MỚI
TOANH: BÁO ĐỘNG CẢI CÁCH GIÁO DỤC BỊ PHÁ SẢN
Truyền thông im tịt. Chỉ vài ý kiến truyền
tai. Cho nên vấn đề còn mới toanh!
Công văn của Bộ là yêu cầu giáo viên ra đề kiểm
tra và thi không được phép lấy ngữ liệu từ sách giáo khoa. Mục đích có vẻ tích
cực với ý tưởng phát huy tư duy độc lập và năng lực sáng tạo của người học. Làm
tốt yêu cầu này, hiển nhiên sẽ vô hiệu hoá các loại mẫu đang nhan nhản bán trên
thị trường.
Tuy nhiên, với tư cách là người theo dõi, bám
sát thực trạng triển khai đổi mới giáo dục, tôi phát hiện một hiện tượng mà Bộ
chủ quản không lường trước được, hoặc biết mà nhắm mắt làm ngơ. Hiện tại, không
biết có chỉ đạo của Sở, Phòng hay không, chỉ biết là các tổ bộ môn họp lại thống
nhất chọn ngữ liệu nào và tạo luôn đề cương cho học sinh học để kiểm tra và
thi. Khi dạy hệ vừa làm vừa học, các học viên đều xác nhận có điều đó. Họ thú
nhận luôn, thay vì tránh sách giáo khoa và mẫu từ trên dí xuống như trước đây,
các trường sẽ tạo ra mẫu riêng hoặc thống nhất trên mẫu đề cương chung của Sở
hoặc Phòng!
Lý do họ đưa ra: Nếu đề mở hoàn toàn, học sinh
sẽ không làm được bài và trượt gần hết.
Vậy là kết cục, học sinh chẳng phát huy sáng tạo
nào mà cũng chỉ học và làm theo mẫu soạn sẵn. Có điều, cách làm này chồng thêm
gánh nặng khác cho học sinh. Ngoài học kiến thức từ sách giáo khoa, học sinh phải
học thêm để hiểu cái gọi là “đề cương” ngoài sách giáo khoa! Vẫn là nhồi sọ,
nhưng nhồi đến hai lần, nếu không thì sách giáo khoa thành vô nghĩa. Chỉ học “đề
cương” thôi là đủ ứng phó với kiểm tra và thi. Cải cách chuyển dạy học truyền
thụ tri thức sang phát triển năng lực như vậy là phá sản hoàn toàn.
Báo động cải cách giáo dục bị phá sản thì tôi
đã lên tiếng từ sớm và lên tiếng nhiều lần. Tất nhiên, không ngứa lỗ tai lãnh đạo
và không đủ lung lay bộ não những người tham gia cải cách.
Khi còn kết bạn với ông Thống, biết ông đóng
vai trò quan trọng trong cải cách, tôi hỏi: Ông có tin cải cách thành công
không? Ông nói nước đôi: Cũng không tin lắm! Tôi nói: Không tin lắm mà vẫn làm
thì có liều không? Ông nói: Nghị quyết có rồi, nếu mình không làm thì người
khác cũng làm, và sẽ tệ hơn!
Hoá ra, ông tự tin về chính ông và biến con trẻ
thành chuột bạch. Tôi chỉ nói dứt khoát, rằng sẽ thất bại thảm hại. Và như mọi
lần cải cách, tiền ngàn tỉ chỉ có lợi cho túi riêng của một nhóm người, còn con
trẻ thì gánh lấy hậu quả, từ loạn não đến… nhảy lầu!
Đừng nói tôi chống phá, bởi ngay từ đầu, tôi
tuyên bố ủng hộ cải cách. Chuyển từ truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển
năng lực là đúng. Nhưng hiểu sai phát triển năng lực ắt sẽ phát triển lệch lạc.
Phát triển cả 5 phẩm chất, 10 năng lực thì càng hoang tưởng. Chi bằng chưa hiểu
đúng thì nên thực hiện cải cách không tốn tiền: Chấn chỉnh các tiêu cực đang đẩy
con tàu giáo dục xuống hố, trong đó đặc biệt là chống khuôn mẫu giáo điều và bệnh
thành tích.
Khuôn mẫu giáo điều tạo nên lối mòn của tư
duy, thậm chí bị liệt não. Khuôn mẫu còn đẩy người dạy và học chỉ biết cóp chép
và tuân phục quyền lực như một nô lệ, thậm chí sinh ra bệnh ăn cắp trí tuệ của
người khác.
Bệnh thành tích, nói thẳng là dối trá. Chính
nó sinh ra các hoạt động đối phó với chỉ tiêu phi thực tế, vừa gây ra tâm lí
hoang tưởng, vừa lừa dối người khác, đến lừa dối chính mình. Khi cả một lớp học
được cấy vào thành tích khá và giỏi, ắt một vài em bé ở mức trung bình bị chấn
thương tâm lí và mặc cảm suốt đời, mặc dù những em bé ấy có thể là thiên tài.
Không chấn chỉnh tiêu cực mà đã nóng vội đòi dạy
học phát triển năng lực, ắt chỉ có thể phát triển thứ năng lực bệnh hoạn hơn:
Thay mẫu cũ thành mẫu mới và thay dối trá này thành dối trá khác, tinh vi hơn.
Học sinh ôn tập và thi theo đề cương có sẵn
khác gì học và làm theo mẫu để chạy theo thành tích như trước đây?
Chu Mộng
Long
.
No comments:
Post a Comment