Tuesday, March 21, 2023

VÌ SAO TÔI PHẢI LÊN TIẾNG? (Nguyễn Xuân Diện)

 



VÌ SAO TÔI PHẢI LÊN TIẾNG?

Nguyễn Xuân Diện

21-3-2023  06:11    

https://www.facebook.com/nxdien2k15/posts/pfbid0Y3tMtPSd1jGqyWsqELzRszi7Awb7WwEocoTYegX7yW91JLzhhYDxDZNKK2krLu16l

 

Như tôi đã loan báo, vào lúc 11h25 ngày hôm qua (20.3.2023), Ban lãnh đạo và Chi ủy Viện Nghiên cứu Hán Nôm có mời tôi làm việc. Gọi là vậy, chứ thực ra chỉ có đối thoại giữa Viện trưởng Nguyễn Tuấn Cường và tôi.

 

Mở đầu, Viện trưởng Nguyễn Tuấn Cường có đọc một đoạn của bản “Kết luận của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại cuộc họp giữa Lãnh đạo Viện Hàn lâm với Viện Nghiên cứu Hán Nôm”. Đó là cuộc họp sáng ngày 16/2/2023, tại trụ sở Viện Hàn lâm KHXH VN, ông Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm đã chủ trì cuộc họp giữa lãnh đạo Viện Hàn lâm với Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Và tôi là cán bộ lãnh đạo cấp phòng nên cũng thuộc thành phần tham gia.

 

Đúng một tháng sau, vào ngày 16/3/2023, Viện Hàn lâm có công văn số 458/TB-KHXH do Chánh văn phòng Nguyễn Đình Chúc ký, truyền đạt “Kết luận của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại cuộc họp giữa Lãnh đạo Viện Hàn lâm với Viện Nghiên cứu Hán Nôm”.

 

Trong Thông báo Kết luận đó, cuối Điều 2 mục d có câu: “quán triệt, yêu cầu viên chức và người lao động phải tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước, về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí”.

 

Và Viện trưởng hỏi tôi, có phải FB Nguyễn Xuân Diện là của anh đã đăng thông tin “Kinh hoàng! Lại phát hiện mất thêm 110 cuốn sách Hán Nôm. Trong kho có 877 cuốn đã mủn nát không thể bồi vá, cứu vãn“?

 

Tôi nói luôn: Anh không có quyền hỏi tôi câu hỏi này.

 

Sau đó tôi cũng nói: Tôi đã đọc bản thông báo Kết luận của Chủ tịch Viện, và tôi đã tham vấn hai luật sư của mình về việc tôi có được tiếp tục đưa thông tin liên quan đến việc mất sách cổ nữa hay không? Sở dĩ tôi hỏi điều này là vì chính tôi là người đã đến cơ quan công an để TỐ GIÁC SỰ VIỆC mất hàng loạt sách cổ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

 

Thực vậy, ngoài việc gặp đưa đơn tố giác và cung cấp thông tin ban đầu tới Công an Hà Nội (27 Phan Chu Trinh, Hà Nội) vào ngày 29/12/2022; thì ngày 3/1/2023 tôi còn có đơn gửi tới các Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Bùi Hoài Sơn và Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Ban Dân nguyện của Quốc hội.

 

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã chuyển đơn tới Bộ trưởng Công an Tô Lâm ngày 5/1/2023; TS. Lưu Bình Nhưỡng đã gửi công văn tới Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, ngày 6/1/2023.

 

Các luật sư cho biết: “Thông tin mất sách và để sách mủn nát không phải là bí mật Nhà nước (Viện trưởng cũng đồng ý điểm này); Anh không phải là người phát ngôn của Viện; nhưng anh có quyền cung cấp thông tin cho báo chí và cơ quan an ninh điều tra vì anh là người TỐ GIÁC VỤ VIỆC TỚI CƠ QUAN CÔNG AN“.

 

Tuy nhiên rất nhiều nhà báo gọi điện, hẹn phỏng vấn, nhắn tin inbox đề nghị cung cấp thông tin nhưng tôi từ chối hết; giữ sự tôn trọng đối với yêu cầu của Chủ tịch Viện Hàn lâm.

 

Viện trưởng Nguyễn Tuấn Cường cũng nói Viện hoàn toàn tôn trọng quyền tự do cá nhân của cán bộ, và đề nghị tôi những gì là thông tin nội bộ thì là thông tin thuộc nội bộ. Tôi cũng nói luôn là tôi luôn tôn trọng các bước xử lý của lãnh đạo, nhưng những gì mà lãnh đạo thông tin không chính xác, hoặc thiếu, có ý giấu giếm đối với lãnh đạo cấp trên và anh em trong cơ quan hoặc với dư luận thì tôi vẫn tiếp tục lên tiếng.

 

Viện trưởng Nguyễn Tuấn Cường cũng đề nghị tôi tiếp tục có ý kiến tham mưu, tư vấn, góp ý đối với công tác giải quyết vụ việc mất sách. Và tôi cũng nhắc lại là nếu các góp ý của tôi được tiếp thu và nghiêm chỉnh thực hiện từ 2017, và nhất là từ 15/7/2022 thì sự việc không đến mức như thế này.

 

Vì vậy, tôi tiếp tục thông tin về vụ việc ĐẶC BIỆT NGHIÊM TRỌNG NÀY, đồng thời tôi cũng thông tin về bất cứ sự trù dập nào hoặc cản trở nào đối với việc tố giác của tôi, hoặc các công việc khác của tôi.

 

21.3.2023.

NXD

_____

 

Ghi chú: 

 

Những hình ảnh kèm theo trong bài này cho thấy tôi đã gửi đơn cho các Đại biểu Quốc hội và các ĐBQH đã chuyển đơn đề nghị vào cuộc từ ngày 5 và 6 tháng 1 năm 2023.

 

Chứ không phải chờ đến ngày 16/2/2023 là sau cuộc gặp giữa Viện Hàn lâm với Viện Hán Nôm. Cuộc gặp diễn ra từ 09h00 đến 12h10 phút. Và ngay trong đầu giờ chiều cùng ngày các nhân viên an ninh điều tra đã vào làm việc với Viện, và lúc đó chưa có một công văn nào của Viện Nghiên cứu Hán Nôm gửi đến cơ quan công an đề nghị họ vào cuộc.

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=3034683156834635&set=pcb.3034681953501422   

CHUYỂN ĐƠN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

https://www.facebook.com/photo?fbid=3034683180167966&set=pcb.3034681953501422  

BAN DÂN NGUYỆN : V/v chuyển đơn của ông Nguyễn Xuân Diện, ở thành phố Hà Nội

 

.

269 BÌNH LUẬN  

.

Nguyễn Thế Thanh

Việc các cuốn sách cổ Hán Nôm bị mất ( không phải mới đây và không phải một lần) hoàn toàn không phải là việc nội bộ của Viện Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm KHVN. Đó là việc của quốc gia giao cho Viện Hán Nôm bảo quản, gìn giữ. Làm không tốt, ảnh hưởng đến việc minh chứng cho lịch sử dân tộc thì đó là việc hệ trọng, không thế xem nhẹ và phải điều tra, xử lý đúng mức. Quan trọng hơn, phải có ngay, dù muộn, biện pháp đối phó với tình trạng có dấu hiệu " âm mưu làm mất dấu vết lịch sử" nguy hiểm này.

 

=======================================

 

Nguyễn Xuân Diện 

21-3-2023  10:22    

https://www.facebook.com/nxdien2k15/posts/pfbid02JHn6KJaau1dxZZ4rP7dHyFhsCXo2PGnq2vxzAnhXbPixkBBUgpZwmkkHJzqTB2wql  

 

110 CUỐN VỪA BÁO MẤT LÀ NHỮNG CUỐN GÌ?

 

(Tạm kể tên 10 cuốn trong số đó)

 

1. Kim cổ truyền lục di tập

2. Tống Trân tân truyện

3. Ức Trai - Phi Khanh

4. Nam dược tư truyền thi thư

5. Cổ thi hợp tuyển

6. Lã Đường di cảo

7. Phạm Công tân truyện

8. Hậu Lê dã sử

9. Thanh Hóa tổ sư

10. Đại Nam quốc sử diễn ca.

 

Ảnh: https://www.facebook.com/photo?fbid=3034804543489163&set=a.1567029753599990

Trang đầu cuốn "Việt âm thi tập" của Phan Phu Tiên. (Nguồn ảnh: Từ điển Văn học Bộ mới).

"Việt Âm thi tập" (tập thơ ghi lại thanh âm nước Việt) – là bộ hợp tuyển thơ đầu tiên của dân tộc ta, do nhà sử học Phan Phu Tiên soạn lần đầu vào cuối thời Trần, đầu thời Lê Sơ, sau đó được Thị Ngự sử Chu Xa tiếp tục bổ sung, các đời sau tiếp tục chỉnh lý. "Việt âm thi tập" được khắc in vào năm Bảo Thái thứ 10 (1729) - đến nay đã 293 năm. Đặc biệt cổ - quý - hiếm, xứng đáng liệt hạng Bảo vật Quốc gia.

 

Trên trang sách có 4 chữ "Sắc tứ san hành"(Được nhà vua cho phép khắc in lưu hành).

Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu giữ được một bản in của lần in đó, mang ký hiệu A.1925, đó cũng là độc bản, nhưng đã mất.

 

Sách mất khi chưa kịp làm scan. Nay chỉ còn cái ảnh màu này thôi!

 

===================================================

.

.

Thêm hơn 100 cuốn sách tại Viện Hán Nôm bị mất

RFA

2023.03.20

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-ancient-books-at-han-nom-institute-lost-03202023083038.html

 

Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam lại mất thêm hơn 110 cuốn sách; ngoài ra gần 880 cuốn khác trong kho bị mủn nát, không thể phục chế.

 

Hình : https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-ancient-books-at-han-nom-institute-lost-03202023083038.html/@@images/e37ad398-0c6c-4a61-9197-4ff8948e99b9.jpeg  

Viện Nghiên cứu Hán Nôm  (Ảnh : Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Phó Phòng Nghiên cứu Văn học & Lịch sử- Viện Nghiên cứu Hán Nôm, vào ngày 20/3 thông tin như vừa nêu trên trang Facebook cá nhân và mạng báo VnExpress loan lại.

 

Sau khi có tin vừa nêu, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, ông Đặng Xuân Thanh, lên tiếng cho biết đang tiến hành quy trình xác minh thông tin mà Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đưa ra.

 

Vào ngày 21/12/2022, Viện Nghiên cứu Hán Nôm ra thông báo về việc mất và thất lạc 25 cuốn sách cổ do đơn vị này quản lý. Theo đó, cơ quan này được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giao nhiệm vụ bảo quản các tài liệu Hán Nôm gồm gần 35.000 cuốn sách và gần 60.000 thác bản văn bia đã có biên mục.

 

Vào tháng 4/2020, viện tiến hành tổng kiểm kê đầu tiên trong hơn 10 năm qua thì phát hiện thiếu 29 quyển (tập sách đóng rời) và sáu thác bản bia. Sau khi rà soát lại, viện tìm được bốn quyển do để sai chỗ trên giá và bốn thác bản cũng để sai chỗ.

 

Cho tới thời điểm ra thông báo như vừa nêu, số sách cổ bị mất hoặc thất lạc là 25 quyển. Hai thác bản bị mất nhưng đã có thác bản dự bị đem ra sử dụng. Tuy nhiên, số sách trên đã có bản scan màu và/hoặc bản photocopy làm từ trước, tức là nội dung sách không bị mất.

 

============================

LIÊN QUAN

.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm mất hơn 100 sách quý - VTC News

.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm mất hơn 100 sách quý - Vietnamnet

.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm mất 25 cuốn sách cổ quý hiếm, có 4 cuốn Toàn Việt thi lục  -  Tuoi Tre

.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm nói gì về việc 'bị mất thêm 110 cuốn sách Hán Nôm'?  -  Thanh Nien





No comments: