Khi
phê bình nghệ thuật nhuốm máu không ghê tay
17/10/2023
https://baotiengdan.com/2023/10/17/khi-phe-binh-nghe-thuat-nhuom-mau-khong-ghe-tay/
Sạch
sẽ, sạch sẽ, vô cùng sạch sẽ
Năm 2009,
khi bộ phim Watchmen ra chiếu rạp, tôi cực kỳ mê. Tôi ngồi gần
ba tiếng đồng hồ thấm hút hết những âm nhạc kỳ vĩ, hình ảnh cực đại, siêu anh
hùng mang triết lý vĩ đại. Tôi đến rạp xem bộ phim ba lần vì mê không chịu nổi.
Có hàng triệu khán giả giống như tôi, mê thật mê Watchmen.
Vì sự yêu
mê nghệ thuật đó, chúng ta tha thứ cho một cảnh phim vô cùng tàn bạo. The
Comedian gặp một phụ nữ Việt Nam có bầu, mặc áo bà ba trong quán bar. Cô gái có
bầu với hắn. Cô cầm chai bia đập hắn. Hắn nã súng vào đầu cô.
Người phụ
nữ Việt Nam mặc bà ba màu nâu, mang bầu, vô tội trong khuôn khổ phim, xuất hiện
vài chục giây, được bắn nát mặt để làm tiền cảnh cho giả định: Nếu Mỹ thắng chiến
tranh Việt Nam thì sao?
Từ giả định
“Nếu Mỹ thắng chiến tranh Việt Nam…”, ta được xem tiếp cảnh Dr. Manhattan dùng
siêu năng lực làm nổ tung những người đàn ông đội nón lá thành đống thịt. Thắng
chiến tranh Việt Nam là phải giết hết bọn Việt Nam – một đống bầy nhầy.
Là khán giả,
chúng ta lượng thứ cho giả định không hề lịch sử đó. Ta có rất nhiều lý lẽ biện
minh cho sự quảng đại nghệ thuật của mình: Phim Mỹ mà, giả định mà, phim siêu
anh hùng mà, hư cấu mà. Cục điện ảnh cũng độ lượng, họ cho chiếu gần hết những
cảnh đó, chỉ cắt đi vài đoạn đối thoại nhỏ hơi gắt.
Đôi lần
tôi xem lại bộ phim và rùng mình tưởng tượng ra cô gái mang bầu bà ba đó. Cô ấy
giống tôi, một người phụ nữ Việt Nam có lẽ là vô tội. Đứa bé trong bụng chắc chắn
là vô tội. Nhưng cả hai được dùng làm phông trang trí cho khung hình tôn vinh vẻ
bạo lực hào sảng của Comedian và Dr. Manhattan – sức mạnh của vũ trang và bom
nguyên tử – cỗ máy chiến tranh của Mỹ.
Nhà văn
Nguyễn Thanh Việt đạt giải Pulitzer từng viết trong tác phẩm Nothing Ever Dies của ông: “Cuộc tranh đấu về ký ức
không thể tách rời những khắc khoải đấu tranh giành lấy tiếng nói, sự kiểm
soát, quyền lực, quyền tự quyết, và cả ý nghĩa của cái chết. Những quốc gia có
cỗ máy chiến tranh khổng lồ không chỉ làm tổn thương quốc gia yếu hơn, mà chúng
còn biện minh cho những vết thương gây ra cho thế giới. Cách mà nước Mỹ nhớ về
cuộc chiến và ký ức chiến tranh, ở mức độ nào đó, cũng là cách thế giới nhớ về
cuộc chiến này”.
Đoạn viết
này của ông nói về cách “Cỗ máy chiến tranh” của nước Mỹ vẫn tiếp tục tiến hành
và xay nghiền sự thật sau khi cuộc chiến thật sự kết thúc trên bãi chiến trường.
Bạn có thể nhớ lại vô số phim có hình ảnh Việt Nam ta từng xem, ở đó cô gái Việt
Nam thường làm điếm, nói những câu ngu dốt, đần độn như trong phim hành động.
Còn chiến tranh Việt Nam thì những người đi lại có vẻ là người Việt Nam thường
man rợ, hung tợn, nói những câu vô nghĩa hay hú hét gì đó.
Vị anh
hùng là người Mỹ, đóng vai chính, góc nhìn phóng từ sau khẩu súng, bóp cò giết
chết kẻ khác. Mỹ có thể thua Việt Nam trên thực địa, nhưng người Việt Nam trên
phim thì mãi ngớ ngẩn, mọi rợ, tục tằn.
Nhưng
chúng ta, những khán giả đến từ phần thế giới có tham chiến đó, có ông bà, cha
mẹ mình trong cuộc chiến, đã độ lượng và hào sảng tha thứ cho những khung hình tục
tĩu đó. Tôi, cũng đã tha thứ cho khung hình cô phụ nữ mang bầu bị bắn bể mặt.
Có thể vì tôi độ lượng nghĩ rằng “phim siêu anh hùng mà, hư cấu mà” dù cuộc chiến
Việt Nam là lịch sử thật.
Rồi giờ ta
thử nhìn xem bộ phim Đất Rừng Phương Nam bị đối xử trên mạng. Những nhà học thuật
đem vài cái tên đám giang hồ Tàu ra làm lý do đòi “xử lý” bộ phim. Nhưng cũng
những nhà học thuật đó không hề gợi ý được là phong trào yêu nước nào của Nam Bộ
tồn tại thời gian đó, những Hòa Hảo, Cao Đài, quân Bình Xuyên của giang hồ Bảy
Viễn (Bảy Viễn chính là người của Nghĩa Hòa Đoàn thời thiếu niên). Họ dùng “học
thuật” và sự thù địch truyền kiếp Tàu – Việt, để làm luận giải rằng, đặt tên mớ
hội đó là sai sự thật.
Có một sự
thật khác, là ở Việt Nam, bạn sẽ khó được nghe nhắc đến tên Hòa Hảo, Cao Đài,
hay Bình Xuyên. Chắc chắn những người làm phim biết họ không được đụng đến những
cái tên này, dù đó là lịch sử, dù đó là những tôn giáo nội sinh và nhóm vũ
trang đã đứng lên chống Pháp từ trước khi Việt Minh trở thành cái gì đó cần phải
ca ngợi mãi mãi. Đó là những cái tên 100% sẽ bị kiểm duyệt xóa sổ và vì vậy, tất
nhiên, chúng không bao giờ lên phim.
Một nhà
báo tên Hà Quang Minh còn mạnh miệng viết, “Thực tế, Nam Kỳ sau phong trào Minh Tân và phong
trào của Phan Xích Long thì có quá ít phong trào kháng Pháp so với Trung Kỳ, Bắc
Kỳ. Phong trào Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì… nhà sản xuất đã quyết cách ly Việt Minh từ
đầu. Trong thế không tìm ra được phong trào nào, nhà nhà sản đành dựa vào Tàu.
Mà khốn nỗi dựa sai chỗ, dựa đúng anh em Nghĩa Hoà đoàn chuyên kinh doanh cờ bạc
đĩ điếm và á phiện. Anh em Nghĩa Hưng đoàn thì chắc biên kịch chưa đọc ra“.
Quá dũng cảm
cho một người hoàn toàn không hề biết lịch sử Nam Kỳ có gì, không hề biết quân
đội của Hòa Hảo đã bảo vệ làng xóm và quê hương của họ và được sự ủng hộ của
người dân ra sao, không hề biết giang hồ Bảy Viễn của Nghĩa Hòa Đoàn đã trở
thành một tên tuổi chống Pháp lừng lẫy, không hề biết Cao Đài ở Tây Ninh đã bảo
vệ quê hương, gia đình của họ ra sao.
Bộ phim “Đất
Rừng Phương Nam” có lẽ đã trở thành tấm bia tấn công cho các nhà trí thức miền
Bắc rất mù mờ về phong thổ và cách sống của Nam Kỳ. Đám người này diễn giải mọi
thứ từ chiến tranh, xung đột thực dân, đến cách sống với thiên nhiên theo ý của
họ, từ cái nhìn Bắc Kỳ thượng đẳng nhìn xuống thấy chỗ nào cũng quê, cũng dốt,
cũng tầm thường trộm cắp. Họ nói rằng Nghĩa Hòa Đoàn là bọn giang hồ cướp vặt.
Họ nói rằng Nam Kỳ quá ít phong trào kháng Pháp”, họ nói rằng đất Nam Kỳ thiên
nhiên ưu đãi dễ sống chả cần làm ăn gì.
Cái vụ
nhìn từ Bắc xuống chân Nam xong tỏ ra khinh bỉ có lẽ rất hợp với cụ Phạm Quỳnh
xưa. Cụ vào Nam được các nhà trí thức, nhà văn hóa dắt đi tham thú, xong cụ về
nhà một quyển tản văn đầy những đoạn thế này:
“Thật
thế, đất Nam Kỳ muốn mở mang cho hết sức, phải cần có người Bắc kỳ, Trung kỳ
vào sinh cơ lập nghiệp trong ấy mới được. Không những dân Nam Kỳ có ít
người và cũng không có tính chăm làm, nhưng hiện nay đã là thừa đủ ăn rồi,
không cần phải làm nữa“.
Có thằng
nào phải sống giữa những đồng nước mênh mông nửa năm, cá sấu từ rừng ngay dưới
chân dưới mép nước, đỉa lềnh như bánh canh, xong mở mồm bảo dễ sống, thì xin
hãy sống ở đâu đó chứ đừng thiếu tôn trọng như vậy với tâm thế sống hoàn toàn
khác biệt.
Xong một
sáng Phạm Quỳnh được ngồi “xà lúp” (thuyền máy) qua sông, thấy khách đi thuyền
ăn mặc tươm tất, mang vali nhỏ, Phạm Quỳnh nhanh nhảu phán luôn: “Ngó bộ những
người hành khách ngồi quanh mình đầy, cũng đủ biết dân Nam Kỳ này không
phải là một dân lao động cần cù, nếu có cái đặc tính với dân các xứ khác thì
cái đặc tính ấy chắc là tính lười vậy“.
Túm lại là
Phạm Quỳnh vào Nam Kỳ chơi, được trí thức, địa chủ, nhà văn hóa, người nông dân
thết đãi bằng sự chân thành hiếu khách, xong về nhà viết quả du ký chê cả miền
vừa lười vừa dốt, dốt chữ Nho, lười không làm việc.
Cái tâm thế
trí thức Bắc Kỳ nói về Nam Kỳ như vậy, 100 năm rồi có vẻ vẫn không gì thay đổi.
Tôi kể lại chuyện này nghe thì thật phân biệt vùng miền và ti tiện. Nhưng tôi
phải kể lại để thấy “ý thức hệ” mà các nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà văng hóa đã
dùng FB để vũ khí hóa chữ nghĩa và tấn công một bộ phim với cùng tâm thế đó.
Nhưng sự
thù địch này không phải bắt đầu từ dân Bắc với dân Nam đâu. Có vô số các bạn miền
Nam đã kết hôn, đã lập gia đình với các bạn miền Bắc, có vô số gia đình con trẻ
nói tiếng trại trại vì mẹ Nam cha Bắc, cha Bắc mẹ Nam.
Sự hiềm
khích này mà bắt đầu từ những đứa cầm bút, như Phạm Quỳnh, như Hà Quang Minh,
Hà Thanh Vân, như những kẻ bảo phải xóa tên Thiên Địa Hội vì là ăn cướp chứ
không yêu nước (nghe rành rọt gớm). Những người lãnh đạo xu hướng có chút chữ
nghĩa, dùng chữ nghĩa hóa thành vũ khí, tạo kỳ thị, gây chia rẽ, coi rẻ những
nhóm văn hóa mà chúng coi là thấp kém hơn mình.
Để không
sa đà vào chuyện vùng miền, hãy cùng tôi quay trở lại phân cảnh Comedian bắn vỡ
sọ cô gái Việt – và chú bé An theo Thiên Địa Hội chứ không phải Chính Nghĩa Hội.
Chúng là
hai ví dụ cho thấy khán giả, nhà kiểm duyệt điện ảnh và người lãnh đạo khán giả
đã rất độ lượng với giả thiết “Mỹ thắng chiến tranh Việt Nam” nhưng cực kỳ tàn
bạo với thằng bé An. Thằng bé đó được làm từ một quyển tiểu thuyết (là hư cấu),
Comedian cũng là nhân vật hư cấu. Nhưng An thì phải đúng với lịch sử, còn
Comedian có bắn nát sọ người Việt cũng giải trí và đẹp hơn hẳn.
Có phải
chúng ta đang dùng sự thù địch để nhấn chìm đối thoại văn hóa? Có phải chúng ta
rất độ lượng cho người nước ngoài (người Mỹ) nhưng không thể độ lượng với một
nhân vật tiểu thuyết hư cấu từ truyện tới phim?
Khán giả
chúng ta đã dùng hơn 40 năm qua để rủa xả kiểm duyệt, chửi bới đứa cắt phim, cắt
sách, cắt tác phẩm, nhưng khi có sức mạnh của mạng xã hội, chúng ta đã dùng
chính vũ khí truyền thông đó làm thế lực kiểm duyệt mới để trấn áp những gì
mình thấy ghét mà không cần màng tới đúng sai? không màng tới thể lọai là tiểu
thuyết hay phi hư cấu? Không màng tới khao khát sáng tạo và vượt ra khỏi giới hạn
của những bộ phim tiền tỷ cúng cụ làm xong xếp xó mà ta ngán ngẩm chửi bới mấy
thập niên qua?
Có những
nhóm đang vũ khí hóa kiểm duyệt vào tay họ để trấn áp đối thoại văn hóa khác biệt
của một vùng miền khác họ. Là người thưởng thức văn hóa, bạn có muốn biến văn
hóa thành vũ khí để chà đạp lên sáng tạo không? Bạn có dùng văn hóa lịch sử để
bịt miệng những tác phẩm hư cấu khác với kỳ vọng của bạn không? Bạn có cho phép
những kẻ dùng chữ làm vũ khí tấn công cả một vùng đất không? Chọn lựa đó là của
bạn.
Nhưng bạn
đừng quên ta đã độ lượng với người Mỹ thế nào khi coi Watchmen,
Apocalypse Now… trong những phim đó, chúng ta là những cô gái Việt làm điếm,
những chàng trai Việt mọi rợ, ngu đần.
Chúng ta
đã rất độ lượng vì trân trọng sáng tạo điện ảnh. Ta có nên độ lượng như thế với
Đất Rừng Phương Nam không?
No comments:
Post a Comment