Tuesday, October 17, 2023

TỪ CHUYỆN ỒN ÀO "ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM", ĐẢNG CỘNG SẢN LẠI GIÀNH QUYỀN YÊU NƯỚC (Mẹ Nấm)

 



Từ chuyện ồn ào “Đất rừng phương Nam”, đảng cộng sản lại giành quyền yêu nước

Mẹ Nấm
17 tháng 10, 2023

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/tu-chuyen-on-ao-dat-rung-phuong-nam-dang-cong-san-lai-gianh-quyen-yeu-nuoc/

 

Những ồn ào xoay quanh bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” đang dẫn tới yếu tố kiểm duyệt sau khi lời khen tiếng chê trở nên rộn ràng trên mạng.

 

“Đất rừng phương Nam” vốn là một tác phẩm văn học cách mạng nổi tiếng giai đoạn 1955-1964 của nhà văn Đoàn Giỏi được viết cho thiếu nhi theo đơn đặt hàng của đảng. Nhà văn Đoàn Giỏi xuất thân trong một gia đình khá giả ở xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (ngày nay là thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Thời chống Pháp, Đoàn Giỏi công tác trong ngành an ninh, rồi làm công tác thông tin, văn nghệ khi tập kết ra Bắc. Vì thế, nếu cẩn thận đọc kỹ thông điệp mà tác phẩm “Đất rừng phương Nam” đưa ra, người ta sẽ dễ dàng nhận ra ý tác giả muốn chuyển tải. Đó chính là trong kháng chiến chống Pháp, nếu muốn thành công, mọi sự đều cần có sự lãnh đạo của đảng.

 

“Đất rừng phương Nam” từ văn học trở nên sống động hơn khi được chuyển thể thành phim truyền hình “Đất phương Nam” dưới bàn tay của đạo diễn Vinh Sơn. Văn hóa Nam Bộ được cho là đặc tả trong cả tác phẩm văn học và phim truyền hình đã lấn át yếu tố chính trị – vốn dĩ là thông điệp mà một tác phẩm đặt hàng phải gánh vác. Mọi chuyện lẽ ra không ồn ào, nếu bản phim điện ảnh mang tên “Đất rừng phương Nam” lần này không dán nhãn “thể loại sử thi – tâm lý – chính kịch ra mắt vào năm 2023, được dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim truyền hình ‘Đất phương Nam’ vào năm 1997.”

 

Sau khi tiến sĩ ngữ văn Hà Thanh Vân cho rằng phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” có tính “xuyên tạc lịch sử” khi ca ngợi Thiên địa hội, Nghĩa hòa đoàn, đại diện Cục Điện ảnh – Cục trưởng Vi Kiến Thành lập tức phản pháo: “Đây là bộ phim truyện, với nhân vật hư cấu và không xác định chính xác thời điểm diễn ra câu chuyện. Các yếu tố lịch sử, nhân vật trong tiểu thuyết là cảm hứng để xây dựng nên câu chuyện phim.”

 

“Bộ phim không đề cao, ca ngợi một hội nhóm nào, chỉ ca ngợi lòng yêu nước chống lại ngoại xâm của người dân Nam Bộ trong thời kỳ đó bao gồm cả người Việt, người Hoa, người Khmer.” – ông Vi Kiến Thành cẩn thận giải thích thêm: “Trong phim có những hoạt động và lời thoại nhắc đến “Nghĩa hòa đoàn” và “Thiên địa hội” là hội nhóm tập hợp bởi một số người dân lao động sinh sống chủ yếu ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên – hoàn toàn không liên quan đến phong trào cùng tên do Chu Hồng Đăng lãnh đạo ở Trung Quốc. ‘Thiên địa hội’ cũng như ‘Nghĩa hòa đoàn’ chỉ được những người dân yêu nước ở Nam Kỳ lúc đó mượn tên gọi để hoạt động độc lập ở Việt Nam.”

 

Dựa trên lập luận này, một số người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và những “ủng hộ viên” của “Đất rừng phương Nam” do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn lập tức phản pháo những người chê bộ phim này, rằng họ có “tâm thức nô lệ”, bóp chết sự sáng tạo khi đòi kiểm duyệt. Thực tế, những người chê phim này không đòi kiểm duyệt, mà chính ekip làm phim và Cục Điện ảnh tự giật mình kiểm duyệt sau khi quan sát phản ứng từ mạng xã hội.

 

Một tác phẩm văn học đặt hàng để viết theo kiểu “tuyên truyền chân lý cách mạng, ánh sáng của đảng soi rọi đời sống nhân dân” thì dù biến tấu theo kiểu nào vẫn giữ nguyên thông điệp ấy. Chỉ là ở thời đại số này, người ta có thể tăng doanh thu thương mại mà thêm thắt các chi tiết đánh đấm. Có hay không chuyện mượn cái vỏ văn học cách mạng để từ đó “sáng tạo” quá đà nhằm nâng cao vị thế và vai trò của người Trung Quốc ở Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20 trong kháng chiến chống Pháp và Nhật – như cách suy nghĩ của một số người? Bất luận thế nào, sự ồn ào dư luận đã khiến Cục Điện ảnh giật mình.

 

Ở đây có thể thấy, Cục Điện ảnh đã rất dễ dãi với kịch bản của phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” nên có thể đã bị hớ khi giới “văn nghệ thị trường” chi phối kiểm duyệt trong việc mượn vỏ bọc của một tác phẩm văn học cách mạng giai đoạn 1955-1964 của Đoàn Giỏi. Để rồi khi bị “bắt bài” thì Cục Điện ảnh lại tiếp tục lấy cái sai để sửa cái sai trước đó bằng cách cho sửa đổi nội dung, lời thoại và đẩy lùi thời gian của phim về giai đoạn 1920-1930.

 

Hành vi “lấy sai, sửa sai” cho thấy vai trò của chủ nghĩa xét lại chứa đựng đầy yếu tố rủi ro và nguy cơ đối với lịch sử Việt Nam giai đoạn 1930-1954 – ở đây cần được hiểu là bối cảnh lịch sử thật của giai đoạn trên chứ không phải sự nhấn mạnh vai trò Việt Minh. Hành vi kiểm duyệt “sửa sai” lần này cũng chẳng khác mấy so với sự kiểm duyệt dành cho bộ phim Barbie trước đó, khi mà việc kiểm duyệt chỉ dựa trên sự tưởng tượng mông lung (với hình ảnh được qui kết là bản đồ lưỡi bò) rồi từ đó đưa ra lệnh cấm không cho phát hành.

 

Tất cả cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, tùy tiện của quan chức kiểm duyệt tại Cục Điện ảnh. Người ta sẽ đặt câu hỏi: Ủa vậy chiếu xong bị chê rồi mới kiểm duyệt để thể hiện uy quyền? Hay mượn đám đông phẫn nộ để ra tay kiểm duyệt? Cần nhắc lại, nhiều bộ phim trước đây như Xích lô, Bụi đời Chợ Lớn, Vị, Ròm… đều từng bị vật lên bờ xuống ruộng, bị cấm chiếu hay phải bị cắt xén “thấy thương” nếu muốn được chiếu, cho dù đó là những phim có giải quốc tế hoặc phản ánh xác thực đời sống Việt Nam.

 

Về mặt lịch sử, nếu thực sự muốn dạy sử cho dân qua phim ảnh, sách truyện hay nói chung là mặt trận văn hóa thì chính đảng phải trả lời được một số câu hỏi chẳng hạn: Trong khởi nghĩa kháng thực dân Pháp, liệu người dân Nam Kỳ có yêu nước hay chỉ đảng cộng sản mới được độc quyền yêu nước?

 

Phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp của người Nam (Việt Nam) theo sử ghi đã bắt đầu từ khi thực dân Pháp xâm lược nước Nam. Các cuộc khởi nghĩa, phong trào kháng Pháp đã nổ ra hàng trăm lần từ cuối thế kỷ 19 (1858) đến 1930 (cột mốc đánh dấu thay đổi trong lực lượng lãnh đạo kháng Pháp).

 

Tức người Nam yêu nước Nam và họ đã liên tiếp nổi dậy kháng Pháp khắp ba miền Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Điển hình các cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ thời đầu Pháp xâm lược như: Phan Thanh Giản, Trương Công Định, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực… Các phong trào vận động, tổ chức kháng Pháp như Cần Vương, Đông Du (Phan Bội Châu), Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân (Phan Châu Trinh), Thanh niên Cao vọng (Nguyễn An Ninh)…

 

Và tất nhiên từ cuối thập niên 1910, nổi lên các cá nhân tham gia phong trào cộng sản quốc tế đang mở rộng ảnh hưởng ở Đông Á – Đông Nam Á – trong đó đáng kể là các thành viên của phong trào cộng sản ở Đông Dương khắp ba miền Bắc, Trung và Nam Kỳ. Những người cộng sản Đông Dương đã khởi động và tổ chức một số phong trào kháng Pháp tại Nam Kỳ như Châu Văn Liêm, Trần Não, Tạ Thu Thâu… từ đó họ được hợp nhất vào tổ chức của Nguyễn Ái Quốc thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Sơ lược một số phong trào, cá nhân người Việt kháng Pháp cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 để thấy người Việt yêu nước Việt và có tinh thần chống ngoại xâm. Tuy vậy dưới góc nhìn lịch sử xét lại do đảng biên soạn, đảng luôn muốn độc tôn với vai trò là kẻ có công trong công cuộc giải phóng khỏi ách thực dân và giành độc lập; cố tình loại bỏ vai trò của các nhân sĩ, trí thức cùng với những phong trào kháng Pháp của người Việt trước 1930. Bằng cách này hay cách khác, thông qua tuyên truyền, đảng muốn dân không biết đến phần lịch sử đã diễn ra dưới bàn tay lãnh đạo khát máu của đảng giai đoạn từ 1945 đến 1975.

 

Vì thế nếu bàn về lòng yêu nước và muốn sử dụng yếu tố này để kéo người xem tới rạp mà không bị cho là dựa trên chủ nghĩa xét lại để phóng tác, sáng tạo thì các yếu tố sau cần được lưu ý cho công bằng:

 

Cục Điện ảnh và thậm chí đảng Cộng sản Việt Nam nên mở lại toàn bộ sự kiện lịch sử cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 cho đến tận 1975 để xét lại vai trò tổng thể của người Nam nước Nam chứ không chỉ mỗi một mình đảng cộng sản trong giai đoạn lịch sử quan trọng này. Phải xét lại đầy đủ vai trò tham gia kháng Pháp của Hoà Hảo, Cao Đài và nhiều thành phần khác của người Nam khắp ba miền chứ không thể giành sự độc tôn và độc quyền yêu nước và kháng Pháp cho cộng sản không thôi.

 

Muốn những tác phẩm văn hóa phải “tiếp cận sự thật” mà đảng chẳng bao giờ dám bén mảng đến những gì thật sự là sự thật thì đảng không thể có cái quyền đòi hỏi sự thật. Tất cả cho thấy, ở Việt Nam, với vai trò kiểm soát của đảng, thông qua công cụ chính quyền, còn lâu mới có cái gọi là tự do sáng tạo.

 

================================

Hai trường trung học ngưng tổ chức cho học sinh xem phim Đất Rừng Phương Nam

An Vui





No comments: