Ukraina
không hưởng ứng ‘‘kế hoạch hòa bình 12 điểm’’, một thất bại của Tập Cận Bình?
Trọng Thành - RFI
Đăng ngày: 25/03/2023 - 16:42
Ba ngày sau chuyến đi Nga của lãnh đạo Trung Quốc,
được quảng bá rầm rộ trên truyền thông như một cơ hội thúc đẩy hòa bình cho
Ukraina, rút cục Bắc Kinh chưa sắp xếp được cuộc điện thoại của Tập Cận Bình với
tổng thống Ukraina Zelensky. Kể từ đầu cuộc chiến xâm lăng Ukraina của Nga,
lãnh đạo Trung Quốc chưa một lần đối thoại trực tiếp với tổng thống Ukraina. Theo nhiều nhà quan sát, vị thế
nghiêng hẳn về Nga ngày càng cho thấy Bắc Kinh không thể là bên trung gian cho
hòa bình.
https://s.rfi.fr/media/display/3f71795c-cb23-11ed-850a-005056a90284/w:980/p:16x9/Xi_Jinping_ZE.webp
Ảnh ghép : Tổng
thống Ukraina Volodymyr Zelensky (T) và lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận
Bình (P) © AFP
Một tâm điểm khác của thời sự quốc tế trong tuần
qua là chuyến đi khẩn cấp đến Ukraina, được giữ bí mật cho đến phút chót, của
thủ tướng Nhật Bản, đúng vào lúc lãnh đạo Trung Quốc đang có mặt ở Matxcơva để
ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác chiến lược với chính quyền của quốc gia đang
xâm lược Ukraina. Hai lãnh đạo châu Á ở hai bên chiến tuyến của cuộc chiến
tranh tại Ukraina.
Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ nối lại quan hệ sau 10
năm lạnh nhạt. Phong trào phản kháng chống luật cải tổ hưu trí tại Pháp mạnh
lên trở lại sau khi Quốc Hội bỏ phiếu về kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ. Kiến
nghị bị bác với chỉ 9 phiếu chênh lệch. Trên đây là một số chủ đề chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
***
Chuyến công du của lãnh đạo tối cao Trung Quốc
từ ngày 20 đến 22/03/2023 được báo chí Nhà nước Trung Quốc quảng bá như một
thành công lớn, đặc biệt với việc Bắc Kinh tự tin khẳng định vị thế toàn cầu,
cùng với người bạn Nga, trong thế đối đầu với thế giới phương Tây, đứng đầu là
nước Mỹ. Hoàn Cầu Thời Báo ấn bản Anh ngữ (ngày 22/03) có bài ca ngợi chuyến đi giúp ‘‘củng cố đối tác chiến lược
vững chắc giữa hai cường quốc nhằm mang lại sự ổn định cho thế giới và có thể củng
cố, tái xây dựng thế cân bằng trong quan hệ giữa các cường quốc, vốn bị Hoa Kỳ
gây tổn hại nghiêm trọng trong những năm gần đây’’.
Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời nhà tư vấn Andrey
Kortunov, tổng giám đốc của Hội Đồng Quan Hệ Quốc Tế, một tổ chức cố vấn cho
chính quyền Nga, theo đó mỗi cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước ‘‘là một xúc
tác cho việc thúc đẩy hợp tác song phương’’. Hai bên đã ký kết nhiều thỏa
thuận hợp tác lớn, trong đó phải kể đến dự án đường ống khí đốt Siberi-2, dài hơn 2.500 km, dự
kiến cung cấp gần 100 tỉ mét khối khí/năm, tức gần hai phần ba tổng lượng khí đốt
Nga cấp sang châu Âu trước chiến tranh Ukraina.
Kế hoạch hòa bình 12 điểm cho Ukraina, mà Bắc
Kinh công bố cuối tháng 2/2023, được chính Trung Quốc coi là trọng tâm của chuyến
công du. Hai lãnh đạo Trung – Nga đã bàn về bản kế hoạch này ngay vào ngày đầu
tiên khi ông Tập Cận Bình đến Matxcơva. Tìm giải pháp cho ‘‘khủng hoảng
Ukraina’’ cũng là một nội dung chính trong thông cáo báo chí của chủ tịch
Trung Quốc tại Matxcơva trong ngày công du thứ hai, 21/03. Tuyên bố chung của lãnh đạo Nga – Trung hoan nghênh ‘‘lập
trường khách quan và không thiên vị’’ của Trung Quốc ‘‘về vấn
đề Ukraina’’, ‘‘các ý tưởng mang tính xây dựng’’ trong kế
hoạch hòa bình cho Ukraina của Trung Quốc.
.
Nguy cơ Tập Cận Bình lợi dụng cuộc điện thoại với
Zelensky
Quan hệ Nga – Trung nồng ấm là điều đã quá rõ
ràng. Sự nhất trí Trung – Nga cao độ là điều hiển hiện. Ẩn số là thái độ của
Ukraina. Xét về mặt thế - lực, nhiều điều cho thấy Ukraina có thể phải nhờ cậy
đến Trung Quốc. Kể từ đầu cuộc xâm lăng của Nga, tổng thống Ukraina đã nhiều lần
kêu gọi trực tiếp đối thoại với lãnh đạo Trung Quốc để tìm giải pháp. Tuy
nhiên, chỉ cho đến giữa tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên có tín hiệu từ phía Trung
Quốc cho một cuộc đối thoại trực tiếp Tập Cận Bình – Zelensky, có thể diễn ra
trong hoặc sau thời gian Tập Cận Bình công du Nga.
Theo Wall Street Journal, ‘‘một cuộc đối thoại trực tiếp với ông Zelensky, nếu diễn ra,
sẽ đánh dấu một bước quan trọng trong nỗ lực của Bắc Kinh đóng vai người trung
gian hòa giải cho cuộc chiến
tranh ở Ukraina, vốn bị nghi ngờ ở châu Âu. Và củng cố uy
tín của Bắc Kinh với tư cách là một nhà trung gian đầy uy quyền sau
khi tạo điều kiện cho một bước đột phá ngoại giao bất ngờ giữa Ả Rập Xê Út và
Iran hồi tuần trước’’ (ngày 13/03/2023).
Triển vọng cho hòa bình có thể là có, nhưng
nguy cơ sẽ là rất lớn. Đổi lấy việc chấm dứt chiến tranh sẽ là những nhân nhượng
to lớn. Một số nhà quan sát ghi nhận nguy cơ cú điện thoại Zelensky – Tập
Cận Bình, nếu diễn ra, có thể sẽ được chính quyền Trung Quốc khai thác nhằm
giáng một đòn nặng nề vào ‘‘mặt trận các quốc gia dân chủ’’ toàn cầu.
Theo chuyên gia chính trị quốc tế Valérie Niquet, cú điện thoại
Tập Cận Bình – Zelensky có thể cho phép đặt Bắc Kinh vào ‘‘vị trí trung tâm’’
của cuộc khủng hoảng, với vai trò người kiến tạo hòa bình, ‘‘cho phép xóa
tan đi mọi cáo buộc về thái độ đồng lõa toàn diện với Nga’’ và qua đó mà khẳng
định hơn nữa vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế, phá vỡ ‘‘mặt trận
các quốc gia dân chủ toàn cầu’’ (Le Monde).
.
Đối thoại với Tập ‘‘không ích gì lúc này’’
Chuyến công du Matxcơva của lãnh đạo Tập Cận
Bình dường như đã là ''thời khắc của sự thật'', cho thấy ý nghĩa thực
sự của kế hoạch hòa bình 12 điểm của Trung Quốc đối với chính quyền Ukraina.
Báo CNBC Mỹ có bài phân tích đáng chú ý, nêu bật thái độ ngờ vực cao độ tại
Kiev.
Chính giới Ukraina theo dõi sát các hành động
của chủ tịch Trung Quốc tại Matxcơva. Sau khi Bắc Kinh khẳng định quan hệ
mật thiết với Matxcơva, đặt cuộc chiến tranh tại Ukraina xuống hàng thứ yếu,
thái độ của Kiev ắt hẳn là dứt khoát. Trả lời CNBC, chuyên gia Oleksander Musiyenko, giám đốc
trung tâm nghiên cứu quân sự và pháp lý ở Kiev khẳng định: ‘‘Sau chuyến đi Matxcơva của
ông Tập Cận Bình, chúng tôi thấy không cần thiết phải đối thoại với ông ta.
Một cuộc đối thoại giữa tổng thống Zelensky và ông Tập Cận Bình không có nghĩa
lý gì vào thời điểm này, sau khi Trung Quốc và Nga đã quyết định tăng cường
quan hệ giữa hai chế độ độc đoán. Trung Quốc đã chọn bên, bên của Nga’’. Chuyên gia Ukraina nói thẳng: kế hoạch của Trung Quốc là ‘‘một kế hoạch
của Nga’’ (23/03).
.
Kế hoạch của Trung Quốc cũng là ‘‘kế hoạch của
Nga’’
Lẽ dĩ nhiên, với mục tiêu để ngỏ cánh cửa cho
ngoại giao, ‘‘tổng thống Ukraina Zelensky và những người thân cận tránh mọi
chỉ trích công khai về chuyến đi Matxcơva của ông Tập Cận Bình’’. Nhưng thái độ của chính quyền
Ukraina là rất rõ ràng : cuộc xâm lăng do Nga gây ra,
điều kiện tiên quyết là Nga phải rút quân đội khỏi các vùng đất chiếm đóng. Ngoại trưởng Dmytro
Kuleba trong một cuộc điện đàm hiếm hoi với đồng nhiệm Trung Quốc Tần Cương đã
nhấn mạnh đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Phát biểu của giới chức Ukraina
nói trên trên CNBC có thể coi là một thông điệp gián tiếp của chính quyền Kiev
gửi đến Trung Quốc.
Đã từng có một số hy vọng đặt vào cuộc đối thoại
Zelensky – Tập Cận Bình. Chính phía Mỹ, trước chuyến công du Nga của ông Tập,
cũng đã thúc đẩy Tập Cận Bình đối thoại với Zelensky để Trung Quốc ‘‘trực tiếp
nghe lập trường của Ukraina chứ không phải chỉ của phía Nga’’. Tuy nhiên cơ
hội có lẽ đã qua. Tại
Matxcơva, hôm 21/03, điện Kremlin tuyên bố Trung Quốc và Nga không bàn đến kế
hoạch hòa bình do Ukraina đề xuất. Cùng ngày, phát ngôn viên Hội Đồng An
Ninh Quốc Gia Nhà Trắng John Kirby đã đưa ra bình luận dữ dội nhất từ Mỹ, từ
trước đến nay, về kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, với nhận định : Bắc Kinh chỉ
‘‘lặp lại các tuyên truyền của Nga’’.
.
Trung Quốc bắt cá hai tay, Ukraina kiên nhẫn
Trả lời báo Business Insider, ông Robert Daly,
giám đốc Viện Kissinger về Trung quốc và Mỹ, ở Washington, nhận định trên thực
tế ‘‘Kế hoạch hòa bình của Tập Cận Bình đã bị Ukraina bác bỏ’’, nhưng mục
tiêu của lãnh đạo Trung Quốc khi đưa ra kế hoạch nói trên không phải là nhằm
vào chính quyền Kiev hay các nước phương Tây mà là để chinh phục công luận
trong nước và các nước đang phát triển mà Trung Quốc đang xây dựng các liên
minh rộng lớn thông qua các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Bắc Kinh cũng để mắt
đến các hợp đồng tái thiết béo bở ở Ukraina sau chiến tranh, một cuộc xung đột
kéo dài tại Ukraina có thể có lợi cho Trung Quốc.
Trong khi đó cánh cửa ngoại giao Ukraina và
nhiều nước phương Tây vẫn để ngỏ với Trung Quốc. Lý do chính có lẽ không phải để
hy vọng Trung Quốc làm trung gian hòa bình, mà để Trung Quốc không gắn chặt hơn
với Nga, trực tiếp hậu thuẫn Matxcơva về quân sự. Chính quyền Ukraina chắc chắn
không ngây thơ gì trước lập trường bắt cá hai tay của Trung Quốc.
Cuối tháng 2/2023, nhân dịp một năm cuộc chiến
xâm lược của Nga, cũng là một năm Trung Quốc chưa một lần lên án cuộc xâm lăng,
trả lời báo Đức Die Welt, tổng thống Ukraina nhận định: ‘‘Đối với chúng tôi,
điều quan trọng là Trung Quốc không hỗ trợ Liên Bang Nga trong cuộc chiến này’’,
“Thực ra, tôi muốn họ đứng về phía chúng ta. Tuy nhiên, tại thời điểm này,
tôi không nghĩ rằng điều đó là có thể’’, nhưng tôi thấy có cơ hội để Trung Quốc
đưa ra đánh giá mang tính thực tế về những gì đang xảy ra ở đây’’. Tổng thống
Ukraina nhấn mạnh : ‘‘Bởi nếu Trung Quốc liên minh với Nga, một cuộc
chiến tranh thế giới sẽ bùng nổ, và tôi nghĩ rằng Trung Quốc hiểu điều đó’’
(Asia Financial dẫn lại).
Báo Ukraina Ukinform hôm nay 25/03 cho hay, tổng thống
Zelensky cho biết chưa nhận được bất cứ đề xuất nào để tổ chức đàm phán với lãnh
đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (trả lời phỏng vấn báo Nhật The Yomiuri
Shimbun). Tổng thống Ukraine thông báo đã yêu cầu Trung Quốc hợp tác về kế hoạch
hòa bình 10 điểm do phía Ukraina đề xuất. Ông Zelensky bày tỏ ‘‘sự hoài nghi
về kế hoạch 12 điểm của Trung Quốc’’.
.
An ninh ‘‘Ấn Độ - Thái Bình Dương’’ gắn liền
với ‘‘Châu Âu – Đại Tây Dương’’
Cũng cùng thời điểm với chuyến công du của ông
Tập, thủ tướng Nhật bất ngờ có chuyến công du Ukraina. Chuyến đi được giữ bí mật
đến trước khi thủ tướng Nhật Fumino Kishida lên tàu hỏa từ Ba Lan sang Kiev
ngày 21/03 (trong lúc tối hôm trước ông còn ở Nhật tham dự một diễn đàn).
Điều được truyền thông loan tải rộng rãi là chuyến viếng thăm của thủ tướng
Kishida đến thị trấn Bucha, biểu tượng cho các tội ác của quân đội Nga tại
Ukraina và các tuyên bố của thủ tướng Nhật khẳng định Nhật Bản sát cánh với
Ukraina trong cuộc chiến chống xâm lăng.
Một sự kiện ít được chú ý hơn nhiều là việc
Ukraina và Nhật Bản ký kết thỏa thuận nâng cấp hợp tác lên tầm Quan hệ Đối tác
Đặc biệt (Special Global Partnership). Trong cam kết hợp tác chung này, hai bên
ghi nhận ‘‘mối quan hệ mật thiết giữa an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương và an
ninh châu Âu – Đại Tây Dương’’.
.
''Biển
Đông'': Ukraina đã quyết định chọn bên
Tuyên bố chung Ukraina – Nhật khẳng định ‘‘mạnh mẽ chống lại bất cứ nỗ lực dùng sức mạnh thay
đổi nguyên trạng nào tại Biển Đông và Biển Hoa Đông’’, ‘‘cổ vũ cho giải
pháp hòa bình giữa hai bờ eo biển Đài Loan’’, nỗ lực vì một khu vực Ấn Độ -
Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở (FOIP), dựa trên cơ sở luật pháp. Lâu nay
Trung Quốc vốn coi Biển Đông là ao nhà, với tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ
vùng biển. Bắc Kinh thường xuyên lên án các tiếng nói quốc tế chống lại bá quyền
Trung Quốc tại Biển Đông.
Việc Ukraina cam kết hợp tác với Nhật Bản vì
các mục tiêu như trên cho thấy, nếu như Trung Quốc đã chọn, chọn đứng về phía
xâm lăng trong cuộc chiến tại Ukraina, thì Ukraina cũng chọn bên, bên bảo vệ tự
do, kháng cự các thế lực độc đoán quy mô toàn cầu, một mặt trận đang hình
thành, mà cuộc chiến tự vệ của người Ukraina chống xâm lược Nga là phần nổi bật,
phần dữ dội nhất.
Cam kết hợp tác Ukraina – Nhật Bản nói trên được
lãnh đạo hai nước bất ngờ ký kết trùng vào ngày tại Matxcơva, Tập Cận Bình và
Putin ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác, trong đó cuộc xâm lăng của Nga tại
Ukraina đã hoàn toàn bị làm lơ. Thái độ đứng hẳn về phía Nga của Trung Quốc
như trên phải chăng chính là động lực trực tiếp của chuyến đi cấp tốc của thủ
tướng Nhật đến Kiev, và quyết định của Ukraina đứng hẳn về phía liên minh các
quốc gia dân chủ chống độc tài xuyên châu lục đang hình thành.
.
Thổ Nhĩ kỳ và Ai Cập nối lại quan hệ sau
10 năm gián đoạn
Không chỉ Iran và Ả Rập Xê Út nối lại quan hệ. Cục
diện địa chính trị ở Trung Cận Đông đang thay đổi. Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập lạnh nhạt
từ 10 năm nay đang nối lại quan hệ. Ngày 18/03/2023 vừa qua, ngoại trưởng Thổ
Nhĩ Kỳ tới Ai Cập. Tại Cairo, lãnh đạo ngoại giao hai bên tuyên bố sẽ nối lại
quan hệ ở cấp đại sứ càng sớm càng tốt.
Thông tín
viên Alexandre Buccianti tường trình từ Cairo:
‘‘Tâm điểm của tranh chấp Cairo-Ankara năm
2013 là việc quân đội phế truất tổng thống Mohamad Morsi của Tổ chức Huynh Đệ Hồi
giáo. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan đã tố cáo ‘‘một cuộc đảo
chính quân sự’’. Tổng thống Erdogan đã biến Istanbul thành trụ sở của Tổ chức
Huynh Đệ Hồi giáo lưu vong, những người phản đối chế độ của tổng thống Ai
Cập Abdel Fattah al-Sissi.
Thổ Nhĩ Kỳ - Ai Cập thậm chí suýt nữa đụng độ vũ
trang ở Libya, nơi Cairo và Ankara ủng hộ các phe phái đối địch. Mối quan hệ bắt
đầu được cải thiện vào năm 2022 và hai tổng thống Erdogan và Sisi đã gặp nhau ở
Doha bên lề giải World Cup.
Cairo đặt ra hai điều kiện để bình thường hóa hoàn
toàn quan hệ với Ankara: vô hiệu hóa Tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo và các phương tiện
truyền thông của tổ chức này phát sóng từ Istanbul và sửa đổi thỏa thuận về tuyến
đường phân định khu vực đặc quyền kinh tế giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya, đã không
tính đến vùng biển của Ai Cập’’.
.
Chống luật cải tổ hưu trí ở Pháp: Phong trào gia
tăng, bạo lực bên lề tăng mạnh
Phong trào phản kháng chống luật hưu trí tại
Pháp gia tăng sau khi chính phủ dùng điều 49.3 của Hiến pháp để áp luật. Bỏ phiếu
bất tín nhiệm tại Quốc Hội chỉ thiếu 9 phiếu là lật đổ chính phủ. Phát biểu của
tổng thống hôm 22/03 dường như đã không xoa dịu được đông đảo người dân.
Trong cuộc biểu tình toàn quốc ngày 23/03, bạo
lực bên lề các cuộc biểu tình gia tăng, theo ghi nhận của truyền thông. Phóng sự
của thông tín viên Amélie Beaucour từ một cuộc tuần hành ở Paris hôm 23/03:
‘‘Đây là một cuộc biểu tình chống lại việc
chính phủ áp đặt luật, và chống lại các tuyên bố của tổng thống Emmanuel
Macron. Joelle, một người mới về hưu, tham gia vào đoàn biểu tình chiều nay,
cho biết bà rất ngạc nhiên về quy mô của phong trào phản kháng.
‘‘Tôi xin nói là tôi đã đi biểu tình từ khi còn mới
6 tuổi, mẹ tôi đưa tôi đi trên xe đẩy, gia đình tôi là một gia đình tranh đấu.
Tôi thấy là tổng thống Macron đã khiến mọi người nổi giận sau phát biểu hôm
qua.
Trả lời câu hỏi của phóng viên : Bà nhìn nhận
thế nào về diễn biến phong trào phản kháng hiện nay ? Joelle đáp
: ‘‘Tôi mong muốn là mọi việc diễn biến tích cực, nhưng như bạn thấy họ
kiên quyết chống lại bởi vì ông ta quá kiêu ngạo. Thật là đáng tiếc khi châm lửa
vào thuốc súng. Người dân phẫn nộ rồi. Như vậy, có thể sẽ có leo thang, bạo lực… Thật
là đáng tiếc! Chúng ta đang đi đến chỗ này đây!’’.
Các hành động bạo lực - vượt khỏi khuôn khổ chính thức
của biểu tình, do các nghiệp đoàn chủ trì - có nguy cơ tăng vọt trong những
ngày tới. Chuyện đã bắt đầu xảy ra ngay tại một số đoạn đoàn biểu tình đi qua,
nơi thùng rác bị đốt, và các lực lượng an ninh nhiều lần can thiệp’’.
No comments:
Post a Comment