Trưa, nắng nắng mưa mưa, lội vô chợ Bến Thành
ăn hàng. Vừa nóng vừa ồn nhưng “vì miếng ăn”, chấp. Lờn mặt tới độ chị chủ quán
ưu tiên cho ngồi… quầy nước sát bên, nơi có quạt máy nhỏ xíu. Hỏi thăm nhau, được
lắm chị, mấy hôm nay khách đông. Nóng zầy mà du lịch tây, ta đủ cả, hàng lấy
bán không kịp luôn.
Vui lây hay sao mà ăn dĩa ốc len ngon quá trời!
Ngó lên trần nhà, nghe đâu sắp tới sẽ thay tôn
giả ngói này bằng ngói thiệt, cách nhiệt tốt hơn nhiều, tạo độ dốc cao để thoát
nước… Kinh phí thay ngói đã công khai là 95 tỉ đồng, đang tìm nguồn.
Sang năm, 2024, ngôi chợ này tròn 110 tuổi. Hồi
xây cũng mất hết 23 năm để từ ý tưởng (năm 1870) đến chốt hạ (1903). Tới năm
1908 mới thống nhất địa điểm và 5 năm sau, 1913 cất. Đợt chỉnh trang gần nhất
nghe nói cũng đâu 40 năm rồi. Giờ nhìn đâu cũng thấy xuống cấp. Đặt cạnh ga
Metro nay mai vận hành, rồi mở rộng các tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ – Lê Lợi –
Đồng Khởi…, lại càng thấy nó xập xệ hơn.
Tối, có tiếng chuông gọi cửa, chắc là tổ trưởng,
công an và hội phụ lão gì đó nói có chủ trương mỗi nhà trang bị một bình chữa
cháy. Cập nhật thời sự vụ cháy ở Khương Hạ, Hà Nội với lời chia sẻ đính kèm phải
phòng cháy chữa cháy thôi. Giá được nhà nước hỗ trợ, đâu nhỉnh 350 ngàn, rẻ hơn
so với ngoài thị trường đó chị. Vậy hả, ok. Giờ chị đóng luôn thì mai em giao
biên lai xuống. Bình thì 2 tuần nữa phường (15, Phú Nhuận) sẽ phát. Ok em.
Đêm, chẳng biết có phải nhờ phép tâm lý bình
chữa cháy nay mai có mà ngủ ngon. Hóa ra, toàn bộ khu vực giữ xe mọi khi trống
hẳn, thì ra chung cư không nhận giữ xe bên ngoài nữa, tạo lối đi thoáng, nhất
là các lối thoát hiểm.
***
Đọc báo thấy hôm 11.10, thành phố tổ chức hội
nghị gặp chuyên viên, lãnh đạo cấp phòng của hệ thống sở ngành. Tại đó, ông chủ
tịch thành phố đề nghị, các anh chị khi tham mưu, ít nhất đưa ra 2 cách: Một là
đề xuất giải quyết theo đúng quy định; Hai là khi có độ chênh giữa quy định và
thực tế thì nên gỡ cách nào, “lách” quy định để thông cho thực tế, chưa đúng lắm
theo nhà nước nhưng trúng và có lợi cho dân, cho doanh nghiệp. Trách nhiệm về nội
dung tham mưu, xem xét để quyết định là của cấp lãnh đạo, của chính ông chủ tịch
UBND TP.HCM.
Nôm na, anh dám nghĩ, dám làm, dám tham mưu, đề
xuất, thì tui dám phê duyệt, dám ký.
Chứ không chơi kiểu cấp dưới dám tham mưu, làm
tờ trình; cái cấp trên dám… né, không tỏ rõ chính kiến, trách nhiệm thẩm định,
phê duyệt. Có cơ sự, là chuyên viên hứng. Chơi vậy, ai chơi lại.
Tôi thích cái cách ra mặt “giám hộ”, “bảo
lãnh” trách nhiệm bằng chính trách nhiệm và sinh mệnh chính trị của người đứng
đầu chính quyền thành phố như vậy. Dám chịu. Trên từng công việc, đầu việc cụ
thể.
Tín nhiệm cao hay thấp, đôi khi đến từ những
cách tiếp cận, giải quyết công việc, cách anh chịu trách nhiệm trong hệ thống
“nội bộ”; chưa kể trước toàn xã hội.
Chứ nhìn cái kết quả tín nhiệm hôm qua, dẫn đầu
và chiếm vị trí CAO số phiếu tín nhiệm THẤP lại là các liền anh liền chị ở các
lĩnh vực thiết yếu với nhân dân: Giáo dục, Khoa học, Văn hóa, Công thương, Y tế,
Giao thông…
Nên nỗi gì!
.
No comments:
Post a Comment