Suy
thoái mô hình Trung Quốc, hàm ý cho Việt Nam
PGS, TS Phạm Quý Thọ
2023.10.09
Bài bình
luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện
Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
Cảng
Tân Vũ ở Hải Phòng (minh họa) - AFP
Mô hình Trung Quốc đang suy thoái. Hơn cả sự “lo
lắng” về những tác động tiêu cực từ tình hình kinh tế Trung Quốc đang ngày càng
trở nên nghiêm trọng, thế giới còn dự đoán bi quan về triển vọng phục hồi trong
dài hạn bởi sự khủng hoảng mang tính cấu trúc của nền kinh tế và thể chế chính
trị. Thời hoàng kim của mô hình Trung Quốc kết thúc đặt ra nhiều vấn đề cho cải
cách ở Việt Nam - quốc gia có chế độ chính trị tương đồng.
Ở Trung Quốc người ta gọi mô hình này là Cải cách
khai phóng (tiếng Trung giản thể: 改革开放) hay còn gọi là chính sách “cải cách và mở cửa”
dưới thời Đặng Tiểu Bình từ 1978, và ở Việt Nam gọi là Đổi mới tại Đại hội 6
Đảng Cộng sản năm 1986. Mô hình phát triển này được giải thích đây là “con
đường thứ ba”, nằm giữa chủ nghĩa tư bản (CNTB) và chủ nghĩa xã hội (CNXH).
Từ điểm xuất phát kinh tế thấp, trước sai lầm chính
sách dưới thời Mao nguy cơ sụp đổ chế độ toàn trị kiểu Xô-Viết với “mô hình
Trung Quốc” những thành tích kinh tế “thần kỳ” đã được tạo ra trong thời kỳ
dài. Năm 1978 tổng sản phẩm quốc nội GDP của Trung Quốc chỉ bằng 1% GDP của Mỹ,
thì năm 2022 đã là 75% (khoảng 18.000 so với 24.000 tỷ đô la.) Theo số liệu
chính thức của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ người cực kỳ nghèo ở Trung Quốc
năm 1981 ở mức 88,3%. Đến năm 2015 chỉ có 0,7% dân số Trung Quốc sống trong
nghèo đói cùng cực. Trong giai đoạn này, số người nghèo đã giảm từ 878 triệu
xuống dưới mười triệu… Việc duy trì tốc độ tăng với hai con số trong hơn một
phần ba thế kỷ tính từ cuối những năm 1970, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới
này đã đóng góp vào 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu, là công xưởng toàn cầu
cho nhiều quốc gia kể cả các nước tư bản phát triển phương Tây, Mỹ, cơ sở hạ
tầng giao thông như đường sắt cao tốc “đẳng cấp”, kiểm soát xã hội và công dân…
Tuy nhiên “bước ngoặt” đã diễn ra từ khi Tập Cận
Bình nắm quyền tối cao Đảng và nhà nước tại Đại hội 18 ĐCS TQ năm 2012. Sự phát
triển theo "con đường thứ ba" gặp thách thức ngày càng lớn, dấu hiệu
suy thoái rõ rệt và bất ổn. Trước hết, về kinh tế, giảm tốc tăng trưởng tổng
sản phẩm quốc nội GDP mang tính xu hướng, năm 2020 là 2,24%, năm 2021 là 8,11%*
(cao so với cơ sở gốc thấp), năm 2022 = 3%, Quý 1 năm 2023 là 4,5%, và dự đoán
cả năm có thể không thể đạt 5%... Đây là hệ quả của khủng hoảng mang tính cấu
trúc: bất động sản, nợ công, giảm phát, tỷ lệ thất nghiệp cao… nghiêm trọng hơn
cùng với chính sách an ninh kinh tế, trấn áp tư bản và ép buộc các nhà đầu tư..
Tiếp đến, về chính trị, tham nhũng nặng nề đồng hành với bất ổn ở “cung đình”
khi hai vị trị quyền lực trọng yếu trong guồng máy cai trị bị điều tra vì suy
thoái đạo đức (cựu bộ trưởng ngoại giao) và vì tham nhũng (nguyên bộ trưởng
quốc phòng)…
Ở Việt Nam, tình hình về đại cục, dấy lên lo ngại có
diễn biến tương tự. Đầu tháng 10/2023, tại Hà Nội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ
chức Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khoá 13 (HNTW 8). Nội dung được quan
tâm đặc biệt là tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, trong đó Đảng thừa nhận
“tình hình” là khó khăn, phức tạp. Những tin “không vui” liên tục được báo cáo
như số lao động việc làm sụt giảm riêng trong quý 3 năm 2023 có “hơn 118.000
lao động bị mất việc”; Cầu tiêu thụ hàng hoá “yếu”, đặc biệt “chung cư, nhà ở
riêng lẻ giao dịch thành công chỉ bằng 43% cùng kỳ năm 2022”; “Thu ngân sách
nhà nước giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022”… Tổng sản phẩm quốc nội GDP 9 tháng
năm 2023 chỉ tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước cho thấy tăng trưởng kinh tế
không thể đạt mục tiêu “pháp lệnh” từ 6 đến 6,5%... trong bối cảnh các trục đỡ
như đầu tư công ì ạch, bất động sản dự báo khủng hoảng kéo dài…
Có những đánh giá về triển vọng của mô hình này được
đưa ra từ các góc nhìn khác nhau, bi quan là nó sẽ sụp đổ cả về kinh tế và
chính trị, lạc quan hơn là chế độ chính trị vẫn duy trì nhưng kinh tế có thể
suy trầm hoặc không tăng trưởng kéo dài. Đối với Việt Nam nếu mô hình tồn tại,
thì cần thay đổi nó theo cách nào đó. Bởi vậy, giải pháp chính sách trước sự
tác động không tránh khỏi từ suy thoái đòi hỏi thay đổi “đột phá” về nguyên
nhân thực sự của sự thành công hay thất bại của mô hình Trung Quốc. Như đã
biết, nó ra đời từ sáng kiến của những nông dân đòi quyền sở hữu tư nhân chống
lại học thuyết CNXH về tập thể hoá trong nông nghiệp. Sáng kiến này đã lan rộng
sang các lĩnh vực khác như công nghiệp và thương nghiệp, làm sụp đổ kế hoạch
hoá tập trung và phân phối bao cấp… Nghĩa là, nhu cầu về quyền tự do sản xuất
kinh doanh nhiều hơn đồng thời với giảm thiểu sự kiểm soát, can thiệp của chính
quyền đã mang lại những thay đổi kỳ diệu. Động lực của Đổi mới được khởi xướng
"từ trên cao" chỉ là một phần của bức tranh. Nhiều “phong trào” tự
phát thể hiện chiến thắng của các lực lượng thị trường trước chính sách của
chính phủ và cải cách thể chế quan trọng đã được thúc đẩy “từ dưới lên.” Sức mạnh của chủ nghĩa tư bản đã chứng tỏ
trong thực tế cải cách thay vì sự lãnh đạo “sáng suốt” của đảng và nhà nước như
tuyên truyền.
Vận hành "con đường thứ ba" nền kinh tế
Trung Quốc (với quy rất mô lớn) và Việt Nam (với quy mô nhỏ hơn nhiều) đã trở
thành tư bản chủ nghĩa, bị lu mờ bởi “định hướng xã hội chủ nghĩa”, với nhà
nước “thân hữu” trong “vỏ bọc” nghịch lý tham nhũng tràn lan đồng thời duy trì
tăng trưởng. Trong một thời gian dài “tầm gửi” vào tăng trưởng kinh tế các quan
tham đã làm giàu bằng quyền lực, họ “thực hành” một phương thức bóc lột tinh
vi, mang tính hệ thống và trắng trợn. Cùng với các hình thức tham nhũng
khác kiểu tham nhũng này đang huỷ hoại
chế độ Đảng CS toàn trị như căn bệnh ung thư di căn!
Mô hình Trung Quốc ảnh hưởng bao trùm và sâu sắc đối
với sự phát triển kinh tế và xã hội ở Việt Nam. Liệu Việt Nam sẽ “chỉnh sửa” để
tiếp tục theo nó thế nào vẫn còn phải chờ xem. Xu hướng xích gần phương Tây hơn
và, đặc biệt động thái nâng vượt cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn
diện, sẽ có tác động đến kinh tế và cải cách ở Việt Nam thế nào còn cần theo
dõi. Theo các nguồn tin, sắp tới ông Tổng bí thư Tập Cận Bình sẽ công du Việt
Nam. Là “bậc thầy” của chủ nghĩa thực dụng, liệu giới lãnh đạo Trung Quốc có
thể sẽ cùng Việt Nam có tuyên bố chung về một “cộng đồng có chung vận mệnh”?
“Đu dây” giữa hai cường quốc kinh tế khác biệt về ý thức hệ đang cạnh tranh
chiến lược, Việt Nam liệu có thể xác định “con đường thứ ba” của riêng mình?
------------------------------------------------------------------
* Bài viết
không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
----------------------
Tin, bài
liên quan
BLOG
Trung
Quốc và Việt Nam có một tương lai chung thế nào?
Tập
Cận Bình dịu giọng ở các thượng đỉnh khu vực, nhưng hoà bình chưa quay lại ở
Biển Đông
Quan
hệ Việt – Mỹ sẽ về đâu sau chuyến công du Đông Nam Á của TT Biden?
Giải
mã vài hiện tượng trong “các buổi chầu” của ông Nguyễn Phú
Trọng
Chuyến
thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng mang tính biểu tượng hay còn gì khác?
No comments:
Post a Comment