October 6, 2023
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/biden-va-buc-tuong-bien-gioi/
Mỗi khi đến mùa bầu cử, chuyện di dân lại rộ lên
thành một đề tài tranh luận nóng bỏng, và bức tường biên giới trở thành hình
ảnh ẩn dụ cho sự chia rẽ sâu sắc trong đời sống chính trị Mỹ. Năm nay tình hình
căng thẳng đến mức chính quyền Joe Biden phải “quay xe,” chấp nhận xây tường
rào khi vấn đề di dân tác động xấu đến chương trình hành động của chính phủ và
cả triển vọng của mùa bầu cử 2024.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/10/BL-Tuong-Bien-Gioi-1536x1024.jpg
Cho dù ai là tổng thống, xây bao nhiêu bức tường,
vẫn có hàng ngàn di dân đi vào Mỹ mỗi ngày từ hàng mấy chục năm nay. (Hình minh
họa: John Moore/Getty Images)
Trong một hành động được coi là “đảo ngược” chính
sách cố hữu của đảng Dân Chủ về vấn đề di dân, chính quyền Biden hôm Thứ Năm, 5
Tháng Mười, quyết định nối lại việc xây bức tường biên giới tại Texas nhằm ngăn
chặn làn sóng di dân lậu đang tăng lên nhanh chóng. Tổng Thống Biden cũng cử ba
bộ trưởng cao cấp trong nội các cùng đi sang Mexico, đàm phán với các nhà lãnh
đạo nước láng giềng ngõ hầu tìm một giải pháp toàn diện và hữu hiệu cho cuộc
khủng hoảng.
Bức tường biên giới
Tổng Thống Joe Biden và đảng Dân Chủ vẫn coi kế
hoạch xây dựng một bức tường ngăn cách Mỹ và Mexico là việc làm vô ích, kỳ thị
chủng tộc của người tiền nhiệm Donald Trump và các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, ông Biden nói chắc “sẽ không có thêm một tấc
tường nào được xây dựng.”
Trước đó, Tổng Thống Donald Trump quyết xây bức
tường “to, đẹp” ở biên giới phía Nam, một dấu ấn cho nhiệm kỳ của ông. Ông
Trump thậm chí phủ quyết một dự luật ngân sách của Quốc Hội khiến chính phủ Mỹ
phải đóng cửa 35 ngày cuối năm 2018 chỉ vì dự luật không dành cho ông $5.7 tỷ
để xây tường biên giới. Ông Trump còn cam kết chính phủ Mexico, chứ không phải
người đóng thuế của Mỹ, sẽ phải trả tiền xây tường, nhưng chuyện đó không bao
giờ xảy ra. Cuối nhiệm kỳ, ông Trump xây được, hoặc củng cố được, khoảng 450
dặm tường rào trên đường biên giới dài 2,000 dặm giữa Mỹ và Mexico.
Làn sóng di dân lậu đổ vào Mỹ có phần giảm trong bốn
năm cầm quyền của ông Trump. Nhưng theo các nhà phân tích, sự sụt giảm đó không
phải nhờ hiệu quả ngăn chặn của bức tường mà chủ yếu nhờ điều khoản luật số 42
(Title 42) cho phép lực lượng biên phòng trục xuất ngay lập tức tất cả những
người vượt biên vào Mỹ để phòng sự truyền nhiễm của COVID-19. Nhưng đại dịch
COVID về căn bản đã kết thúc và điều khoản luật 42 cũng hết hiệu lực thi hành
khiến cho làn sóng di dân lậu vào Mỹ sôi động trở lại từ Tháng Năm năm nay và
lên đến đỉnh cao vào Tháng Chín, gây ra một cuộc khủng hoảng thật sự. Chỉ riêng
trong Tháng Chín, biên phòng bắt giữ khoảng 245,000 di dân lậu, con số cao nhất
trong năm nay, theo số liệu của Bộ Nội An.
Các chính trị gia cực đoan trong đảng Cộng Hòa đã
tận dụng cuộc khủng hoảng biên giới để ngăn cản nhiều chương trình nghị sự của
chính quyền Biden và đảng Dân chủ. Một ví dụ, khi loại khoản viện trợ quân sự
cho Ukraine trong nghị quyết về ngân sách tạm thời hôm 30 Tháng Chín để chính
phủ tiếp tục hoạt động đến giữa Tháng Mười Một, các dân biểu Cộng Hòa giải
thích cần dành nguồn tiền cho việc tái lập an ninh, bảo vệ biên giới phía Nam
nước Mỹ mà họ cho là cần thiết hơn là bảo vệ một quốc gia xa xôi ở Châu Âu.
Ngay cả các chính trị gia Dân Chủ cũng đau đầu với
tình trạng di dân đổ tới các địa hạt của mình. Thống đốc tiểu bang Illinois,
ông J. B. Pritzker (Dân Chủ), đồng minh của ông Biden, tuần qua gửi một lá thư
thống thiết cho tổng thống, phê phán sự “thiếu can thiệp, thiếu điều phối” của
chính quyền liên bang trong vấn đề di dân biên giới, gây ra tình trạng nguy
hiểm cho tiểu bang ông. Thị trưởng New York, ông Eric Adams (Dân Chủ), quy
trách nhiệm cho chính quyền liên bang về một tình trạng mà ông ta cho rằng có
thể phá hoại thành phố. Trong thư gửi tổng thống cuối Tháng Tám, thống đốc tiểu
bang New York, bà Kathy Hochul (Dân Chủ), còn gay gắt hơn: “Quản lý và kiểm
soát biên giới quốc gia là trách nhiệm trực tiếp của chính phủ liên bang. Không
có khả năng hoặc trách nhiệm giải quyết tận gốc làn sóng di dân lậu thì người
New York không thể gánh chịu chi phí cho việc đó.”
Áp lực của làn sóng di dân lậu buộc chính quyền
Biden phải thay đổi. Dù phản đối chính sách di dân của chính quyền Trump tiền
nhiệm, nay chính quyền Biden vẫn phải áp dụng lại những chính sách đó. Tòa Bạch
Ốc cho biết trong tuần này chính phủ đã miễn áp dụng 26 luật và sắc lệnh liên
bang để bắt đầu xây thêm 20 dặm tường rào ở phía Nam Texas, tại thung lũng sông
Rio Grande – điểm biên giới có đông người nhập cư tràn vào Mỹ nhất. Ông Donald
Trump ngay lập tức lên mạng đòi ông Joe Biden phải xin lỗi ông, theo tin trên
nhật báo Người Việt.
***
Có vẻ như quyết định xây tường biên giới và phục hồi
một số biện pháp trục xuất di dân có từ thời ông Trump là một lựa chọn miễn
cưỡng của ông Biden. Hôm Thứ Sáu, 6 Tháng Mười, ông Biden nói ngân sách để xây
tường đã được Quốc Hội thu xếp năm 2019 dưới thời ông Trump và ông không có
quyền ngăn cản việc xây dựng đó dù khi báo chí hỏi ông có tin xây tường sẽ cản
được làn sóng di dân lậu hay không thì ông trả lời dứt khoát: “Không!” và ông
không nghĩ xây tường là “một giải pháp chính sách nghiêm chỉnh.”
Dù sao, đáng ghi nhận là chính quyền Biden đã nỗ lực
rất nhiều để giải quyết bài toán di dân từng làm điên đầu nhiều tổng thống tiền
nhiệm. Một mặt, chính phủ mở thêm nhiều lựa chọn pháp lý cho người di cư hợp
pháp từ các nước Venezuela, Cuba, Nicaragua, và Haiti, cho phép những di dân
lậu đang tạm thời cư trú tại Mỹ được làm việc. Mặt khác, sự cởi mở đi kèm với
các biện pháp cứng rắn. Từ khoản ngân sách $4 tỷ được Quốc Hội duyệt chi cho
công tác phòng vệ biên giới, chính quyền Biden đã tăng nhân sự của lực lượng
bảo vệ biên giới thêm 1,500 người, bổ sung 4,000 binh sĩ tuần tra, theo số liệu
mà bà Karine Jean-Pierre, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, đưa ra hôm Thứ Tư. Đầu
năm nay chính phủ Mỹ ban hành một chính sách mới theo đó di dân sẽ mất quyền
xin tị nạn nếu vượt biên vào Hoa Kỳ bất hợp pháp bất chấp các tổ chức nhân
quyền phản đối và lên án nó giống với việc đóng cửa biên giới thời ông Trump.
Song song với các biện pháp ngăn chặn ở biên giới và
trục xuất di dân lậu, chính quyền Biden đã đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao để
ngăn chặn di dân từ điểm xuất phát. Cái gốc của di dân lậu là tình trạng nghèo
khó và bạo lực băng đảng ở các nước vùng Trung và Nam Mỹ. Ngay từ đầu nhiệm kỳ,
hồi Tháng Sáu 2021, Phó Tổng Thống Kamala Harris đã đến một số quốc gia Trung
Mỹ như Mexico, El Salvador, Guatemala, và Honduras, vừa kêu gọi chính phủ các
nước này hợp tác để ngăn chặn dòng người di cư, vừa cam kết viện trợ và đầu tư
phát triển kinh tế, vừa cảnh báo người dân các nước này đừng nghe lời dụ dỗ của
các băng đảng buôn người mà kéo nhau đến Mỹ. “Đừng đến. Các bạn sẽ bị đuổi về.
Đây là con đường rất nguy hiểm và bất trắc,” bà Harris nói tại Mexico, theo
nhật báo The Washington Post dẫn lại.
Bài toán di dân rõ ràng sẽ không có lời giải nếu
không có sự hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng phía Nam, nhất là Mexico.
Vài hôm trước, chính quyền Biden cử ba bộ trưởng liên quan – gồm Ngoại Trưởng
Antony Blinken, Bộ Trưởng Tư Pháp Merrick Garland, và Bộ Trưởng Nội An
Alejandro Mayorkas – đến Mexico gặp Tổng Thống Andres Manuel LOpez Obrador, các
giới chức lãnh đạo Mexico, Colombia, và Panama để thông báo quyết định trục
xuất người Venezuela nhập cảnh bất hợp pháp vào Mỹ, và đề nghị hợp tác chặt chẽ
hơn để cùng giải quyết vấn đề người di cư. Các bộ trưởng cũng yêu cầu Mexico
gia tăng tuần tra và ngăn chặn dòng người di cư vượt qua biên giới phía Nam
giữa Mexico và Guatemala trên đường tìm tới biên giới Mexico-Mỹ ở phía Bắc.
Nhưng vấn đề phức tạp hơn dự tính. Tổng Thống
Obrador phê phán thẳng thừng quyết định tiếp tục xây tường biên giới ở Texas
của chính quyền Biden. Thay vào đó, ông yêu cầu Hoa Kỳ gia tăng viện trợ và đầu
tư, giúp phát triển kinh tế, tạo công việc làm để giải quyết vấn đề từ gốc.
“Quyết định xây tường là một bước thụt lùi bởi vì nó
không giải quyết được vấn đề. Chúng ta phải xử lý các nguyên nhân của nó,” ông
Lopez Obrador nói với báo chí hôm Thứ Năm, nhật báo The New York Times dẫn lại.
Ông tổng thống Mexico cũng có kế hoạch triệu tập một hội nghị cấp cao các nhà
lãnh đạo các nước Trung và Nam Mỹ để tìm biện pháp giải quyết vấn đề di dân
ngay trong nội bộ các nước Mỹ Latin.
***
Chỉ một năm nữa cử tri Mỹ sẽ bầu ra một tổng thống
mới, một chính phủ mới. Ông Donald Trump của đảng Cộng Hòa và ông Joe Biden của
đảng Dân Chủ có thể sẽ “tái đấu” trong một cuộc so găng mà nhiều người Mỹ cảm
thấy không mấy thích thú. Một lần nữa, bức tường biên giới Mỹ-Mexico, và thách
thức của làn sóng di dân bất hợp pháp nói chung, lại trở thành đề tài tranh
luận gay gắt. Làm thế nào để cân bằng giữa chính sách nhập cư nhân đạo phù hợp
với các giá trị nhân quyền của nước Mỹ mà không gây ra cuộc khủng hoảng và gánh
nặng cho xã hội Mỹ, người đóng thuế của Mỹ? Trong gần ba năm qua, chính quyền
Biden gần như đã sử dụng hết mọi khả năng để ngăn chặn, phòng ngừa, và ngoại
giao, kể cả sử dụng lại việc xây tường của người tiền nhiệm, nhưng thách thức
vẫn rất gay gắt và chưa có triển vọng sáng sủa nào. [đ.d.]
No comments:
Post a Comment