Hai
gia đình Hmong ở Điện Biên đến Hoa Kỳ tị nạn
https://www.voatiengviet.com/a/hai-gia-dinh-hmong-o-dien-bien-den-hoa-ky-ti-nan/7307815.html
Hai gia đình lánh nạn vì lý do tôn giáo và sắc tộc ở Việt Nam vừa đến
Hoa Kỳ, sau thời gian dài ở Thái Lan chờ tái định cư.
https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-a7db-08dbcb28398f_w650_r1_s.jpeg
Gia đình ông Vàng Đức Sơn đến phi trường
quốc tế ở Minnesota ngày 14/9/2023. Photo: Vang Chi Minh.
Ông Vàng Đức Sơn, một thầy truyền đạo người Hmong thuộc Hội thánh Tin
lành Việt Nam (miền Bắc), bày tỏ niềm vui khi ông và gia đình gồm tất cả 8 người
đến bang Minnesota, Mỹ, vào tháng 9/2023.
Ông kể lại lý do khiến ông và gia đình rời khỏi Việt Nam năm 2012, đầu
tiên sang Lào và sau đó đến Thái Lan:
“Tôi là một thầy truyền đạo trong một hội thánh và bị đàn áp vì lý do
tôn giáo, cấm không cho hoạt động, họ cấm không cho đi học kinh thánh, còn tước
đoạt chứng minh thư…Ở Việt Nam từ trước đến giờ vẫn chưa có tự do tôn giáo”.
Được biết, ông Vàng Đức Sơn, là trưởng ban chấp sự một hội thánh ở tỉnh
miền núi Điện Biên, từng tranh đấu cho tự do tôn giáo và chịu sự đàn áp của
chính quyền địa phương.
Ông Sơn cho biết rằng gia đình ông bị chính quyền địa phương gây khó
khăn vì theo đạo Tin lành, dù thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), là
hội thánh được nhà nước công nhận, nhưng chính quyền không cấp hộ khẩu khi gia
đình chuyển tới Điện Biên, và họ bị tước đi giấy tờ tùy thân.
Ông Giàng A Di, con trai của thầy truyền đạo Giàng A Páo, cùng vợ sang
Mỹ vào cuối tháng 9 vừa qua, chia sẻ về lý do cha mẹ ông lánh nạn sang Thái Lan
năm 2016:
“Ở trong bản, bố tôi bị đàn áp tôn giáo, bố không ở được nên bố sang
Thái Lan. Ở Việt Nam, tôi cũng đã hơn 18 tuổi, bị công an, cảnh sát, bộ đội đến
nhà hỏi xem bố đi đâu, dọa nếu không khai bố đi đâu thì sẽ bắt đi tù… Không ở
được ở Việt Nam là do theo tôn giáo của mình. Vì vậy đã sang Thái Lan xin tị nạn”.
https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-aa11-08dbcb287505_w650_r1_s.jpeg
Mục sư Vàng Chí Mình (phải) và thân hữu
đón vợ chồng ông Giàng A Di (giữa) tại phi trường ở Minnesota, ngày 26/9/2023.
Photo by Vang Chi Minh.
Từ bang Minnesota, Mục sư Vàng Chí Mình, đại diện tổ chức Người Hmong
Đoàn Kết vì Công Lý (Hmong United for Justice), đồng thời là người từng tị nạn ở
Thái Lan sau nhiều năm bị chính quyền Việt Nam giam cầm, cho VOA biết về sự vận
động quốc tế cho hai gia đình này đến Mỹ:
“Vàng Đức Sơn đã tị nạn ở Thái Lan vì lý do tôn giáo trong 11 năm.
Chúng tôi vận động trong nhiều năm để Cao ủy LHQ về Người tị nạn để cấp quy chế
tị nạn…Chúng tôi cùng với tổ chức BPSOS vận động với quốc tế và năm nay Hoa Kỳ
chấp nhận cho Vàng Đức Sơn.
“Gia đình thứ hai là Giàng A Di, vừa sang Hoa Kỳ vào ngày 26/9. Chúng
tôi rất cảm ơn các tổ chức nhân quyền và đặc biệt là chính phủ Hoa Kỳ đã tạo điều
kiện và giúp đỡ chúng tôi vì lý do tôn giáo”.
“Bây giờ còn bố mẹ của Giàng A Di đang còn ở Thái Lan, họ đã có tên
sang Hoa Kỳ, nhưng mà chưa có chuyến bay. Còn em rể của Vàng Đức Sơn đã có chuyến
bay sang Hoa Kỳ vào ngày 25/10, có hai gia đình đến Hoa Kỳ nữa”, mục sư Mình
cho biết thêm.
Ông Hoàng Văn Pá, một người Hmong đến Hoa Kỳ tị nạn trước đây, nói
trong một video được trang YouTube Người Hmong Đoàn Kết vì Công Lý đăng tải khi
đón gia đình ông Vàng Đức Sơn tại phi trường:
“Tôi chào đón người bạn của tôi là Vàng Đức Sơn đã thoát khỏi chế độ
đàn áp tôn giáo tại Việt Nam”.
Theo tổ chức BPSOS có trụ sở tại Mỹ, từ năm 1986 đến khoảng năm 2012,
chính quyền Việt Nam dùng bạo lực tấn công trực diện nhằm không cho người
H'Mong được quyền tiếp cận niềm tin tôn giáo mà họ mong muốn.
Những người theo đạo bị đốt nhà, tịch thu giấy tờ tuỳ thân, bị đuổi ra
khỏi làng bản; các nhà nguyện cũng bị đốt phá. Hậu quả hàng chục ngàn người
Hmong phải di cư khỏi nơi cư trú trong tình trạng không giấy tờ tuỳ thân (vô quốc
tịch) trong nhiều thập niên. Nổi bật nhất là vụ đàn áp đẫm máu và chết người tại
Mường Nhé, tỉnh Điện Biên tháng 5/2011, vẫn theo BPSOS.
Điện Biên là một trong những tỉnh miền núi nghèo nhất của Việt Nam giáp
với Lào và Trung Quốc, với 170 ngàn người Hmong sinh sống tại đây, chiếm khoảng
35% dân số trong vùng.
Chính quyền Việt Nam tố cáo những người Hmong ở nước ngoài chủ mưu cuộc
tụ họp của hàng ngàn người Mông ở Mường Nhé hồi cuối tháng 4 đến đầu tháng 5
năm 2011 đòi thành lập “Vương quốc tự trị Hmong”. Chính quyền Việt Nam khẳng định
không dùng võ lực giải tán cuộc tụ tập của người Hmong và đã tống giam hàng chục
người tham gia vào cuộc biểu tình này.
Gần đây, vào tháng 3/2020, một tòa án ở tỉnh Điện Biên tuyên phạt 14
người vì có các hoạt động “nhằm lật đổ chính quyền”, với hai người bị kết án
chung thân trong khi 12 người còn lại bị tuyên từ 24 tháng đến 20 năm tù. Những
người là được cho là các tín đồ của các nhóm tôn giáo “Giê Sùa”, “Bà cô Dợ”…mà
cơ quan chức năng cho “tà đạo” và cáo buộc họ đã “lợi dụng tôn giáo để tuyên
truyền chống phá Đảng, Nhà nước”.
Trong khi các tổ chức nhân quyền quốc tế cáo buộc chính quyền Việt Nam
vi phạm tự do tôn giáo, đàn áp và xóa sổ các nhóm tôn giáo không được công nhận,
Hà Nội luôn cho rằng các quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo “được
bảo đảm bình đẳng”
VIDEO :
Hai
gia đình Hmong Điện Biên đến Mỹ tị nạn
No comments:
Post a Comment