Những
điều cần biết về xung đột Israel-Hamas
Daniel Byman và Alexander Palmer | Foreign
Policy
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2023/10/10/nhung-dieu-can-biet-ve-xung-dot-israel-hamas/
Tình
hình đang rất hỗn loạn, giao tranh vẫn tiếp diễn. Nhưng đã có thể rút ra một số
quan sát như sau.
Sáng ngày 7/10, Hamas, nhóm chiến binh người Palestine, đã thực hiện một
cuộc tấn công lớn vào Israel với quy mô và phạm vi gần như chưa từng có tiền lệ.
Theo Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Hamas đã bắn tên lửa từ Gaza và các thành
viên của tổ chức này đã thâm nhập qua biên giới Israel, nơi họ tham gia các cuộc
đọ súng tại bảy địa điểm khác nhau ở miền nam Israel. Có ít nhất 250 người
Israel đã thiệt mạng và con số này dự kiến sẽ còn tăng lên, với hơn 1.400 người
bị thương, trong đó ít nhất 18 người bị thương nặng và 267 người trong tình trạng
nghiêm trọng. Hamas cũng được cho là đã bắt hàng chục người Israel làm con tin,
công bố video để khẳng định tuyên bố của mình.
Thông tin ban đầu cho thấy đây là cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ
trong lịch sử Israel gần đây. IDF cho biết khoảng 2.200 quả rocket đã được
phóng đi trong đợt tấn công đầu tiên, khiến đây là cuộc tấn công bằng rocket lớn
nhất nhắm vào Israel kể từ khi Hamas nắm quyền kiểm soát Gaza vào năm 2007. Số
lượng rocket được phóng lớn gấp nhiều lần so với các cuộc tấn công vào đầu năm
2014 và năm 2021. Quân Hamas dường như cũng sáng tạo hơn trước, khi sử dụng dù
lượn cùng nhiều phương tiện khác để bất ngờ xâm nhập Israel. Cuộc xâm nhập này
đặc biệt tàn khốc đối với Israel xét đến số lượng người thiệt mạng và con tin bị
bắt giữ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố “Chúng ta đang có chiến
tranh” và chính thức phát động Chiến dịch Thanh kiếm Sắt, tiến hành các cuộc
không kích ở Gaza và động viên lực lượng dự bị. Al Jazeera đưa tin rằng phản ứng
của Israel đã cướp đi sinh mạng của 232 người ở Gaza và chắc chắn sẽ còn nhiều
người nữa thiệt mạng.
Tình hình đang rất hỗn loạn và giao tranh vẫn tiếp diễn – con số cuối
cùng về người chết, bị thương, và bị bắt làm con tin có thể lớn hơn nhiều so với
báo cáo ban đầu. Thông tin ban đầu thường không đầy đủ, bị phóng đại ở một số
khía cạnh và bị đánh giá thấp ở những khía cạnh khác, thậm chí trong một số trường
hợp còn là thông tin sai lệch hoàn toàn. Nhưng hiện chúng ta đã có thể rút ra một
số quan sát như sau.
1. Hamas đang đi vào ngõ cụt
Hamas đã quản lý dải Gaza kể từ khi lên nắm quyền tại đây vào năm 2007,
và tổ chức này luôn phải vật lộn với sự căng thẳng cố hữu giữa việc quản lý khu
vực với việc duy trì tư cách là người lãnh đạo phe kháng chiến chống Israel của
người Palestine. Hamas đã làm như vậy trước sự phản đối từ Israel và quốc tế;
trước những áp lực kinh tế lớn mà Israel tăng lên hoặc giảm bớt nhằm khuyến
khích các hành động hòa bình từ Hamas; và trước những nỗ lực khác của đối thủ của
họ, Chính quyền Dân tộc Palestine (PA), do Mahmoud Abbas lãnh đạo.
Suốt 16 năm qua, các nhà lãnh đạo Hamas đã cố gắng thu hút người
Palestine bằng cách chứng tỏ rằng họ, chứ không phải PA, có khả năng cai trị tốt
hơn. Trong chừng mực nào đó, Hamas đã thành công. Bất chấp sự cô lập về kinh tế
quốc tế, Hamas vẫn cung cấp các dịch vụ như thu gom rác và hành pháp hiệu quả
hơn nhiều so với những người tiền nhiệm PA ở Gaza. Hamas cũng thể hiện mình ít
tham nhũng hơn các nhà lãnh đạo PA, và đây không phải là một lập luận khó chứng
minh.
Tuy nhiên, Hamas tự coi mình là một tổ chức phản kháng, và họ cần phải
đạt được điều đó trên phương diện chính trị. Một phần nguyên nhân là do thành
tích quản lý Gaza của họ không nhất quán. Cư dân ở Gaza có cuộc sống rất khó
khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao và nghèo đói tràn lan. Khả năng để Hamas giành quyền
lãnh đạo dựa trên việc cải thiện chất lượng cuộc sống của dân thường Palestine
còn hạn chế.
Đồng thời, các nhà lãnh đạo Hamas xem Israel là một thực thể bất hợp
pháp và thù địch. Họ tin rằng việc tấn công Israel là chính đáng, và cuối cùng,
họ có thể thu được lợi ích chính trị từ việc đó. Họ biết rằng người dân Gaza sẽ
phải trả cái giá khủng khiếp trước phản ứng của Israel, nhưng họ hy vọng rằng
thoả thuận chính trị cuối cùng sẽ có lợi cho họ.
Ngay cả khi thoả thuận chỉ đơn giản là một biến thể của hiện trạng, họ
vẫn muốn đạt được mục tiêu chính trị (và theo đó làm mất uy tín của PA) bằng
cách chứng tỏ rằng họ, chứ không phải PA, đang đứng lên chống lại Israel. Họ
cũng có thể củng cố sự ủng hộ từ các phần tử cực đoan hơn trong tổ chức và từ
các đối thủ tiềm năng như Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine, vốn đã phẫn
nộ vì cho rằng Hamas lãnh đạo nhưng không hành động.
2. PA đang vướng vào tình thế lưỡng nan
PA đang ở trong một cái bẫy chính trị. Họ muốn thấy Hamas thất bại
nhưng không thể công khai cổ vũ cho Israel. PA tuyên bố đại diện cho tất cả người
Palestine, một lập trường không phù hợp với quyền lực độc lập của Hamas ở Gaza.
Abbas và các nhà lãnh đạo PA khác đã ngầm ủng hộ việc cô lập Gaza, và lực lượng
an ninh của PA đã hợp tác chặt chẽ với Israel để đè bẹp Hamas ở Bờ Tây, theo đó
dẫn đến những hành động bạo lực trong quá trình này. (Hamas đã trả đũa bằng
cách nhắm vào những người ủng hộ PA ở Gaza.)
Ngày nay, PA đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về tính chính
danh. Sau khi tiến trình hòa bình sụp đổ, PA không còn cách nào khác để nói với
người dân Palestine rằng họ nắm trong tay con đường dẫn đến một nhà nước độc lập.
Sự phát triển không kiểm soát của các khu định cư Israel ở Bờ Tây, các cuộc
thanh trừng sắc tộc do người định cư Israel thực hiện, và sự khinh thường công
khai mà nhiều thành viên trong liên minh của Netanyahu dành cho người
Palestine, tất cả đều làm tăng thêm sự sỉ nhục đối với PA. Bản thân Abbas đã 87
tuổi và cũng ít được người Palestine yêu mến. Cuối cùng, khi ông rời đi, hỗn loạn
có thể nhấn chìm PA, trong khi Hamas ngày càng gia tăng ảnh hưởng của mình.
Đối với dân thường Palestine, đặc biệt là những người không sống trong
vùng nguy hiểm, cuộc tấn công của Hamas có thể mang lại cảm giác hài lòng nhất
định, cho thấy rằng người Israel sẽ phải trả giá nếu họ phớt lờ các quyền của
người Palestine. Sự hoài nghi về các cuộc đàm phán hòa bình và ý định của
Israel đã lên cao giữa những người Palestine ngay trước cuộc giao tranh mới nhất.
Do đó, trước mặt công chúng, PA sẽ tiếp tục chỉ trích Israel, nhất là vì có một
số lượng lớn người Palestine thiệt mạng sau phản ứng của Israel, dù họ hy vọng
rằng Israel sẽ tiêu diệt Hamas và tổ chức này sẽ yếu hơn.
3. Cuộc tấn công cho thấy một thất bại lớn của tình
báo Israel
Dù căng thẳng tăng cao đã lâu, với hàng loạt cảnh báo về phong
trào Intifada lần thứ ba, quy mô của cuộc tấn công lần này đã
khiến Israel cũng như các nhà quan sát bên ngoài bị bất ngờ. Các quan chức
Israel đã thừa nhận rằng đây là một thất bại lớn về mặt tình báo.
Về mặt chiến thuật, Israel đã không chuẩn bị cho khả năng các chiến
binh Hamas xâm nhập qua biên giới và tiến hành một chiến dịch quy mô lớn ngay
trước mũi Israel. Cuộc tấn công cũng là một bất ngờ về mặt chiến lược, vì
Israel đã không chuẩn bị cho một cuộc giao tranh leo thang kịch tính như vậy.
Và thời điểm của cuộc tấn công còn càng làm tăng mức độ sỉ nhục, bởi nó xảy ra
gần sát ngày kỷ niệm 50 năm cuộc tấn công bất ngờ đã khơi mào cho Chiến
tranh Ả Rập-Israel năm 1973, vốn được cho là thất bại tình báo lớn nhất
trong lịch sử Israel.
Chắc chắn, các cuộc điều tra về thất bại tình báo này sẽ tìm kiếm câu
trả lời cho câu hỏi tại sao cơ quan an ninh nổi tiếng của Israel lại bị bất ngờ.
Một lý do có thể là mức độ tự mãn của các nhà lãnh đạo Israel. Vấn đề Palestine
dường như đã được giải quyết thành công suốt nhiều năm, và việc Israel phản ứng
mạnh mẽ trước bất kỳ xung đột nào đã đảm bảo rằng Hamas sẽ luôn tìm cách đàm
phán. Hệ thống phòng không Vòm Sắt và các hệ thống khác dường như đã bảo vệ người
Israel khỏi rocket và súng cối từ Gaza, trong khi hàng rào dọc biên giới với
Gaza có nghĩa là việc xâm nhập dường như là bất khả thi.
Người Israel cũng có thể đã đánh giá thấp khả năng tình báo của Hamas,
tin rằng tổ chức này sẽ không rút ra được các bài học từ những thất bại trong
quá khứ. Tuy nhiên, các nhà quan sát từ lâu đã cảnh báo rằng tình hình ở
Palestine đang sôi sục và Hamas vẫn đang tìm cách lật ngược tình thế trước
Israel.
Cuộc tấn công ngày 07/10 cũng là một thất bại lớn đối với chính phủ
Netanyahu. Đây là một vấn đề đặc biệt khi xét đến bối cảnh chính trị của
Israel, vì Netanyahu đã tự cho mình là một chính trị gia có thể lãnh đạo cuộc
chiến chống khủng bố, buộc người Palestine phải tuân theo ý muốn của ông, và
luôn áp dụng chính sách an ninh cứng rắn.
Giao tranh xảy ra vào thời điểm Netanyahu đang phải đối mặt với những
thách thức quan trọng khác. Những nỗ lực của ông nhằm làm suy yếu đáng kể quyền
lực của Tòa án Tối cao Israel đã dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ, và bản thân
ông cũng đang bị truy tố về tội hối lộ, lừa đảo, và lợi dụng lòng tin. Ông vẫn
có những người ủng hộ cốt lõi, nhưng sẽ không thể chịu được thiệt hại về uy tín
của mình. Ngoài ra, ông còn đang dựa vào một chính phủ cực hữu, với một số bộ
trưởng công khai phân biệt chủng tộc, những người từ lâu đã kêu gọi đối xử cứng
rắn hơn với người Palestine, đặc biệt là khi bạo lực xảy ra.
4. Vấn đề con tin sẽ làm tình hình trở nên phức tạp
hơn rất nhiều
Ngoài số người chết cao, một trong những điều khó giải quyết nhất đối với
Israel sẽ là các con tin mà Hamas bắt giữ. Trong quá khứ, Israel đã phải đàm
phán suốt nhiều năm để kẻ thù trao trả các công dân Israel – đôi khi là thi hài
của họ. Ví dụ, vào năm 2011, chính phủ Netanyahu đã trao đổi hơn 1.000 tù nhân
để lấy Gilad Shalit, một binh sĩ Israel bị Hamas bắt giữ năm 2006.
Những con tin mà Hamas bắt giữ sẽ là những con bài thương lượng mạnh mẽ,
đem lại cho Hamas lựa chọn đáp trả hành động quân sự của Israel bằng cách đe dọa
làm hại, hoặc thực sự làm hại hoặc giết các con tin. Sự hiện diện của các con
tin ở Gaza cũng gây một áp lực khác lên các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của
Israel. Cuộc tấn công của Hamas đã kích động trả đũa quân sự quy mô lớn, nhưng
việc giải cứu được nhiều con tin còn sống sẽ có khả năng thành công cao hơn khi
chỉ thực hiện các hoạt động ở quy mô nhỏ như đàm phán hoặc các chiến dịch của lực
lượng đặc nhiệm.
5. Israel được kỳ vọng sẽ phản ứng cứng rắn
Phản ứng ban đầu của Israel bao gồm việc nhắm mục tiêu vào các cơ sở
rocket và tên lửa của Hamas ở Gaza, cũng như cố gắng vây bắt những kẻ xâm nhập
và ngăn chặn các chiến binh khác xâm nhập vào Israel – đó là một loạt nhiệm vụ
khó khăn.
Israel sẽ cố gắng khôi phục lại khả năng răn đe bằng cách cho Hamas thấy
rằng họ sẽ phải trả giá đắt cho hành động của mình. Hiện tại, cuộc tấn công vào
Israel sẽ được nhiều người Israel và Palestine coi là một chiến thắng dành cho
Hamas. Bởi tổ chức này yếu hơn Israel rất nhiều, nên khả năng tấn công của họ –
và với mức độ thương vong lớn như vậy – là rất ấn tượng, ngay cả khi phản ứng của
Israel còn tàn khốc hơn nhiều. Israel đang ưu tiên răn đe, không chỉ để ngăn
Hamas tấn công, mà còn để chống lại Hezbollah, Iran, và các đối thủ khác, vì
các nhà lãnh đạo của nước này tin rằng điểm yếu trên một mặt trận sẽ lan sang
các mặt trận khác.
Khi Israel đối đầu với Hezbollah vào năm 2006, việc Hezbollah tiếp tục
tấn công và giết chết hơn 100 người Israel đã gửi đi thông điệp rằng nhóm này
có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho Israel, ngay cả khi cuối cùng Hezbollah và
Lebanon phải chịu nhiều thiệt hại hơn. Israel đã chật vật suốt nhiều năm để
khôi phục khả năng răn đe chống lại Hamas, và họ vẫn tiếp tục lo lắng – với lý
do chính đáng – rằng họ đang thất bại.
Ngoài các cuộc không kích đáp trả, phản ứng của Israel có thể liên quan
đến các chiến dịch mặt đất quan trọng ở Gaza. Trong quá khứ, Israel đã đúng khi
thận trọng xem xét các chiến dịch mặt đất, bất chấp lời kêu gọi của một số nhà
lãnh đạo nước này nhằm giải quyết vấn đề Hamas một lần và mãi mãi. Trước đây,
tính chất hạn chế hơn của xung đột đã cho phép các nhà lãnh đạo thận trọng như
Netanyahu có thể duy trì áp lực kinh tế và các cuộc không kích, giảm thiểu rủi
ro cho binh lính Israel.
Tuy nhiên, quy mô của cuộc tấn công mới nhất của Hamas tạo ra áp lực rất
lớn cho Israel nhằm cố gắng loại bỏ tổ chức này khỏi Gaza – vốn là một nhiệm vụ
gần như bất khả thi vì Hamas có nền tảng kinh tế, tôn giáo, và xã hội sâu sắc ở
khu vực này. Chí ít, các nhà lãnh đạo Israel sẽ cảm thấy áp lực khi phải đạt được
thành công cụ thể, chẳng hạn như thông qua các vụ giết hại hoặc bắt giữ các
lãnh đạo cấp cao của Hamas, cũng như qua các dấu hiệu rõ ràng và trực quan khác
để cho thấy Israel đang trả thù. Hamas cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, và
dân thường Gaza chắc chắn sẽ phải trả giá đắt.
----
Daniel
Byman là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế
(CSIS) và là giáo sư tại Trường Quan hệ Đối ngoại của Đại học Georgetown. Cuốn
sách mới nhất của ông là “Spreading Hate: The Global Rise of White Supremacist
Terrorism.”
Alexander
Palmer là cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc
tế.
Nguồn: Daniel Byman và Alexander Palmer, “What
You Need to Know About the Israel-Hamas Violence,” Foreign Policy, 07/10/2023
No comments:
Post a Comment