Điện ảnh Việt Nam
qua hồi ký Đặng Nhật Minh
Bảo La - Luật
Khoa Tạp Chí
October 24 2023 6:00 PM
https://www.luatkhoa.com/2023/10/dien-anh-va-cuoc-doi/
Làm phim trong môi trường kiểm duyệt khó tả và khó lường.
.
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2023/10/-i-n--nh-v--cu-c---i.jpg
Ảnh bìa
sách: Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ. Đồ họa: Luật Khoa.
Giọng văn thẳng thắn mà tha thiết, nhưng cũng
không kém phần hóm hỉnh, cuốn sách “Điện ảnh và cuộc đời” xuất bản năm
2018 của đạo diễn gạo cội Đặng Nhật Minh khái quát nền điện ảnh hiện đại Việt
Nam, và câu chuyện của một nhà làm phim trong môi trường kiểm duyệt khó tả và
khó lường.
Tuổi thơ
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm
thầy - cả thầy giáo và thầy thuốc, ông có cơ hội tích lũy kiến thức ở nhiều
lĩnh vực. Nhờ thân thế của người cha là một trí thức yêu nước - Bác sĩ Đặng Văn
Ngữ, người nghe theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến để rồi từ Nhật trở về
quê hương cống hiến, tác giả có một tuổi thơ đầy trải nghiệm, được hưởng nền
giáo dục đa quốc gia.
Ông khéo léo lồng ghép những sự kiện trong
dòng chảy lịch sử của đất nước qua câu chuyện cá nhân, câu chuyện gia đình, và
qua các tác phẩm điện ảnh của mình. Khi ở Huế, tác giả không mặc quần áo đẹp vì
sợ bị coi là con nhà giàu. Ông tự nhận mình là một người hướng nội, học lực
trung bình, sớm trở thành “một thiếu sinh quân mặc dù chưa tham chiến bao giờ”.
Ông cũng không khỏi tự hỏi, liệu rằng những người như cha mẹ ông - người cha
thuộc thành phần tiểu tư sản và người mẹ thuộc dòng dõi quan lại triều đình Huế
- đã phải tự kiểm điểm những gì trong cuộc chỉnh huấn Việt Bắc năm 1953.
Ngày lên đường du học cũng là ngày cuối cùng
ông nhìn thấy mẹ. Những ngày ở Trung Quốc, ông đã chứng kiến những sự kiện kinh
hoàng: Phong trào Thổ cải (bắn địa chủ ngay trước mặt trẻ con, triển lãm tội ác
của địa chủ Trung Quốc), phong trào Tam phản Ngũ phản (đấu tố những người không
thành khẩn). Và rồi, ông được cân nhắc vào danh sách bổ sung đi Liên Xô, sau
khi một người bạn của ông bị phát hiện gia đình có gốc địa chủ nên bị loại khỏi
danh sách. Ông học tiếng Nga khi chưa có từ điển Nga - Việt, và trở thành người
phiên dịch lời thoại phim Liên Xô tại Cơ quan phát hành phim và Chiếu bóng
Trung ương khi quay về nước năm 19 tuổi.
Nghề chọn người
Quãng thời gian làm phiên dịch cho các chuyên
gia điện ảnh Liên Xô cho tới khi Liên Xô bắt đầu xét lại và trường không mời họ
đến dạy nữa cũng là lúc ông tiếp cận với điện ảnh.
Tác phẩm đầu tay của ông và cũng là tác phẩm
duy nhất mà cha của ông là Bác sĩ Đặng Văn Ngữ chứng kiến, có tên “Theo chân
người địa chất”. Nhờ cuốn phim đầu tay ấy mà ông được cử tuyển đi học ngành
điện ảnh tại Liên Xô. Nhưng với tác giả, đó là sự ưu ái vì ông là con liệt sĩ -
cha ông chết tại chiến trường Trị Thiên năm 1967. Nỗi đau mất cha, lại không
đành lòng khi để lại vợ con nhỏ ở nhà đã khiến ông từ chối cơ hội đi Liên Xô. Đổi
lại, Bộ Văn hóa đồng ý để ông từ bỏ công việc phiên dịch mà chuyển công tác đến
Xưởng phim Hà Nội.
Bất cứ một đạo diễn nào vào thời bấy giờ cũng
phải vừa hồng vừa chuyên vì “điện ảnh là một tờ báo chính luận bằng hình ảnh của
đảng”. Tuy nhiên, Đặng Nhật Minh vừa không được đào tạo bài bản ở bất kỳ trường
lớp đạo diễn trong và ngoài nước nào, vừa không phải là một đảng viên. Ông cho
biết: “Hồi ấy ai làm phim gì đều theo sự phân công của Đảng ủy xưởng phim.” Ông
từ chối cơ hội “được trên cử xuống” để tìm con đường riêng cho mình.
Làm phim theo đơn đặt hàng
Và khi chính thức trở thành đạo diễn, ông cũng
không hoàn toàn được tự do hành nghề sáng tạo. Ở những thước phim đầu tiên, ông
được giao nhiệm vụ phải làm phim nhằm mục đích tuyên truyền, bởi vậy mà chính
ông cũng quên chúng. Ông viết: “Tổ chức là quyền lực tối cao định đoạt số phận
của mỗi cá nhân trong xã hội.” Việc đi học của đạo diễn cũng là do tổ chức quyết
định.
Ông nhớ lại lúc đoàn làm phim của ông tiến vào
Sài Gòn ngay sau khi Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, ông được giao nhiệm vụ
quay phim xung quanh hai chủ đề: sự vui mừng của người Sài Gòn khi được giải
phóng và tàn dư của xã hội dưới chế độ Sài Gòn cũ. “Đoàn làm phim nào cũng quay
các cuộc tuần hành của sinh viên thanh niên trên đường phố để nói lên nỗi hân
hoan, đoàn nào cũng săn lùng quay ăn mày để tố cáo chế độ thực dân. Mấy người
ăn mày ở chợ Bến Thành trong những ngày ấy ngạc nhiên không hiểu sao lại được
các nhà quay phim miền Bắc ưu ái như vậy. Các ổ xì ke, gái mại dâm cũng được
quan tâm không kém vì đấy là những biểu hiện xấu xa của chế độ cũ. Không quay
nhanh sợ sau này không có để mà quay.”
Đó là việc đoàn làm phim “Ngày mưa cuối năm”
viết về cuộc đấu tranh của một kỹ sư trẻ sáng tạo ở mỏ than với ông giám đốc thủ
cựu bị Ban Tuyên Giáo Quảng Ninh yêu cầu không đọc kịch bản và không cho quay ở
Hòn Gai vì lý do câu chuyện không có thực. Kịch bản sau đó phải sửa mới được
quay. Đó chỉ là một phim chỉ tiêu được đảng và nhà nước “đặt hàng”. Và đó cũng
là phim cuối cùng ông làm dựa trên một kịch bản được duyệt sẵn theo định hướng
từ trên, kịch bản từ những cuộc thâm nhập thực tế của các nhà biên kịch nghe
báo cáo từ lãnh đạo địa phương mà chẳng hề tiếp xúc với thực tế. Ông ngán ngẩm
cả những phim đặt hàng do chính mình làm ra.
Sâu sắc mà gãy gọn, ông định nghĩa kịch bản
phim chủ nghĩa xã hội là “mọi thứ đều phải vui”. “Cái tiêu chí của việc duyệt kịch
bản hồi ấy và cho đến tận bây giờ vẫn thế: ca ngợi người tốt, việc tốt, xã hội
tốt, v.v. có chuyện gì xấu thì chỉ là cá biệt và cuối cùng thì cái kết phải lạc
quan.”
Thời điểm tái cơ cấu, nâng cấp từ xưởng phim
lên hãng phim là thời kỳ mà đạo diễn “cảm thấy bế tắc và chán ngán nhất”. Ông
tìm đến việc học tiếng Pháp như một cách giải trí cho riêng mình.
Nghề và nghiệp
Mỗi cuốn phim lại gắn với một cột mốc lịch sử
đất nước và những thăng trầm của chính tác giả, gắn liền với những thăng trầm
kiểm duyệt, sự đố kỵ, và những nỗ lực vùi dập các phim của ông trong những giải
thưởng trong nước.
Phim “Thị xã trong tầm tay” nói về chiến
tranh biên giới Việt - Trung năm 1979 là một bước ngoặt khi ông được làm phim dựa
trên chính truyện ngắn mình viết. Kể từ đó, đạo diễn toàn tâm toàn ý làm phim
theo kịch bản mình lựa chọn và chính mình rung động để tìm cách “tồn tại trong
điện ảnh”.
Phim “Thương nhớ đồng quê” khắc họa những
người nông dân chịu nhiều nỗi đau trong chiến tranh chứ không phải hình ảnh một
nông thôn cách mạng, những hình ảnh bị vu là bôi đen hiện thực.
Phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” chịu
13 lần xét duyệt (trong đó có các thứ trưởng, các bộ trưởng, rồi đến Bộ Chính
trị, Tổng Bí thư Trường Chinh), bị ép không được khiến hai nhân vật chính nảy nở
tình yêu, bị yêu cầu bỏ cảnh chợ âm dương vì mê tín dị đoan, hay quan ngại nói
về nỗi đau của con người trong chiến tranh là quá sớm trong khi thống nhất chưa
lâu.
Phim “Cô gái trên sông” bị một lãnh đạo
phản đối gay gắt vì hình ảnh chiến sĩ cách mạng bội bạc, còn lính Sài Gòn thì lại
thủy chung với nhân vật chính Nguyệt, người con gái bán thân nuôi miệng.
Phim “Hà Nội mùa đông năm 46” bị đề nghị
cắt lời thoại nguyên gốc của Hồ Chí Minh vào tháng 1 năm 1946 là “Nếu cần có đảng
phái thì sẽ là Đảng Dân tộc Việt Nam, đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho
dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt
Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”. Nhưng người đạo diễn
gạo cội cho biết lý do có thể là lo ngại “bị địch lợi dụng” - một cụm từ thừa
nhận đã nghe quá nhiều lần.
Phim “Mùa ổi” nói về những trí thức cũ
của Hà Nội không tham gia kháng chiến đã bị lãng quên, bị phân biệt đối xử, phải
đợi rất lâu mới được cấp phép vì lý do mơ hồ “phim làm ra lúc này không có lợi”.
Chỉ một lời tuyên bố của lãnh đạo điện ảnh
“làm phim video, chiếu phim video là chiến lược của điện ảnh Việt Nam” đã làm
hàng loạt rạp chiếu bóng tan rã, đẩy phim nhựa vào cảnh lao đao. Khi người ta
nhận ra điện ảnh là phim nhựa thì rạp đã không còn nữa, khiến việc phát hành
phim rơi vào khủng hoảng. Từng giữ vai trò Tổng Thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam,
ông không ngại nói ra một sự thật buồn: “Mỗi lần đại hội [điện ảnh] là bãi chiến
trường của những cuộc tranh giành quyền lực, của những cuộc vận động cửa trước
cửa sau, của những âm mưu cấu kết”.
Phim “Trở về” là phim đầu tiên được
quay suốt từ Nam chí Bắc, là phim nói về “người hùng thời đổi mới” mà nhiều người
trong số đó là những nhà khoa học được đào tạo từ nước ngoài nhưng rồi trở
thành những doanh nhân cơ hội. Tuy vậy, không may thay, phim ra đời khi rất nhiều
rạp đã bị đóng cửa.
Cuốn sách đem đến cho độc giả niềm lạc quan,
tin tưởng vào trái tim con người, cũng như những gì vị đạo diễn khao khát thể
hiện trong phim của ông. Những lời tâm sự của ông vô cùng xúc động, cho ta thấy
bên cạnh những mặt tối vẫn còn nhiều tấm gương từ những người bạn trong và
ngoài nước của ông, họ vẫn âm thầm hướng tới chân, thiện, mỹ.
Đó là những diễn viên không chạy theo xu thế
phim video chỉ để kiếm tiền. Đó là những người bạn không cùng quốc tịch nhưng
giúp đỡ ông không vụ lợi để ông có thể yên tâm làm phim. Đó là những người nông
dân từ mọi miền của tổ quốc làm việc không ngừng nghỉ để kiếm sống ở thành thị.
Đó là những đồng nghiệp đam mê nghệ thuật, dù cho những sản phẩm sáng tạo của họ
chưa bao giờ được duyệt. Đó là những khán giả khao khát cái đẹp, những tấm lòng
khao khát nhân ái, hòa bình.
Tác giả kết thúc cuốn sách bằng sự kiện cổ phần
hóa hãng phim truyện, mà ông mong ước con tàu sẽ được tặng cho một bảo tàng nào
đó để thế hệ con cháu mai sau còn biết tới tàu điện một thời giữa lòng Hà Nội.
======================================================
Ái Vân và những
nỗi đau “để gió cuốn đi”
Ca sĩ hải ngoại Ái Vân kể chuyện về đời mình,
về một thế hệ lúc đó.
Đi
tìm mối chúa qua cuốn sách cấm của Tạ Duy Anh
Khi bỗng dưng tìm thấy một con mối, tức là
trong nhà của bạn đang có cả tổ mối.
Đi
tìm mục đích đời mình cùng với Viktor E. Frankl
Quyền tự do lựa chọn thái độ sống là điều
không ai có thể chiếm đoạt được.
Luật
Khoa tạp chí
Trần Quỳnh Vi
No comments:
Post a Comment