Saturday, October 14, 2023

SỐ LIỆU CỦA CHÍNH PHỦ về TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ KHẢ TÍN ĐẾN ĐÂU? (Trân Văn)

 




Số liệu của chính phủ về tăng trưởng kinh tế khả tín đến đâu?

Trân Văn

14/10/2023

https://www.voatiengviet.com/a/so-lieu-cua-chinh-phu-ve-tang-truong-kinh-te-kha-tin-den-dau-/7309553.html

 

Các thành viên Bộ Chính trị đương nhiệm không giải thích tại sao lại chọn 2030 làm mốc để đạt mục tiêu “phát triển đội ngũ doanh nhân có quy mô, năng lực và trình độ, nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, thế giới”.

 

https://gdb.voanews.com/FAB18AFB-71B6-43FA-A4E5-60C4077F3AE2_cx0_cy37_cw0_w650_r1_s.jpg

Nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của doanh nhân không có bất kỳ giải pháp cụ thể nào. Chênh lệch giàu nghèo vẫn là vấn đề xã hội lớn của Việt Nam.

 

Cho dù giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam thường xuyên bày tỏ lo ngại về sự suy giảm niềm tin của công chúng và không giấu diếm khát khao nâng cao niềm tin của công chúng nhưng đến giờ, các chỉ số hay tuyên bố liên quan đến kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục chạy ngược chiều với thực tế.

 

Chuyện mới nhất là việc Bộ Chính trị thuộc BCH TƯ đảng khóa 13 ban hành Nghị quyết 41/NQ-TW để “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới” (1). Theo nghị quyết vừa đề cập thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ có “nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, thế giới, trong đó, một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt, chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu và làm chủ một số chuỗi giá trị công- nông nghiệp”.

 

Giống như cách nay 12 năm – thời điểm Bộ Chính trị thuộc BCH TƯ đảng khóa 11 ban hành Nghị quyết 09/NQ-TW nhằm “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (2) - Nghị quyết 41/NQ-TW không có bất kỳ giải pháp cụ thể nào. Thế thì có thể dựa vào đâu để tin rằng, bảy năm nữa (2030), Nghị quyết 41/NQ-TW sẽ thành hiện thực trong khi 12 năm vừa qua, Nghị quyết 09/NQ-TW chỉ đạt được điều mà Nghị quyết 41/NQ-TW vừa ghi nhận: Đội ngũ doanh nhân Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới, phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít. Mặt khác, một bộ phận doanh nhân còn vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho nhà nước... Ghi nhận như thế có khác gì Bộ Chính trị thuộc BCH TƯ đảng khóa 11 phát biểu không dựa trên tình hình thực tế?

 

Các thành viên Bộ Chính trị đương nhiệm không giải thích tại sao lại chọn 2030 làm mốc để đạt mục tiêu “phát triển đội ngũ doanh nhân có quy mô, năng lực và trình độ, nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, thế giới”. Có một yếu tố cần lưu ý, hồi cuối năm 2021, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dự đoán: Đến năm 2030, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi (3). Nghĩa là từ 1,7 triệu vào năm 2021 sẽ thành 2,4 triệu vào năm 2030. Khi đưa ra dự đoán ấy, VCCI phải dựa vào số liệu và dữ liệu rồi mới ước đoán chứ không thể nói càn. Nếu VCCI dự đoán đúng và hiện trạng kinh tế cho thấy dự đoán này sát thực tế thì bảy năm nữa, đảng CSVN sẽ lấy từ đâu ra “đội ngũ doanh nhân có quy mô, năng lực và trình độ” dẫn dắt “nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, thế giới”?

 

                                                               ***

Bất kể số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động vẫn tăng không ngừng, doanh giới tuyệt vọng, thậm chí chỉ mong sang năm vẫn có thể sống sót (4), báo cáo của chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội chín tháng đầu năm vẫn... đẹp như tranh: GDP của chín tháng đầu năm đạt 4,24%. Nếu tính riêng quý ba thì GDP tăng 5,33% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn một cách tổng quát, trong chín tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát giảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chín tháng tăng 3,16% (nằm trong ngưỡng cho phép). Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước và nợ công an toàn... Có người như ông Võ Văn Lợi, làm việc tại... Học viện Chính trị Khu vực 3, tán rằng: Chưa năm nào giải ngân đầu tư công chín tháng đầu năm vượt quá 50% nhưng năm nay đã đạt mức 51,38%.

 

51,38 % như ông Lợi tán với báo điện tử Chính phủ tương đương 363.310 tỷ đồng (5). Muốn biết những con số này có đáng tin hay không và nên mừng hay nên lo thì hãy xem lại báo Nhân Dân. Hồi đầu tháng 6 vừa qua, báo Nhân Dân đăng loạt bài nhiều kỳ nhắm vào chuyện “Nâng cao trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công”, theo đó “tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bốn tháng đầu năm ước đạt 110.633,6 tỷ đồng, bằng 14,66% kế hoạch năm, đạt 15,65% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so cùng kỳ năm 2022 (18,48%)” [6]. Nếu các con số đều đúng, từ tháng 5/2023 đến tháng 9/2023 là năm tháng, tổng số tiền được giải ngân thêm là 252.677 tỷ đồng, khi chính phủ thúc đẩy lãnh đạo các ngành, các địa phương phải “dũng cảm” giải ngân vốn dành cho các dự án đầu tư công để có những số liệu đẹp về tăng trưởng thì trong tương lai sẽ có thêm bao nhiêu đại án liên quan đến “cố ý làm trái”, “thiếu trách nhiệm” gây hậu quả nghiêm trọng, tệ hơn là “tham ô”, “nhận hối lộ”?

 

Phải hỏi như vậy còn vì nếu chịu khó so sánh, ắt sẽ thấy cùng một nội dung như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong chín tháng đầu năm 2023 nhưng có đến vài con số khác nhau. Trong báo cáo của chính phủ về kinh tế - xã hội chín tháng đầu năm 2023 thì là 51,38% nhưng trong báo cáo của Bộ Tài chính gửi chính phủ nhằm đốc thúc các ngành phải giải ngân nhanh hơn, nhiều hơn và sẽ truy cứu trách nhiệm nếu chậm trễ thì con số này chỉ là 48% [7]. Chênh lệch dẫu chỉ vài phần trăm cũng lên tới vài chục ngàn tỉ!

 

Không chỉ có thế. Trong khi ông tiến sĩ ở Học viện Chính trị Khu vực 3 cùng với báo điện tử Chính phủ tán rằng, những chỉ số trong báo cáo của chính phủ về kinh tế - xã hội chín tháng vừa qua cho thấy “kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng với những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế thế giới rất khó khăn”,... rồi “các chỉ tiêu tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư được coi là ‘cỗ xe tam mã’ kéo tăng trưởng kinh tế Việt Nam bứt tốc”,... thì tờ Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của BCH TƯ đảng, dẫn ý kiến của các chuyên gia, giải thích về hiện tượng tiền của ngân hàng bị... ế: Nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng thấp là do sự hấp thụ của nền kinh tế. Tăng trưởng ở mức thấp do cầu tín dụng giảm khi ba động lực đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu đều suy yếu, giải ngân đầu tư công chậm. Ngoài ra, thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm, ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng chung (8)... Nếu tin các chuyên gia thì những số liệu của chính phủ về tăng trưởng có khác gì số được “cậu” cho để đánh... đề?

 

                                                ***

Bởi số người bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân” tại Việt Nam càng ngày càng nhiều dù đa số chỉ bày tỏ suy nghĩ của họ về hiện trạng kinh tế - xã hội nên kẻ viết bài này thắc mắc, chẳng lẽ vì “lợi ích của nhà nước, tổ chức” thì có quyền nói bừa về hiện trạng kinh tế - xã hội?

 

--------------

Chú thích

 

(1) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-41-cua-bo-chinh-tri-ve-phat-huy-vai-tro-doi-ngu-doanh-nhan-119231011165500282.htm

 

(2) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-09-nqtw-ngay-9122011-cua-bo-chinh-tri-ve-xay-dung-va-phat-huy-vai-tro-cua-doi-ngu-doanh-nhan-viet-nam-267

 

(3) https://tuoitre.vn/den-nam-2030-viet-nam-se-co-khoang-24-trieu-doanh-nghiep-nho-va-sieu-nho-20211209182736505.htm

 

(4) https://vnexpress.net/doanh-nghiep-mong-thoat-day-trong-nam-2024-4663234.html

 

(5) https://baochinhphu.vn/tang-truong-gdp-quy-iii-vuot-mong-doi-trong-boi-canh-rat-kho-khan-102231003175132893.htm

 

(6) https://nhandan.vn/nang-cao-trach-nhiem-trong-giai-ngan-von-dau-tu-cong-post755683.html

 

(7) https://tienphong.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-thap-cat-von-xu-ly-trach-nhiem-post1574514.tpo

 

(8) https://nhandan.vn/ngan-hang-e-von-gia-cao-post764423.html

 







 

No comments: