Saturday, March 4, 2023

TỪ NGÀY LỄ TÔN VINH NHÀ VĂN, NHẮC LẠI TRUNG TÂM VĂN BÚT VIỆT NAM CỘNG HÒA (Hà Thanh Vân / Saigon Nhỏ)

 



Từ ngày lễ tôn vinh nhà văn, nhắc lại Trung tâm Văn bút VNCH

Hà Thanh Vân  -  Saigon Nhỏ
3 tháng 3, 2023

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/tu-ngay-le-ton-vinh-nha-van-nhac-lai-trung-tam-van-but-vnch/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/Bieu-tuong-cua-Trung-tam-Van-but-Viet-Nam.jpg

Huy hiệu Trung Tâm Văn BÚt Việt Nam

 

Hôm nay 3 Tháng Ba là ngày International Writers’ Day, tôn vinh những nhà văn. Ngày này do PEN International (Hiệp hội Văn bút quốc tế) sáng lập. Nhân đây cũng nhắc lại một thời kỳ trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại có sự hiện diện của Trung tâm Văn bút Việt Nam (Vietnam PEN Club)

 

International Writers’ Day được lập từ năm 1986 bởi PEN International (Hiệp hội Văn bút Quốc tế), một hiệp hội toàn cầu tập hợp những người cầm bút chuyên nghiệp thuộc nhiều thể loại sáng tác và nghiên cứu văn chương. PEN International quy tụ những người cầm bút, được thành lập tại London (Anh) vào năm 1921. Những thành viên đầu tiên là những nhà văn nổi tiếng bấy giờ như: George Bernard Shaw, H. G. Wells…

 

PEN là chữ viết tắt gồm những mẫu tự đầu tiên của Poets, Essayists và Novelists (các nhà thơ; các nhà viết tiểu luận, tức là nhà nghiên cứu, lý luận phê bình và các tiểu thuyết gia). Về sau người ta hiểu E còn có thể là Editors (người biên tập) và P là Playwrights (nhà viết kịch). Ngày nay tổ chức PEN còn mở rộng cửa cho các nhà báo, các nhà hoạt động xã hội dùng ngòi bút để hành động, các nhà sử học…

 

PEN là tổ chức văn học quốc tế uy tín và lâu đời nhất thế giới với hơn 100 trung tâm PEN tại hơn 100 quốc gia. Một số tên tuổi lớn từng làm Chủ tịch PEN International như: Malcolm Afford, Alberto Moravia, Heinrich Böll, Arthur Miller, Mario Vargas Llosa, Homero Aridjis, Jiří Gruša… Chủ tịch  PEN International đương nhiệm là John Ralston Saul.

 

Trung tâm Văn bút Việt Nam (Vietnam PEN Club) và những đóng góp

 

Ở Việt Nam, dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa từng có tổ chức PEN. Tồn tại từ năm 1957 đến 1975, Trung tâm Văn bút Việt Nam (Vietnam PEN Club) đã có những đóng góp quan trọng trong đời sống văn hóa miền Nam Việt Nam.

 

Ý tưởng thành lập Trung tâm Văn bút Việt Nam được một nhóm nhà văn khởi xướng sau khi biết và tìm hiểu thông tin về PEN International. Thoạt đầu, ngày 17 Tháng Tám 1957, một số nhà văn, nhà thơ đã quyết định thành lập một tổ chức đặt tên là Hội Bút Việt. Họ mượn địa chỉ số 25 đường Võ Tánh của báo Thế Giới Tự Do để làm trụ sở về mặt pháp lý.

 

Hội Bút Việt gồm Đỗ Đức Thu, Vương Hồng Sển, Vi Huyền Đắc, Vũ Hoàng Chương, Lê Văn Siêu, Bùi Xuân Uyên, Lê Ngọc Trụ, Phạm Việt Tuyền, Như Phong Lê Văn Tiến, Tchya Đái Đức Tuấn, Thạch Trung Giả, Triều Đẩu, Xuân Nhã, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Mai Xuyên, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Phạm Tăng, Thuần Phong… Nhà văn Nhất Linh (tức là Nguyễn Tường Tam) được mời làm cố vấn kiêm thành viên danh dự.

 

Chủ tịch là nhà văn Đỗ Đức Thu. Ông làm Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam từ 1957 đến 1961. Nhà văn Nhất Linh giữ cương vị này từ năm 1961 đến 1963. Linh mục học giả Thanh Lãng là người giữ cương vị này lâu nhất, từ năm 1963 đến 1975. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương cũng từng giữ chức chủ tịch song từ chức ngay vì lý do sức khỏe để nhường vị trí cho linh mục Thanh Lãng. Trong 18 năm hoạt động, Trung tâm Văn bút Việt Nam còn có các Phó Chủ tịch là: Thanh Lãng, Vương Hồng Sển, Tchya Đái Đức Tuấn, Vi Huyền Đắc… Tổng thư ký là Nguyễn Hoạt, Phạm Việt Tuyền…

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/Nguyet-san-Tin-sach-cua-Trung-tam-Van-but-Viet-Nam.jpg

Tập san Tin Sách

 

Không chỉ các nhà văn, nhà thơ, học giả tham gia, Trung tâm Văn bút Việt Nam còn thu hút nhiều nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh, giới chức giáo dục… Số lượng người từng tham gia Trung tâm Văn bút Việt Nam lên đến khoảng 300, trong đó chủ yếu là ở Sài Gòn. Sau năm 1975, Trung tâm Văn bút Việt Nam bị chế độ cộng sản xóa sổ.

 

Về mặt hành chính, pháp lý thì ngay từ khi mới thành lập, Hội Bút Việt thành lập một ban vận động nhằm xúc tiến các thủ tục gia nhập là Hiệp hội Văn bút quốc tế. Tại Đại hội lần thứ 29 của Hiệp hội Văn bút quốc tế ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, diễn ra từ ngày 1 đến ngày 9 Tháng Chín 1957, PEN Quốc tế kết nạp thêm hai hội viên mới là Hội Bút Việt của Việt Nam và PEN Club của Iceland.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/nha_van_nhat_tien_20150117_1802677793.jpg

Nhà văn Nhật Tiến trong Lễ Trao Giải Truyện Dài do Trung Tâm Văn Bút tổ chức tại Sài Gòn ngày 15 Tháng Mười Một 1974 (ảnh: nhavannhattien.wordpress.com)

 

Sau đó, Bộ Nội vụ Chính phủ VNCH ra Nghị định số 111-BNV/NA/P5 công nhận tư cách pháp lý của Hội Văn bút Việt Nam (sau này là Trung tâm Văn bút Việt Nam). Trung tâm Văn bút Việt Nam dùng huy hiệu có hình cây bút gác chéo với thanh kiếm và thanh kiếm bị gẫy làm hai, mang ý nghĩa: “Ngòi bút bẻ gẫy được cường quyền”.

 

Trong thời gian hoạt động, trụ sở Trung tâm Văn bút Việt Nam được chuyển nhiều lần. Đầu tiên là ở số 25 đường Võ Tánh, sau chuyển sang 157 Phan Đình Phùng, rồi sang địa chỉ 36/59 đường Cô Bắc. Đến thập niên 1970, nhờ sự tài trợ của Quỹ Châu Á (Asia Foundation), và chính phủ VNCH, Trung tâm Văn bút Việt Nam dời về số 107 đường Đoàn Thị Điểm, là trụ sở khang trang hơn cả. Trụ sở này trở thành nơi lui tới gặp gỡ đàm đạo chuyện chữ nghĩa, văn chương của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhờ khuôn viên rộng rãi.

 

Mặc dù trong điều lệ sơ khởi ghi rõ: “Nhóm không phải là một tổ chức có hệ thống chặt chẽ, có chủ trương cương lĩnh hoặc đường lối nhất định nào hết. Nó không phải là một văn đoàn, văn phái. Cũng không phải là một hội ái hữu. Bút Việt chỉ là một câu lạc bộ của các nhà cầm bút muốn gặp nhau để trao đổi ý kiến về sáng tác, về công phu tìm hiểu cũng như công phu giới thiệu”, nhưng trong 18 năm tồn tại, Trung tâm Văn bút Việt Nam đã làm được nhiều việc, trong đó phải nói đến việc quy tụ một lực lượng đông đảo nhà văn có tài năng, uy tín với những đóng góp vào lịch sử văn học Việt Nam hiện đại nói chung và văn học miền Nam nói riêng. Một số hoạt động của Trung tâm Văn bút Việt Nam có thể kể đến như:

 

Tháng Tư 1958 thành lập báo “Kỷ yếu Bút Việt” làm cơ quan ngôn luận, ấn hành song song bằng ba tiếng Việt, Anh, Pháp, nhưng không định kỳ.

 

Thành lập Ban chèo cổ do Vũ Huy Chấn, Nhất Linh và Trần Tuấn Khải phụ trách, Ban kịch do Vi Huyền Đắc, Vũ Khắc Khoan, Vũ Hoàng Chương phụ trách.

 

Tháng Bảy 1962, Trung Tâm Văn bút Việt Nam có thêm nguyệt san “Tin sách”. Nội dung tờ “Tin sách” chỉ tập trung vào chuyện văn chương, gồm hai phần chính: khoảng 2/3 số trang được dành cho các bài phê bình về các tác phẩm văn thơ; 1/3 số trang còn lại thì điểm những thông tin về những cuốn sách mới xuất bản.

 

Hàng tháng Trung tâm Văn bút Việt Nam tổ chức những buổi nói chuyện về các đề tài văn học nghệ thuật do chính các hội viên làm diễn giả, thu hút đông đảo công chúng yêu văn chương. Trung tâm cũng đứng ra tổ chức và cho mượn địa điểm khi các tác giả có nhu cầu ra mắt sách. Trung tâm còn tiếp đón nhiều tác giả nước ngoài đến thăm.

 

Hình : https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/Van-But-1-1536x1482.jpg

          Ảnh: Diendantheky

 

Từ năm 1964, cứ hai năm một lần, Trung tâm Văn bút Việt Nam tổ chức một giải thưởng văn chương, đầu tiên là thể loại truyện ngắn, sau mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như: tiểu thuyết, kịch, biên khảo, thi ca, phóng sự, nghiên cứu lịch sử, sân khấu… Những tên tuổi đã từng đạt giải thưởng của Trung tâm Văn bút Việt Nam là Nguyễn Mộng Giác, Minh Quân, Lê Tất Điều, Lê Hương, Kim Chi (tức là nữ nghệ sĩ Kim Cương) v.v…

 

Trung tâm Văn bút Việt Nam cũng tuyển chọn và dịch các truyện ngắn hay ra tiếng Anh, Pháp để đóng góp cho tập san của Hiệp Hội Văn bút Quốc tế, tham dự các giải văn chương dành cho các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương (Pacific Rim). PEN Việt Nam cũng dự các đại hội của Hiệp hội Văn bút Quốc tế. Bản thân Trung tâm Văn bút Việt Nam cũng cử đại diện tham gia Hội đồng Văn hóa Giáo dục VNCH. Suốt thời gian tồn tại ngắn ngủi, Trung tâm Văn bút Việt Nam là đại diện duy nhất của văn học miền Nam trong các cuộc tiếp xúc với văn học thế giới, quảng bá văn học miền Nam ra với thế giới trong gần 20 năm, quy tụ được những tên tuổi lớn trong làng văn chương để cùng làm việc, dùng ngòi bút phụng sự cho nghệ thuật và xã hội.





No comments: