Cần
biết lắng nghe và sửa sai (kỳ 2)
Nguyễn
Thông
(Nguyễn
Thông Cào)
Ở phần 1,
nhân việc cả hệ thống chính trị, trong đó nhất là khi tuyên giáo, truyền thông,
báo đài mậu dịch ra rả kỷ niệm “ngày giải phóng thủ đô 10.10”, nhà cháu
đề nghị cần bỏ ngay cái thói tự sướng và cố tình làm sai lệch lịch sử ấy, cần gọi
lại cho đúng thực tế lịch sử khách quan như nó diễn ra, là “ngày tiếp quản
thủ đô”. Vậy nhưng vẫn có những dư luận viên nhảy vào cãi lấy được. Điều
này không có gì lạ, bởi họ ăn cây nào rào cây ấy, cứ cãi, cứ hung hăng, chả cần
đúng sai.
Chuyện
đúng-sai trong cuộc sống, trong xã hội đầy, nơi nào, thời nào cũng thế. Nó là một
cặp phạm trù, như nhiều cặp khác, chẳng hạn cao-thấp, hay-dở, tốt-xấu, trắng-đen,
vui-buồn... Đời thế mới sinh động, cựa quậy, phát triển. Mỗi người một kiểu
nhìn nhận, suy nghĩ, chả ai ép buộc được ai. Bách nhân bách tính, các cụ xưa bảo
vậy. Chỉ có điều sai thì phải sửa, nhất là những điều sai lè lè. Thói cố chấp của
nhà cai trị đã biến nhiều chuyện thành trò cười, sự khinh bỉ, xem thường.
Xứ này nhiều
chuyện như thế. Tôi chỉ nhặt ra vài ví dụ.
Giới lãnh
đạo nước ta, đặc biệt là ông to bà nhớn, rất khoái trồng cây cụ cây già, dân
gian gọi là cổ thụ. Trồng cây là điều tốt, làm cho cuộc sống xanh mát hơn (đúng
nghĩa đen), sinh sắc hơn. Chẳng ai hơi đâu chê nếu cây trồng là cây non, cây nhỏ.
Đằng này họ trồng như phá, như hại cây giết cây. Bứng cái cây to cả vòng tay
ôm, tuổi vài chục năm, chặt trụi rễ, từ chỗ này cắm vào chỗ khác, cũng gọi là
trồng. Nói trắng phớ, diễn là chính, phá hoại. Hầu như ai cũng thấy điều đó, kể
cả đứa trẻ con. Riêng họ thì không, họ cứ diễn, cứ trồng phá, năm này qua năm
khác, rất chướng. Từ “nhà vua” trở xuống đám quan chức địa phương, rất lì lợm,
khó bảo, quyết không nhận sai, không chịu sửa. Họ ra rả kêu gào học tập làm
theo cụ Hồ (một tấm gương về trồng cây) nhưng nói một đằng, làm một nẻo.
Chuyện nữa,
bệnh hình thức, hoang phí. Nhìn ra thế giới, không nơi đâu sính cờ quạt, băng
rôn, khẩu hiệu, lễ lạt như xứ này, có khi còn hơn cả Triều Tiên, Cuba, Trung Quốc
những người anh em bị bệnh mạn tính. Quanh năm suốt tháng đỏ ối phố phường lẫn
làng quê. Ném vào trò này biết bao nhiêu tiền của, “trăm nghìn đổ một trận cười
như không”. Thói son phấn, trang điểm chỉ tô được cái vẻ lừa dối bên ngoài, che
giấu thực chất. Hãy xem, những nước văn minh, hiện đại, dân chủ, dân sung sướng
hạnh phúc, có nước nào mê cờ quạt vậy không.
Chuyện lớn
chuyện nhỏ sai vô thiên khênh, lớn như đường lối chính sách đang dắt cả dân tộc
lao vào, mờ mịt đi không biết bao giờ mới tới nơi (họ đang có quyền, luôn tự
cho mình đúng nên khỏi bàn ở đây), nhỏ như cái câu “Sa Vĩ - địa đầu tổ quốc”
trên lầu xi măng biển Trà Cổ, Quảng Ninh (trong khi địa đầu phải là Lũng Cú, Hà
Giang, cực bắc của đất nước, chứ Sa Vĩ chỉ là cái đuôi (vĩ) cát (sa) của cực
ven biển phía bắc), họ hoặc ngu dốt, hoặc cố tình, cứ để ngạo nghễ ngứa mắt… Hoặc
họ dạy trẻ con đất nước hình chữ S. Ét đâu mà ét, thế Hoàng Sa, Trường Sa đem bỏ
cho ai…
“Thôi kể
làm sao hết được anh/Buồn vui muôn nỗi của quê mình”, ông Lành từng viết vậy.
Tôi chỉ nhặt tạm ra đây để nói với nhà cai trị rằng, điều gì đúng hẳn có lợi
cho dân cho nước cứ thế làm, nhưng thứ gì sai, sai rõ ràng, dân phản ứng chê cười
thì hãy sửa, cúi đầu nhận lỗi trước dân. Cũng là cách thực hiện lời ông Tổng bí
thư hôm tiếp xúc cử tri "Cái gì đúng phải bảo vệ. Cái gì làm không đúng phải
phản đối, đấu tranh", hoặc lời ông trẻ Thưởng gặp các nhà văn lão thành
hôm 30.9 "Nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của lòng trung thực và sự
quả cảm".
Đâu có cái
thói điều chi mình làm cũng đúng, không sai. Họa có là thánh.
Nguyễn
Thông
.
***
Nguyễn
Thông
(Nguyễn
Thông Cào)
Cách nay
69 năm, ngày 10.10.1954, những người lính Pháp cuối cùng xếp hàng ngay ngắn rời
khỏi Hà Nội, theo lối cầu Long Biên do chính họ xây dựng, để về Hải Phòng tập kết
300 ngày chờ rút hết về nước. Nay ở bãi biển Đồ Sơn vẫn còn di tích bến
Nghiêng, nơi quân Pháp xuống tàu hồi hương.
Pháp rút,
quân ta vào tiếp quản thủ đô Hà Nội trong sự chào đón của nhân dân. Đoàn xe chở
tướng Vương Thừa Vũ - Chủ tịch Ủy ban quân chính (quân quản) Hà Nội, bác sĩ Trần
Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội đã cùng bộ đội vào nội thành qua 5
cửa ô một cách hòa bình, không một tiếng súng nổ nào. Nhạc sĩ Nguyễn Thành và
thi sĩ Tạ Hữu Yên viết "Khi đoàn quân tiến về mùa thu ấy/Nhịp trống rung
ba mươi sáu phố phường". Trống vang như ngày hội lớn chứ đâu phải vào để
đánh nhau. Ngày 10.10 được lịch sử gọi bằng cái tên chính xác với thực tế,
“ngày tiếp quản thủ đô”. Lứa chúng tôi khi học phổ thông (từ lớp 1 tới lớp 10)
sách giáo khoa và lời thầy cô, lời cán bộ đều ghi rõ, nói rõ là “ngày tiếp quản
thủ đô 10.10”.
Chả hiểu
do đâu, và cũng không biết từ khi nào, người ta, vốn quen xuyên tạc lịch sử,
kiêu ngạo cộng sản, háo thắng, ngạo nghễ, đã đổi lát cắt lịch sử ấy thành “ngày
giải phóng thủ đô”, “ngày thủ đô giải phóng”. Cả Hải Phòng cũng vậy, khi quân
Pháp ở đó 300 ngày kể từ khi đình chiến để lần lượt rút về nước, người dân sống
chung với những kẻ trước kia là quân xâm lược trong gần 1 năm hòa bình, không hề
gây gổ. Làng tôi là nơi tạm trú kiểu KT3 của gần tiểu đoàn Pháp, họ đóng ở đình
làng và lập doanh trại gần đó, họ khoan giếng máy lấy nước dùng, cho cả dân
dùng, khi kéo nhau ra bến Nghiêng Đồ Sơn còn bàn giao đầy đủ, không phá bỏ thứ
gì. Thày tôi kể, dân làng giao dịch buôn bán hàng tạp hóa với họ, họ dạy trẻ
con tiếng Pháp, cho nông dân những hạt giống rau quả su hào, súp lơ, cà chua… từ
Pháp gửi sang để bà con mình trồng trọt. Nói chung là chả đánh nhau, chẳng giải
phóng giải phiếc gì. Nhưng rồi cũng theo trào lưu mới tự sướng/xuyên tạc lịch sử,
người ta cũng gọi ngày 13.5.1955 là “ngày Hải Phòng giải phóng”, “ngày giải phóng
Hải Phòng”, mỗi năm đến ngày này cứ um cả lên. Ông anh tôi có lần bảo, có đánh
nhau đếch đâu mà giải mí chả phóng.
Giải phóng
là gì? Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ do GS Hoàng Phê chủ biên, giải
phóng là hành động làm cho được tự do, cho thoát khỏi tình trạng bị nước ngoài
chiếm đóng; giải thoát con người bị kiềm chế, giam cầm. Giải phóng hoàn toàn
khác sự tiếp quản, nhận những thứ được bàn giao. Cũng không thể lý sự rằng trước
đó quân ta đã đánh nhau, đã chiến thắng, đã có trận Điện Biên nên Pháp bị thua,
ta tiến vào thủ đô thì cũng là giải phóng. Vậy thì nên xóa những sự kiện lịch sử,
như Hội nghị Geneve (Geneva), hội nghị Trung Giã ra khỏi biên niên sử dù nó có
ý nghĩa lập lại hòa bình, chấm dứt đánh nhau.
Vẫn biết
việc tôn trọng lịch sử khách quan và việc thực hiện ý đồ chính trị luôn chỏi
nhau, luôn xung khắc, thậm chí lịch sử chịu thua trong những chặng nhất định,
nhưng không thể vì thế mà cứ im lặng mãi. Hỡi các nhà viết sử mậu dịch, các vị
chắc đều biết tích anh em nhà Thái Sử Bá thời Chiến quốc chép sử thế nào. Nhà
viết sử chân chính, chết còn không sợ, vậy các vị sợ cái gì mà không dám lên tiếng,
hay là nghề sử chỉ để ấm thân mình. (còn tiếp)
Nguyễn
Thông
Ảnh: https://www.facebook.com/photo/?fbid=1521419742025413&set=a.133382914162443
Bác
sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội trở về tiếp quản thủ đô
trong sự chào đón nồng nhiệt của dân chúng, dĩ nhiên không một tiếng súng, và
không phải là hành vi giải phóng -
Nguồn: Tư liệu internet
.
No comments:
Post a Comment