Wednesday, October 11, 2023

LÝ DO VIỆT NAM MUỐN MUA VŨ KHÍ MỸ và NHỮNG KHÚC MẮC CẦN GIẢI QUYẾT (RFA)

 



Lý do Việt Nam muốn mua vũ khí Mỹ và những khúc mắc cần giải quyết

RFA

2023.10.11

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-vn-seeks-to-buy-us-weapons-what-is-challenge-10112023104557.html

 

Không lâu sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp mối quan hệ ngoại giao lên đối tác Chiến lược toàn diện hồi đầu tháng 9, báo chí quốc tế đã đưa tin về việc hai nước đang đàm phán để thực hiện một thương vụ mua bán vũ khí lớn, trong đó có chiến đấu cơ F-16.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-vn-seeks-to-buy-us-weapons-what-is-challenge-10112023104557.html/@@images/e999117e-7441-4013-a624-85740db4ed4c.jpeg

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các quan chức tham dự triển lãm quốc phòng Vietnam 2022 International Defense Expo ở Hà Nội hôm 8/12/2022 (minh họa)  -  AFP

 

Đây được coi là minh chứng cho thấy mối quan hệ Việt-Mỹ đã thực sự đạt tới tầm cao mới, bởi Hoa Kỳ vốn chỉ bán vũ khí, đặc biệt là chiến đấu cơ, cho các đối tác và đồng minh tin cậy.

 

 

Kết quả của hàng thập niên hàn gắn quan hệ

 

Từ kẻ thù cho tới đối tác chiến lược toàn diện là một chặng đường dài trong mối bang giao Việt Nam - Hoa Kỳ.

 

Tuy hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1995, thế nhưng giữa hai bên, đặc biệt là từ phía Việt Nam vẫn còn nhiều nghi ngờ, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh-chính trị, trong khi Hoa Kỳ  vẫn duy trì lệnh cấm vận bán vũ khí đối với Việt Nam.

 

Từ năm 2013 trở đi, khi Việt Nam phải đối diện với thách thức to lớn từ phía Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là sau sự kiện giàn khoan HD-981 hồi năm 2014, thì mối quan hệ Việt-Mỹ mới bắt đầu được tăng cường.

 

Sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ vào năm 2015, và lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ tại Toà Bạch ốc, thì chính quyền Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí đối với Việt Nam vào năm 2016.

Mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước sau đó có những động thái nồng ấm cụ thể thông qua việc Hoa Kỳ đồng ý chuyển giao các tàu tuần tra đã qua sử dụng cho Việt Nam, nhưng với điều kiện là các hệ thống vũ khí phải bị tháo dỡ.

 

Và phải đến tận bây giờ, gần 10 năm sau khi lệnh cấm bán vũ khí được dỡ bỏ, thì triển vọng buôn bán vũ khí sát thương giữa hai bên mới có khả năng đơm hoa kết trái.

 

Trao đổi với đài RFA, tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, tại Singapore, cho biết để đạt được thành tựu này thì các điều kiện cần thiết đều phải chín muồi:

 

“Điều kiện cần thì đã có rồi, thứ nhất là việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ, thứ hai là hai bên đã tạo ra được niềm tin chiến lược khi đã nâng cấp mối quan hệ ngoại giao lên tầm Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, tức là mức cao nhất của Việt Nam, và thứ ba là mối lo ngại bên trong của Đảng về nguy cơ diễn biến hoà bình, can thiệp nội bộ nó ít đi, sau khi hai nước tạo ra được lòng tin chiến lược.”

 

Lòng tin chiến lược rõ ràng là thứ cần nhiều thời gian thì mới có thể đạt được, đặc biệt là trong mối quan hệ Việt-Mỹ, do các yếu tố lịch sử và khác biệt về chính trị.

 

 

Nhu cầu hiện đại hoá của Việt Nam

 

Sau hàng chục năm thiếu đầu tư vì kinh tế khó khăn, quân đội Việt Nam giờ đây đang phải đối mặt với thực trạng lạc hậu, với các hệ thống vũ khí cũ kĩ và lỗi thời.

 

Điều này khiến cho giới lãnh đạo chính trị và quân sự Việt Nam hạ quyết tâm tiến hành hiện đại hoá lực lượng vũ trang, để bảo vệ các lợi ích trong bối cảnh đe doạ từ Trung Quốc ngày càng gia tăng.

 

Do yếu tố lịch sử, quân đội Việt Nam hầu hết chỉ sử dụng vũ khí có xuất xứ từ Liên Xô, do vậy, khi quá trình hiện đại hoá bắt đầu, Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào Nga là nhà cung cấp vũ khí chính. Thế nhưng chuyện này không còn xảy ra nữa, đặc biệt là trong mấy năm trở lại đây.

 

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành an ninh hàng hải tại trường đại học New South Wales, cho biết quan điểm của ông:

 

“Cuộc chiến của Nga ở Ukraine thay đổi một cách căn bản suy nghĩ của Việt Nam liên quan đến vũ khí Nga, bởi vì họ nhận thấy rằng tình hình hiện đang không ổn, giới quân sự Việt Nam đánh giá đây là cuộc chiến sẽ kéo dài, mà khi kéo dài thế này thì Nga sẽ vừa bị ảnh hưởng bởi cấm vận khiến ngành công nghiệp quốc phòng của Nga bị ảnh hưởng rất lớn vì thiếu linh kiện công nghệ cao, chưa kể là Nga sẽ ưu tiên sản xuất vũ khí cho họ trước, sau đó mới bán ra ngoài.

Vậy thì với rủi ro như vậy Việt Nam hiện tại phải đẩy nhanh các tiếp cận đa dạng hoá, ngoài vấn đề xây dựng trong nước thì phải đa dạng hoá nguồn cung."

 

Trên thế giới, ngoài Nga chỉ còn Hoa Kỳ là nước sản xuất vũ khí lớn khác có đủ năng lực để giúp Việt Nam hiện đại hoá quân đội, theo các chuyên gia phân tích.

 

Ông Nguyễn Từ Huấn, cựu Phó đề đốc hải quân Hoa Kỳ, cho biết, với các yếu tố cả bên trong (nhu cầu hiện đại hoá), và bên ngoài (sự gián đoạn nguồn cung vũ khí từ Nga), thì việc Việt Nam tìm đến Hoa Kỳ là điều tự nhiên:

 

“Với sự cấm vận đối với các mặt hàng của Nga thì nó sẽ dẫn đến vấn đề đó là nếu Việt Nam muốn hiện đại hoá thì phải mua của ai, và mua những cái gì?

Mỹ là một trong những nước sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới, còn Việt Nam từ thừ những năm 90 đến nay vẫn đang tìm cách hiện đại hoá quân đội, thành ra hai bên sẵn sàng kết hợp với nhau. Trong đó sẽ còn những điều khúc mắc cần phải giải toả, nhưng ngay bây giờ thì nó là điều tự nhiên sẽ xảy đến, không sớm thì muộn.”

 

 

Những khúc mắc cần giải quyết

 

Tiềm năng của mối quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ được đánh giá là rất cao bởi nhu cầu của cả hai bên. Thế nhưng, để khai phá tiềm năng này thì hai bên cần phải vượt qua được những rào cản còn tồn trọng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia.

 

Trở ngại đầu tiên mà hai bên cần phải phá bỏ, theo ông Nguyễn Thế Phương, là trở ngại về mặt chính trị:

 

“Trở ngại đầu tiên vẫn luôn là yếu tố chính trị, cứ nhìn thẳng vào sách trắng quốc phòng năm 2019 thì thấy vấn đề an ninh chế độ vẫn được đặt lên đầu tiên, sau đó mới là an ninh Biển Đông. Tức là, vẫn luôn luôn có một bộ phận trong Đảng Cộng sản nói chung, họ vẫn nghi ngờ mối quan hệ Việt-Mỹ. Điều này không thể được giải quyết một sớm một chiều được.

Vẫn có những nhóm lợi ích bên trong, ở đây họ không ngăn chặn hoàn toàn mà họ nói rằng là mối quan hệ Việt-Mỹ nên đi từ từ thôi, không đi nhanh. Và cái mà các nhà ngoại giao Mỹ luôn than phiền là mọi thứ diễn ra quá chậm.”

 

Ngoài ra, ông Phương cũng cho rằng mối quan hệ quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ cũng cần phải được đặt vào trong bối cảnh mối quan hệ tam giác Việt-Mỹ-Trung. Trong trường hợp này thì Việt Nam cần phải dè chừng các phản ứng tiềm tàng từ Trung Quốc, khi thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Mỹ.

 

Về phía mình thì ông Nguyễn Từ Huấn, người có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc cho quân đội Mỹ, cho rằng Hoa Kỳ phải thể hiện được mình là một đối tác đáng tin cậy:

 

“Về phía Mỹ thì tôi nghĩ là họ sẵn sàng, tại vì đây là một cái lợi chung cho cả hai bên, và nó phải có một sự tin tưởng. Hai bên phải tin tưởng với nhau rằng tôi sẽ không bỏ rơi anh, và tôi sẽ sẵn sàng cung cấp cho anh những vũ khí mà anh có thể sử dụng đúng theo những gì mà anh mua.”

 

--------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Việt Nam mua vũ khí Nga: không ảnh hưởng đến quan hệ với Mỹ

 

Vũ khí quân dụng: luật cấm sở hữu nhưng ngày càng nhiều trong xã hội VN!

 

Người dân lo ngại gì khi CSGT được trang bị thêm nhiều loại súng?

 

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở sẽ bảo vệ ai?

 

Đáng lo khi Công an tùy tiện “bóp cò”





No comments: