"Chiến tranh ở
Gaza : rồi sao đây ?"
Amos Gitaï
Đỗ Tuyết
Khanh dịch
16/10/2023
17:49
https://www.diendan.org/the-gioi/chien-tranh-o-gaza-roi-sao-day
Mục
"Diễn đàn" báo l'Obs:
Đối với
nhà điện ảnh tài ba người Israel tác giả của « Kippour » và
« Ngày cuối cùng của Yitzhak Rabin », « giải pháp đối thoại »
giữa người Israel và người Palestine vẫn là « viễn tượng duy nhất có thể
nghĩ đến », ngay cả sau những « hành vi ác nghiệt» của Hamas, để
xây dựng một « phương thức sống trong đó thảm kịch của hai dân tộc
được công nhận ». Ông giải thích quan điểm này trong một bài viết cho báo
L’Obs.
Cuộc xung
đột này là một thảm kịch. Một thảm kịch hết sức to lớn.
Những hành vi dã man của Hamas, tiêu diệt các kibboutzim, thường dân, tàn sát
những người trẻ nhảy múa trong một đêm ca nhạc là những hành vi ác nghiệt.
Chúng không chỉ chống người Israel, chúng cũng chống lại người Palestine vì
chúng làm tiêu tan giải pháp đối thoại giữa hai dân tộc.
Viễn tượng duy nhất có thể nghĩ đến.
Tôi không
thích chỉ nhìn vào các con số, thống kê.
Đối với tôi, bao giờ mỗi nạn nhân vẫn là một con người.
Bà là
Vivian Silver, 74 tuổi, sống ở kibboutz Beeri.
Tôi không quen biết bà nhưng tôi biết bà là một người hoạt động cho hoà bình.
Người đã đưa trẻ em Palestine đến những bệnh viện Israel.
Có những người như bà, chấp nhận hiểm nguy cho sinh mạng để đưa hai dân tộc đến
với nhau.
Bà đã bị bắt cóc, không biết số phận ra sao.
Đối với tôi, không có gì có thể biện minh cho những hành xử như thế.
Tôi nghe
các tuyên bố của những người cài đặt nhập nhằng lẫn lộn vào thảm kịch này.
Nhưng ngay cả một cuộc kháng chiến cũng không thể biện minh cái hung tợn, cái bạo
lực kiểu này.
Đốt sống người, giết trẻ em trước mặt cha mẹ ..
Không có gì có thể biện minh được.
Mà kết quả chỉ là trì hoãn sự đồng thuận nhất thiết phải có giữa hai dân tộc,
Israel và Palestine,
Vì hiển nhiên là phải tìm được một phương thức sống khả thi giữa hai dân tộc.
Không có con đường nào khác.
Gần đây
tôi đã dàn dựng ở Nhà hát La Colline, theo lời mời của Wajdi Mouawad,
Một vở kịch với các diễn viên người Israel, người Palestine, và một nhạc
công người Iran.
Tôi rất ngạc nhiên thấy vở kịch được hưởng ứng
Từ khán giả người Do Thái cũng như người Palestine.
Vở kịch kể
lại câu chuyện
một căn nhà ở Tây Jérusalem,
qua lời tự sự của những chủ nhân người Israel và Palestine đã tiếp nối
nhau ở đó.
Câu chuyện nhằm vượt qua những biên giới cửa ải,
Để nói lên tiếng nói của hai dân tộc.
Cái chu kỳ đen tối hiện nay thật làm rơi nước mắt.
Chính quyền
Netanyahu hiện tại gồm những nhóm chính giáo, những phần tử cực hữu, những người
luôn có hành động khiêu khích trên Núi Đền ở Jérusalem. Và từ nhiều tháng nay,
hàng trăm ngàn người Israel biểu tình mỗi tuần chống lại chính quyền
này.
Tâm trạng
ngày hôm nay giống như cách đây 50 năm.
Buồn thay, lịch sử lập lại.
Nhưng chu kỳ hiện nay còn tồi tệ hơn cái mà thế hệ tôi đã trải qua.
Năm 1973,
trong chiến tranh Kippour, không có làng mạc bị tiêu hủy, đốt cháy, chiếm đóng,
người Israel bị bắt cóc.
Ngày hôm nay là chuyện khác.
Một thông lệ khủng khiếp đã đi vào thực tế,
với bom đạn,
lãng phí sinh mạng
và mọi tài nguyên của vùng này
cho cuộc chiến
không dứt.
Chúng ta
đang ở trong một giai đoạn rất đen tối.
Không ai biết kết cục sẽ ra sao.
Nhưng tôi nghĩ vẫn phải hi vọng
nếu không sẽ là chủ nghĩa hư vô, sẽ là huỷ diệt, chết chóc.
Vẫn phải cố gắng phác hoạ
một con đường cho hi vọng.
Vì thế tôi
đã dồn phần lớn việc làm của tôi trên vụ ám sát Yitzhak Rabin. Khác với nhiều
chính trị gia chúng ta biết, sáng xem các thăm dò dư luận để biết trưa sẽ nói
gì, ông thực sự là một chính khách đã can đảm, thậm chí táo bạo, mong muốn xây
dựng cái gì khác, một Trung Đông khác. Khi ông bị ám sát, cả nỗ lực hoà bình
cũng chết theo ông.
Nghệ thuật
làm được gì trong một bối cảnh như thế ?
Nghệ thuật không thay đổi được những gì xảy ra, may thay hay buồn thay.
Nhưng giữ được ký ức.
và cho ta thấy một giải pháp khác, hoà bình, đã hiện hữu,
một phương thức sống khác
trong đó thảm kịch của hai dân tộc được công nhận, để tìm cách xây dựng một
tương lai khác.
Ý tưởng có
thể có một thực tế khác là điều duy nhất có thể cho phép chúng ta ra khỏi bế tắc
hiện nay.
Amos
Gitaï
(bản tiếng
Việt: Đỗ Tuyết Khanh)
Đôi
dòng về tác giả
Sinh năm
1952 ở Haïfa (Israël), Amos Gitaï là nhà đạo diễn điện ảnh
và nghệ sĩ tạo hình. Trong các tác phẩm của ông, phải kể « Kadosh »
(1999), « Kippour » (2000) hay « Ngày cuối cùng của Yitzhak
Rabin » (2015). Ông sống ở Haïfa và Paris.
No comments:
Post a Comment