Friday, March 10, 2023

VÌ SAO TUẤN NGỌC ĐỔI LỜI NHẠC CỦA LAM PHƯƠNG? (Tuấn Khanh)

 



 

NỘI DUNG :

Vì sao Tuấn Ngọc đổi lời nhạc của Lam Phương?

Tuấn Khanh

.

MÙA THU NAY KHÁC RỒI...  

Chu Mộng Long

.

Nhạy cảm chính trị   

Lâm Bình Duy Nhiên

.

====================================

.

.

Vì sao Tuấn Ngọc đổi lời nhạc của Lam Phương?

Tuấn Khanh

9 tháng 3, 2023

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/vi-sao-tuan-ngoc-doi-loi-nhac-cua-lam-phuong/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/tuanngoc1_XIIZ-1024x583.jpg

Ca sĩ Tuấn Ngọc

 

Mạng xã hội Việt Nam bàn tán không ngớt từ chiều ngày 10 Tháng Ba (giờ Việt Nam) về chuyện ca sĩ Tuấn Ngọc trình bày bài hát Tình Bơ Vơ của nhạc sĩ Lam Phương nhưng không đúng lời. Nhiều đoạn video được khán giả nhạc vàng tìm thấy Tuấn Ngọc hát trong các show ở Việt Nam, đã chọn hát “trời vào thu, chiều nay buồn lắm em ơi”, bỏ đi hai chữ Việt Nam trong bài hát gốc.

 

Người mở lời đầu tiên về sự kiện này, được biết là từ trang Facebook của Ben Ngo, cựu phóng viên đài BBC. Viết trên trang của mình, Ben Ngo nhận định “Trong một show mới đây tại Sài Gòn, Tuấn Ngọc sợ câu “Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi” nên hát thành “Trời vào thu chiều nay buồn lắm em ơi”. Thật buồn cho một “danh ca”, vì lý do nào đó mà hát không trọn ca từ của nhạc sĩ Lam Phương. Nhìn trong clip thì anh vừa hát vừa nhìn giấy in lời ca khúc nên không có chuyện quên lời mà đây là sự cố ý tránh câu hát bị cho là “nhạy cảm“. Để chứng minh cho chuyện mình nói, nhà báo Ben Ngo dẫn nguồn một đoạn video kèm theo.

 

VIDEO : https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/Ben-Ngo-Facebook.mp4?_=1

 

Nhiều khán giả hâm mộ ca sĩ Tuấn Ngọc đã bàng hoàng hơn, khi tìm thấy không chỉ một – mà nhiều video khác – cũng bị ca sĩ Tuấn Ngọc hát với lời bị sửa lại như vậy. Sự kiện này như giọt nước tràn ly, âm ỉ về sự bất bình lâu nay của khán giả trung thành của dòng nhạc miền Nam tự do, mở màn cho những cuộc tranh cãi về chuyện nghệ sĩ trình diễn cần giữ tư cách của mình, giữ sự tôn trọng tác giả và giữ ý thức bảo tồn một nền văn hóa chế độ Việt Nam Cộng Hòa vốn luôn bị chà đạp.

 

Bài Tình Bơ Vơ của nhạc sĩ Lam Phương phát hành 18 Tháng Năm 1973, do nhà xuất bản Sống và Khai Sáng độc quyền phát hành. Ở trang ruột, có in dòng chữ “Cấm tất cả mọi sự trích dịch, in lại, sửa đổi lời ca, in nhạc bỏ túi”. Bài hát với câu than thở “Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi”, được tác giả từng tâm sự rằng đó là giờ phút ca sĩ Bạch Yến đi sang Pháp, và ông tỏ nỗi lòng của mình. Câu chuyện không có bất kỳ điều gì gọi là “chính trị” để nhà cầm quyền hôm nay phải ngán ngại. Nên chuyện đổi bỏ hai chữ “Việt Nam” bị coi là hoàn toàn vô lý – cho dù Hà Nội lâu nay vẫn có thói quen xấu là ghét bỏ vô cớ những nội dung nào nói về mùa thu không đẹp hay không hừng hực chiến thắng.

 

Có nhiều người bình luận trên mạng nhắc khéo rằng hệ thống kiểm duyệt của Hà Nội hết sức kỳ quặc, và có lẽ Tuấn Ngọc đã được nhắc nhở là phải thay chữ “Việt Nam” đi, cho vừa lòng một quan chức nào đó. Tương tự như  các ca sĩ hải ngoại khi về nước nếu muốn biểu diễn, ca sĩ Tuấn Ngọc cũng thường phải nộp lên một danh sách từ 10 đến 20 bài cho chương trình của mình để được đóng dấu xác nhận của cơ quan văn hóa, và chỉ được hát đúng những bài đó mà thôi.

 

Chuyện nhắc riêng ca sĩ phải đổi lời, thường lâu nay không thấy nữa, vì nếu không thích, bài hát đó đơn giản sẽ không được duyệt“, một người tổ chức diễn cho ca sĩ hải ngoại về nước nói, xin giấu tên, nói về sự kiện đang sôi động trên các trang mạng xã hội. Điều này dẫn đến suy luận rằng ca sĩ Tuấn Ngọc có thể đã đơn phương đổi lời – không chỉ một lần – cho mục đích nào đó chưa rõ.

 

Chuyện bắt buộc phải sửa lời là một hướng suy nghĩ, nhưng qua nhiều video trình diễn khác trên truyền hình nhà nước gần đây (từ 2021 đến nay), người ta nhìn thấy bài Tình Bơ Vơ vẫn đã được hát đúng nguyên bản. Thậm chí, có khán giả còn nhắc chuyện ca sĩ Như Quỳnh hát bài này trong chương trình Thần tượng Bolero cũng không có chuyện phải đổi lời.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/Tinh_bo_vo-Lam_Phuong.png

Bản nhạc “Tình Bơ Vơ”

 

Trong bài “Ca khúc xưa: những ‘án treo’ còn đó” của báo Tuổi Trẻ vào ngày 16 Tháng Tư 2017, có nhắc việc nhiều bài hát trước năm 1975 không được cấp phép, vì người kiểm duyệt không hiểu nội dung có “chống phá cách mạng” hay không. Riêng với bài Tình Bơ Vơ (Lam Phương) được cấp phép vào Tháng Tư 2008 nhưng chỉ sau một tháng, Tháng Năm 2008, sau khi đĩa phát hành thì bị thu hồi. Nhiều ca sĩ, hãng đĩa ở Sài Gòn phải gỡ bài, in lại toàn bộ bìa đĩa đã có tên ca khúc “bị thu hồi” trong danh mục CD. Ông Huỳnh Tiết – nguyên Giám đốc Bến Thành Audio-Video, đơn vị được nhạc sĩ Lam Phương ủy quyền khai thác toàn bộ tác phẩm của ông tại Việt Nam – cho hay ca khúc này bị rút phép chính vì cụm từ “trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi”.

 

Tuy nhiên, cánh cổng kiểm duyệt này – vốn luôn gây rắc rối giữa giới làm ăn và quan chức văn hóa – đã coi như đóng lại với Nghị định 144/2020/NĐ-CP, ban hành ngày 14 Tháng Mười Hai 2020, với nội dung bỏ quy định phải xin cấp phép phổ biến ca khúc sáng tác trước 1975. Chuyện quản lý biểu diễn thuộc về quyền địa phương kiểm soát chương trình xin biểu diễn.

 

Nhưng chuyện cố ý đổi lời của ca sĩ Tuấn Ngọc, được đông đảo người bình luận ở một góc độ khác, là có thể do ca sĩ quá lo sợ chính quyền địa phương đến mức làm chuyện không cần thiết, và không tham khảo những ca sĩ khác đã hát bài hát đó trên hệ thống truyền hình nhà nước như thế nào. “Quả thật, ông ta hèn”, một khán giả bình luận.

 

Cũng có người nói rằng nhiều khi ca sĩ Tuấn Ngọc bị vào “thế” phải đổi lời như vậy mới được biểu diễn. Nhưng cũng có bình luận rằng “đó không phải là sở hữu trí tuệ của ông Tuấn Ngọc, ông đổi để được việc mình mà không nghĩ đến người chủ của nó”. Một số các lời bình đứng về phía ca sĩ Tuấn Ngọc, nói có thể ông ta không muốn vậy nhưng đành phải hát. “Vậy thì sao không chọn bài khác mà không phải buộc đổi lời ?”, có ý kiến nói.

 

Các cuộc tranh luận vẫn đang diễn ra, nhưng chưa thấy ca sĩ Tuấn Ngọc lên tiếng. Có lẽ, vẫn cần một tiếng nói của ông về chuyện vì sao lại đổi lời bài hát, nếu như quả thật có một nỗi khổ tâm cần bày tỏ.

 

=========================================

.

.

MÙA THU NAY KHÁC RỒI...  

Chu Mộng Long

9-3-2023  11:37    

https://www.facebook.com/100000127564138/posts/pfbid0384efsdUp4FcaFpznLw8LqUfjmMzYLmWDNjDUE6f77Z2cjrgyi14CbERALtTR2uEPl/?d=n

 

Thu xưa buồn hiu hắt. Thu của Nguyễn Trãi: "Cửu tiêu thanh lộ tam canh thấp/Tứ bích hàn cung triệt dạ huyên" (Sương từ chín tầng mây, thấm ướt ba canh/Tiếng dế kêu lạnh suốt đêm trong bốn vách tường). Thu của Nguyễn Du: "Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san". Thu của Nguyễn Khuyến: "Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao/ Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu". Thu của Tản Đà: "Lá thu rơi rụng đầu ghềnh/Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly". Thu của Xuân Diệu: "Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng"...

Ngàn năm phong kiến cho đến trăm năm thực dân, kẻ thù của giai cấp công nông đã làm cho mùa thu Việt Nam xơ xác, tiêu điều. Tội ác ấy được các nhà thơ ghi sổ nợ!

 

Sau cách mạng tháng Tám, Tố Hữu mở ra mùa thu mới: "Tháng Tám mùa thu xanh thắm/ Mây nhởn nhơ bay/ Hôm nay ngày đẹp lắm/ Mây của ta trời thắm của ta..." Tiếp nối cảm hứng ấy, nhà thơ Nguyễn Đình Thi chính thức xóa sổ nợ mùa thu cũ: "Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi/ Gió thổi rừng tre phấp phới/Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha...". Bây giờ nếu không rừng tre thì cũng toàn rừng bạch đàn tươi tốt, không rụng lá!

 

Dưới chế độ Mỹ - Ngụy ở miền Nam, nhạc sĩ Lam Phương viết: "Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi..." Lẽ ra phải viết: "Trời vào thu miền Nam buồn lắm em ơi..." thì tác phẩm đã không bị kiểm duyệt. Tình bơ vơ mặc xác mày, chứ vơ cả mùa thu Việt Nam vào cái buồn bơ vơ của mày là phản động!

 

Thơ ca, Âm nhạc có thể làm thay đổi đất nước, thay đổi chế độ. Hiểu chưa? Chẳng phải Sóng Hồng đã dạy: "Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ...?

 

Nhớ nhóc con Trần Đăng Khoa viết bài Hạt gạo làng ta: "Hạt gạo làng ta/ Có vị phù sa/ Của sông Kinh Thầy/ Có hương sen thơm/ Trong hồ nước đầy? Có lời mẹ hát/ Ngọt bùi đắng cay..." Chữ "đắng cay" ghép vào đó rất có thể là do bọn phản động ở miền Nam tiêm nọc độc ra tận ngoài Bắc, hại não trẻ con.

 

Hạt gạo xưa đắng cay chứ hạt gạo nay khác rồi. Hạt gạo xã hội chủ nghĩa chỉ có ngọt bùi, sao lại đắng cay? Bác biên tập mắng và sửa cho: "Ngọt bùi hôm nay" (Theo Chân dung và đối thoại). Chỉ có ngọt bùi để tao ăn một bữa quy ra cả tấn thóc, mặc cho "Có bão tháng Bảy/ Có mưa tháng ba/ Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy!" Mày bảo hạt gạo đắng cay thì làm sao tao nuốt nổi?

 

Chuyện là vậy. Có gì đâu mà dân mạng cãi nhau loạn xạ? Trong khi cái bọn quân tử đểu, dân chủ cuội phía Bắc nói dân Việt "mang tâm lí hẹp hòi" đến mức không biết gom tiền cho thằng Nga ăn xin để đi du lịch và vào quán bar, lại đòi đưa mấy em hát ả đào vào giảng đường dạy dỗ con em mình, xem hát ả đào là di sản, với định hướng kiếm tiền ở phố Khâm Thiên thì đa số lại im re? Không sợ chính quyền mà sợ mấy "nhà dân chủ" vậy sao?

 

Chu Mộng Long

 

48 BÌNH LUẬN   

 

==================================================

.

.

Nhạy cảm chính trị   

Lâm Bình Duy Nhiên

9-3-2023  17:21   

https://www.facebook.com/duynhienlambinh/posts/pfbid07q7MLwh5oVcS6dcSCoYskpZr8Md5b53MqHDJXSRcTsXm4iQaN9qZXuCWH5YZzCpWl

 

Ca sĩ Tuấn Ngọc, từ Mỹ về Sài Gòn hát bài “Tình bơ vơ” của cố nhạc sĩ Lam Phương. Nếu chỉ trình diễn bài hát thôi thì không có gì đáng bàn. Ở đây, ông đã sửa lời ca khúc nổi tiếng trên nên đã khiến dư luận bất bình.

 

Tuấn Ngọc đã thay “Việt Nam” bằng “chiều nay”, trong bối cảnh “mùa Thu” tại Việt Nam.

 

Nhưng “Trời vào thu chiều nay buồn lắm em ơi” sao hay, thấm, đớn đau, nhức nhối và lãng mạn bằng “Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi”!

 

Cái đau và nỗi buồn của một mối tình được thể hiện một cách giản dị, qua lời ca khúc của người nhạc sĩ, ôm ấp trong lòng một mối tình đơn phương.

 

Nỗi buồn ấy đâu chỉ còn của riêng ông! Trái lại, ông muốn người con gái kia cảm được sự tột cùng trống vắng và đau khổ. Cả một Việt Nam vào thu cũng buồn như đồng cảm với mối tình không trọn vẹn của ông.

 

Đơn giản và lãng mạn thế thôi.

 

Nhưng có điều, chính quyền Việt Nam, có lẽ với thói quen hay “giựt mình” nên nhìn vào đâu cũng thấy nhạy cảm chính trị nên mới bóp chết sự sáng tạo và tự do của người nghệ sĩ.

 

Khó có thể cho rằng Tuấn Ngọc, một ca sĩ danh tiếng, lại có thể tự cho mình cái quyền tự sửa lời ca khúc của người khác.

 

Cho nên, không khó có thể thấy rằng,chính Sở Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch tại Sài Gòn, đại diện cho thế lực chính trị, đã ra tay can thiệp, muốn ca sĩ này phải hát ca khúc bị chỉnh sửa.

 

Mùa thu tại Việt Nam phải gắn liền với mùa thu cách mạng. Của cách mạng tháng Tám, của sự kiện ông Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, của những lời thơ chuyên chở khát vọng cách mạng, không uỷ mị, yếu đuối, yêu đương tầm thường. Mùa thu như Nguyễn Đình Thi mô tả mới chính là mùa thu của người cộng sản. Một mùa thu với nhận thức chính trị rõ ràng, phù hợp với sự tuyên truyền của chế độ:

 

“Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

Gió thổi rừng tre phấp phới

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha

Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa”

 

Hay mùa thu của Xuân Diệu cũng không còn sự lãng mạn của tình yêu, thay vào đó là khí thế cách mạng của giai cấp vô sản:

 

“Gió bay đi, mà nhạc cũng bay theo,

Đưa tin mới khắp trên trời nước Việt.

Hoa cỏ đón, mà núi sông cũng biết,

Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay!”

 

Lam Phương ví von so sánh tình yêu của ông như mùa thu buồn tại Việt Nam. Một thái độ phản cách mạng, phản lại đường lối, định hướng của nhà nước.

 

Và Tuấn Ngọc, người ca sĩ nổi tiếng, đã chấp nhận đánh đổi sự tự do của người nghệ sĩ, chỉ để được hát tại Việt Nam. Liệu có sự áp lực nào mà ông phải chịu để được hát? Ông có một sự chọn lựa nào khác hay không?

 

Chắc chắn ông biết rất rõ khi ông chấp nhận trình diễn một ca khúc đã bị sửa lời. Ông cũng thừa biết bản chất của nhà nước Việt Nam khi kiểm duyệt, ngăn cản các chương trình ca nhạc của các ca sĩ hải ngoại.

 

Tuấn Ngọc đã chọn “mùa thu” của đảng khi ông cất cao lời ca :” Trời vào thu chiều nay buồn lắm em ơi”. Ông đã tự đánh mất quyền tự do và sáng tạo của người nghệ sĩ.

 

Và một khi không còn Tự Do thì người nghệ sĩ chỉ còn đơn thuần là công cụ tuyên truyền của quyền lực chính trị!

 

.

67 BÌNH LUẬN  

 

.

Boulevard Nguyen

Tay này ở VN hơn chục năm nay. Có biệt thự tiền tỷ đồng . Là chuyên gia giải trí hát cho các đại gia, cán bộ lãnh đạo cấp bộ trưởng, thủ tướng trong các buổi giải trí riêng tư, hội hè, tiệc tùng, sinh nhật, hỷ sự cho các cậu ấm, có chiêu …Phúc Niễng có khi phải chi trả 15K cho một buổi tiệc hỷ sự gia đình cho tiếng hát Tuấn Ngọc hát làm vui. Dĩ nhiên tiền này không phải Phúc Niễng móc tiền túi riêng của mình . Chuyện thay lời ca tại VN đối với đa số ca sĩ tại VN đi kiếm cơm là chuyện bình thường. Nhưng đối với Tuấn Ngọc thì không nên dùng cách này để đong gạo …trước mặt bàn dân thiên hạ.

Bản thân Tuấn Ngọc phải hiểu một điều bạn không thể vô liêm sĩ đến thế…chúng tôi còn đây…Và bạn là người đã từng mang ân huệ của nhiều nhạc sĩ VN chống cộng để có tên tuổi ngày hôm nay. Thực tế bạn không hát được nhạc Việt và chi cầm đờn đứng sau lưng các người chị, người em của mình hơn nữa đời người trong ban nhạc Up..Tight… Cho đến khi chúng tôi lôi bạn ra , và bảo bạn “ hây manh dạn hát nhạc Việt… “ Bạn đổi đời từ đó với cuốn băng cassette đầu tiên “ Dấu Vết Tình Ta” . Bạn về VN sinh sống làm ăn, ra vào hải ngoại kiếm thêm đô la. Luận điệu bạn lên đài, báo chí, tại VN khoét láo, xạo như chính những thằng cộng sản láo khoét.

Bạn đừng quên giai đoạn 1978-1990

Ban nhạc Up Tight của bạn và cá nhân bạn rách như thế nào và khi bắt đầu “ tập những bài ca Tiếng Việt không dám sai từng dấu văn phạm đừng nói đến chuyện cố ý sữa lời ca của những nhạc sĩ.

Ngoài ra đây cũng là bài học cho bạn “ đừng bắt chước thằng Đàm Vĩnh Hưng..,nó muốn sữa, muốn nhái, muốn la, muốn hét trên sân khấu là nó vô tư …bởi bản thân nó là thằng thất học vô tư. Và bạn hình như cũng bị nó đá giò lái vụ lùm xùm này vì bạn đã giành mối của nó “ chuyên gia hát giải trí cho bọn quan chức cộng sản cấp cao tham nhũng, bọn đại gia bất động sản lừa đảo”

Làm gì có chuyện đổi lời ca…mà thiên hạ đưa bạn lên bàn mổ xẻ từng cái vẫy như đánh vẫy cá.





No comments: