Phương
Tây mệt mỏi với việc hỗ trợ chiến tranh Ukraina ?
Chi Phương - RFI
Đăng
ngày: 04/10/2023 - 14:34
Về
chiến tranh Ukraina, báo La Croix hôm nay, 04/10/2023, có tựa « Những đồng minh
của Ukraina đang có nguy cơ ‘hết hơi’ ». Nhật báo Công giáo cho biết Kiev đang
phải lo lắng liệu các hỗ trợ từ phương Tây sẽ ngày càng giảm đi hay không khi
mà lực lượng Ukraina gặp khó khăn, khó tiến triển trên chiến trường.
Từ
phải qua: Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba và lãnh đạo ngoại giao Liên Âu
Josep Borrell đến viếng Bức tưởng Tưởng niệm Tử sĩ Bảo vệ Tổ quốc Ukraina,
Kiev, Ukraina, ngày 02/10/2023. via REUTERS - MINISTRY OF FOREIGN AFFAIRS
OF U
Theo
La Croix, phương Tây giảm bớt trợ giúp cho Ukraina cũng là ván cược của tổng
thống Nga Vladimir Putin. Vào đầu tuần này, phát ngôn viên tổng thống Nga
Dmitri Peskov, đã bảo đảm rằng « sự mệt mỏi đối với việc ủng hộ Ukraina
một cách vô lý sẽ gia tăng tại nhiều quốc gia ». Trước tiên là căng
thẳng với Ba Lan khi quan chức nước này đưa ra tuyên bố gây bất ngờ hôm 20/09 vừa
qua : mong muốn chấm dứt viện trợ thiết bị quân sự cho Ukraina. Ba Lan là một
trong nước hỗ trợ chủ chốt cho Ukraina kể từ đầu cuộc chiến, với các loại vũ
khí từ thời Liên Xô. Đảng cầm quyền Ba Lan PiS đưa ra thông báo này giữa cuộc
bầu cử lập pháp vì lo ngại rằng những cử tri của mình sẽ bị lôi kéo bởi phe cực
hữu phản đối hỗ trợ Ukraina.
Tình
hình ở Slovakia cũng đáng lo ngại đối với Kiev khi nước này cũng là một nước hỗ
trợ nhiều cho Ukraina, với các hệ thống phòng không như S-300 hay các chiến đấu
cơ cũ Mig-29. Trước tình trạng lạm phát gần 10 % và sự mệt mỏi của người dân
đối với việc tiếp đón người tị nạn Ukraina, hôm 01/10, đảng thân Nga Slovak
Social Democracy của ông Robert Fico với lập trường phản đối ủng hộ cho
Ukraina, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp. Có nguy cơ Slovakia
sẽ cùng với Hungary phản đối các biện pháp hỗ trợ Ukraina tại các cuộc họp của
Liên Hiệp Châu Âu, như phiếu phản đối của Budapest đối với gói hỗ trợ 500 triệu
euro cho Kiev.
Điều
đáng lo ngại nhất đối với Ukraina hiện nay đó là từ phía Hoa Kỳ, quốc gia đã
cung cấp một nửa thiết bị mà quân đội của Kiev đang sử dụng tại chiến trường
hiện nay. Quốc Hội Hoa Kỳ gần đây đã tạm đình chỉ khoản trợ giúp cho Ukraina
lên đến gần 6 tỷ đô la, do những bất đồng giữa phe Cộng Hòa và Dân Chủ. Nga thì
đang tính đến việc các trợ giúp của phương Tây dành cho Kiev sẽ dần mất đà,
thậm chí là tê liệt trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm sau. Nhất là việc cựu
tổng thống Donald Trump, với tham vọng trở lại Nhà Trắng và « muốn chấm
dứt xung đột Ukraina trong một ngày ».
Nhật
báo Công Giáo dẫn lời tướng Michel Ykovleff, cựu phó tham mưu trưởng của cơ
quan chỉ huy của NATO, cho rằng « hỗ trợ Ukraina là vì lợi ích của
người dân Mỹ , với 5 % ngân sách quốc phòng chi cho Ukraina để tiêu diệt bộ máy
quân sự Nga nhưng lãi thu về rất cao. Nhưng ngược lại, nếu từ bỏ đồng minh
Ukraina thì sẽ củng cố mục tiêu chiếm Đài Loan của Trung Quốc ».
Hôm
thứ Hai vừa qua, các ngoại trưởng Liên Âu họp tại Kiev, để tái khẳng định ủng
hộ Ukraina, bác bỏ « sự mệt mỏi đối với chiến tranh Ukraina »,
nhưng theo Le Monde, các ngoại trưởng Liên Âu không đưa ra được cam kết cứng
rắn nào. Nếu La Croix nêu ra sự thất vọng xen lẫn tức giận của người dân
Ukraina trước sự ủng hộ đang trên đà suy giảm của phương Tây, thì phóng sự của
Le Monde tại Odessa, cho thấy những người dân Ukraina đăng ký học đại học vì
muốn trốn nghĩa vụ quân sự. Sinh viên là một trong những trường hợp được miễn
trừ nhập ngũ theo thiết quân luật. Vì thiếu nguồn lực cho chiến tranh, các xe
tuần tra của các cơ sở tuyển quân hiện diện khắp thành phố, đặc biệt là trước
cửa các trường đại học. Nếu bị kiểm tra và không phải trong trường hợp miễn
trừ, thì người đó sẽ nhận được một giấy triệu tập. Trước lo lắng bị gửi ra tiền
tuyến, một nhóm Telegram đã được thành lập, quy tụ gần 200 000 người, để cập
nhật những thông tin về địa điểm mà xe tuần tra có mặt, nhằm tránh bị kiểm tra.
Tương lai
của Nhà Thờ Công Giáo ?
Cuộc
họp Thượng hội đồng toàn thể của Nhà thờ Công Giáo bắt đầu hôm nay và kéo dài
trong vòng ba tuần là chủ đề được nhiều báo số ra ngày 04/10/2023 quan tâm.
Trong mục quốc tế, Le Monde chạy tựa lớn trang nhất « Tương lai của nhà
thờ Công Giáo đang được tranh luận » tại Roma, Ý. 364 người tham gia
Thượng hội đồng, một số giám mục được bầu ra bởi hội đồng giám mục, một số
thành viên khác thì được chính Giáo hoàng chỉ định. Đây là lần đầu tiên những
giáo dân, không phải giám mục hay hồng y, có thể tham gia tranh luận tại Thượng
hội đồng, trong đó 54 người là phụ nữ. Cuộc họp sẽ tranh luận về chủ đề chính
như cách quản trị Nhà thờ, vị trí của phụ nữ trong Giáo hội, cách xử lý tình
trạng bạo lực tình dục mà các giáo sĩ vi phạm, đồng tính… Theo Le Monde, đây là
một cuộc họp mang tính lịch sử, những chủ đề này có thể làm xáo động thể chế
tôn giáo này. Các tín đồ từ khắp nơi trên thế giới sẽ họp tại giáo xứ của họ
sau đó gửi đóng góp ý kiến tới Roma về cách mà Giáo hội nên hoạt động ra sao
trong thời đại này.
Sự
kiện này cũng là hồ sơ lớn trên La Croix với tựa lớn trang nhất : « Nhà
Thờ, đã đến lúc để cải cách ? » Nhật báo Công Giáo Pháp cho biết sau
hai năm tham vấn những tín đồ trên toàn thế giới, phiên họp toàn thể của Thượng
hội đồng mang tính quyết định đối với Giáo hoàng Phanxicô. Từ nhiều tháng qua,
Giáo hoàng đã không ngừng nhấn mạnh rằng phiên họp này không liên quan đến
chính trị và là một tiến trình tâm linh, « không có chỗ cho tư tưởng,
mà thay vào đó là các cuộc đối thoại ».
La
Croix cũng cho biết văn bản mà Thượng hội đồng soạn ra sau khi kết thúc cuộc
họp chỉ được coi là một đề xuất gửi cho Giáo hoàng chứ không có hiệu lực ngay
lập tức. Đức Phanxicô có thể lấy lại toàn bộ hoặc một phần để soạn ra một tông
huấn, nhưng văn kiện cuối cùng sẽ chỉ được công bố vào phiên họp toàn thể lần
thứ hai, diễn ra vào tháng 10 năm 2024. Trong Giáo hội Công Giáo, nhiều người
tỏ ra hoài nghi, một số khác bày tỏ lo sợ vì Giáo hội có thể bị suy yếu vì sự
chia rẽ giữa những người muốn thúc đẩy những tiến bộ phù hợp với xã hội hiện
đại, và những người bảo thủ giá trị truyền thống.
Nếu
Le Monde, trong bài đăng cùng hồ sơ, nêu ra cách mà Giáo hoàng bổ nhiệm hồng y
mới, thì Le Figaro và Libération cùng đề cập đến việc 5 vị hồng y bày tỏ nghi
ngờ về phiên họp toàn thể này. Họ đã công khai phản đối những chủ đề mang tính
cải cách, như việc ban phúc cho các cặp đôi đồng tính tại nhà thờ, hoặc phong
chức linh mục cho phụ nữ. Năm hồng y này cũng nhắc lại rằng Thượng hội đồng chỉ
có quyền tham vấn chứ không thể thay đổi học thuyết tôn giáo. Giáo hoàng Phan
xi cô đã đưa ra câu trả lời đối với các vị hồng y này, ngài nhấn mạnh rằng «
chỉ sự kết hợp ổn định, bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ, cho
phép sinh sản con cái tự nhiên mới được gọi là hôn nhân », tuy nhiên, « chúng
ta không thể là những thẩm phán, chỉ phủ nhận, bác bỏ,…, cần phải xem xét những
hình thức ban phúc được một hoặc nhiều người yêu cầu có truyền tải một quan
niệm sai lầm về hôn nhân hay không ». Libération cho biết Giáo hoàng đã tự mình
bổ nhiệm một người theo Dòng chúa Giêsu người Mỹ, James Martin tham gia vào
Thượng hội đồng. James Martin được biết là một người ủng hộ mạnh mẽ quyền lợi
cho người đồng tính tại Nhà Thờ.
Xã
luận La Croix cho rằng một trong những khó khăn đối với ban tổ chức đó là làm
sao để phiên họp toàn thể này không bị thu gọn thành một tập hợp các ý kiến,
hoặc tạo xung đột giữa phe bảo thủ và phe ủng hộ cải cách, có thể làm rung
chuyển Giáo hội. Đây sẽ là một ván cược lớn của Giáo hoàng.
Giải Nobel
: Nhân tài Pháp nghiên cứu ở nước ngoài
Về
giải Nobel năm nay, Le Monde nói về giải Nobel y học được công bố hôm 02/10, dành
cho hai nhà khoa học Katalin Kariko và Drew Weissman của đại học Pennsylvania,
đã nghiên cứu ra loại vac-xin ARM ngừa Covid-19, đã cứu sống hàng tỷ người.
Libération tiếp tục với giải Nobel vật lý được trao ngày hôm qua, 03/10, cho 2
nhà khoa học người Pháp Anne L’Huillier, Pierre Agostini và một nhà khoa học
người Áo Hung Ferenc Krausz vì các công trình nghiên cứu liên quan đến atto
giây : 1 atto giây tương đương với 31,7 tỷ năm. Theo Libération, nghiên cứu này
cho phép hiểu được thang thời gian vô cùng nhỏ của một vật chất, cho phép quan
sát, kiểm soát, thậm chí là sửa đổi các electron trong vật chất. (Ví dụ biến
một vật không dẫn điện thành dẫn điện). Nghiên cứu được cho là mang tính cách
mạng và có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực điện toán hoặc hóa học, hay trong
lĩnh vực y tế, sản xuất thuốc hoặc chuẩn đoán sớm một số bệnh.
Cũng
về chủ đề này, Le Figaro thì chỉ ra rằng những nhà khoa học Pháp được vinh danh
nhưng không có trường đại học Pháp nào được nêu tên. Hai nhà khoa học giành
giải Nobel vật lý, thì cả hai đều đang làm việc, nghiên cứu tại nước ngoài từ
nhiều năm qua. Bà Anne L’Huillier hiện đang làm việc tại trường đại học Lund ở
Thụy Điển, còn ông Pierre Agostini thì đã rời Pháp từ năm 2002, hiện giảng dạy
ở đại học bang Ohio của Hoa Kỳ. Nhật báo cánh hữu của Pháp cũng nêu ra các
trường hợp nhà khoa học đoạt giải Nobel khác nhưng không làm việc tại Pháp. Ví
dụ như trường hợp của giải Nobel hóa học năm 2020, Emmanuelle Charpentier, do
không tìm được chỗ làm tương xứng ở Pháp nên đành tìm cơ hội ở Đức. Theo Le
Figaro, đa số các nhà khoa học Pháp mệt mỏi vì các thủ tục giấy tờ rối rắm, mất
thời gian để xin tài trợ, cùng với đồng lương ít ỏi. Nhật báo thiên hữu kết
luận rằng nếu những người tài năng nhất buộc phải đi nơi khác làm việc thì Pháp
sẽ dần mất đi những người đào tạo tài giỏi nhất.
Tổng thống
Macron muốn sửa đổi Hiến Pháp
Về
thời sự nước Pháp, nếu như Les Echos cho biết bộ Tài Chính dự trù tăng sức mua
của người tiêu dùng vào năm nay và năm 2024, thì Le Figaro nêu ra những đường
hướng sửa đổi Hiến Pháp mà tổng thống Emmanuel Macron trình bày trước Hội Đồng
Bảo Hiến hôm nay. Ông Macron trước đó đã tiết lộ một số ý định về cải cách muốn
đưa vào Hiến Pháp : Quyền phá thai, mở rộng các cuộc trưng cầu dân ý đối với
các vấn đề xã hội, hoặc quy chế tự chủ của đảo Corse… Để các sửa đổi này được
thông qua thì cần phải có được đồng thuận từ Quốc Hội lưỡng viện, cùng đưa ra
một văn bản thống nhất, trước khi được ba phần năm nghị sĩ của Quốc Hội thông
qua. Điện Elysée đã thừa nhận rằng cần phải tìm được cách để huy động lực lượng
chính trị, vượt qua những sự chia rẽ hiện có.
--------------------------
Các
nội dung liên quan
Chiến
tranh Ukraina còn kéo dài, phương Tây có đủ kiên nhẫn ?
No comments:
Post a Comment