Wednesday, October 4, 2023

NGA VẬN CHUYỂN THÊM DẦU TỚI CÁC CẢNG TRUNG QUỐC QUA TUYẾN ĐƯỜNG BẮC CỰC (VOA News)

 



Nga vận chuyển thêm dầu tới các cảng Trung Quốc qua tuyến đường Bắc Cực

VOA News

05/10/2023

https://www.voatiengviet.com/a/nga-van-chuyen-them-dau-toi-cac-cang-trung-quoc-qua-tuyen-duong-bac-cuc/7297169.html

 

Hoa Kỳ đang theo dõi chặt chẽ sự gia tăng gần đây của các chuyến hàng dầu thô của Nga tới các cảng Trung Quốc thông qua Tuyến đường Biển phía Bắc (NSR), một dấu hiệu cho thấy sự hợp tác ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Moscow ở khu vực Bắc Cực khi Nga phải đối mặt với các chế tài gây tê liệt của phương Tây vì hành động xâm lược Ukraine.

 

https://gdb.voanews.com/e7c491ac-4c7f-404c-8d6f-1d929623c19b_w650_r1_s.jpg

Một tàu dầu neo đậu tại khu phức hợp Chernomortransneft ở Novorossiysk, Nga, ngày 11/10/2022.

 

“Chúng tôi sẽ theo dõi việc này chặt chẽ nhất có thể,” ông John Kirby, điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết hôm 3/10 khi trả lời câu hỏi của VOA trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc.

 

Năm nay đã có khoảng chục chuyến vận chuyển dầu Nga sử dụng tàu Nga đến Trung Quốc thông qua NSR, tuyến dọc theo bờ biển Nga từ Biển Barents đến Eo biển Bering. Trong những năm trước, không có chuyến vận chuyển dầu nào qua Bắc Cực đến Trung Quốc ngoại trừ một chuyến đi thử nghiệm vào cuối năm 2022, theo dữ liệu từ Trung tâm Hậu cần High North của Đại học Nord.

 

Ông Malte Humpert, người sáng lập Viện Bắc Cực nói, với việc các chế tài kinh tế của phương Tây làm giảm nhu cầu đối với dầu thô của Nga và Trung Quốc sẵn sàng mua dầu thô, Moscow đang mở cửa Bắc Cực cho Bắc Kinh.

 

Ông nói với đài VOA: “Các nguồn tài nguyên trước đây chảy sang châu Âu giờ đã được chuyển hướng sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc”.

 

Đó là một lựa chọn thực dụng cho Moscow. Vận chuyển qua NSR nhanh hơn 30% so với tuyến đường truyền thống qua Kênh Suez và ngày càng dễ dàng đi lại hơn vì biến đổi khí hậu đồng nghĩa với việc ít băng đá hơn.

 

Lưu lượng giao thông gia tăng mang đến rủi ro môi trường cao hơn, đặc biệt khi Moscow tuyên bố sẽ bắt đầu sử dụng tàu chở dầu lớp không băng – những tàu có thân tàu không được tăng cường chống băng – để vận chuyển dầu qua Bắc Cực.

 

Bà Rebecca Pincus, giám đốc Viện Cực tại Trung tâm Wilson, nói với VOA: “Nếu xảy ra tai nạn tràn dầu ở Đông Bắc Cực của Nga, nước chảy về phía Hoa Kỳ”. “Dầu sẽ vượt qua biên giới quốc tế và đó là một tình huống rất đáng báo động”.

 

So với mức trung bình năm 2022, nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Nga đã tăng 23%, lên 400.000 thùng/ngày trong năm nay.

 

Ông Kirby kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ mức trần giá 60 đô la/thùng đối với dầu Nga do các đồng minh phương Tây áp đặt sau cuộc xâm lược của Nga. Tuy nhiên, dữ liệu giao dịch cho thấy dầu thô của Nga hiện đang được bán ở mức khoảng 80 đô la/thùng, khiến Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen phải thừa nhận vào tuần trước rằng hiệu quả của việc giới hạn giá có thể đang mờ dần.

 

Quan hệ Trung-Nga

 

Khi các công ty năng lượng phương Tây, bao gồm Shell và British Petroleum, rút khỏi Nga sau cuộc xâm lược năm ngoái, Moscow ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh như một nguồn tài trợ cho các dự án năng lượng, như Trạm LNG Yamal và các kế hoạch cơ sở hạ tầng khác để phát triển vùng đất Bắc Cực.

 

Đối với Trung Quốc – quốc gia không có bờ biển Bắc Cực nhưng năm 2018 đã tuyên bố mình là một cường quốc “gần Bắc Cực” – đầu tư vào các dự án của Nga có thể tạo điều kiện thuận lợi cho mục tiêu mở rộng vai trò ở Bắc Cực, tăng khả năng tiếp cận các tuyến đường vận chuyển và tài nguyên thiên nhiên cũng như củng cố ảnh hưởng vị thế địa chính trị của nước này.

 

Cho đến nay, tham vọng của Trung Quốc đã bị Moscow cản trở, quốc gia có bờ biển chiếm 53% đường bờ biển Bắc Băng Dương và đang bảo vệ vai trò thống trị ở vùng cực. Tuy nhiên, đối mặt với sự cô lập về kinh tế do cuộc xâm lược của mình, những ngày kháng cự của Nga có thể sắp tàn.

 

Bà Pincus nói: “Chúng tôi đang theo dõi xem liệu Moscow có tuyệt vọng đến mức sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu và điều kiện của Trung Quốc hay không”.

 

Ông Kirby bác bỏ những lo ngại về liên minh chiến lược ngày càng tăng giữa Moscow và Bắc Kinh, nói rằng sự hợp tác giữa hai bên ở Bắc Cực chủ yếu là “kinh tế và khoa học”.

 

Ông cho rằng chính quyền Mỹ không nhằm mục đích kiềm chế sức mạnh của Nga trên lãnh thổ của họ. “Chúng tôi muốn thấy một khu vực Bắc Cực thịnh vượng, tự do và cởi mở mà tất cả các quốc gia giáp Bắc Cực đều có thể hưởng lợi”.

 

Tám quốc gia giáp Bắc Cực là Mỹ, Nga, Canada, Đan Mạch (thông qua Greenland), Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan. Tất cả đều thuộc Hội đồng Bắc Cực, một diễn đàn hợp tác nhằm giải quyết các thách thức chung như biến đổi khí hậu, các tuyến đường vận chuyển và quyền của người bản địa.

 

Hội đồng đã đình chỉ các hoạt động với Moscow ngay sau khi nước này xâm chiếm Ukraine. Ông Morten Hoglund, chủ tịch nhóm Các quan chức Cấp cao Bắc Cực, nói với VOA rằng nhóm đã đạt được sự đồng thuận vào tháng 8 năm nay rằng họ mong muốn khởi động lại các nhóm làm việc, bước đầu tiên trong việc nối lại hợp tác.

 





No comments: