Nhiều
lời kêu gọi Iran trả tự do cho khôi nguyên Nobel Hòa Bình
Thu Hằng / RFI
Đăng ngày: 07/10/2023 - 14:01
Narges Mohammadi, nữ nhà
báo, nhà đấu tranh nhân quyền 51 tuổi người Iran, là nhân vật bị cầm tù thứ 5
được trao giải Nobel Hòa Bình. Đối với chính quyền Teheran, quyết định của Ủy
ban Nobel Na Uy mang tính « chính trị ». Tuy nhiên, ngay
sau khi nữ tù nhân lương tâm được trao giải hôm 06/10/2023, ngày càng xuất hiện
nhiều lời kêu gọi trả tự do cho bà.
Nhà báo Narges Mohammadi tại một địa điểm không được tiết lộ ở Iran. Ảnh
được công bố ngày 06/10/2023. via REUTERS - NARGES MOHAMMADI'S FAMILY
Gia đình bà Narges Mohammadi hoan nghênh « một thời điểm lịch sử cho cuộc đấu tranh vì tự do ở
Iran ». Trả lời RFI ngày 06/10, Ali Rahmani, 17 tuổi,
một trong hai người con của bà Narges Mohammadi, hiện sống tị nạn ở Paris với
cha, không giấu được cảm xúc và cho biết « rất tự hào về mẹ. Bà xứng với giải Nobel Hòa Bình, vì đó là thành quả của
công việc mà bà cống hiến gần nửa cuộc đời. Giải thưởng đó không chỉ dành riêng
cho mẹ tôi mà còn dành cho phong trào « Phụ nữ, Cuộc sống, Tự do » - một lý tưởng
lớn lao hơn, quý giá hơn đối với mẹ tôi ».
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres
đánh giá giải thưởng được trao cho nữ tù nhân Iran là « để tri ân tất cả những
người phụ nữ đang đấu tranh cho quyền lợi của mình ». Còn đối với tổng thống
Pháp Emmanuel Macron, đó là « một lựa chọn mạnh mẽ đối với một nhà đấu tranh
cho tự do ».
Bị cầm tù tại Iran từ nhiều
năm, rất ít khả năng nhà đấu tranh cho nữ quyền được trả tự do trước thời hạn.
Tuy nhiên, từ giờ tình trạng sức khỏe của bà sẽ được cộng đồng quốc tế chú ý.
Có thể gia đình sẽ thay mặt bà đến nhận giải vào tháng 12.
=====================================================
Nobel
Hòa bình 2023 trao cho tù nhân chính trị Iran Narges Mohammadi
Minh An -
Saigon Nhỏ
6 tháng 10, 2023
Nhà hoạt động Iran đang bị
bỏ tù Narges Mohammadi đã được trao giải Nobel Hòa bình 2023 với thành tích đấu
tranh chống lại sự áp bức phụ nữ ở Iran và những nỗ lực của bà nhằm thúc đẩy
nhân quyền và tự do. Mohammadi là một trong những nhà vận động nhân quyền hàng
đầu của Iran, từ lâu vốn nổi tiếng ủng hộ quyền phụ nữ cũng như việc bãi bỏ án
tử hình.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/GettyImages-1228496113.jpg
Bà Narges Mohammadi (ảnh: Morteza
Nikoubazl/NurPhoto via Getty Images)
Berit Reiss-Andersen, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy,
bắt đầu việc công bố giải thưởng bằng cách nhắc lại những từ “Phụ nữ, Cuộc
sống, Tự do”, khẩu hiệu của phong trào quần chúng vì quyền phụ nữ nổ ra ở Cộng
hòa Hồi giáo Iran vào năm ngoái sau cuộc biểu tình của giới trẻ chấn động thế
giới, nổ ra sau cái chết của Mahsa Amini (bị giết khi bị cảnh sát đạo đức Iran
giam giữ bởi “tội” vi phạm quy định về trang phục). Reiss-Andersen nói,
Mohammadi, 51 tuổi, từ lâu đã là tấm gương cho những nguyên tắc đấu tranh dân chủ
và cá nhân bà phải trả giá đắt. Reiss-Andersen nói: “Tổng cộng, chế độ này
(Iran) đã bắt bà ấy 13 lần, xử án bà 5 lần và kết án tổng cộng 31 năm tù và 154
roi”.
Narges Mohammadi là người thứ năm được trao Nobel
Hòa bình khi bị giam cầm. Những năm 1990, bà Narges Mohammadi học vật lý trước
khi làm kỹ sư. Tuy nhiên, cuộc đời của bà gắn liền với những hành động đấu
tranh, trở thành người ủng hộ bình đẳng và quyền phụ nữ, vận động bãi bỏ án tử
hình.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/GettyImages-1245879282.jpg
Một trong những cuộc biểu tình tại Teheran vào Tháng
Mười Hai 2022 (ảnh: Morteza Nikoubazl/NurPhoto via Getty Images)
Năm 2011, bà bị bắt lần đầu vì nỗ lực hỗ trợ các nhà
hoạt động bị giam giữ cũng như gia đình họ. Bị buộc tội “gieo rắc tuyên
truyền”, Narges Mohammadi hiện thụ án 10 năm trong nhà tù Evin khét tiếng ở
Tehran. Ngay trong tù, bà cũng nổi tiếng không khuất phục, khi chống lại những
điều kiện giam giữ tồi tệ được áp dụng cho bản thân bà cũng như cho các bạn tù
nữ, đặc biệt việc sử dụng hình thức tra tấn và biệt giam.
Năm ngoái, Narges Mohammadi xuất bản cuốn “Tra tấn
trắng” nói về việc Iran áp dụng biện pháp biệt giam và “tước đoạt cảm giác” của
tù nhân. Bà viết: “Mục đích của tra tấn trắng là phá vỡ vĩnh viễn mối liên hệ
giữa cơ thể và tâm trí của một người để buộc cá nhân đó từ bỏ đạo đức và hành
động của mình”. Mohammadi viết lời tựa cho cuốn sách trong thời gian được tạm
tha ngắn hạn vì lý do y tế vào năm ngoái. Bà viết: “Họ sẽ lại tống tôi vào song
sắt, nhưng tôi sẽ không ngừng vận động cho đến khi nhân quyền và công lý giành
lại được ưu thế trên đất nước tôi”.
Iran vẫn thực hiện chiến dịch bắt giữ nhắm vào các
nhà hoạt động, nhà báo và trí thức trong nỗ lực dập tắt bất đồng chính kiến và
thắt chặt các hạn chế xã hội. Sau khi loạt biểu tình nổ ra sau cái chết của
Mahsa Amini năm 2022, chính quyền Iran đã bắt giữ khoảng 20,000 người.
Narges Mohammadi trước đây đã được tổ chức Phóng
viên không biên giới, PEN America Literary Gala và Giải Tự do Báo chí Thế giới
(World Press Freedom Prize) của Liên hợp quốc vinh danh với những hoạt động
mạnh mẽ bảo vệ nhân quyền và tranh đấu cho tự do ngôn luận. Mohammadi cùng hai
nhà báo Iran khác được Liên hợp quốc đánh giá cao “đã phải trả giá đắt khi
truyền tải sự thật” – phát biểu của Zainab Salbi, chủ tịch Ban giám khảo quốc
tế gồm các chuyên gia truyền thông chịu trách nhiệm chọn những người xứng đáng
đoạt giải tự do báo chí. Salbi nói: “Chúng tôi sẽ luôn tôn vinh họ và đảm bảo
tiếng nói của họ tiếp tục vang vọng trên toàn thế giới cho đến khi họ được an
toàn và tự do”.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/GettyImages-1243422453.jpg
Chính quyền Hồi giáo Iran siết chặt báo chí. Tổ chức
Phóng viên không biên giới xếp Iran hạng 177 (năm 2023) về tự do báo chí (ảnh:
Fatemeh Bahrami/Anadolu Agency via Getty Images)
Trong số những người được trao Nobel Hòa bình khi họ
bị giam cầm có nhà hoạt động Đức Carl von Ossietzky năm 1935, nhà hoạt động
Miến Điện Aung San Suu Kyi năm 1991, nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc Lưu
Hiểu Ba năm 2010, và nhà đấu tranh dân chủ Belarus Ales Bialiatski năm 2022.
Trước đây Nobel Hòa bình thường dành cho giới chính
trị gia và nhà lãnh đạo, nhưng những năm gần đây, giải này có khuynh hướng trao
cho các tổ chức, cá nhân thúc đẩy nhân quyền và công tác nhân đạo. Trong bối
cảnh chiến tranh ở châu Âu, Nobel Hòa bình năm ngoái đã thuộc về các nhà hoạt
động và tổ chức nhân quyền ở Belarus, Nga và Ukraine; trong khi năm 2021, giải
thưởng được trao cho các nhà báo Nga và Philippines với sứ mạng thúc đẩy quyền
tự do ngôn luận.
Động cơ chính trị của giải luôn được xem xét khi
người ta tin rằng Ủy ban Nobel Hòa bình muốn gửi thông điệp gì đến thế giới. Có
351 ứng cử viên cho giải Nobel Hòa bình 2023 – số lượng ứng cử viên cao thứ hai
từ trước đến nay. Giải Nobel Hòa bình đã được trao 103 lần từ năm 1901 đến năm
2022.
No comments:
Post a Comment