Não
nề hiện trạng ‘Đảo Ngọc’ Phú Quốc
19/10/2023
https://www.voatiengviet.com/a/nao-ne-hien-trang-dao-ngoc-phu-quoc/7316166.html
Khách
chán Phú Quốc vì “đảo ngọc” đã mất vẻ đẹp tự nhiên, hạ tầng không theo kịp nhu
cầu.
https://gdb.voanews.com/D330C75D-D66D-4A3F-8C0A-47D8BD902F7F_w650_r1_s.jpg
Phú Quốc,
hình chụp năm 2020.
Nhiều người,
nhiều giới đang thảo luận về chuyện Kiên Giang nói chung và Phú Quốc nói riêng
cùng xin... “cứu” vì ba năm vừa qua lượng du khách đến với nơi được ví
von “đảo ngọc” liên tục suy giảm.
Theo các
viên chức hữu trách ở Kiên Giang, tỉ lệ du khách đến Phú Quốc chỉ còn từ 40% đến
50% so với trước. Đó là lý do khách sạn, nhà hàng đìu hiu và nhiều dịch vụ khác
liên quan đến du lịch ế ẩm tới mức không thể không báo động, không xin... “cứu” (1).
Cứ như tường
thuật của báo giới về buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Kiên Giang với doanh giới
(các doanh nghiệp thành viên Hiệp Hội Đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc, các
hãng hàng không...) thì dường như Phú Quốc lâm nguy vì giá cước vận chuyển bằng
máy bay, bằng tàu thủy đến “đảo ngọc” cao, thành ra nếu có “cơ chế”
về giá cước vận chuyển và những giải pháp nhằm “kích cầu du lịch” thì
tình hình sẽ khác. Tuy nhiên rất nhiều người, nhiều giới không đồng tình với
cách đánh giá và giải pháp này.
Trên mạng
xã hội, nhiều người bảo rằng, đến Phú Quốc làm gì khi ngoài giá cước vận chuyển,
chi phí ăn, ở đều cao hơn những nơi khác, kể cả Thái Lan vài lần nhưng chất lượng
các loại dịch vụ lại kém hơn vài lần, đã như thế thì cứu thế nào? Có người phân
trần, giá đắt hơn từ 50% đến 300% là vì giới kinh doanh ở Phú Quốc phải chung
chi cho đủ ngành, đủ cấp, đủ loại chi phí như thế thì giá không thể rẻ. Có người
giải thích, trước, Phú Quốc hút khách vì giá rẻ, khi đã bán hết đất rồi thì
không thể rẻ nữa (2)...
Tương tự,
một số cơ quan truyền thông chính thức như tờ Tiền Phong, nhân chuyện Phú Quốc
xin “cứu”, nêu thắc mắc về “sức hút của du lịch Việt Nam” (3).
Khách chán Phú Quốc vì “đảo ngọc” đã mất vẻ đẹp tự nhiên, hạ tầng không
theo kịp nhu cầu. Chẳng riêng Phú Quốc, nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng khác
như Đà Lạt, Đà Nẵng cũng vắng khách. Tờ Tiền Phong dẫn ý kiến của một vài
chuyên gia về du lịch cho rằng, du lịch Việt Nam thiếu sức hút vì thiếu nét
riêng, vì “tư duy mùa gặt” (3),...
***
Đầu thập
niên 2010, Phú Quốc nổi tiếng vì quyết định quy hoạch hòn đảo này thành “trung
tâm du lịch sinh thái đảo, biển chất lượng cao của cả nước, khu vực và quốc tế;
trung tâm giao lưu, thương mại, dịch vụ của vùng”. Đến giữa thập niên 2010,
Phú Quốc nổi tiếng hơn vì chính quyền Việt Nam dự tính sẽ biến hòn đảo này
thành... “đặc khu kinh tế”. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền rồi
hệ thống truyền thông chính thức phối hợp bơm, thổi Phú Quốc thành... “đảo
ngọc”, thành “thiên đường du lịch”.
Giá đất ở
Phú Quốc vọt lên như pháo thăng thiên. Không chỉ doanh giới mà dân chúng ở nhiều
nơi cũng gom góp tài sản để đầu tư vào Phú Quốc. Theo sau những lời có cánh là
rừng bị phá, là các công trình xây dựng mọc lên như nấm, không theo bất kỳ “quy
hoạch” nào. Hậu quả tất nhiên là mất rừng, mất đất (4), xây dựng
trái phép tràn lan (5), dù ở giữa biển vẫn bị ngập. Năm 2019, sau
trận lụt khiến thiên hạ sửng sốt, Bí thư Phú Quốc lúc đó phản đối tình trạng hỗn
loạn ở Phú Quốc là do “thiếu tầm nhìn chiến lược”.
Hồi ấy,
theo ông Bí thư Phú Quốc vừa đề cập thì việc xây dựng và phát triển hòn đảo này
có “quy hoạch căn cơ, bài bản đã được nhiều chuyên gia, nhà khoa học phản biện
đóng góp, các bộ, ngành chức năng góp ý kiến, thẩm định”, sau đó được lãnh
đạo tỉnh, lãnh đạo chính phủ phê duyệt để đến năm 2030 trở thành “một thành
phố biển đảo, trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp, trung tâm khoa học công nghệ
của quốc gia và khu vực Đông Nam Á” (6).
Giờ -
2023, Phú Quốc trở thành chỗ khó mà đếm xuể có bao nhiêu héc ta rừng bị phá,
bao nhiêu héc ta đất bị chiếm dụng, sang nhượng chẳng cần theo quy định nào cả,
bao nhiêu công trình xây dựng trái phép ngay bên cạnh các công thự của hệ thống
công quyền, kể cả những biệt thự, cao ốc mà quy mô đầu tư tính bằng tỉ (7).
Phú Quốc còn là nơi ngập lụt trở nên nguy hiểm đến mức cách nay ba tháng, sau một
trận mưa lớn, quân đội phải điều động quân nhân tham gia cứu nạn (8),
tỷ lệ phạm tội tăng vọt (9)...
Không phải
tự nhiên mà những hậu quả liên quan đến quản trị đô thị ở Phú Quốc trở thành vấn
đề mà tờ Nhân Dân xác định là “khắc phục hết sức khó khăn và phức tạp”,
cũng không phải tự nhiên mà nhiều viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống
công quyền ở Phú Quốc bị xử lý kỷ luật và cách thức xử lý chẳng khác gì... phủi
bụi (10)?.. Phú Quốc không phải là trường hợp cá biệt, có nơi nào tại
Việt Nam mà những “quy hoạch” nhằm... “phát triển” không gây đại họa, kể cả Hà
Nội?
Vì sao thủ
đô ô nhiễm, kẹt xe, ngập lụt, sau những quy hoạch với “tầm nhìn” đến hết thập
niên này và vài thập niên khác, cư dân thủ đô Cộng hòa XHCN Việt Nam lại mời bá
tánh đến thăm... “Làng chài... Cipucha – Keangnam”, “Đầm... Tràng Tiền”, “Vịnh...
Triều Khúc”, “Cảng nước sâu... Mỹ Đình” ở... “thành phố biển... Hà Nội”. Vì sao
cứ “xây” lại trở thành phá, thậm chí hậu quả tàn phá trở thành nghiêm trọng đến
mức không thể khắc phục? Có nên xây dựng CNXH theo hướng này không?
-------------------
Chú
thích
(1) https://vnexpress.net/phu-quoc-tim-cach-cuu-du-lich-4664873.html
(4) https://kinhtedothi.vn/phu-quoc-quyet-liet-triet-pha-lam-tac.html
(5) https://nhandan.vn/can-xu-ly-triet-de-sai-pham-dat-dai-tai-phu-quoc-post776371.html
(10) https://www.sggp.org.vn/ky-luat-khien-trach-3-can-bo-lanh-dao-tp-phu-quoc-post703086.html
No comments:
Post a Comment