấu diếm điều đó. Tổng Thống Joe Biden của Mỹ nhiều lần nói rằng, cuộc chiến Nga-Ukraine là trận đấu tranh giữa dân chủ và độc tài, tác động sâu sắc đến tương lai của nhân loại. Sự thật trong lời hiệu triệu của ông Biden đã lôi kéo các nước dân chủ đứng vào trận tuyến chống Nga ủng hộ Ukraine, NATO được củng cố và các liên minh quân sự được hình thành từ Âu sang Á để chống lại tham vọng bành trướng lãnh thổ của các nước chuyên chế lớn như Nga và Trung Quốc.

 

Bây giờ, nếu Hoa Kỳ và Châu Âu cắt viện trợ quân sự cho Ukraine thì đó là dấu hiệu khuyến khích Nga và Trung Quốc lấn tới vì không còn thế lực nào có khả năng ngăn cản tham vọng của Moscow và Bắc Kinh. Nếu cuộc kháng chiến của Ukraine thất bại thì không ai biết chắc số phận của Đài Loan và các nước ven Biển Đông như Việt Nam sẽ ra sao. [đ.d.]

 





No comments: