Lược
sử Hoa Kiều: Những người kiến tạo Nam Bộ
Nguyễn Hạnh - Luật
Khoa Tạp Chí
Oct 18, 2023 11:54 AM
https://www.luatkhoa.com/2023/10/luoc-su-hoa-kieu-tai-viet-nam-nguoi-kien-tao-nam-bo/
Chạy nạn đến Việt Nam và chạy nạn khỏi Việt Nam.
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2023/10/EiYJu5ph-1.jpg
Bản đồ Nam Kỳ (Cochinchine) thời Pháp thuộc,
năm 1881. Nguồn ảnh: Saigoneer.
Ngày xưa, người Hoa ở Việt Nam thường ghi trên
đầu những đơn thư, giấy tờ của họ dòng chữ: “Lu sen Yuch Nam”, hoặc tiếng tắt
“Lu Yuch”, có nghĩa là “Tạm trú ở Việt Nam”.
Ý nghĩa của dòng chữ này không gì khác hơn là
biểu lộ một tinh thần sẽ trở về cố hương của họ.
Nhìn chung, người Hoa luôn coi họ là khách, sống
nhờ trên đất đai của người Việt nên họ cư xử một cách rất có ý tứ, hiếm khi can
dự vào chính trị. Trong những người nước ngoài ở Việt Nam, người Hoa chiếm được
nhiều cảm tình của người Việt.
Người Hoa không mang đến nhiều tiền bạc khi cập
bến Việt Nam, nhưng họ mang đến những thứ còn quý giá hơn gấp nhiều lần. Đó là
những kỹ năng mới mẻ về kỹ nghệ, thương mại, nông nghiệp, và sự siêng năng hiếm
có từ đó góp phần kiến tạo một Nam Bộ trù phú từ đầm lầy, rừng rậm, thú dữ.
Tuy nhiên, số phận Hoa Kiều ở Việt Nam có lẽ
là bi thương nhất trong các nước Đông Nam Á, đặc biệt từ sau năm 1975.
Hơn một triệu Hoa Kiều ở Việt Nam
Trước năm 1975, Nam Việt Nam có hơn một triệu
người Hoa, là nước có số lượng Hoa Kiều đông đảo thứ năm trên thế giới.
Người Hoa lúc này đã tự xây dựng một lịch sử vẻ
vang ở Việt Nam. Tổ tiên của họ là những người đã tham gia khai mở những đô thị
lớn ở miền Nam như Sài Gòn, Chợ Lớn, Biên Hòa, Mỹ Tho, Hà Tiên, v.v.
Người Hoa vận hành một hệ thống kinh tế rất lớn,
thuộc thành phần đóng thuế đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Những người Hoa nhập cư sau này, nhất là trong
thời kỳ Pháp thuộc là thế hệ không bị đồng hóa. Họ đã tự xây dựng các loại hội
khác nhau để bảo vệ quyền lợi, nâng đỡ lẫn nhau và hạn chế các xung đột trong cộng
đồng Hoa Kiều.
Những loại hội này đến nay đã rơi vào quên
lãng mặc dù có rất nhiều điều đáng học hỏi về cách hệ thống tổ chức. Thay vào
đó những loại hội mang tính “võ hiệp, thần bí” lại được truyền tụng dù trên thực
tế không có vai trò gì đáng kể.
Những hội Trung Hoa đầu tiên ở nước ngoài
Trong cuốn sách Người Hoa ở miền Nam Việt Nam,
xuất bản năm 1968 tại Sài Gòn, nhà nghiên cứu Tsai Maw Kuey khẳng định so với
Thái Lan hay Mã Lai, các hội kín Trung Hoa ở Việt Nam không có vai trò gì đáng
kể. [1]
Ông Tsai cho biết trên thực tế nhiều tổ chức
chính trị Trung Hoa mang danh nghĩa “phản Thanh, phục Minh” như Thiên Địa Hội,
Hồng Môn Hội đã thiết lập chi nhánh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, chính quyền thuộc địa đã truy bức
những hội này vô cùng gắt gao. Người tham gia những hội này sẽ bị phạt tiền rất
nặng, ngồi tù có thời hạn và bị trục xuất khỏi nước.
Do không đạt được mục đích về chính trị, các hội
này đã từ bỏ việc đấu tranh chính trị, chuyển thành các hội từ thiện, văn học,
nghề nghiệp, v.v.
Tuy nhiên, các hội Trung Hoa mang tính đấu
tranh chính trị chính là những hội người Hoa đầu tiên ở các nước Đông Nam Á.
Khai mở đất đai Nam Bộ
Từ thời nhà Đường, giao thương đường thủy đã
phát triển giữa Trung Hoa và các nước Đông Nam Á. Hoạt động này đã góp phần
đáng kể tạo ra những cộng đồng Hoa Kiều ở Lục Chân Lạp (Campuchia sau này) và
Thủy Chân Lạp (Nam Việt Nam sau này). Những người di cư này tìm được cuộc sống
thoải mái hơn so với quê nhà.
Bên cạnh những người theo các thương thuyền
buôn bán, còn lớp người Hoa là tội phạm, quan chức bị cách chức, .v.v đến sinh
sống ở Việt Nam như một hình thức lưu đày. Ngoài ra, một số quan lại triều đình
Trung Hoa do thất bại từ việc cầu viện trợ nên không trở về nước, mà lập nghiệp
nơi viễn xứ.
Tuy nhiên, từ sau khi nhà Thanh lên ngôi, làn
sóng di cư của người Hoa mới đáng chú ý. Từ năm 1643 đến năm 1683, những quan
chức trung thành với triều đại bị lật đổ, nhà Minh, hoặc lo sợ bị chế độ mới
sát hại, đã kéo theo quân đội của mình đến Việt Nam.
Nổi tiếng trong các quan chức này có Mạc Cửu,
một võ quan của Trịnh Thành Công, một lực lượng chống đối Mãn Thanh khi đó phải
chạy trốn sang Đài Loan. Mạc Cửu đã thuyết phục được vua Chân Lạp để mình cai
quản đất Hà Tiên. Sau đó, con trai của Mạc Cửu, Mạc Sĩ Lân, đã khéo léo dâng hiến
vùng Hà Tiên cho vua Việt Nam. Mạc Sĩ Lân đã phát triển Hà Tiên thành một địa hạt
kinh tế danh tiếng ở Nam Bộ.
Đài
Loan lược sử – Kỳ 1: Thân phận thuộc địa
Hòn đảo Xinh đẹp từng có một quá khứ rất nhọc
nhằn.
Luật
Khoa tạp chí Trịnh Hữu
Long
https://www.luatkhoa.com/content/images/2021/09/L--c-s----i-Loan.jpg
Đảo Đài Loan
Nhóm quân đội kế tiếp có vai trò đáng kể trong
việc kiến tạo miền Nam là nhóm của Trần Thượng Xuyên và nhóm của Dương Ngạn Địch.
Nhóm của Trần Thượng Xuyên đã định cư ở khu vực
Biên Hòa hiện nay, khai mở vùng rừng rậm Đồng Nai.
Nhóm của Dương Ngạn Địch tách ra làm hai,
chính ông làm chủ một nhóm định cư ở Phan Trần (sau này là Gia Định), và một
nhóm do phụ tá của ông là Hoàng Tiến lãnh đạo đến lập nghiệp ở Mỹ Tho.
Khu vực Chợ Lớn được thành lập vào năm 1778
khi quân đội Tây Sơn đánh chiếm Nam Bộ nhưng thất bại, trong đó có sự chống cự
rất đáng kể của người Hoa.
Chợ Lớn lúc này bao gồm cả người Minh Hương (tức
chỉ người trung thành với nhà Minh, và sau này được hiểu thành chỉ những người
có cha là người nhập cư Trung Hoa và mẹ là người Việt Nam), cùng với người thuộc
làng Thanh Hà (tức là người di cư của nhà Thanh sang).
Bốn năm sau, quân đội Tây Sơn đã trả thù bằng
cách đốt phá khu Chợ Lớn khiến hơn 10.000 người Hoa chết thảm thiết. Đây là sự
kiện thảm sát người Hoa duy nhất tại Việt Nam.
https://www.luatkhoa.com/content/images/2023/10/h12_FQBK-1.jpg
Người Hoa ở
Chợ Lớn xưa. Nguồn ảnh: Báo Pháp Luật.
https://www.luatkhoa.com/content/images/2023/10/h16_fklk-1.jpg
Người Hoa ở
Chợ Lớn xưa. Nguồn ảnh: Báo Pháp Luật.
Người Hoa di cư dưới thời Pháp
Người Tây Phương khi thuộc địa hóa các nước
Đông Nam Á đã buộc nhà Thanh phải cho phép người Hoa di cư tự do ra nước ngoài.
Lý do lớn nhất của việc này là nhu cầu về một lực lượng lao động lớn để xây dựng
các xứ sở thuộc địa, danh từ “cu-li” bắt nguồn từ đây.
Năm 1865, Pháp đã mở một sở nhập cư để khuyến
khích người Hoa đến Nam Kỳ. Chính sách nhập cư vô cùng dễ dàng, không cần giấy
tờ thông hành, mà chỉ cần gia nhập một trong các bang hội của người Hoa và đóng
thuế cư ngụ.
Các bang thời kỳ này được chia theo ngôn ngữ,
bao gồm: Quảng Châu, Triều Châu, Kíong tehéou (nói tiếng Hải Nam), Phúc Kiến, Hải
Nam (nói tiếng Wouen tchang), Phúc Châu và Khách Gia (Hakka).
Từ 44.000 Hoa Kiều vào năm 1879, số người Hoa ở
Nam Kỳ lên đến 156.000 người vào năm 1921. Năm 1931, số người Hoa ở khu vực này
là 205.000, Bắc Kỳ 52.000 và Trung Kỳ 10.000 người. Năm 1940, số người Hoa ở
Nam Kỳ là 380.000 người.
Cho đến năm 1946, ngay sau khi Trung Quốc
giành lại độc lập từ người Nhật, nhiều Hoa Kiều đã quyết định quay về cố hương.
Nhưng cuộc nội chiến giữa Quốc Dân Đảng và Cộng sản Đảng đã thổi bùng một làn
sóng di cư mới.
Năm 1950, số người Hoa ở Nam Kỳ là 678.261 người.
Từ đây, tình trạng di cư của người Hoa đến Việt Nam chấm dứt. Một phần do Trung
Hoa đã kết thúc nội chiến. Mặt khác, Pháp và Việt Nam thực thi nhiều chính sách
để hạn chế người Hoa nhập cư.
Chợ Lớn (Sài
Gòn) những năm 1950. Nguồn ảnh: Báo Giáo dục Việt Nam.
Rời khỏi Việt Nam
Sau khi Sài Gòn sụp đổ, chế độ mới đã thiết lập
nền kinh tế bao cấp, xóa sổ hoàn toàn nền kinh tế tư bản thịnh vượng ở miền
Nam. Doanh nhân Hoa Kiều bị quốc hữu hóa tài sản. Hoạt động văn hóa, tôn giáo của
người Hoa cũng bị cấm.
Năm 1978, xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc
bùng nổ ở biên giới phía Bắc Việt Nam. Cộng đồng người Hoa càng thêm chao đảo.
Phía Trung Quốc cho rằng Việt Nam sẽ trừng phạt
người Hoa vì Trung Quốc đang tài trợ cho Khmer Đỏ ở Campuchia. Phía Việt Nam
nói rằng người Hoa ra đi do nghe theo tin đồn thất thiệt của Trung Quốc.
Người Hoa các tỉnh miền Bắc trở về Trung Quốc
qua đường biên giới. Chính quyền Việt Nam bắt đầu cho phép người Hoa ở các tỉnh
miền Nam đăng ký rời khỏi nước. Sự kiện người Hoa rời bỏ Việt Nam được gọi là “Nạn
Kiều”, nằm trong sự kiện “Thuyền Nhân” Việt Nam. [2]
Liên Hiệp Quốc ước tính rằng đến cuối năm 1978,
khoảng 70% người Việt sống sót đến các trại tị nạn là người Hoa. Trong bảy
tháng đầu năm 1979, có 177.000 người từ Việt Nam đến các trại tị nạn ở Đông Nam
Á. Rất nhiều người đã chết trên biển vì cướp bóc, bão tố, tai nạn, v.v. Đến năm
1981, số thuyền nhân là người Hoa chỉ còn khoảng 30 - 40%. [3]
Đến năm 1987, một số người Hoa đã trở về Trung
Quốc từ Việt Nam lại vượt biên đến Hồng Kông xin tị nạn cùng với thuyền nhân Việt
Nam. Họ nói rằng bản thân đã bị người bản địa Trung Quốc kỳ thị.
Cộng đồng người Hoa đã tan rã tại Việt Nam.
Trong khi đó, người Hoa ở các nước Đông Nam Á khác phát triển một cách liên tục
cho đến hôm nay, trở thành những cộng đồng có sức ảnh hưởng, đóng góp đáng kể,
nhất là về kinh tế.
------------------------------
Chú thích
1. Tsai Maw Kuey. Người Hoa ở miền Nam Việt
Nam. Xuất bản năm 1968. Thư viện Quốc gia. Ủy ban Nghiên cứu Sử học và Khoa
học, Bộ Quốc gia Giáo dục.
2. Hạnh, N. (2023). Thảm kịch thuyền nhân: 20
năm biển người giữa Biển Đông. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2022/04/tham-kich-thuyen-nhan-20-nam-bien-nguoi-giua-bien-dong/
3. Xem [2].
Các thông tin, số liệu không có trích dẫn
trong bài viết được lược khảo từ cuốn sách "Người Hoa ở miền Nam Việt
Nam" của Tiến sĩ Tsai Maw Kuey, một người từng theo học tại trường Trung học
Pháp - Hoa ở Chợ Lớn và Viện Đại học Sorbonne, Pháp. Cuốn sách được Ủy ban
Nghiên cứu Sử học và Khoa học thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục của Việt Nam Cộng hòa
xuất bản năm 1968 tại Sài Gòn.
===================================
Đọc thêm:
Thảm kịch thuyền nhân - Phần 1 : Biển người giữa Biển Đông
https://www.youtube.com/watch?v=obOacvCwREQ&list=PLVZIZykpy4AdKpikBcE1rACE0f-iERpd8
Thảm
kịch thuyền nhân: 20 năm biển người giữa Biển Đông
Một trong những thảm kịch tị nạn dai dẳng nhất
trong lịch sử nhân loại.
No comments:
Post a Comment