Monday, March 20, 2023

TRUNG QUỐC CÓ THỂ LÀM TRUNG GIAN HÒA GIẢI NGA - UKRAINE KHÔNG? (Reuters)

 



Trung Quốc có thể làm trung gian hòa giải Nga-Ukraine không?    

Reuters 

18/03/2023

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-co-the-lam-trung-gian-hoa-giai-nga-ukraine/7010618.html

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sắp thăm Tổng thống Nga Vladimir Putin và, theo truyền thông, tổ chức một cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vài tuần sau khi Trung Quốc đề nghị kế hoạch hòa bình 12 điểm ở Ukraine.

 

https://gdb.voanews.com/ca6b8242-cf60-416c-b45c-7a6b15839b6c_w1023_r1_s.jpg

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 4/2/2022.

 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ đang liên lạc với cả hai bên và mặc dù chưa xác nhận kế hoạch đàm phán của ông Tập với ông Putin hay ông Zelenskyy, nhưng có suy đoán rằng Trung Quốc có thể cố gắng đưa các đối thủ vào bàn đàm phán.

 

Sau đây là một số vấn đề mà Trung Quốc và các nước khác có thể sẽ tính đến khi xem xét triển vọng hòa bình ở Ukraine.

 

Tại sao Trung Quốc cố gắng làm trung gian?

 

Trung Quốc có truyền thống tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào xung đột của các nước khác, đặc biệt là những nước ở xa.

 

Nhưng một thỏa thuận hòa bình đạt được ở Bắc Kinh vào tuần trước giữa Ả Rập Xê-út và Iran cho thấy mục tiêu của Trung Quốc là thể hiện mình là một cường quốc có trách nhiệm dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, các nhà phân tích nói.

 

Ông Wang Jiangyu, giáo sư luật tại Đại học Thành phố Hong Kong, nói: “Ông Tập muốn được nhìn nhận trên trường quốc tế với tư cách là một chính khách có ảnh hưởng ít nhất ngang bằng với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ”.

 

Trung Quốc cũng nóng lòng muốn xoa dịu những lời chỉ trích rằng Bắc Kinh đứng về phía kẻ gây hấn, Nga, nước gọi cuộc xâm lược của họ vào tháng 2 năm ngoái là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

 

Các nhà phân tích cho rằng nỗ lực làm trung gian hòa giải là một công cuộc làm ăn chi phí thấp nhưng có thể mang lại lợi nhuận cao cho Trung Quốc, ngay cả khi một bước đột phá nhanh chóng là rất khó xảy ra.

 

Đề nghị hòa bình của Trung Quốc là gì?

 

Trung Quốc kêu gọi cả hai bên đồng ý xuống thang dần dần dẫn đến ngừng bắn toàn diện trong tài liệu 12 điểm về “giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”.

 

Dù kế hoạch này kêu gọi bảo vệ thường dân và tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia, nhưng Trung Quốc đã kiềm chế không lên án Nga về cuộc xâm lược của họ.

 

Kế hoạch này nhận được sự chào đón nồng nhiệt ở cả Nga và Ukraine trong khi Hoa Kỳ và NATO tỏ ra hoài nghi.

 

Ukraine, cho biết họ sẽ chỉ xem xét các giải pháp hòa bình sau khi quân đội Nga rời khỏi lãnh thổ Ukraine, đặt vấn đề rằng kế hoạch của Trung Quốc không nêu rõ là Nga nên rút quân về bên kia biên giới kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Tuy nhiên, Ukraine sau đó nói rằng họ để ngỏ cho “một số phần của kế hoạch”.

 

Nga nói họ sẽ “nghiên cứu kỹ lưỡng” kế hoạch này nhưng hiện chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho một giải pháp hòa bình.

 

Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc công khai thể hiện mình là trung lập và tìm kiếm hòa bình những cũng đồng thời phản ánh “câu chuyện sai sự thật” của Nga về cuộc chiến, cung cấp cho nước này sự hỗ trợ phi sát thương và đang xem xét hỗ trợ sát thương. Trung Quốc phủ nhận điều đó.

 

NATO cho rằng Trung Quốc không có nhiều uy tín trong vai trò trung gian hòa giải về Ukraine.

 

Trung Quốc có thể đóng vai trò gì?

 

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ khó thuyết phục được Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán, không giống như Ả Rập Xê-út và Iran, những quốc gia đã giành chiến thắng ngoại giao dễ dàng hơn.

 

Ông Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, nói: “Ả Rập Xê-út và Iran thực sự muốn nói chuyện và cải thiện quan hệ, trong khi Nga và Ukraine thì không, ít nhất là vào lúc này.”

 

Tuy nhiên, ông Tập có thể đóng vai trò như một kênh thông tin thứ hai, ông Yun nói, điều này có thể bắt đầu thúc đẩy đà tiến về các cuộc đàm phán mà hiện tại dường như không thể xảy ra khi cả hai bên đều củng cố lập trường của họ trong cuộc chiến khốc liệt.

 

Một nỗ lực không có kết quả của thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ để tổ chức đối thoại ở Istanbul trong những tuần sau khi chiến tranh bắt đầu vào năm ngoái đã nhấn mạnh những khó khăn.

 

Trung Quốc có đòn bẩy nào?

 

Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang ở vị thế hòa giải tốt hơn Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này có nhiều đòn bẩy hơn đối với Nga.

 

Trung Quốc là đồng minh quan trọng nhất của Nga và đã mua dầu của Nga và cung cấp thị trường cho hàng hóa Nga mà các nước phương Tây xa lánh.

 

Ông Samuel Ramani, một chuyên gia về Nga tại Đại học Oxford, nói Trung Quốc cũng có một số đòn bẩy đối với Ukraine, vốn không muốn đánh mất cơ hội nhận được sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc tái thiết Ukraine.

 

Ông nói, Trung Quốc đã mở rộng thương mại với Ukraine sau khi Nga xâm chiếm Crimea vào năm 2014 và không công nhận lãnh thổ bị sáp nhập là của Nga.

 

“Quan trọng nhất, ông Zelenskyy không muốn khiêu khích Trung Quốc đến mức nước này bắt đầu trang bị vũ khí cho Nga”, ông Ramani nói.

 

Trung Quốc có thể làm trung gian hoà giải trung thực không?

 

Mối quan hệ chặt chẽ của Trung Quốc với Nga có nghĩa là vai trò của nước này sẽ bị hoài nghi sâu sắc. Vài ngày trước khi Nga xâm lược Ukraine, Trung Quốc và Nga đã loan báo quan hệ đối tác “không giới hạn”.

 

Mặc dù Trung Quốc đã kêu gọi hòa bình kể từ khi bắt đầu chiến tranh, nhưng Bắc Kinh phần lớn phản ánh quan điểm của Nga rằng NATO đe dọa Nga bằng việc mở rộng về phía đông trong khi các đồng minh phương Tây của Ukraine đã thổi bùng ngọn lửa chiến tranh bằng cách cung cấp cho nước này xe tăng và phi đạn.

 

Ông Andrew Small, thành viên cao cấp tại Quỹ Marshall của Đức, nói Trung Quốc muốn được coi là đóng góp cho hòa bình nhưng không sẵn sàng gây áp lực buộc ông Putin ngừng chiến tranh và hy sinh mối quan hệ với Nga.

 

Ông nói: “Bắc Kinh không chứng tỏ uy lực cũng không tìm cách ép buộc Nga làm bất cứ điều gì.”





No comments: