Friday, October 27, 2023

MA TRẬN 'TÍN NHIỆM' (Trân Văn, VOA Blog)

 



NỘI DUNG :

Ma trận ‘tín nhiệm’

Trân Văn

.

Coi chừng... tín nhiệm!

Trân Văn

.

‘Vụ Ngọc Trinh’ khiến công an há miệng mắc quai

Trân Văn

.

Ngọc Trinh, ví dụ về công an ‘vận hành công lý’

Trân Văn

 

 

.

.

Ma trận ‘tín nhiệm’

Trân Văn

26/10/2023

https://www.voatiengviet.com/a/ma-tran-tin-nhiem-/7328091.html

 

Bởi Quốc hội chỉ được bầu, phê chuẩn, miễn nhiệm, bãi nhiệm những cá nhân đã được đảng CSVN lựa chọn – giới thiệu hoặc quyết định loại bỏ, không dùng nữa nên mới có chuyện sau khi bầu và phê chuẩn xong, Quốc hội lại tiếp tục tổ chức hàng loạt “kỳ họp bất thường”...

 

https://gdb.voanews.com/02870000-0aff-0242-90d8-08da13e18900_w650_r1_s.jpg

Quốc hội đã từng “thống nhất phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Y tế” của ông Nguyễn Thanh Long; “thống nhất bãi nhiệm tư cách ĐBQH” của các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh...

 

Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với 44 cá nhân đang đảm trách những vai trò quan trọng mà các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa này (khóa 15) từng bỏ phiếu bầu chọn. Theo đó, không ai rơi vào trường hợp “có thể xin từ chức” vì bị hơn 50% ĐBQH xác định mức độ tín nhiệm là... “thấp” (1).

 

Việc bỏ phiếu tín nhiệm như vừa kể là một phần trong hoạt động của Kỳ họp thứ sáu (23/10/2023 - 10/11/2023). Nếu chịu khó đối chiếu với các nhận định của chính những ĐBQH khóa này tại Kỳ họp thứ 5 (22/5/2023 - 10/6/2023 và 19/6/2023 - 24/6/2023) thì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã lập được... “kỳ tích”.

 

Vì sao cách nay bốn tháng, các ĐBQH còn đồng loạt cảnh báo về tình trạng “né tránh, sợ trách nhiệm, thói vô cảm” đã trở thành “bệnh” và “đang có xu hướng lan nhanh trong nền công vụ” dẫn tới “ách tắc, cản trở sự phát triển của đất nước” (2) mà nay, chính họ lại xác nhận, không có bất kỳ ai trong số những người vừa được họ xem xét để bày tỏ mức độ “tín nhiệm” phải chịu trách nhiệm về tình trạng khiến cả họ lẫn dân chúng trăn trở? Nếu mục tiêu của bỏ phiếu tín nhiệm không nhằm biểu thị nhận định khách quan, chính xác về tư cách - năng lực - hiệu quả công việc của những cá nhân được giao giữ - thực thi trọng trách, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của những lĩnh vực đang do các cá nhân ấy chịu trách nhiệm trên bình diện vĩ mô thì tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm để làm gì? Bỏ phiếu tín nhiệm để làm gì khi song song với các tuyên bố, qui định về tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm còn... đính kèm “giải pháp dự phòng” - nếu bị hơn 50% ĐBQH xác định mức độ tín nhiệm là “thấp” thì... “có thể xin từ chức”?

 

Khi “từ chức” phụ thuộc vào nhận thức và ý chí của những cá nhân bị hơn 50% ĐBQH xác định rằng họ không tín nhiệm (tín nhiệm thấp) thì bỏ phiếu tín nhiệm để làm gì? Vì sao đến cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ mới được bày tỏ nhận định về hiệu quả công việc của các đương sự do họ bầu chọn thông qua bỏ phiếu tín nhiệm nhưng khi có hơn 50% ĐBQH cho rằng không thể tín nhiệm thì hoặc phải chờ đượng sự tự nguyện tự xử, hoặc phải chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định có trình Quốc hội xem xét bỏ phiếu tín nhiệm lại hay không? Vì sao bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định “nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước” mà không thể bãi nhiệm một cá nhân bị 2/3 ĐBQH xác định không tín nhiệm (tín nhiệm thấp) và phải chờ “cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm” (3)?

 

Ai cũng biết, Bộ Chính trị và BCH TƯ đảng CSVN lựa chọn – giới thiệu Chủ tịch Nhà nước, Phó Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước cho Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nếu Quốc hội có thực quyền thì tại sao phải chờ “cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm” một cá nhân mà các ĐBQH thấy không đáng tin cậyVề lý thuyết, các ĐBQH đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của toàn dân nhưng Quốc hội chỉ được bầu hoặc phê chuẩn những cá nhân đã được đảng lựa chọn và giới thiệu và bãi nhiệm cũng phải chờ đảng muốn “trình” mới được gật thì việc bày tỏ mức độ “tín nhiệm” của ĐBQH có đáng tín nhiệm không?

 

                                                            ***

 

Đây là lần thứ tư Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với các cá nhân thuộc diện phải được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (ba đợt trước diễn ra vào các năm 2013, 2014, 2018). Bởi Quốc hội chỉ được bầu, phê chuẩn, miễn nhiệm, bãi nhiệm những cá nhân đã được đảng CSVN lựa chọn – giới thiệu hoặc quyết định loại bỏ, không dùng nữa nên mới có chuyện sau khi bầu và phê chuẩn xong, Quốc hội lại tiếp tục tổ chức hàng loạt “kỳ họp bất thường” để “thống nhất miễn nhiệm” hai Phó Thủ tướng là các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam rồi “thống nhất miễn nhiệm” Chủ tịch Nhà nước là ông Nguyễn Xuân Phúc. Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam còn “thống nhất phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Y tế” của ông Nguyễn Thanh Long. “thống nhất bãi nhiệm tư cách ĐBQH” của các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh,... Trong lịch sử nhân loại, khó mà tìm thấy cơ quan nào đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của toàn dân lại đồng thuận cao, thống nhất gần như tuyệt đối trong việc gật và lắc như Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam, bất kể chuyện cùng gật và cùng lắc ấy có tạo được sự đồng thuận cao và thống nhất với dân chúng hay không!

 

-----------------------

Chú thích

(1) https://vnexpress.net/cong-bo-ket-qua-tin-nhiem-44-chuc-danh-lanh-dao-cap-cao-4668892.html

 

(2) https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=76476

 

(3) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-96-2023-qh15-ve-lay-phieu-tin-nhiem-bo-phieu-tin-nhiem-119230702092731911.htm

 

 

==============================================

.

.

Coi chừng... tín nhiệm!

Trân Văn

26/10/2023

https://www.voatiengviet.com/a/coi-chung-tin-nhiem-/7328081.html

 

Tuần trước, công an Việt Nam đề nghị truy tố ba người từng là cựu chủ tịch, cựu phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa. Đây là lần thứ ba những viên chức này bị đề nghị truy tố.

 

https://gdb.voanews.com/BCFDAE75-736E-4FBD-8D9E-23FBC5464501_w650_r1_s.jpg

Một phiên họp Quốc Hôi Việt Nam. Hình minh họa. Photo Quochoi.

 

Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm 44 cá nhân từng được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa này (khóa 15) bầu hoặc phê chuẩn. Đây là những cá nhân đang đảm nhận vai trò lãnh đạo: Nhà nước (Chủ tịch, Phó Chủ tịch), quốc hội (Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Tổng Thư ký, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của quốc hội), chính phủ (Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng), Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát Tối cao, Tổng Kiểm toán. Theo “Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm” thì tất cả các cá nhân cần được các ĐBQH Cộng hòa XHCN Việt Nam xem xét – xác định về mức độ tín nhiệm của họ đều đạt yêu cầu (1).

 

Đây là lần thứ tư quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam bỏ phiếu tín nhiệm đối với những cá nhân mà họ từng bầu hoặc phê chuẩn (ba lần trước diễn ra vào các năm 2018, 2014, 2013). So với ba lần trước, lần này, việc bỏ phiếu tín nhiệm được quảng bá là khác hơn, mới hơn. Dựa trên quy định mới nhất của Bộ Chính trị về việc tổ chức “lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị” (Quy định số 96-QĐ/TW) được ban hành hồi đầu tháng hai năm nay (2), tháng sáu vừa qua, quốc hội khóa này ban hành nghị quyết “về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn” (Nghị quyết số 96/2023/QH15) [3].

 

Nhìn một cách tổng quát thì Nghị quyết số 96/2023/QH15 là bản sao của Quy định số 96-QĐ/TW! Còn Quy định số 96-QĐ/TW thì chẳng khác gì mấy so với Quy định số 262-QĐ/TW cũng do Bộ Chính trị ban hành vào tháng 10/2014 và cũng về việc lấy phiếu tín nhiệm. Tương tự, lý do dẫn đến sự ra đời của của Nghị quyết số 96/2023/QH15 của quốc hội khóa này cũng chẳng khác gì lý do khai sinh Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội khóa 13 hồi tháng 11/2014 – vừa để minh họa, vừa phụ họa cho quy định của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm! Tất cả đều xác định việc bỏ phiếu tín nhiệm phải dựa trên “phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật” và “kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao” của đương sự.

 

Có nên tín nhiệm việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và kết quả không?

 

                                                     ***

 

Tuần trước, công an Việt Nam đề nghị truy tố ba người từng là cựu chủ tịch, cựu phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa. Đây là lần thứ ba những viên chức này bị đề nghị truy tố. Hai lần trước họ đã bị đưa ra xét xử, bị phạt tù vì hàng loạt bán công thự, công thổ trái phép và việc truy cứu trách nhiệm hình sự của họ chưa ngừng ở đây, bởi trong thời gian đảm trách vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa họ bán rất nhiều công thự, công thổ trên địa bàn tỉnh này (4). Tuy nhiên hành vi phạm pháp của họ không phải là chuyện để bàn ở đây vào lúc này. Điểm cần chú ý là những ông như Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên đều đã từng được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm khi còn tại chức và tất cả đều vô sự, thậm chí năm 2014, ông Vinh không có phiếu “tín nhiệm thấp” nào (5)!

 

Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm làm gì khi điều đó chỉ giúp những người như các ông cựu chủ tịch, cựu phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phát huy cơ hội làm giàu nhờ... phiếu tín nhiệm? Có đáng tín nhiệm những người bỏ phiếu tín nhiệm và các lá phiếu tín nhiệm khi những người có tư cách bỏ phiếu tín nhiệm vẫn xác định sự tín nhiệm đối với những “công bộc” mà giá trị tài sản phải tính bằng những trăm tỉ và những trăm ngàn Mỹ kim? Theo các qui định của Bộ Chính trị và nghị quyết của quốc hội, những cá nhân thuộc diện cần phải được đưa ra để lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo về thành quả công vụ, giải trình về tài sản, tại sao những người bỏ phiếu tín nhiệm các cựu chủ tịch, cựu phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa lại xem sự càn rỡ và sự giàu có của những ông này (6) là bình thường?

 

Ba cựu chủ tịch, cựu phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa chỉ là số lẻ trong vô số trường hợp được phiếu tín nhiệm tạo điều kiện để phá mạnh hơn, đục khoét nhiều hơn. Cũng tháng này, dư luận rúng động khi ông Lê Đức Thọ - Ủy viên BCH TƯ đảng khóa này kiêm Bí thư Bến Tre bị “tước bỏ tất cả các chức vụ trong đảng” vì “Vi phạm nghiêm trọng quy định của đảng, pháp luật của nhà nước, Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập’ giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định. Vi phạm mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của đảng, mất uy tín cá nhân” (7).

 

Tuy BCH TƯ đảng chỉ đề cập chung chung như thế nhưng theo một số nguồn được xem là thạo tin thì tài sản của ông Thọ là rất lớn. Những nguồn này bảo rằng, trong đảng, giàu có tới mức đó vốn được xem là bình thường nên hoạn lộ của ông Thọ mới hanh thông như đã biết. Ông Thọ gặp nạn chỉ vì đang vận động để được quy hoạch vào vị trí cao hơn trong BCH TƯ đảng khóa tới (8). Dẫu không thể khẳng định những nguồn vừa đề cập chính xác đến mức nào nhưng rõ ràng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không thiếu những cá nhân xem vài trăm ngàn Mỹ kim như giấy lộn mà ví dụ gần nhất là ông Chu Ngọc Anh (9). Ở đợt bỏ phiếu tín nhiệm hồi cuối năm 2018, ông Anh chỉ có 7% phiếu tín nhiệm thấp (10) nên ông mới có điều kiện gây họa lớn hơn!

 

-------------------

Chú thích

(1) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nghi-quyet-xac-nhan-ket-qua-lay-phieu-tin-nhiem-doi-voi-nguoi-giu-chuc-vu-do-quoc-hoi-bau-hoac-phe-chuan-119231025165316631.htm

 

(2) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/quy-dinh-so-96-qdtw-ngay-222023-cua-bo-chinh-tri-ve-viec-lay-phieu-tin-nhiem-doi-voi-chuc-danh-chuc-vu-lanh-dao-quan-9217

 

(3) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-96-2023-qh15-ve-lay-phieu-tin-nhiem-bo-phieu-tin-nhiem-119230702092731911.htm

 

(4) https://dantri.com.vn/phap-luat/hai-cuu-chu-tich-khanh-hoa-bi-de-nghi-truy-to-trong-vu-an-thu-3-20231018095822884.htm

 

(5) https://thanhnien.vn/chu-tich-tinh-khanh-hoa-co-phieu-tin-nhiem-thap-cao-nhat-185435223.htm

 

(6) https://cand.com.vn/Ban-tin-113/ke-bien-phong-toa-hang-loat-tai-san-lien-quan-den-cuu-chu-tich-ubnd-tinh-khanh-hoa-i710928/

 

(7) https://vnexpress.net/bo-chinh-tri-de-nghi-ky-luat-bi-thu-ben-tre-le-duc-tho-4644114.html

 

(8) https://baotiengdan.com/2023/08/19/chuyen-bi-thu-tinh-uy-ben-tre-co-ngan-ty-o-nha-bank/

 

(9) https://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/cuu-bo-truong-chu-ngoc-anh-bo-quen-tui-qua-dung-46-ty-dong_151489.html

 

(10) https://nld.com.vn/thoi-su/cong-bo-ket-qua-tin-nhiem-cua-48-nguoi-duoc-quoc-hoi-bau-va-phe-chuan-20181025110349491.htm

 

================================================

.

.

‘Vụ Ngọc Trinh’ khiến công an há miệng mắc quai

Trân Văn

27/10/2023

https://www.voatiengviet.com/a/vu-ngoc-trinh-khien-cong-an-ha-mieng-mac-quai/7329630.html

 

Tại sao công an chỉ “xác minh, làm rõ” và trả lời về chuyện Quốc Cơ, Quốc Nghiệp “không đội mũ bảo hiểm, dùng xe hai bánh gắn máy làm xiếc” mà không giải thích những chuyện khác như chuyện công an quảng bá việc công an dàn hàng ngang, đứng trên mô tô phân khối lớn rồi vung tay chào là đúng hay sai?

 

https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-5be5-08dbd0ab008a_w650_r1_s.jpg

Cảnh sát Tp.HCM bắt giữ người mẫu Ngọc Trinh hôm 19/10 vì bà lái mô tô nguy hiểm hôm 6/10.

 

Sau khi bị người sử dụng mạng xã hội chỉ trích kịch liệt vì hành xử thái quá đối với Ngọc Trinh (khởi tố, tạm giam nhằm... điều tra chuyện cô điều khiển mô tô mà không có giấy phép lái xe, khoe việc vừa vận hành mô tô, vừa đứng, quỳ, nằm) và sự chỉ trích này bất lợi cho hệ thống công quyền đến mức, hệ thống truyền thông chính thức không thể chọn “mũ ni che tai” như vẫn thường thấy mỗi khi có vấn đề đụng tới lực lượng bảo vệ - thực thi pháp luật (1), cuối cùng, công an Việt Nam đã lên tiếng... phân bua!

 

Theo công an Việt Nam thì chuyện Quốc Cơ và Quốc Nghiệp “không đội mũ bảo hiểm, dùng xe hai bánh gắn máy làm xiếc” (một người cầm lái, người còn lại chổng ngược trên đầu người cầm lái và dang cả hai tay lẫn hai chân khi xe di chuyển) là “vụ việc hành chính, không có dấu hiệu tội phạm” (2). Tiết mục xiếc do Quốc Cơ, Quốc Nghiệp thực hiện nhằm quảng cáo cho một dòng xe hai bánh gắn máy chạy điện. Phía tổ chức ghi hình đã xin các loại giấy cần thiết và đã thực thi tất cả các biện pháp an toàn khi biểu diễn.

 

                                                               ***

 

Nếu chịu khó quan sát – đối chiếu các diễn biến liên quan đến việc khởi tố, tạm giam Ngọc Trinh vì “gây rối trật tự công cộng”, hẳn sẽ thấy, sự tùy tiện trong thực thi công vụ đã đẩy hệ thống công quyền đến chỗ hoàn toàn bị động. Trước khi công chúng chọn việc Quốc Cơ, Quốc Nghiệp “không đội mũ bảo hiểm, dùng xe hai bánh gắn máy làm xiếc” để chứng minh khởi tố, tạm giam Ngọc Trinh là bất thường, kỳ quái, không viên chức hữu trách nào bận tâm đến chuyện dùng xe hai bánh gắn máy làm xiếc và an toàn công cộng.

 

Bởi không bận tâm nên khi được hỏi ý kiến, đại diện công an mới tuyên bố: “Đang vào cuộc xác minh. Nếu sự việc xảy ra tại TP.HCM, sẽ phối hợp cơ quan chức năng xử lý nghiêm”. Còn Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM hứa: “Sẽ kiểm tra lại vụ việc” (2). Khi hệ thống công quyền vận hành kiểu đó, các doanh nghiệp có liên quan (công ty có xe điện cần quảng cáo, công ty thực hiện hợp đồng quảng cáo xe điện) và nghệ sĩ cùng trở thành nạn nhân.

 

Ngoài việc nghệ sĩ, doanh nghiệp phải trình diện công an theo lệnh triệu tập để nộp các loại giấy tờ, thuyết minh đã tuân thủ pháp luật nghiêm chỉnh như thế nào nhằm thực hiện cái gọi là “hợp tác cùng Công an thành phố Thủ Đức để làm rõ và giải quyết vụ việc” họ còn tự nguyện kéo video clip quảng cáo xe điện khỏi Internet. Không phải tự nhiên mà nhiều người, nhiều giới cho rằng “cần có hành lang” để “bảo vệ những nghệ sĩ đóng quảng cáo mạo hiểm (3)!

 

Cho dù hết sức kỹ lưỡng khi thực hiện video clip “không đội mũ bảo hiểm, dùng xe hai bánh gắn máy làm xiếc” để quảng cáo sản phẩm mới (các bên có liên quan soạn – lập – ký hợp đồng, xin phép sử dụng đường nội bộ chưa được đưa vào sử dụng, ngăn chặn qua lại ở khu vực biểu diễn, sắp đặt nhân viên y tế - phương tiện cấp cứu đề phòng rủi ro, sử dụng các thiết bị bảo vệ an toàn cho những cá nhân tham gia) nhưng công an vẫn cho là “cần xử lý hành chính(4).

 

Rùng rợn hơn là dù đã xác định chuyện Quốc Cơ, Quốc Nghiệp “không đội mũ bảo hiểm, dùng xe hai bánh gắn máy làm xiếc” nhưng công an vẫn đính kèm tuyên bố: Nếu phát hiện những vi phạm thuộc lĩnh vực khác sẽ kiến nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định (5). Tuyên bố vừa kể đặt Quốc Cơ, Quốc Nghiệp và những cá nhân có liên quan vào tình thế nguy hiểm giống hệt Ngọc Trinh và những người có liên quan tới chuyện cô “gây rối trật tự công cộng” dù công an đã khẳng định hai trường hợp khác nhau.

 

                                                               ***

Luật xử lý vi phạm hành chính của Việt Nam xác định, chỉ xử phạt hành chính khi xác định sai phạm không phải là tội phạm hình sự. Mỗi sai phạm chỉ bị xử phạt một lần, theo một phương thức - hoặc xử lý vi phạm hành chính, hoặc xử lý hình sự (6). Việc Ngọc Trinh điều khiển mô tô phân khối lớn không có giấy phép lái xe, hết đứng tới quỳ, nằm khi lái xe đã được chính công an xác định là vi phạm hành chính và đã ra quyết định xử phạt cô 8,5 triệu đồng và cô đã nộp phạt (7).

 

Đó cũng là lý do nhiều người bất bình khi công an khởi tố, tống giam cô với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” và “mở rộng điều tra”. Sự bất bình của công chúng về cách hành xử đối với Ngọc Trinh không phải vì cá nhân cô mà vì an toàn công cộng và an toàn cá nhân bị đe dọa. Khi công an thản nhiên chà đạp các qui định pháp luật hiện hành, tùy nghi tự quyết sai phạm nào đó là lỗi hành chính hay tội hình sự hoặc cả hai thì bất kỳ ai cũng có thể vào tù nếu công an không thích hoặc muốn làm như vậy vì lẽ gì đó!

 

Đâu phải tự nhiên mà thiên hạ thắc mắc, đòi làm rõ thế nào là “trật tự công cộng”. Tại sao đã hai tháng mà công an vẫn không “xác minh, làm rõ” sự kiện một nhóm hàng chục người điều khiển sáu chiếc Harley Davidson muốn dùng phà Cát Lái nhưng không chịu xếp hàng và mắng chửi, hành hung những người yêu cầu họ phải vào hàng như mọi người (8)? Tai sao mạng xã hội và gần như toàn bộ hệ thống truyền thông chính thức cùng phản ánh, cùng lên án nhưng công an và hệ thống công quyền lờ đi, không xem đó là “gây rối trật tự công cộng”?

 

Tại sao công an chỉ “xác minh, làm rõ” và trả lời về chuyện Quốc Cơ, Quốc Nghiệp “không đội mũ bảo hiểm, dùng xe hai bánh gắn máy làm xiếc” mà không giải thích những chuyện khác như chuyện công an quảng bá việc công an dàn hàng ngang, đứng trên mô tô phân khối lớn rồi vung tay chào là đúng hay sai (9)? Nếu việc sử dụng mô tô phải tuân thủ các quy định về an toàn, không làm lệch lạc nhận thức của giới trẻ, từ đó tạo ra những tác động nguy hại cho an toàn giao thông thì chẳng lẽ công an là... ngoại lệ?

 

Không lẽ bảo vệ - thực thi pháp luật là có quyền gạt bỏ các qui định pháp luật sang một bên, sử dụng nhận thức, sở thích của lãnh đạo ngành công an, biến cả hai thứ này thành một loại có giá trị cao hơn luật pháp hiện hành để áp đặt ý chí của giới lãnh đạo ngành công an lên tất cả công dân, dùng người này để răn đe những người khác, buộc cả trăm triệu người phải nhớ, công an có quyèn định đoạt tất cả và ở Việt Nam, chỉ cần công an là đã... đủ để xây dựng pháp chế XHCN?

 

-------------

Chú thích

 

(1) https://truyenhinhvov.vn/cong-an-tphcm-len-tieng-vu-quoc-co-quoc-nghiep-chong-dau-lam-xiec-tren-xe-164231023005055788.htm

(2) https://danviet.vn/clip-xiec-chong-dau-len-nhau-khong-doi-non-bao-hiem-cua-hai-nghe-si-xiec-quoc-co-quoc-nghiep-20231021200100097.htm

(3) https://tienphong.vn/quoc-co-quoc-nghiep-dong-quang-cao-mao-hiem-can-hanh-lang-bao-ve-nghe-si-post1580732.tpo

(4) https://thanhnien.vn/vu-quoc-co-quoc-nghiep-chong-dau-chay-xe-de-nghi-xu-ly-hanh-chinh-185231026090412806.htm

(5) https://tienphong.vn/cong-an-chinh-thuc-thong-tin-vu-quoc-co-quoc-nghiep-chong-dau-di-xe-may-post1581406.tpo

(6) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Vi-pham-hanh-chinh/Luat-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-2012-142766.aspx

(7) https://vtv.vn/xa-hoi/nguoi-mau-ngoc-trinh-toi-khong-nghi-minh-pham-phap-nghiem-trong-the-20231020002228764.htm

(8) https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhom-chay-mo-to-nguoc-chieu-vao-pha-cat-lai-roi-hanh-hung-nguoi-khac-20230822124532879.htm

(9) https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/man-nhan-ngam-cscd-ky-binh-cung-mo-to-dac-chung-lan-dau-xuat-hien-o-lao-cai-i660501/

 

=======================================

.

.

Ngọc Trinh, ví dụ về công an ‘vận hành công lý’

Trân Văn

24/10/2023

https://www.voatiengviet.com/a/ngoc-trinh-vi-du-ve-cong-an-van-hanh-cong-ly-/7324282.html

 

Có rất nhiều ví dụ giống như câu chuyện Ngọc Trinh “gây rối trật tự công cộng” để minh họa cho thực trạng công an đang... “vận hành công lý” và vì vậy, đúng – sai phụ thuộc vào nhận thức, sở thích của công an.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-5be5-08dbd0ab008a_w650_r1_s.jpg

Cảnh sát Tp.HCM bắt giữ người mẫu Ngọc Trinh hôm 19/10 vì bà lái mô tô nguy hiểm hôm 6/10.

 

Ngọc Trinh có thể sẽ bị đưa vào “danh sách đen” – nghĩa là triệt luôn đường sống của cô người mẫu này bằng cách cảnh báo: Chính quyền Việt Nam “không khuyến khích” doanh giới mời cô quảng cáo cho các dịch vụ, sản phẩm (1).

 

Nhìn một cách tổng quát, số phận của Ngọc Trinh coi như đã được công an Việt Nam định đoạt xong, sau khi khởi tố và tạm giam cô để điều tra vì “gây rối trật tự công cộng” (2). Trên mạng xã hội, rất nhiều người – kể cả những người vốn không thích hoặc không bận tâm Ngọc Trinh là ai, đang làm gì,... đã lên tiếng phản đối việc khởi tố và tạm giam Ngọc Trinh vì: Không thể vừa xử phạt vi phạm hành chính, đương sự đã thi hành xong quyết định xử phạt (3), vừa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một vi phạm bởi điều này trái với các nguyên tắc xử lý vi phạm - mỗi vi phạm chỉ bị xử lý một lần theo một phương thức cụ thể và chỉ thế mà thôi (4).

 

Tuy nhiên công an không thèm bận tâm. Theo công an, các video clip ghi lại cảnh Ngọc Trinh điều khiển mô tô phân khối lớn được post lên Internet “có số lượng người theo dõi lớn, gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên không gian mạng”.

 

                                                         ***

 

Khoan bàn đến các qui định pháp luật vốn đang làm nhiều người băn khoăn khi công an không tuân thủ chúng, chỉ cần đem lập luận của công an đặt bên cạnh một số sự kiện gần đây, tự nhiên sẽ nhận ra công an có nhất quán trong nhận thức và hành xử hay không.

Chín ngày trước khi Ngọc Trinh bị khởi tố và bị tạm giam, hôm 10/10/2023, Công an quận Ngô Quyền của thành phố Hải Phòng đã khởi tố và tạm giam ông Phạm Trung Dũng – 37 tuổi - để điều tra hành vi “chống người thi hành công vụ”. Theo công an, ông Dũng không những không chấp hành yêu cầu “thử nồng độ cồn trong máu” của CSGT mà còn đòi kiểm tra giấy tờ của tổ công tác, kiểm tra máy đo, đồng thời ghi lại cuộc tranh luận giữa ông với công an và post lên Internet “gây nhiều dư luận trái chiều” (3)... Không thể đếm xuể đã có bao nhiêu người làm như ông Dũng và công an Việt Nam chấp nhận điều đó bởi không thể ngăn chặn lạm quyền, nhũng nhiễu (5).

 

Trên Internet có không ít video clip cho thấy CSGT bị dân chúng uốn nắn vì bắt lỗi sai (6), lãnh đạo công an địa phương buộc phải xử lý thuộc cấp vì có bằng chứng cho thấy “anh em” lạm quyền, nhũng nhiễu. Song gần đây tình hình đã khác. Cách nay vài tháng, Bộ Công an Việt Nam ban hành Thông tư 32/2003, theo đó, từ 15/9/2023, tuy dân chúng vẫn còn quyền giám sát cảnh sát giao thông làm việc theo qui định nhà nước nhưng “phải đúng hướng dẫn”, nếu “giám sát không đúng hướng dẫn có thể bị xem là chống người thi hành công vụ” (7). Ông Dũng bị khởi tố, bị tạm giam để điều tra về hành vi “chống người thi hành công vụ” là do Thông tư 32/2003 đã có hiệu lực thực thi.

 

Nếu chịu khó đối chiếu video clip ghi lại cảnh ông Dũng tranh luận với CSGT Hải Phòng và post lên Internet (8) với một video khác cũng ghi lại cuộc tranh luận giữa một ông đang say rượu với CSGT Hải Phòng hẳn sẽ không thể hiểu thế nào là “chống người thi hành công vụ”!

Tuy người xem không rõ nhân vật chính trong video clip tên gì nhưng CSGT Hải Phòng hẳn là rất rõ vì ông đi tới, đi lui, liên tục vung tay chỉ vào mặt sĩ quan CSGT đang chỉ huy nhóm CSGT thi hành công vụ để khẳng định – đại ý: Đội phó như mày không đủ tuổi. Trưởng phòng CSGT cũng không đủ tuổi. Hơn 20 năm nay chưa bao giờ tao chịu nhục như thế này (bị chặn lại vì đang say rượu mà lái xe). Giờ không còn tình nghĩa, không còn anh em nữa... Sĩ quan chỉ huy nhóm CSGT đang thi hành công vụ chỉ đứng im nghe chửi, thỉnh thoảng gọi người lăng mạ mình là “anh” xưng “em” nhưng không thể phân trần được vì ông say rượu ngắt lời, không cho nói (9)...

 

Cả người ghi lại clip vừa đề cập rồi post lên Internet lẫn người xem không biết nhân vật chính tên gì vì dườg như công an không khởi tố ông, hệ thống truyền thông chính thức cũng không đề cập! Thế nào là đủ “tuổi” để “chống người thi hành công vụ” mà vô sự?

 

Trước khi ông Dũng bị khởi tố, bị tạm giam vì “chống người thi hành công vụ” khoảng hai tháng, hồi hạ tuần tháng 8/2023, nhiều người sử dụng mạng xã hội bày tỏ sự phẫn nộ khi được xem video clip ghi cảnh khoảng mươi người dùng sáu xe mô tô phân khối lớn đòi nhân viên phà Cát Lái ưu tiên bán vé xuống phà (phía bờ thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Khi những người đang xếp hàng xuống phà phản đối, nhóm này đã lăng mạ họ và đánh một trong những người phản đối. Sau phản ứng của người sử dụng mạng xã hội, có vài chục cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức cùng lên tiếng nhưng công an không xem đó là “gây rối trật tự công cộng” (10).

 

                                                           ***

Có rất nhiều ví dụ giống như câu chuyện Ngọc Trinh “gây rối trật tự công cộng” để minh họa cho thực trạng công an đang... “vận hành công lý” và vì vậy, đúng – sai phụ thuộc vào nhận thức, sở thích của công an. Muốn nhận thức, sở thích của công an an vận động theo hướng có lợi cho mình thì phải đủ... “tuổi”. Thế thôi!

 

 

------------------

 

Chú thích

(1) https://vietnamnet.vn/bo-van-hoa-len-tieng-ve-truong-hop-cua-ngoc-trinh-2205335.html

(2) https://cand.com.vn/Vu-an-noi-tieng/vi-sao-ngoc-trinh-bi-bat-tam-giam--i711315/

(3) https://tienphong.vn/ban-tin-8h-ngoc-trinh-bi-phat-85-trieu-dong-post1576651.tpo

(4) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Vi-pham-hanh-chinh/Luat-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-2012-142766.aspx

(5) https://tuoitre.vn/tu-15-1-nguoi-dan-duoc-phep-quay-phim-csgt-dang-lam-nhiem-vu-20200115161103411.htm

(6) https://www.facebook.com/HOCLUATGIAOTHONGVIETNAM/videos/216128315553990/

(7) https://thanhnien.vn/vi-sao-nguoi-dan-duoc-giam-sat-ghi-hinh-ghi-am-csgt-nhung-khong-duoc-kiem-tra-chuyen-de-185230915093918213.htm

(8) https://www.facebook.com/groups/371762467908275/posts/866672735083910/

(9) https://www.facebook.com/passioncar2602/videos/1635384513190138

(10) https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhom-chay-mo-to-nguoc-chieu-vao-pha-cat-lai-roi-hanh-hung-nguoi-khac-20230822124532879.htm

 

 

 



No comments: