Thơ Bùi Minh
Quốc và bản giao hưởng số 5
Bùi
Văn Phú
Gửi
đến BBC Tiếng Việt từ Đại học Berkeley, California
3
tháng 10 2023
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cg302pwj5d8o
Chiều
thứ Năm 21/9 vừa qua, tại Đại học U.C. Berkeley, trong lớp Vietnamese 101A:
Advanced Vietnamese - Vietnamese Literature [Lớp văn học Việt Nam] do cô Nguyễn
Nguyệt Cầm phụ trách có một khách mời đặc biệt là nhà thơ
cách-mạng-phản-kháng-chiến-đấu Bùi Minh Quốc đến nói chuyện với sinh viên về
những sáng tác của ông.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0be3/live/990fade0-619f-11ee-8a1c-21c3b05b3f1b.jpg
Nhà
thơ Bùi Minh Quốc trong lớp Văn học Việt Nam tại Đại học Berkeley hôm 21/9/2023
Đây
là lần thứ ba nhà thơ đến Hoa Kỳ, chuyến đi êm đò xuôi mái, vì đã có một lần,
vào tháng 3 năm 2018 khi ra sân bay Tân Sơn Nhất để đi Mỹ dự lễ tốt nghiệp và
đính hôn của con trai thì ông bị công an chặn lại, cấm xuất cảnh vì lí do an
ninh. Lần này ông qua thăm gia đình con trai đang sống ở tiểu bang Washington.
Cô
Nguyệt Cầm giới thiệu Bùi Minh Quốc “là nhà thơ cách mạng, lúc nào trong thơ
của ông cũng hừng hực lửa, trước cũng như sau năm 1975” và là một thi sĩ có thơ
được chuyển thành nhạc: “cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao, dù đạn bom
man rợ thét gào, dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích…” rất nổi tiếng,
mà cô đã thường hát khi tuổi mới 15, 16. Đó là nhạc Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Bùi
Minh Quốc.
Ngày
xưa đó, cô cũng còn mê những dòng thơ tình của Bùi Minh Quốc: “Có khi nào trên
đường đời tấp nập/ Ta vô tình đi lướt qua nhau/ Chẳng ngờ đang để mất/ Một tâm
hồn ta đợi đã từ lâu…” đến độ “đi ngoài đường cứ nhìn xung quanh để xem mình có
vô tình để mất tâm hồn nào mình đã đợi từ lâu không. Nên người ta cứ tưởng tôi
là con điên.”
Hồi
tưởng của cô giảng viên tại một đại học danh tiếng của nước Mỹ đã đem lại cho
sinh viên những tiếng cười.
Thi
sĩ Bùi Minh Quốc có mái tóc bạc trắng bồng bềnh, như mái tóc của Albert
Einstein. Giọng nói rõ và mạch lạc, tôi “tuổi cao tóc bạc da mồi, nhưng mà tâm
hồn vẫn xanh”. Dù năm nay ông đã 83 tuổi. Nhắc đến bài thơ “Lên miền Tây”, có
câu: “Tuổi xanh ta, xanh mãi như rừng xanh xanh lớp” nhà thơ tự thấy tâm hồn
ông đến nay vẫn như thế.
Là
thi sĩ, ông dùng thơ để ra tuyên ngôn. Ba năm trước, khi 80 tuổi ông xuất bản
tập thơ “Mẹ Việt Nam” và ở trang đầu là tuyên ngôn thơ của ông. Ông cất cao
giọng:
Thơ
tôi tiếp lửa cho người bị áp bức
Từng
ngày từng ngày
Cho
đến một ngày
Không
còn ai cần đọc thơ tôi…
Và
ông mơ đến một ngày trên thế gian này không còn ai bị áp bức, họ không còn đọc
thơ của ông nữa, không còn ai cần tiếp lửa nữa.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/dc62/live/a9095700-619f-11ee-bb05-ab9c8677c071.jpg
Bùi
Minh Quốc, bìa phải, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Thị Dương Hà và Bùi Văn Phú tại buổi
nói chuyện của nhà thơ Bùi Minh Quốc tại Đại học Berkeley ngày 21/9/2023
Câu
chuyện chung quanh việc sáng tác bài thơ “Lên miền Tây” được ông kể lại cho
sinh viên nghe. Khi đó ông đang học lớp 9 trường Chu Văn An ở ven Hồ Tây, Hà
Nội. Trong lớp, ông ngồi bên cửa sổ, một tai nghe nhưng mắt mơ màng nhìn qua
khung cửa, bên kia hồ thấy đỉnh núi Ba Vì xa xa, hình dung sau núi kia là Tây
Bắc. Ông yêu vùng đất đó, dù chưa đến bao giờ nhưng đã đọc nhiều về Tây Bắc
thành ra nằm mơ thấy cuộc lên miền Tây của mình.
Xe
chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi
Lên
miền Tây vời vợi nghìn trùng
Ôi,
miền Tây, ở dưới xuôi sao nghe nói ngại ngùng
Mà
lúc ra đi, lửa trong lòng vẫn cháy…
Thơ
của ông viết vào năm 18 tuổi có lửa hừng hực. Trong bài thơ còn có một câu mà
ông cho là định mệnh của đời ông: “Đi chiến đấu là niềm vui bất tận”, mà bây
giờ nhìn lại ông cho rằng cả cuộc đời ông là cuộc đời chiến đấu. Ông nói: “Niềm
vui của cuộc đời tôi là niềm vui trong chiến đấu. Tình yêu của cuộc đời tôi là
tình yêu trong chiến đấu.”
Nhà
thơ tiết lộ chút đời riêng. Ông có ba người vợ, ba người vợ kế tiếp chứ không
phải ba người vợ song song. Nghe thế sinh viên cười ồ. Ba người bạn đời của ông
là ba người bạn chiến đấu, như tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và vợ là Nguyễn Thị Dương
Hà, cũng là khách mời đang có mặt trong phòng học, mà ông nhận xét đó cũng là
một cặp đôi sánh bước để chiến đấu.
Tiến
sĩ Vũ góp ý, nhắc lại câu chuyện mà ông được nghe nhà thơ kể cách đây vài hôm.
Bài thơ “Lên miền Tây” khi vừa viết xong Bùi Minh Quốc gửi cho hai tờ báo nhưng
không được đăng, sau đó ông gửi cho tạp chí Văn Nghệ mà người phụ trách trang
thơ là Xuân Diệu, bố nuôi của Cù Huy Hà Vũ. Một hôm nhà thơ ra tiệm sách thì
thấy trang đầu tạp chí có giới thiệu bài “Lên miền Tây, Bùi Minh Quốc”. Sướng
quá, ông về xin tiền quà sáng bố mẹ và mua ngay tờ tạp chí. Ít lâu sau nhà thơ
được gặp Xuân Diệu, được mời tham dự hội nghị những nhà văn trẻ mà ông là một
trong những người trẻ nhất. Theo ông Vũ, Bùi Minh Quốc là: “Con người của lý
tưởng cách mạng và lý tưởng thơ. Ông không bao giờ đầu hàng trước chướng ngại,
trong nghệ thuật cũng như trong đấu tranh chính trị.”
Bài
thơ “Lên miền Tây” của Bùi Minh Quốc đã được đưa vào sách giáo khoa và trong
một kỳ thi tốt nghiệp lớp 7, hệ 10 năm, những vần thơ trong bài cũng đã được
chọn để học sinh bình giảng.
Nhưng
cũng vì bài thơ mà ông bị “vạ miệng” hai lần. Thi sĩ kể, lần đầu bị nhà văn
Nguyễn Đình Thi, khi đó cũng là đại biểu quốc hội, đánh, cho rằng ông chưa lên
Tây Bắc bao giờ thì biết gì mà làm thơ mơ mộng viễn vông về vùng đất đó. Thế là
bài thơ bị đưa ra khỏi sách giáo khoa.
Vạ
miệng thứ hai là có nhiều thanh niên vì yêu thích bài thơ mà hăng hái lên miền
Tây Bắc khai khoang để rồi không về lại được thành phố, nhiều cô không lấy được
chồng. Họ oán trách ông.
Sinh
viên trong lớp có nhiều câu hỏi cho nhà thơ. Một nữ sinh viên hỏi vì sao những
bài thơ trước năm 1975 của ông theo phong cách cách mạng, sau 1975 đem đến cho
ông địa vị, danh vọng và tiền bạc, nhưng có sự kiện nào hay lý do nào đã khiến
ông quyết định viết những bài thơ chống lại chính quyền độc tài?
Thi
sĩ Bùi Minh Quốc trả lời rằng sau năm 1975 ông dần dần nhận ra những người lãnh
đạo của Đảng Cộng sản, tức là những người cầm đầu của chế độ độc tài toàn trị
đã phản bội toàn bộ cách mạng dân tộc, dân chủ mà ông từng theo đuổi. Tất cả
những quyền công dân ghi trong Hiến Pháp họ không thực hiện, chỉ có trên giấy,
như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do ứng cử bầu cử
đều không có. Trong lãnh vực văn hoá văn nghệ là rõ nhất, tất cả những tiếng
nói trái với tai những người lãnh đạo đều bị bịt miệng.
Một
sinh viên hỏi về bài thơ ông sáng tác năm 1997 có hai câu “Đà Lạt dậy mùa hoa/
Anh nghiến răng trong phòng thẩm vấn/ Giữa ban ngày mà ngập đêm đen”, có phải
câu cuối ông nói đến một tác phẩm của Vũ Thư Hiên?
Nhà
thơ xác nhận ông đã mượn tên cuốn hồi ký của Vũ Thư Hiên trong câu thơ đó,
nhưng đó không phải là câu cuối.
Bài
“Thơ vụt hiện trong phòng thẩm vấn” gắn với một sự thật có trong đời của ông.
Khi nghe tin ông bà Hoàng Minh Chính từ Hà Nội vào Sài Gòn, thi sĩ có ghé thăm.
Mới gặp ông Chính chừng năm phút thì công an và an ninh đến yêu cầu ông rời
khỏi nhà của người con gái của ông Chính. Vài hôm sau, có một người nói là mới
từ Pháp về, sau ông mới biết là an ninh, trao cho ông một copi của “Đêm giữa
ban ngày”. Ông mang về và khi vừa đến bến xe Đà Lạt thì đã có công an chờ sẵn,
khám xét hành lý và nói tác phẩm này là bất hợp pháp. Ông bị đưa về công an
thành phố giam ba ngày ba đêm, bị thẩm vấn.
Ông
sáng tác nhiều bài thơ trong phòng thẩm vấn, bài “Thơ vụt hiện trong phòng thẩm
vấn” còn có những câu: “Ôi tổ quốc vào tay quỉ dữ/ Tiếng hát tự do uất nghẹn
khắp thân mình.”
Nhà
thơ Bùi Minh Quốc bị thẩm vấn liên tục trong mấy tháng trời, cùng với Tiêu Dao
Bảo Cự. Ông tiếp tục làm thơ, được bài nào đều đem đọc cho Bảo Cự nghe.
Ông
kể trong đợt thẩm vấn ông sáng tác được 30 bài thơ, chép vào giấy pơ-luya gửi
cho mấy nhà xuất bản, dù ông biết là họ sẽ không in nhưng là để cho biết là Bùi
Minh Quốc có những sáng tác thơ. Ông gửi cho chi nhánh phía Nam của nhà xuất
bản Hội Nhà văn do nhà thơ Ý Nhi phụ trách, dùng tên người gửi và địa chỉ vớ
vẩn nào đó. Ông cũng gửi cho vài nơi khác, trong đó có tướng Trần Độ nguyên là
Trưởng ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương với một thư kèm “mong anh dành thời gian
đọc và anh cho nhận xét.” Khi đó ông Độ đã bị đánh rồi, nhà thơ cho biết.
Tập
thơ “Thơ vụt hiện trong phòng thẩm vấn” không biết bằng cách nào đó đã được phổ
biến ở nước ngoài, in ở Pháp. An ninh văn hoá và công an tỉnh Lâm Đồng đến gặp
ông, muốn biết làm sao sáng tác của ông lọt ra nước ngoài, tại sao ông làm như
thế. Nhà thơ trả lời là chỉ gửi cho mấy nhà xuất bản trong nước, còn làm sao nó
lọt ra nước ngoài thì ông không biết, truy tìm là việc của công an.
Thế
là ông lại bị quản chế, mà ông gọi là “quản chế trong vòng quản chế” qua lệnh
báo miệng, không có văn bản. Ngày hai buổi ông phải lên công an phường viết
kiểm điểm về vụ có thơ in ở nước ngoài. Công an bảo viết thì viết, lần nào cũng
thế tôi viết mấy chữ lăng nhăng rồi ngồi đọc sách báo, có khi lại làm một bài
thơ.
Trên
trung ương cũng để ý đến vụ việc. Ông kể một hôm có đại tá an ninh từ Hà Nội
vào, xưng là bạn của Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật và nói các anh ấy chê thơ của
tôi dở lắm. Tôi nói thơ hay dở thì tuỳ mỗi người. Họ quyết truy cho được là tôi
đã gửi tập thơ cho những ai và làm sao lọt ra nước ngoài.
Nghe
thi sĩ Bùi Minh Quốc kể lại chuyện bị thẩm vấn, tôi còn nhớ vào thập niên 1990,
là người theo dõi tình hình nhân quyền tại Việt Nam tôi biết đến nhiều người có
quan điểm bất đồng với các chính sách của nhà nước, hay những người lên tiếng
đòi quyền làm người, đòi tự do dân chủ cho quê hương đang bị giam tù hay quản
chế như các thầy Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, giáo sư Đoàn Viết Hoạt, bác
sĩ Nguyễn Đan Quế, luật sư Đoàn Thanh Liêm, các ông Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Hà
Sĩ Phu.
Nhà
thơ Bùi Minh Quốc khi đó được biết đến qua chuyến đi xuyên Việt với nhà văn
Tiêu Dao Bảo Cự và thi sĩ Hữu Loan để gặp gỡ văn nghệ sĩ, vận động cho các
quyền tự do phát biểu, tự do báo chí theo như những Nghị quyết của Đảng đưa ra
khuyến khích văn nghệ sĩ, nhà báo nói thẳng, nói thật.
Hoạt
động của nhà thơ gây được sự chú ý trong nước. Tại hải ngoại có nhóm Thông Luận
bên Pháp, tạp chí Thế Kỷ 21 bên Mỹ, là những nơi đã phổ biến nhiều hoạt động,
nhiều bài viết của “Nhóm Thân hữu Đà Lạt” gồm một số anh em trong Hội Văn nghệ
Lâm Đồng mà thi sĩ Bùi Minh Quốc là chủ tịch. Những năm 1987-88 thi sĩ còn thực
hiện tạp chí Văn nghệ Langbian ra được 3 số thì được lệnh từ Bộ Thông Tin là
phải đình bản.
Hôm
nay nhà thơ nhắc đến chuyện Tổng Bí thư Đỗ Mười mời ông lên gặp, yêu cầu kể lại
chuyến đi xuyên Việt cùng với Tiêu Dao Bảo Cự khiến cả hai bị cách chức, bị
khai trừ khỏi Đảng. Ông Đỗ Mười ngồi nghe gần hai tiếng đồng hồ rồi nói là sẽ
cho ban kiểm tra trung ương có văn bản kết luận gửi cho ông, nhưng cho đến nay
thi sĩ cũng chưa nhận được văn bản đó, dù đã gửi thư qua fax hai lần để hỏi.
Tiếp
tục buổi nói chuyện, một sinh viên hỏi việc bị quản chế có ảnh hưởng đến việc
sáng tác, ông có cảm thấy còn tiếp tục làm thơ được không?
Lại
càng tạo cảm xúc làm thơ nhiều hơn, thi sĩ trả lời, rồi đọc bài thơ viết về
người vợ, trong không gian đang có công an canh gác trước nhà:
Em
ngồi đó, quên cả ngày tàn quên đêm khuya khoắt
Mười
ngón tay lan một thế giới dịu hiền
Những
búp bê len muôn mầu hồn nhiên ánh mắt
Em
lẳng lặng đẩy lùi cơn bão dập đời anh
Gầm
rít quanh ta cơn bão phũ phàm
Cuộc
vây hãm dằng dai của mắt cú miệng hùm, lưỡi rắn
Em
ngồi đó mười ngón tay lan đằm thắm
Một
thế giới dịu hiền – thông điệp của hồn em…
Bài
thơ lúc đầu ông đặt tên “Thơ tặng vợ hiền” vì vợ ông tên Hiền, mà người cũng
hiền. Sau đổi tựa thành “Em ngồi đó”, sáng tác trong khi ông bị quản chế. Đọc
thơ xong, thi sĩ cười cười nói: “Mà bảo là nịnh vợ thì cũng được.”
Một
câu hỏi khác: Bài thơ “Đất quê ta mênh mông” sao ông lại viết phần 1 trước 1975
và phần 2 sau năm 75.
Thi
sĩ trả lời, bài thơ hơi dài ông không nhớ hết, nhưng tóm tắt là hình ảnh bà mẹ
ngày trước là những bà mẹ có thực, đào hầm bí mật cho ông núp ngay tại đất
Quảng Ngãi. Bây giờ họ là những bà mẹ đi đòi đất đòi nhà, là hình ảnh phổ biến
trong đời thực hiện nay. Biết bao bà mẹ đi chầu chực suốt ngày suốt đêm trước
những dinh thự đồ sộ của đám quan chức để đòi nhà, đòi đất bị cướp.
Nói
về người mẹ của ông, khi một sinh viên hỏi về ký ức, thi sĩ kể rằng năm 1962
ông có bài thơ về mẹ mà số phận bài thơ đó cũng khá kỳ lạ.
Khi
làm bài thơ đó xong, ông chép gửi cho người yêu đầu và cũng là vợ sắp cưới. Hai
bên đã chuẩn bị cho ngày cưới, nhưng vì những éo le của thời cuộc nên không bao
giờ có đám cưới ấy. Ông tưởng bản thảo không còn. Một hôm cùng người em gái
ngồi ôn lại kỷ niệm về mẹ thì cô em còn thuộc bài thơ, đọc lại cho ông chép và
ông đã đưa vào tập thơ xuất bản nhân dịp ông 80 tuổi.
Rồi
có một giảng viên đại học bên Texas muốn dịch thơ của ông để đăng trong các tạp
chí tiếng Anh. Qua con trai, ông gửi một số bài thơ tiêu biểu như “Đất quê ta
mênh mông”, “Giấc ngủ của nàng tiên dũng sĩ”, “Một dũng sĩ ra đời ở đầu kia
chiến hào” cho dịch, nhưng chờ mãi không thấy đăng. Sau anh giảng viên gửi thêm
bài “Mẹ” thì họ lại cho đăng bài này trước.
Đầu
năm nay con trai báo bài thơ “Mẹ” đã được đăng. Thi sĩ đưa tin vui lên
Facebook. Một hôm tự nhiên nhận được nhắn tin từ người yêu đầu, nói bài thơ ấy
bản thảo cô còn đang giữ. Nhà thơ Bùi Minh Quốc cho đó là “tính thiêng của thơ
rất thiêng” vì đã lưu giữ cái không gian của mối tình đầu suốt từ đó đến bây
giờ. Bài thơ đó ông có đề “Kính tặng mẹ của hai chúng ta” là mẹ của tôi và mẹ
của cô ấy.
Thi
sĩ Bùi Minh Quốc sinh năm 1940 ở Hà Đông. Năm 1967 đi B vào Nam làm phóng viên
chiến trường ở Khu Tư. Sau năm 1975 ông cũng có mặt trên chiến trường
Campuchia.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1ff6/live/c1913f40-619f-11ee-bb05-ab9c8677c071.jpg
Cô
Nguyễn Nguyệt Cầm đang giới thiệu nhà thơ Bùi Minh Quốc, bên phải, với sinh
viên
Ông
sinh hoạt nhiều trong giới văn học nghệ thuật ở các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và
Lâm Đồng. Là người quan tâm đến thời cuộc, ông luôn lên tiếng cho quyền tự do
thông tin báo chí, tự do sinh hoạt văn hoá văn nghệ. Ông mạnh mẽ lên tiếng phản
đối những hành động xâm phạm chủ quyền đất nước của Trung Quốc, phản đối sự
việc nhà nước im lặng trước những hành động của Bắc Kinh.
Trong
buổi nói chuyện tại Đại học Berkeley, nhà thơ khẳng định mình là con người
chiến đấu và thơ của ông là thơ chiến đấu. Ông chiến đấu trước năm 1975 và ngày
nay ông còn tiếp tục chiến đấu vì gánh nặng sưu thuế đè nặng lên người lao
động, vì áp bức vẫn còn.
Bùi
Minh Quốc phát biểu trước sinh viên: “Tôi không có vũ khí nào khác ngoài vũ khí
của tiếng nói, của những lời thơ” và từ đầu buổi nói chuyện ông đã liên tưởng
suốt cuộc đời chiến đấu của ông với bản giao hưởng số 5 của Beethoven, là vượt
thắng định mệnh, ngẩng đầu mở miệng cất cao tiếng hát dù qua bao đau thương bi
thảm, để hy vọng đi tới niềm vui là giao hưởng số 9, cũng của Beethoven.
--------------------------------------
*
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả Bùi Văn Phú từ Hoa
Kỳ
No comments:
Post a Comment