Tuesday, March 21, 2023

VÌ SAO CÁC LUẬT SƯ BÀO CHỮA TRONG VỤ 'TỊNH THẤT BỒNG LAI' ĐỀU ĐANG BỊ TRIỆU TẬP? (Võ Ngọc Ánh / BBC News Tiếng Việt)

 



Vì sao các luật sư bào chữa trong vụ Tịnh thất Bồng Lai đều đang bị triệu tập?

Võ Ngọc Ánh

,Gửi bài tới diễn đàn BBC từ Hoa Kỳ

22 tháng 3 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cndr46k5kg2o

 

Những luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai lại đang trở thành đối tượng bị công an triệu tập, thẩm vấn mà câu chuyện của LS Đặng Đình Mạnh là điển hình.

 

Theo những gì tôi tìm hiểu thì trước đó, những người ở Tịnh thất Bồng Lai bị khởi tố theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Đến lúc này, không phải chỉ luật sư Đặng Đình Mạnh, mà tất cả năm luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ Tịnh thất Bồng lai đều đã nhận giấy triệu tập theo Điều 331.

 

VN: ICJ lên án việc điều tra LS Đặng Đình Mạnh vì vụ Tịnh Thất Bồng Lai

Tịnh Thất Bồng Lai: Bốn người bị khởi tố tội 'lợi dụng quyền tự do dân chủ'

Luật sư vụ Đồng Tâm phải đối mặt với nguy hiểm?

 

Theo các giấy triệu tập, luật sư Đào Kim Lân phải có mặt ở cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Long An vào ngày 15/3, luật sư Ngô Thị Hoàng Anh vào ngày 14/3.

Tiếp theo, luật sư Đặng Đình Mạnh bị triệu tập vào ngày 21/3, luật sư Nguyễn Văn Miếng, ngày 22/3 và luật sư Trịnh Vĩnh Phúc vào ngày 25/3.

 

Theo phía công an, trong quá trình bào chữa vụ án Tịnh thất Bồng Lai, nhóm luật sư, “Có hành vi phát tán lên không gian mạng các video, hình ảnh, lời nói, bài viết có dấu hiệu phạm tội theo Điều 331”.

Cáo buộc từ phía công an đưa ra liên quan đến việc nhóm luật sư đã sử dụng kênh YouTube Nhật ký luật sư, đăng tải thông tin về vụ án Tịnh thất Bồng Lai.

Các thông tin này sau đó được chính thức hóa bằng văn bản gửi đến nhiều cơ quan cấp trung ương, trong đó có Văn phòng Chính phủ, Viện Kiểm soát Tối cao, Bộ Công an hồi tháng 6/2022.

 

Nhóm luật sư đã chỉ ra, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Đức Hòa và các cơ quan tố tụng tỉnh Long An, “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự, xâm phạm hoạt động tư pháp".

Sau đó, vào tháng 10/2022, các luật sư gi thêm đơn khác tố cáo cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, “có dấu hiệu làm giả chứng cứ và sai phạm về tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bị can”.

 

Mâu thuẫn lợi ích?

 

Các đơn của nhóm luật sư bào chữa gửi đi bị chuyển ngược lại Long An để giải quyết thay vì các cơ quan cấp khác ngoài Long An. Điều này đặt ra câu hỏi liệu người ta có được sự khách quan, hay đang có xung đột lợi ích.

 

Trong khi kiến nghị, tố cáo của các luật sư chưa được giải quyết, thì chính cơ quan công an đang bị phía luật sư tố cáo lại ra tay triệu tập họ để thẩm vấn với cáo buộc vi phạm theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự

 

Một luật sư trong nước xin được giấu tên chia sẻ với tôi:

“Việc này tạo tiền lệ cực kỳ xấu cho công việc của luật sư ở Việt Nam. Vì luật sư là bên đối trọng, có vai trò gỡ tội và phản biện với các cơ quan tố tụng có vai trò buộc tội bao gồm công an, viện kiểm soát, tòa án.

Điều này như một lời cảnh báo đến luật sư bào chữa trong các vụ án khác khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm điều tra, tố tụng mà luật sư tố cáo sẽ có nguy cơ bị chính cơ quan này tố lại.”

 

Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nhà hoạt động phải đi khỏi Việt Nam và hiện sống ở Hoa Kỳ, một người theo dõi sát vụ Tịnh thất Bồng Lai từ năm 2019 cho tôi biết ý kiến:

“Việc công an Long An triệu tập năm luật sư bảo vệ sáu người tại Tịnh thất Bồng Lai trong vụ án đã đưa ra xét xử và cùng một tội danh theo Điều 331, cho thấy mục tiêu cản trở công việc của luật sư.

Sáu người ở Tịnh thất Bồng Lai nhận tổng cộng 23 năm 6 tháng tù ở vụ án đầu, ngoài ra họ còn đang đối diện với tội danh lừa đảo trong một vụ án khác đã khởi tố vụ án hồi tháng 11/2022, nhưng chưa khởi tố bị can...”

 

Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đặt câu hỏi, liệu có phải công an Long An muốn gửi đi thông điệp đến bất cứ ai có ý định bào chữa cho vụ án thứ hai?

 

“Nếu công an Long An thành công, thì tôi tin rằng trong tương lai sẽ không còn bất cứ luật sư nào đủ dũng cảm để lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ qua việc chia sẻ thông tin về vụ án. Đặc biệt là những vụ án bị xem nhạy cảm có liên quan đến nhân quyền hay đụng chạm đến lợi ích của chính quyền.”

 

.

Số luật sư can đảm ở VN còn lại không nhiều

 

Theo ý kiến của tôi, luật sư Đặng Đình Mạnh và những đồng nghiệp của ông là những người hiếm hoi dám nhận bảo chữa, bảo vệ quyền lợi cho trong các vụ án liên quan đến chính trị, đấu tranh dân chủ, bảo vệ đất đai.

 

Những người được luật sư Mạnh và đồng nghiệp của ông bào chữa có Lê Đình Lượng, thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, các bị cáo trong nhóm liên minh dân tộc Việt Nam, cựu đại úy công an Lê Chí Thành, Huỳnh Thục Vy, Vũ Quang Thuận, vụ công an đột nhập vào nhà giết ông Lê Đình Kình – vụ Đồng Tâm, Phạm Đoan Trang, ba mẹ con Cấn Thị Thêu – Trịnh Bá Phương – Trịnh Bá Tư, Trương Duy Nhất…

 

Vì tham gia bào chữa cho các vụ án được xem nhạy cảm mà không ít lần luật sư Mạnh bị sách nhiễu, đe dọa.

 

Tịnh thất Bồng Lai: Luật sư ‘thất vọng’ khi ông Lê Tùng Vân bị 5 năm tù vì ‘lợi dụng tự do dân chủ’

Tịnh Thất Bồng Lai: Những câu hỏi quanh việc 'đàn áp tôn giáo' và tội 'loạn luân'

LS Đặng Đình Mạnh: "Ít luật sư bảo vệ cho bất đồng chính kiến"

 

Vào cuối năm 2018, trên đường bào chữa cho Huỳnh Thục Vy, luật sư Mạnh bị công an tỉnh Đắk Lắk chặn xe với cáo buộc gây tai nạn rồi bỏ chạy.

Hơn một tháng trước đó, trên đường cùng các đồng sự đi Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bào chữa cho những người biểu tình phản đối dự thảo hai luật đặc khu và an ninh mạng xe của luật sư Mạnh đã bị bị bắn.

Trong việc bào chữa cho các bị cáo của án Đồng Tâm, luật sư Mạnh bị xốc nách, xô xuống các bậc cầu thang.

Các ‘sự cố’ trên đe dọa trực tiếp đến luật sư dám đứng ra bảo vệ cho các bị can liên quan đến lợi ích của chính quyền.

 

Việc triệu tập luật sư Đặng Đình Mạnh là logic chung, nằm trong các hoạt động nhằm hạn chế tối đa các hành động đi theo nguyên tắc pháp quyền. Chính quyền cũng thường xuyên bắt các nhà đấu tranh dân chủ và xử họ với các bản án nặng nề.

Việc bào chữa của các luật sư cho các bị cáo trong các vụ án này thường bị ‘bỏ ngoài tai’. Dù vậy, việc có luật sư dám đứng ra bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo trong các vụ án này là một thái độ can đảm.

 

Theo tạp chí luật sư Việt Nam đến hết năm 2022, cả nước có 17317 luật sư, nhưng trong số này số luật sư dám nhận bào chữa trong các vụ án chính trị, nhạy cảm đếm không đầy đầu ngón tay.

 

Trên kênh YouTube Nhật ký luật sư, hay trang Facebook của mình, luật sư Đặng Đình Mạnh cùng các đồng nghiệp cung cấp thông tin một cách theo kiểu tường thuật vụ việc, ngôn từ cẩn trọng và trình bày có tính hài hước.

 

Trước đó chính quyền cũng đã dùng nhiều cách khác nhau để không cho các luật sư Võ An Đôn, Trần Vũ Hải hoạt động, hành nghề.

 

Việc triệu tập luật sư có thể là bước lùi cho ngành tư pháp và xa hơn, các bị cáo trong các vụ án chính trị, nhạy cảm sẽ không còn người đồng hành, bào chữa theo luật định.

 

Điều này thật sự trái với các khẩu hiệu về nền pháp lý xã hội chủ nghĩa mà nhà nước nêu ra lâu nay và chỉ thu hút sự chỉ trích từ quốc tế những ngày tháng tới.

 

------------------------------------------------------------

Bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả Võ Ngọc Ánh, sinh sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.





No comments: