Hồi nhỏ,
tôi say sưa đọc Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi. Đó chắc chắn là tác
phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn người Mỹ Tho, của miền đất Nam Bộ bình dị và ngạt
ngào thương yêu.
Thuở ấy,
tôi bị chinh phục bởi lối hành văn giản dị, rất đặc trưng của vùng đất này. Tôi
ít bị lôi cuốn bởi những thông điệp chính trị của tiểu thuyết. Ngược lại, những
cuộc lưu lạc của An qua nhiều miền đất phương Nam đã cuốn hút trí tưởng tượng
và óc phiêu lưu về những miền đất xa lạ của một thằng nhóc như tôi. Hình dung phong
cảnh đất rừng phương Nam qua từng trang sách, dưới ánh đèn dầu heo hắt, chính
là những khoảnh khắc lãng mạn của một thời tuổi thơ nghèo đói. Những dòng sông
mênh mông chảy qua những mảnh đất trù phú với rừng tràm bạt ngàn đem lại sự
thích thú và tò mò nơi một đứa nhỏ. Ngôn ngữ bình dân, rất đặc trưng của con
người miền Tây Nam bộ được miêu tả một cách tài tình và chân thật bởi nhà văn.
Chắc chắn, chính nỗi nhớ quê hương và những kỷ niệm của một thời thơ ấu mới khiến
ông thành công trong việc miêu tả con người và mảnh đất Nam bộ trong Đất rừng
phương Nam.
Cái tài của
một nhà văn là mang lại những cảm xúc cho người đọc, khiến họ thổn thức, suy
nghĩ và vui buồn. Có những cảm xúc bình dị ngay từ những trang đầu tiên. Đất rừng
phương Nam mang lại một bầu trời bao la với mùi hương thoang thoảng của đất rừng,
sông núi và con người Nam bộ. Những cảm xúc ấy, tôi tin rằng không gì thay thế
được. Chỉ có ngòi bút của nhà văn và trí tưởng tượng của người đọc mới tạo nên
thứ cảm xúc bình dị nhưng nên thơ như thế.
Đó cũng là
trường hợp của nhiều tác phẩm văn học kinh điển trên thế giới. Điện ảnh, với
nhiều tiến bộ, vẫn khó có thể mang lại những cảm xúc, cái hồn hay những bức
thông điệp vô hình nhưng mãnh liệt của ngòi bút, của văn chương.
Đôi khi nó
chỉ mang lại những cảm xúc nhất thời, trần trụi nhằm vào thị hiếu hay cảm tính
của người xem. Nhưng tất cả chỉ trong chốc lát, như cơn gió thoáng qua và sẽ
rơi vào quên lãng.
Ngược lại,
có những đoạn văn theo đuổi, ám ảnh và làm rung động người đọc mãi về sau. Bất
cứ trong một thời khắc nào đó của cuộc sống, những trang sách, những thông điệp
của một tác phẩm bất chợt lại lùa về với bao cảm xúc và ký ức…
Đọc những
tranh luận về bộ phim Đất rừng phương Nam mới thấy cái khó của nghệ thuật điện ảnh
khi muốn chuyển tải những cảm xúc của một tác phẩm văn học. Những chỉ trích về
bộ phim, vể nội dung, về các nhân vật, về bối cảnh lịch sử, về cách ăn mặc, về
phong tục,… đều có thể hiểu được và thông cảm. Nếu bỏ qua khía cạnh chính trị,
định hướng, dụng ý của nhà làm phim, của đạo diễn, như nhiều nhận định thì
chính cái sự trần trụi của bộ phim đã làm giới hạn sự tưởng tượng hay tò mò của
người xem, từ đó khiến khán giả không hài lòng với những gì họ đã hình dung qua
từng trang sách của nhà văn Đoàn Giỏi.
Huống chi
trong bối cảnh văn hoá và nghệ thuật vốn luôn bị kiểm duyệt hay định hướng
chính trị thì khó mang lại cảm xúc thật cho người xem.
Tôi vẫn
thích gìn giữ những cảm xúc tinh nguyên của tuổi thơ khi nhớ về Đất rừng phương
Nam qua ngòi bút của Đoàn Giỏi. Rất ít tác phẩm văn học được chuyển thể qua điện
ảnh khiến tôi rung động hay mang lại nhiều cảm xúc.
Đơn giản,
tôi thích sự tự do và tưởng tượng khi đọc thay vì bị giới hạn hay tù túng bởi
những gì tôi thấy!
Mấy chục
năm rồi tưởng bẵng quên, nay bất chợt bồi hồi lại nhớ về Đất rừng phương Nam với
muôn vàn cảm xúc. Cứ ngỡ như mới hôm qua, mới tối hôm nào còn ngấu nghiến đọc
cuốn sách trong căn nhà nhỏ.
Có lẽ, giờ
đây cuốn sách ấy vẫn còn nằm đâu đó trên các kệ sách của ngôi nhà năm xưa.
Cảm xúc,
đơn giản chỉ thế thôi!
HÌNH : https://www.facebook.com/photo/?fbid=10231075134998844&set=a.4821006640116
Bìa sách “Đất
Rừng Phương Nam” - Kim Đồng
.
No comments:
Post a Comment