BRP
Sierra Madre, con tàu sắt vụn đáng tự hào của Philippines
Minh An -
Saigon Nhỏ
25 tháng 10, 2023
Tranh chấp giữa Trung Quốc
và Philippines đang nhanh chóng leo thang liên quan một tiền đồn quân sự bất
thường: Một con tàu thời Thế chiến II bị mục nát, rò rỉ, thủng lỗ chỗ, rỉ sét
và nằm trên một rạn san hô ở Biển Đông.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/tt.jpeg
Con tàu nát BRP Sierra Madre – hình ảnh kiêu hãnh đại diện giá trị chủ
quyền của người Philippines (Photo: Armed Forces of the Philippines)
Con tàu đồng nát sắt vụn có tên BRP Sierra
Madre. Một đơn vị thủy quân lục chiến Philippines
đang hiện diện trên tàu. Sự có mặt của nó tại Bãi cạn Second Thomas, cách bờ biển phía Tây
Philippines khoảng 100 dặm, chỉ nhằm mục đích duy nhất là khẳng định chủ quyền
tại khu vực này của Philippines. Manila đã cho con tàu nát BRP Sierra Madre neo
đậu trên rạn san hô cách đây hai thập niên rưỡi để ngăn chặn sự kiểm soát ngày
càng mở rộng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Philippines thường xuyên gửi hàng tiếp tế cho
thủy quân lục chiến trên tàu trong khi Trung Quốc ra sức cản trở. Lực lượng bảo
vệ bờ biển Trung Quốc thường xuyên phóng tia laser cấp quân sự và bắn vòi rồng
vào các tàu tiếp tế của Philippines. Ngày 22 Tháng Mười, một tàu tuần duyên và
một tàu dân quân Trung Quốc đã lao vào chiếc tàu Philippines khi nó đang hướng
tới Bãi cạn Second Thomas. Với một số nhà quân sự, nếu hai bên không kiềm chế
và nã súng thì cục diện nhanh chóng leo thang và từ đó có thể lôi kéo Mỹ vào cuộc.
Philippines và Mỹ có ký hợp tác liên minh an ninh, bắt nguồn từ một hiệp ước
phòng thủ chung kéo dài nhiều thập niên qua.
Cho đến nay, Mỹ vẫn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ
đối với đồng minh Philippines và tìm cách ngăn chặn sự leo thang của Trung Quốc.
Khi xảy ra cuộc chạm trán ngày 22 Tháng Mười giữa tàu Trung Quốc và
Philippines, khu trục hạm của hải quân Hoa Kỳ USS Dewey đã có mặt ở phía xa
chân trời – một sự hiện diện có tính răn đe. Người phát ngôn lực lượng vũ trang
Philippines cho biết một máy bay tuần tra Mỹ cũng đã có mặt tại hiện trường
trong đợt tiếp tế vào tháng trước.
Ngày 23 Tháng Mười, Cố vấn an ninh quốc gia
Hoa Kỳ Jake Sullivan đã nói chuyện với người đồng cấp Philippines, nhắc lại rằng
các cam kết liên minh của Hoa Kỳ với Philippines là không thay đổi. Bộ Ngoại
giao Hoa Kỳ gọi hành động của Trung Quốc là nguy hiểm và bất hợp pháp. Người
phát ngôn Hạm đội 7 Hoa Kỳ dù không nói rõ các hoạt động quân sự cụ thể nhưng
cho biết tất cả hoạt động của họ đều được thực hiện với sự phối hợp của
Philippines.
Căng thẳng trong khu vực ngày càng gia tăng
khi Manila đối mặt với một vấn đề cấp bách: “Chiến hạm” BRP Sierra Madre đang ở
trong tình trạng tồi tệ sau gần 25 năm phơi mình trước sóng biển. Philippines
đã sửa chữa BRP Sierra Madre nhiều lần nhưng nó ngày càng xơ xác. Đô đốc Rommel
Ong, cựu Phó Tư lệnh lực lượng hải quân Philippines, nói rằng con tàu chỉ có thể
sửa chữa ở một mức nào đó chứ không thể kéo dài tuổi thọ của nó mãi.
Nếu con tàu bắt đầu không còn hiện diện ở khu
vực, Trung Quốc chắc chắn huy động sức mạnh để giành quyền kiểm soát Bãi cạn
Second Thomas. Jay Batongbacal, chuyên gia hàng hải tại Đại học Luật
Philippines, cho biết, Bắc Kinh đang đẩy nhanh quá trình xuống cấp của con tàu
BRP Sierra Madre bằng cách ngăn Manila sửa chữa. Trong thực tế, “hải tặc” Bắc
Kinh đã nhiều lần ngăn cản việc sửa chữa tàu Sierra Madre và yêu cầu
Philippines kéo nó đi chỗ khác. Trung Quốc công khai chặn tàu thuyền vận chuyển
vật liệu xây dựng cùng với thực phẩm và nhu yếu phẩm đến tiếp tế BRP Sierra
Madre.
Phần mình, Philippines không bỏ cuộc. Đại tá
Medel Aguilar, phát ngôn viên lực lượng vũ trang Philippines, khẳng định quân đội
Philippines không thể bỏ lơ con tàu cũng như những người lính đang có mặt trên
tàu. BRP Sierra Madre còn thì chủ quyền (mong manh) của khu vực còn.
Với Washington, bất kỳ động thái nào của Trung
Quốc nhằm chiếm bãi cạn Second Thomas sẽ gây áp lực buộc Mỹ phải hỗ trợ đồng
minh Philippines – không chỉ về mặt ngoại giao mà còn về mặt quân sự. Điều đó
có thể khiến Mỹ xung đột trực tiếp với Trung Quốc, mang lại rủi ro rất lớn cho
cả hai cường quốc. Các nhà phân tích an ninh cho biết, Bắc Kinh có thể nhìn thấy
cơ hội khi Mỹ đang bận tối tăm mặt mũi đến các cuộc chiến ở Ukraine và Trung
Đông.
Tuy nhiên, phản ứng của Mỹ đối với những diễn
biến ở Biển Đông lần này có vẻ không còn lỏng lẻo. Cách xử lý không đến nơi đến
chốn của Mỹ vào năm 2012 (thời Barack Obama) đã gây tổn hại cho liên minh
Washington-Manila. Đó là thời điểm mà, sau cuộc đối đầu kéo dài nhiều tuần giữa
Trung Quốc và Philippines, Trung Quốc đã chiếm giữ đảo san hô Bãi cạn
Scarborough. Lần này, nếu Trung Quốc thành công tương tự đối với Bãi cạn Second
Thomas, Philippines sẽ không bao giờ còn có thể thể tin Mỹ.
Chiến thuật của Trung Quốc xung quanh Bãi cạn
Second Thomas trở nên hung hãn hơn trong năm nay. Tháng Hai, tuần duyên
Philippines đã bị Trung Quốc bắn laser “mù mắt”. Vài tháng sau, Trung Quốc hung
hãn xịt vòi rồng thẳng vào một chiếc thuyền Philippines. Đầu Tháng Mười, một
tàu Trung Quốc ép sát vào tàu Philippines đến mức thủy thủ Philippines phải lùi
tàu lại để tránh va đập. Và ngày 22 Tháng Mười, va chạm lại xảy ra, không chỉ một
mà là hai vụ.
Từ khi lên nắm quyền năm 2022, Tổng thống
Ferdinand Marcos Jr. đã đảo ngược chính sách thân Trung Quốc của người tiền nhiệm.
Ông tăng cường việc thắt chặt liên minh với Mỹ. Lực lượng bảo vệ bờ biển và lực
lượng vũ trang Philippines cũng thường xuyên lên án các hành động của Trung Quốc,
đăng những bức ảnh và video thể hiện sự ngạo mạn láo lếu của tàu chiến Trung Quốc.
Việc lên tiếng mạnh mẽ của Philippines là rất
quan trọng. Collin Koh, thành viên cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S.
Rajaratnam ở Singapore, cho biết: “Trung Quốc không còn có thể dễ dàng thoát khỏi
sự chú ý với những gì họ đang làm ở Biển Đông”. Khi Philippines đáp trả bằng
cách la toáng lên mỗi khi xảy ra chạm trán xuất phát từ thái độ khiêu khích của
Trung Quốc, Bắc Kinh “sẽ nhận thấy họ bị hạ thấp hoặc bẽ mặt trước những gì
đang diễn ra”, Collin Koh nói.
Một số nhà phân tích an ninh cho rằng Mỹ nên
làm nhiều hơn để hỗ trợ Philippines. Họ cho rằng Hải quân Hoa Kỳ có thể triển
khai hộ tống những con tàu tiếp tế của Philippines tới Bãi cạn Second Thomas hoặc
thậm chí tiến thêm một bước bằng cách giúp bảo vệ Philippines nếu nước này xây
dựng các công trình tại khu vực tranh chấp.
No comments:
Post a Comment