Monday, October 2, 2023

HÀN GẮN QUAN HỆ SAUDI ARABIA - ISRAEL : THÁCH THỨC KHÓ CHO WASHINGTON (Thùy Dương / RFI)

 



Hàn gắn quan hệ Ả Rập Xê Út - Israel : Thách thức khó cho Washington

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 02/10/2023 - 11:57

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20231002-h%C3%A0n-g%E1%BA%AFn-quan-h%E1%BB%87-%E1%BA%A3-r%E1%BA%ADp-x%C3%AA-%C3%BAt-israel-th%C3%A1ch-th%E1%BB%A9c-kh%C3%B3-cho-washington

 

 

Trong thời gian qua, Washington đã tập trung nhiều nỗ lực vào cuộc cạnh tranh chiến lược chống Trung Quốc tại Ấn Độ - Thái Bình Dương và cuộc đối đầu với Nga ở Ukraina, đến mức bỏ bê phần nào Trung Đông. Thế nhưng, khu vực này một lần nữa trở lại chương trình nghị sự ngoại giao. Chính quyền Mỹ từ vài tuần qua nỗ lực thuyết phục Ả Rập Xê Út và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao.

 

https://s.rfi.fr/media/display/183a5332-4a21-11ed-a126-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/000_32EK7H8.webp

(Ảnh minh họa) - Hoàng thái tử Ả Rập Xê Út, Mohammed ben Salmanen và tổng thống Mỹ Joe Biden (T) tại thượng đỉnh an ninh và phát triển, Djeddah, Ả Rập Xê Út, ngày 16/07/2022. © AFP PHOTO / SAUDI ROYAL PALACE / BANDAR AL GALOUD

 

Tuy nhiên, đây là một thách thức khó khăn đối với chính quyền Mỹ, theo nhận định của Lina Kennouche, tiến sĩ địa chính trị, Đại học Lorraine, Pháp, trên trang mạng nghiên cứu The Conversation ngày 26/09/2023. Có hai yếu tố địa chính trị khiến Mỹ mong muốn Riyad và Tel Aviv đạt thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao : một mặt là nhằm vô hiệu hóa tác động của thỏa thuận tạm thời mà hiện giờ Mỹ và Iran đang thương lượng ; mặt khác, kìm đà phát triển hợp tác giữa Ả Rập Xê Út và Trung Quốc.

 

Trước mối lo ngại rằng một thỏa thuận tạm thời sẽ tăng cường ảnh hưởng của Iran

 

Đối phó với tình trạng bế tắc trong các cuộc thảo luận nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran mà Hoa Kỳ đã rút khỏi dưới thời Donald Trump hồi năm 2018, mục tiêu của Mỹ là đạt được với Iran một thỏa thuận tạm thời để Teheran tạm ngưng hoạt động làm giàu uranium, đổi lại các quỹ của Iran tại nước ngoài sẽ đươc giải tỏa. Thỏa thuận này đã được cụ thể hóa với việc 5 tù nhân Mỹ đã được Iran trả tự do và được đưa về nước hôm 19/09. Đáp lại, 6 tỉ đô la của Iran bị đóng băng tại Hàn Quốc đã được giải tỏa.

 

Tuy nhiên, chuyên gia địa chính trị Lina Kennouche lưu ý là một kiểu thỏa hiệp như vậy làm dấy lên lo ngại của cả Israel và Ả Rập Xê Út. Cả hai nước này đều sợ rằng Iran có thể tranh thủ các nguồn tài chính này để tăng cường các hoạt động mà Riyad và Tel Aviv xem là gây bất ổn. Mặc dù hồi tháng 03/2023, Ả Rập Xê Út và Iran đã đạt được một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ thông qua trung gian hòa giải của Trung Quốc, nhưng Iran vẫn bị Riyad coi là một cường quốc đối địch.

 

Bởi vậy, theo nhà khoa học chính trị Léon Hadar, bên cạnh việc đạt thỏa thuận với Iran, nỗ lực của Mỹ thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Israel, nếu thành công, có thể sẽ khiến Riyad và Tel Aviv, cũng như Teheran, tin rằng Mỹ quyết tâm kiềm chế Iran và bảo vệ lợi ích của Washington trong khu vực, cũng như lợi ích của các đồng minh của Mỹ.

Tiến sĩ địa chính trị Lina Kennouche cũng nói tới một yếu tố địa chính trị khác : Nếu như cách nay gần 3 năm, ông Joe Biden, trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, thể hiện mong muốn biến Ả Rập Xê Út thành một quốc gia « bất hảo », giờ đây chính quyền Mỹ nỗ lực vận động cho bình thường hóa quan hệ giữa Tel Aviv và Riyad nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc đang không ngừng gia tăng.

 

Quả thực, sự cạnh tranh chiến lược và đối đầu ngày càng gay gắt với Bắc Kinh hiện giờ có nhiều khả năng tiếp diễn. Một bài báo gần đây trên tạp chí Foreign Affairs nhắc lại rằng giữa Bắc Kinh và Washington, các lợi ích sống còn « đối lập nhau và ăn sâu bám rễ vào hệ thống chính trị, địa lý và kinh nghiệm quốc gia của cả hai nước […] Thực tế là có rất ít khả năng « cạnh tranh Mỹ-Trung » dịu lại nếu không có sự thay đổi lớn trong cán cân quyền lực ». Elridge Colby, cựu thứ trưởng Quốc Phòng và nhà Trung Quốc học có uy tín, cũng có nhận định tương tự.

 

Ngăn cản khả năng tiếp cận của Trung Quốc

 

Trong một cuốn sách về chiến lược phòng thủ của Mỹ trong thời đại xung đột quyền lực nghiêm trọng (Nhà xuất bản Đại học Yale, 2021), Elridge Colby gợi nhắc lại các nguyên tắc chỉ đạo và mối ưu tiên cần có để định hướng chính sách quốc phòng của Hoa Kỳ và đặc biệt là tầm quan trọng của việc Washington phát triển một « chiến lược chống tiếp cận » nhằm ngăn chặn Trung Quốc chiếm được vị thế bá quyền ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, bằng cách không để Bắc Kinh tiếp cận các vùng lãnh thổ có vị trí quan trọng sống còn như Đài Loan, Philippines và Việt Nam.

 

Tiến sĩ địa chính trị Lina Kennouche lưu ý chiến lược tiếp cận nói trên của Trung Quốc hiện được mở rộng sang cả Trung Đông, nơi Bắc Kinh dường như trở thành một tác nhân quan trọng đã thiết lập được những nền tảng vững chắc để gây ảnh hưởng, đặc biệt là tại các nước vùng Vịnh.

 

Quả thực, Ả Rập Xê Út và Trung Quốc đã ký một bản ghi nhớ vào cuối năm 2022, ủy thác cho tập đoàn Hoa Vi của Trung Quốc phát triển một trung tâm dữ liệu điện toán đám mây, trong khi Washington coi Hoa Vi là công cụ tích cực nhất của Bắc Kinh để gây ảnh hưởng. Riyad, nay đã trở thành nhà nhập khẩu thiết bị quân sự hàng đầu thế giới, cũng đã bắt đầu đàm phán với Trung Quốc về việc cung cấp vũ khí. Ả Rập Xê Út cũng cho biết họ đang tính đến việc chấp nhận đồng Nhân Dân Tệ trong các giao dịch dầu lửa với Trung Quốc.

 

Diễn biến gần đây cho thấy Washington khó có thể phớt lờ tầm ảnh hưởng của Trung Quốc với các đồng minh truyền thống của Mỹ ở Trung Đông. Do đó, trong bối cảnh mà các tác động của cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng rõ, Mỹ cần phải giữ được các đồng minh đi theo quỹ đạo của mình. Chính vì thế, theo chuyên gia Mỹ về quan hệ quốc tế Hal Brands, động thái ​​ca tng thng M Joe Biden ch yếu nhắm vào Trung Quốc : « Chính quyền đang cố gắng đàm phán để Israel và Ả Rập Xê Út có mối quan hệ tốt hơn, chủ yếu là nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh trong một khu vực quan trọng. Động thái này cho thấy Mỹ sẵn sàng làm mọi chuyện để ngăn Ả Rập Xê Út rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc ».

 

Những yêu cầu chưa từng có của Ả Rập Xê Út

 

Có được vị thế thuận lợi hơn (so với giai đoạn dài chỉ có quan hệ với Washington) nhờ chiến lược hedging (đa dạng hóa để phòng ngừa rủi ro - mong muốn mở rộng các đối tác thương mại, quân sự và ngoại giao để không quá phụ thuộc vào một đối tác đặc biệt nào), Riyad hiện muốn thu được nhiều lợi nhất có thể.

 

Những điều mà Ả Rập Xê Út đòi hỏi được đáp ứng để chấp nhận thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel là rất đáng nói. Theo tiết lộ của nhà báo Thomas Friedman trên The New York Times, chính quyền Riyad muốn ít nhất cũng phải có một « hiệp ước an ninh hỗ tương kiểu NATO, theo đó Hoa Kỳ phải bảo vệ Ả Rập Xê Út nếu nước này bị tấn công ; một chương trình phát triển hạt nhân dân sự và khả năng được mua các loại vũ khí tân tiến hơn của Mỹ, chẳng hạn như hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo THAAD ».

 

Để đổi lấy những bảo đảm an ninh mới này, Mỹ muốn hãm phanh quan hệ hợp tác của Riyad với Bắc Kinh, nhất là về công nghệ, và có được sự bảo đảm rằng hoàng thái tử Mohammed Ben Salmane, nhà lãnh đạo thực sự của Riyad sẽ không để Trung Quốc lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, triển vọng ký được một thỏa thuận như vậy vẫn chưa chắc do có một số điểm vướng mắc tiềm ẩn.

 

Khó có khả năng Israel để Mỹ đáp ứng yêu cầu của Ả Rập Xê Út

 

Về phía Israel, Tel Aviv chính thức tuyên bố sẽ không « chấp nhận một chương trình hạt nhân nào từ các nước láng giềng, dù đó là chương trình vì mục đích dân sự hay quân sự ». Tương tự, Hoa Kỳ dường như cũng chưa sẵn sàng cung cấp cho Ả Rập Xe Út những loại vũ khí tinh vi có khả năng làm mất ưu thế quân sự cao của Israel, vốn là nền tảng trong chính sách Trung Đông của Washington.

 

Vả lại, Ả Rập Xê Út, vốn dĩ muốn tạo niềm tin cho công luận trong nước, tìm cách giành được sự ủng hộ của người Palestine, có nguy cơ vấp phải thái độ không khoan nhượng của Israel, vốn phản đối mọi thỏa hiệp có thể trao cho chính quyền Palestine một quyền kiểm soát lớn hơn về một số khu vực ở Bờ Tây bị chiếm đóng. Tel Aviv cũng không chấp nhận lịch trình nối lại đàm phán theo mong muốn của chính quyền Palestine.

 

Chuyên gia Lina Kennouche nhận định là ít có khả năng Washington sẽ thuyết phục được thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, vốn được các đảng cực hữu trong liên minh đảng cầm quyền ủng hộ, kể cả khi Washington tăng cường bảo đảm an ninh cho Israel. Hơn nữa, chắc chắn là Mỹ sẽ không chuyển giao cho Israel bom phá boongke mà Tel Aviv đã đề nghị từ nhiều năm nay vì sợ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự với Iran.

 

Và cuối cùng, như Hal Brands đã chỉ ra, Lầu Năm Góc không sẵn lòng đưa ra các cam kết mới đối với khu vực Trung Đông trong bối cảnh quân đội Mỹ đang tập trung vào Ukraina và đang chuẩn bị cho khả năng một cuộc chiến xảy ra ở Thái Bình Dương.

 

Chuyên gia địa chính trị Lina Kennouche kết luận là mặc dù chính quyền Mỹ đang tìm cách đạt được một thỏa thuận trước kỳ bầu cử tổng thống 2024 để có thể đoàn kết một số đồng minh trước mối đe dọa chung mà Iran gây ra và ngăn chặn Trung Quốc gia tăng sức mạnh tại Trung Đông, nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều rào cản khiến đàm phán chưa tiến triển. 

 

 




No comments: